Bệnh tim mạch
Bệnh tim mạch

Tổng hợp các nhóm thuốc hỗ trợ điều trị tăng huyết áp hiệu quả 2023

Các thuốc điều trị tăng huyết áp thường bao gồm nhiều loại khác nhau để kết hợp nhằm làm tăng hiệu quả điều trị cũng như mở rộng phạm vi đáp ứng cho nhiều đối tượng bệnh nhân. Hiện nay, danh mục các thuốc điều trị tăng huyết áp đang được chia thành 10 nhóm cụ thể dựa theo cơ chế làm giảm huyết áp của chúng.
Biên tập bởi Bowtie Việt Nam
Ngày đăng 2023-04-27
Cập nhật ngày 2023-05-08
Nội dung chính
1. Nhóm thuốc lợi tiểu 2. Nhóm thuốc chẹn kênh canxi3. Nhóm thuốc ức chế men chuyển angiotensin (ACE)4. Nhóm thuốc chẹn thụ thể angiotensin II (ARB)5. Nhóm thuốc chẹn beta giao cảm6. Nhóm thuốc chẹn alpha giao cảm7. Nhóm thuốc chẹn alpha - beta8. Nhóm thuốc tác động lên hệ giao cảm trung ương9. Nhóm thuốc ức chế renin10. Nhóm thuốc giãn mạch chống tăng huyết áp
Tổng hợp các nhóm thuốc hỗ trợ điều trị tăng huyết áp hiệu quả 2023

Để biết các nhóm thuốc điều trị bệnh tăng huyết áp phổ biến nhất hiện nay là gì cũng như tìm hiểu về cơ chế hoạt động của chúng, mời bạn hãy cùng Bowtie Việt Nam theo dõi các thông tin trong bài viết dưới đây nhé! 

1. Nhóm thuốc lợi tiểu

Nhóm thuốc điều trị tăng huyết áp được lựa chọn đầu tiên cho bệnh nhân thường là các thuốc lợi tiểu. Nhóm thuốc này hoạt động bằng cách thúc đẩy quá trình loại bỏ lượng muối (natri) và nước dư thừa ra khỏi cơ thể để nhanh chóng làm giảm huyết áp. Một số loại thuốc lợi tiểu phổ biến có thể kể đến như là:

  • Thuốc lợi tiểu thiazide: hydrochlorothiazide, indapamide, chlorthalidone…
  • Thuốc lợi tiểu tiết kiệm kali: spironolactone, triamterene, amiloride
  • Thuốc lợi tiểu quai: furosemide, bumetanide
  • Thuốc lợi tiểu dạng phối hợp: spironolactone/amiloride/triamterene + hydrochlorothiazide

Lưu ý khi sử dụng thuốc kiểm soát tăng huyết áp theo cơ chế lợi tiểu, bệnh nhân có thể gặp phải tình trạng mất cân bằng kali, dẫn đến các tác dụng phụ như chuột rút, suy nhược, mệt mỏi, chóng mặt, nhịp tim chậm bất thường… Vì vậy, những người bị hạ kali máu trước đó nên trao đổi với bác sĩ về việc sử dụng các thuốc này, có thể cân nhắc thay thế bằng các thuốc lợi tiểu tiết kiệm kali nếu cần thiết.

2. Nhóm thuốc chẹn kênh canxi

Tăng huyết áp có thể liên quan đến hiện tượng mạch máu bị co bóp mạnh mẽ khi ion canxi xâm nhập vào các tế bào cơ trơn ở tim và động mạch. Dựa theo cơ chế đó, các thuốc chẹn kênh canxi sẽ thực hiện nhiệm vụ ngăn cản dòng canxi đi vào tế bào để đảm bảo các mạch máu luôn được thư giãn và mở rộng, từ đó giúp cải thiện tình trạng huyết áp cao. 

Quan sát kết quả sử dụng cho thấy, việc dùng nhóm thuốc chẹn kênh canxi để điều trị tăng huyết áp cho người già hoặc những bệnh nhân kèm theo đau thắt ngực có thể mang đến nhiều lợi ích hơn so với nhóm thuốc khác. Các thuốc điều trị tăng huyết áp nổi bật trong nhóm chẹn kênh canxi gồm có amlodipine, felodipine, nicardipine, nifedipine, isradipine, diltiazem, verapamil…

Đánh trống ngực, phù, sưng mắt cá chân, táo bón, đau đầu, chóng mặt… là một số tác dụng phụ có thể xảy ra sau khi dùng thuốc chẹn kênh canxi. Đặc biệt, nguy cơ phát triển tác dụng phụ của nhóm thuốc tăng huyết áp này có thể tăng cao nếu như người bệnh sử dụng thuốc cùng với nước ép bưởi. 

