Các bệnh lý khác
Các bệnh lý khác

Chữa bệnh giang mai ở nữ dứt điểm cần lưu ý những gì?

Nữ giới mắc giang mai có thể gặp phải nhiều biến chứng nguy hiểm, đặc biệt là những ảnh hưởng nghiêm trọng đến thai nhi nếu đang mang thai. Việc phát hiện sớm và có cách chữa bệnh giang mai ở nữ giới hiệu quả sẽ giúp bệnh nhân hạn chế tối đa biến chứng của bệnh.
Biên tập bởi Bowtie Việt Nam
Ngày đăng 2023-03-16
Cập nhật ngày 2023-03-16
Nội dung chính
Nguyên nhân gây bệnh giang mai ở nữ giớiPhụ nữ mắc bệnh giang mai có triệu chứng gì?Bệnh giang mai ở nữ giới nguy hiểm đến mức nào?Làm thế nào để chẩn đoán bệnh giang mai ở nữ giới?Bệnh giang mai ở nữ có chữa được không? Cách chữa bệnh giang mai ở nữ Cách giúp nữ giới phòng ngừa bệnh giang mai hiệu quả
Chữa bệnh giang mai ở nữ dứt điểm cần lưu ý những gì?

Vậy đâu là nguyên nhân, triệu chứng và cách chữa bệnh giang mai ở nữ giới hiệu quả? Nếu bạn đang có những băn khoăn này, đừng bỏ qua bài viết dưới đây nhé. 

Nguyên nhân gây bệnh giang mai ở nữ giới

Giang mai là một bệnh nhiễm trùng do xoắn khuẩn Treponema pallidum gây ra và lây truyền chủ yếu qua đường quan hệ tình dục không có biện pháp bảo vệ. Phụ nữ có thể bị lây nhiễm bệnh khi quan hệ tình dục cả bằng đường âm đạo, hậu môn hoặc miệng với người đang mắc bệnh. Dù quan hệ đồng giới hay khác giới thì bạn vẫn có khả năng bị lây nhiễm nếu không sử dụng biện pháp an toàn.

Trên thực tế, bất kỳ ai tiếp xúc với các tổn thương giang mai đều có khả năng bị lây nhiễm xoắn khuẩn. Khi người bình thường tiếp xúc với các tổn thương của người bệnh, xoắn khuẩn có thể từ các tổn thương này xâm nhập vào cơ thể qua vết nứt, vết loét trên da. 

Việc dùng chung đồ dùng cá nhân với người bệnh cũng làm tăng nguy cơ lây nhiễm giang mai. Ngoài ra, khi mắc bệnh trong quá trình mang thai, phụ nữ có thể truyền xoắn khuẩn cho con trước khi chúng được sinh ra và gây giang mai bẩm sinh.

Phụ nữ mắc bệnh giang mai có triệu chứng gì?

Bệnh giang mai ở nữ giới sẽ tiến triển qua 4 thời kỳ và mỗi thời kỳ có những dấu hiệu, triệu chứng khác nhau. Dưới đây là những biểu hiện của bệnh giang mai qua từng thời kỳ:

Giang mai thời kỳ I

Dấu hiệu phổ biến nhất của giang mai ở thời kỳ này là xuất hiện vết loét trên da (săng). Các vết săng thường cứng, có hình tròn hay bầu dục, màu đỏ thịt tươi, không có gờ nổi cao, không đau và xuất hiện ở những vị trí xoắn khuẩn xâm nhập vào cơ thể. Đối với phụ nữ, săng hay gặp ở môi lớn, môi bé, mép âm đạo, cổ tử cung hoặc hậu môn, trực tràng và miệng.

Dù không điều trị thì các vết săng cũng tự lành trong khoảng 3 – 10 tuần. Tuy nhiên lúc này, bệnh sẽ tiếp tục tiến triển sang thời kỳ II.

Giang mai thời kỳ II

Biểu hiện lâm sàng đặc trưng của bệnh giang mai ở nữ giới thời kỳ II là tình trạng tổn thương da và niêm mạc lan rộng. Bệnh nhân có thể nhận thấy các đào ban, mảng niêm mạc hoặc sẩn giang mai xuất hiện trên da. 

Ngoài ra, người bệnh còn gặp phải các triệu chứng không đặc hiệu khác như sốt, đau họng, sưng hạch vùng, rụng tóc, sụt cân, nhức đầu, đau khớp và đau cơ. Ở phụ nữ, các mảng da mềm, phẳng có thể xuất hiện trên âm hộ. 

Ở thời kỳ này, các dấu hiệu của bệnh cũng có thể tự khỏi mà không cần điều trị. Tuy nhiên, nếu bệnh nhân không được chẩn đoán và áp dụng các phương pháp chữa bệnh giang mai ở nữ kịp thời, bệnh có thể tiến triển sang thời kỳ tiềm ẩn hoặc thậm chí là thời kỳ cuối. 

Giang mai thời kỳ tiềm ẩn (thời kỳ kín)

Bệnh nhân giang mai khi bước sang thời kỳ tiềm ẩn thường không biểu hiện bất kỳ triệu chứng nào của bệnh. Thời kỳ này có thể kéo dài nhiều năm, được chia làm 2 giai đoạn là giang mai tiềm ẩn sớm (thời gian mắc ≤ 2 năm) và giang mai tiềm ẩn muộn (thời gian mắc > 2 năm). 

Giang mai thời kỳ III

Thời kỳ III có thể xảy ra trong 10 – 30 năm sau thời điểm nhiễm khuẩn ban đầu. Lúc này, nữ giới có thể gặp phải các biểu hiện của giang mai thần kinh, giang mai tim mạch và các tổn thương gôm giang mai. Xoắn khuẩn cũng có khả năng gây tổn thương nghiêm trọng cho nhiều hệ thống cơ quan trong cơ thể. 

Bệnh giang mai ở nữ giới nguy hiểm đến mức nào?

Nếu không điều trị, bệnh giang mai có thể gây tổn thương đến nhiều cơ quan trong cơ thể, đặc biệt là tim và não. Theo đó, một số biến chứng tim mạch và thần kinh mà bệnh nhân giang mai có thể gặp phải là:

  • Biến chứng thần kinh: Giang mai gây nhức đầu, thay đổi trạng thái tâm thần, bất thường về thính giác và thị giác, đột quỵ, mất cảm giác đau và cảm thụ nhiệt độ, mất kiểm soát bàng quang…
  • Biến chứng tim mạch: Bệnh có thể dẫn đến viêm động mạch chủ, hở van động mạch chủ, viêm cơ tim, hẹp động mạch vành…

Ngoài ra, nữ giới mắc giang mai cũng có khả năng cao bị nhiễm HIV bởi các tổn thương giang mai dễ chảy máu và tạo điều kiện cho HIV xâm nhập khi quan hệ tình dục. Đặc biệt, nếu mắc bệnh trong giai đoạn mang thai, phụ nữ có thể gặp phải nhiều biến chứng thai kỳ nguy hiểm như:  

  • Sảy thai, thai chết lưu, sinh non
  • Trẻ sơ sinh tử vong ngay từ khi mới sinh ra
  • Lây truyền xoắn khuẩn cho thai nhi và khiến bé bị giang mai bẩm sinh

Làm thế nào để chẩn đoán bệnh giang mai ở nữ giới?

Dưới đây là một số phương pháp có thể giúp bác sĩ chẩn đoán bệnh giang mai ở nữ giới:

Phương pháp gián tiếp

Đa số các phương pháp gián tiếp được dùng trong chẩn đoán giang mai là xét nghiệm huyết thanh. Với phương pháp này, mẫu bệnh phẩm sẽ là huyết thanh của bệnh nhân. Các xét nghiệm phản ứng huyết thanh chẩn đoán giang mai được chia làm 2 loại là:

  • Xét nghiệm không đặc hiệu: Phổ biến và hay được sử dụng nhất là RPR và VDRL
  • Xét nghiệm đặc hiệu: Bao gồm các xét nghiệm TPHA, TPPA và FTA abs.