3. Nhóm thuốc ức chế men chuyển angiotensin (ACE)

Một trong các loại thuốc điều trị tăng huyết áp khác cũng thường được lựa chọn đó là nhóm thuốc ức chế men chuyển angiotensin (ACE – Angiotensin converting enzyme). Thuốc đem đến hiệu quả giảm huyết áp nhờ vào khả năng làm bất hoạt một loại enzyme có vai trò chuyển hóa angiotensin I thành angiotensin II – một protein nội sinh có thể gây co thắt mạch máu và dẫn đến tăng huyết áp. Dưới đây là các thuốc ức chế ACE thường được dùng để chữa tăng huyết áp:  

  • Captopril
  • Enalapril
  • Benazepril
  • Lisinopril
  • Imidapril
  • Perindopril
  • Quinapril
  • Ramipril

Không phải tất cả, nhưng một vài trường hợp điều trị bệnh tăng huyết áp bằng thuốc ACE đã có phát triển các tác dụng phụ bao gồm phát ban, ho khan, chóng mặt, phù nề ở mặt và cổ, tăng kali máu… Mặt khác, không dùng nhóm thuốc ức chế men chuyển để điều trị tăng huyết áp cho phụ nữ có thai là cảnh báo quan trọng nhất. Bởi vì chúng đã được chứng minh là có nguy cơ gây hại đối với bản thân người mẹ và cả thai nhi.

Thuốc ức chế men chuyển là một trong các thuốc điều trị tăng huyết áp
Thuốc ức chế men chuyển angiotensin là một trong các nhóm thuốc điều trị tăng huyết áp phổ biến.

4. Nhóm thuốc chẹn thụ thể angiotensin II (ARB)

Một trong các thuốc điều trị tăng huyết áp thông qua tác động trực tiếp lên hệ thống renin – angiotensin còn bao gồm nhóm thuốc chẹn thụ thể angiotensin II (Angiotensin II receptor blockers – ARB). Nếu như cơ chế của thuốc điều trị tăng huyết áp nhóm ức chế ACE là làm giảm sự hình thành angiotensin II thì nhóm thuốc ARB có tác dụng như một chất gây cản trở hoạt động của angiotensin II, khiến chúng không thể bắt đầu quá trình làm co mạch máu. Một số thuốc chống tăng huyết áp nhóm ARB thường gặp đó là:

  • Losartan
  • Irbesartan
  • Candesartan
  • Valsartan
  • Telmisartan

Cách sử dụng thuốc điều trị tăng huyết áp ARB tương tự như các thuốc ức chế men chuyển ACE và đồng thời cũng chống chỉ định đối với trường hợp mang thai. Mặc dù có thể gặp phải những cơn chóng mặt thoáng qua nhưng các tác dụng phụ nghiêm trọng khác thường hiếm khi xuất hiện ở bệnh nhân sử dụng thuốc ARB. Do đó, các thuốc này có thể được chỉ định để điều trị thay thế ở những bệnh nhân tăng huyết áp và không thể dùng thuốc ức chế men chuyển do sự ảnh hưởng của tác dụng phụ. 

5. Nhóm thuốc chẹn beta giao cảm

Bằng cách ức chế thụ thể beta ở cơ tim và cơ trơn ngoại vi (ví dụ như cơ trơn mạch máu hoặc cơ trơn phế quản), các thuốc chẹn beta giao cảm có khả năng làm chậm nhịp tim và giảm nhẹ áp lực trên tim để giúp cải thiện tình trạng huyết áp cao. Tuy nhiên, hiệu quả bảo vệ của thuốc chẹn beta được cho là kém hơn so với các nhóm thuốc điều trị tăng huyết áp khác, đặc biệt là khi sử dụng ở những bệnh nhân lớn tuổi (trên 65 tuổi).

Do đó, các chỉ định điều trị của thuốc chẹn beta giao cảm thường có sự kết hợp với một loại thuốc tăng huyết áp khác và chủ yếu được áp dụng cho các trường hợp tăng huyết áp kèm theo nhịp tim nhanh, đau thắt ngực. Các thuốc tăng huyết áp thường dùng trong nhóm chẹn beta giao cảm gồm có:

  • Ức chế chọn lọc các thụ thể beta – 1 ở cơ tim: Atenolol, bisoprolol, metoprolol, acebutolol
  • Ức chế thụ thể beta không chọn lọc: Propranolol

Lưu ý, tránh dùng các thuốc ức chế beta giao cảm (đặc biệt là propranolol) cho người bị hen suyễn bởi vì thuốc có thể gây co thắt phế quản và làm trầm trọng hơn các triệu chứng của bệnh. Ngoài ra, một số tác dụng phụ có thể liên quan đến việc sử dụng thuốc nói chung đó là chóng mặt, đau đầu, tay chân lạnh, mệt mỏi, tim đập chậm… 

6. Nhóm thuốc chẹn alpha giao cảm

Ngoài thụ thể beta, sự đáp ứng của cơ thể đối với hệ giao cảm còn liên quan đến các thụ thể gọi là alpha. Trong đó, việc kích hoạt thụ thể alpha – 1 được tìm thấy ở cơ trơn mạch máu sẽ gây ra hiện tượng co thắt mạnh, khiến các mạch máu bị thu hẹp dẫn đến tình trạng tăng huyết áp. Nhóm thuốc chẹn alpha giao cảm được phát triển để ngăn chặn quá trình này, giúp các mạch máu giãn ra và làm giảm huyết áp ở bệnh nhân. 

Doxazosin, terazosin và prazosin là 3 đại diện chính trong nhóm các thuốc điều trị tăng huyết áp qua cơ chế chẹn thụ thể alpha giao cảm. Trái ngược với nhóm thuốc chẹn beta, các thuốc chẹn thụ thể alpha thường làm nhịp tim tăng lên, đồng thời có nguy cơ gây hạ huyết áp tư thế đứng đối với một số trường hợp.

Các thuốc điều trị tăng huyết áp nhóm chẹn alpha giao cảm gây hạ huyết áp tư thế đứng
Hạ huyết áp tư thế đứng là tác dụng phụ thường gặp khi điều trị tăng huyết áp bằng các thuốc chẹn alpha giao cảm.

7. Nhóm thuốc chẹn alpha - beta

Nhóm thuốc chẹn alpha – beta bao gồm labetalol và carvedilol là một trong các nhóm thuốc điều trị tăng huyết áp khẩn cấp tại cơ sở y tế. Chúng thường được sử dụng qua đường tiêm tĩnh mạch để rút ngắn thời gian phát huy tác dụng hạ huyết áp trên cơ thể bệnh nhân.

Với cơ chế tác động lên cả thụ thể alpha và beta, các thuốc này có thể giúp huyết áp giảm đi đáng kể do vừa có hiệu quả trong việc ngăn chặn sự co thắt ở cơ trơn mạch máu, đồng thời vừa có khả năng làm chậm nhịp tim. Thuốc cũng thường được chỉ định để điều trị can thiệp trong trường hợp tăng huyết áp có xuất hiện các tổn thương kèm theo, chẳng hạn như suy tim, suy thận tiến triển nhanh, nhồi máu cơ tim cấp, sản giật… 

8. Nhóm thuốc tác động lên hệ giao cảm trung ương

Cơ chế điều trị tăng huyết áp của nhóm thuốc tác động lên hệ giao cảm trung ương là sử dụng các chất chủ vận để hoạt hóa chọn lọc một số thụ thể có tác dụng gây giãn mạch và hạ huyết áp ở trung tâm thần kinh. Phổ biến trong đó là các thuốc như clonidine, methyldopa, reserpin…

Tuy nhiên, hiện nay các thuốc điều trị tăng huyết áp liên quan đến thần kinh trung ương ít được chỉ định sử dụng. Nguyên nhân là do tác dụng phụ của thuốc có thể dẫn đến trầm cảm, ngoài ra chỉ số huyết áp của người bệnh có nguy cơ tăng vọt đến mức nguy hiểm nếu ngừng thuốc đột ngột. 

Bài viết liên quan:

9. Nhóm thuốc ức chế renin

Mặc dù không được đề cập phổ biến nhưng aliskiren là một thuốc ức chế renin cũng nằm trong nhóm các loại thuốc điều trị bệnh tăng huyết áp. Thuốc aliskiren làm giảm lượng enzyme renin do thận sản xuất ra để chặn đứng con đường chuyển hóa các angiotensin gây tăng huyết áp ngay từ ban đầu. 

Thông tin về tác dụng phụ của nhóm thuốc ức chế renin chưa đầy đủ. Tuy nhiên, đã có cảnh báo về việc xảy ra một số biến chứng nghiêm trọng, bao gồm nguy cơ đột quỵ khi sử dụng aliskiren đồng thời với các nhóm thuốc chống tăng huyết áp khác, chẳng hạn như nhóm ức chế men chuyển (ACE), nhóm chẹn thụ thể angiotensin II (ARB) hoặc nhóm thuốc lợi tiểu giữ kali.

10. Nhóm thuốc giãn mạch chống tăng huyết áp

Nhóm thuốc giãn mạch điều trị tăng huyết áp bằng cách tác động trực tiếp vào các cơ bên trong thành mạch để thư giãn và mở rộng mạch máu, cho phép máu lưu thông thuận lợi hơn nhằm cải thiện huyết áp. Thuốc giãn mạch trực tiếp thường gặp nhất đó là hydralazine, ngoài ra còn có minoxidil (ít được sử dụng). 

Thuốc hydralazine có thể dùng bằng đường uống hoặc đường tiêm tùy theo tình huống cụ thể. Trong đó, hydralazine tiêm tĩnh mạch có thể đạt hiệu quả rất nhanh sau khoảng 5 – 10 phút nên thường được chỉ định như một thuốc cấp cứu cho các trường hợp tăng huyết áp nghiêm trọng. 

Bên cạnh đó, thuốc cũng gây ra một số tác dụng phụ như nhịp tim nhanh, đau đầu, đau nhức khớp, sưng vùng mắt tuy nhiên chúng có xu hướng tự biến mất sau vài tuần và nhìn chung là nguy cơ không đáng kể.

Như vậy, trên đây là nội dung tổng hợp về các thuốc điều trị tăng huyết áp có hiệu quả tốt nhất hiện nay mà bạn có thể tham khảo qua. Tuy nhiên, tuyệt đối không tự ý sử dụng thuốc điều trị tăng huyết áp trong bất kỳ trường hợp nào. Nếu cần thiết, bạn hãy đến gặp bác sĩ và tiến hành đầy đủ các bước kiểm tra sức khỏe để được tư vấn và lựa chọn thuốc điều trị tăng huyết áp phù hợp nhất với tình trạng của bản thân.

Chia sẻ
Các thông tin trên được chia sẻ bởi Bowtie Việt Nam. Các nội dung này chỉ mang tính chất tham khảo. Trong mọi trường hợp, Bowtie không chịu trách nhiệm về bất kỳ tổn thất hoặc thiệt hại nào, dù là trực tiếp hay gián tiếp, liên quan đến việc truy cập và sử dụng nội dung của Bowtie.

Bài viết liên quan

11 triệu chứng tăng huyết áp giúp phát hiện sớm bệnh cao huyết áp 11 triệu chứng tăng huyết áp giúp phát hiện sớm bệnh cao huyết áp
Bệnh tim mạch

11 triệu chứng tăng huyết áp giúp phát hiện sớm bệnh cao huyết áp

Những điều bạn cần biết về viêm cơ tim Những điều bạn cần biết về viêm cơ tim
Bệnh tim mạch

Những điều bạn cần biết về viêm cơ tim

Nguyên nhân rối loạn lipid máu và cách phòng ngừa Nguyên nhân rối loạn lipid máu và cách phòng ngừa
Bệnh tim mạch

Nguyên nhân rối loạn lipid máu và cách phòng ngừa

Các chuyên mục khác

Email

Liên hệ chung
hello@bowtie.com.vn
Liên hệ về truyền thông
media@bowtie.com.vn
Liên hệ hợp tác
partners@bowtie.com.vn

© 2024 Bản quyền thuộc Bowtie Vietnam Company Limited.

Trình duyệt của bạn đã xảy ra lỗi. Để trải nghiệm tốt hơn, vui lòng nâng cấp hoặc thay đổi trình duyệt khác. OK