Phương pháp trực tiếp

Các phương pháp trực tiếp được dùng trong chẩn đoán giang mai là:

  • Xét nghiệm soi tìm xoắn khuẩn trên kính hiển vi nền đen
  • Xét nghiệm tìm kháng thể huỳnh quang trực tiếp
  • Xét nghiệm khuếch đại axit nucleic

Xét nghiệm nhanh chẩn đoán giang mai

Các xét nghiệm nhanh đang ngày càng được sử dụng rộng rãi trong chẩn đoán giang mai. Các xét nghiệm này cho kết quả xác định kháng thể kháng giang mai trong vòng 10 – 15 phút với độ nhạy từ 85 – 89% và độ đặc hiệu từ 93 – 98%. Có 3 loại xét nghiệm nhanh được dùng trong chẩn đoán giang mai cho phụ nữ là đặc hiệu, không đặc hiệu và phối hợp.

Chẩn đoán và chữa bệnh giang mai ở nữ
Xét nghiệm huyết thanh là một trong những phương pháp được sử dụng phổ biến để chẩn đoán bệnh giang mai ở nữ giới.

Bệnh giang mai ở nữ có chữa được không?

Bệnh giang mai ở nữ hoàn toàn có thể chữa khỏi bằng kháng sinh nếu được phát hiện sớm và điều trị hiệu quả. Vì vậy, khi nghi ngờ bản thân mắc bệnh giang mai, bạn hãy tiến hành thăm khám và thực hiện các xét nghiệm để chẩn đoán bệnh ngay. Bởi nếu trì hoãn hoặc không điều trị, khi càng tiến triển đến các giai đoạn sau, bệnh càng có nguy cơ gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng cho sức khỏe, kể cả tổn thương tim, não và thậm chí tử vong.

Cách chữa bệnh giang mai ở nữ

Bác sĩ sẽ lựa chọn phác đồ điều trị giang mai phù hợp dựa vào giai đoạn bệnh của từng bệnh nhân. Ngoài ra, đối với nữ giới mắc giang mai, phác đồ điều trị còn phụ thuộc vào việc bệnh nhân có đang mang thai hay không. Cách chữa bệnh giang mai ở nữ giới cụ thể như sau:

Đối với phụ nữ không mang thai

Trong trường hợp mắc giang mai giai đoạn sớm, người bệnh sẽ được ưu tiên điều trị bằng benzathin penicillin 2,4 triệu đơn vị, tiêm bắp sâu với một liều duy nhất. Nếu không có benzathin penicillin, bác sĩ cũng có thể sử dụng procain penicillin 1,2 triệu đơn vị để tiêm bắp cho bệnh nhân trong 10 – 14 ngày, mỗi ngày 1 lần. Nếu không có cả procain penicillin hoặc bệnh nhân dị ứng với penicillin, các thuốc được sử dụng thay thế sẽ là doxycyclin, ceftriaxon hoặc azithromycin.

Trường hợp bệnh nhân mắc giang mai trên 2 năm sẽ được điều trị bằng phác đồ ưu tiên là benzathin penicillin 2,4 triệu đơn vị, tiêm bắp sâu 1 lần/tuần trong vòng 3 tuần liên tiếp. Thời gian giữa 2 lần tiêm phải đảm bảo không quá 14 ngày. Nếu không áp dụng được phác đồ ưu tiên, bác sĩ cũng có thể cân nhắc sử dụng các phác đồ thay thế, bao gồm:

  • Tiêm bắp sâu procain penicillin 1,2 triệu đơn vị, 1 lần/ngày trong thời gian 20 ngày
  • Uống doxycyclin 100mg, 2 lần/ngày trong vòng 30 ngày

Đối với phụ nữ mang thai

Việc điều trị bệnh giang mai ở bà bầu cần quan tâm đến sự an toàn của thai nhi. Vì có thể gây ra những biến chứng nghiêm trọng cho trẻ nên thuốc doxycyclin bị cấm chỉ định sử dụng cho phụ nữ mang thai.

Theo đó, với giang mai giai đoạn sớm, phác đồ điều trị ưu tiên cho phụ nữ mang thai vẫn là tiêm một liều duy nhất thuốc benzathin penicillin 2,4 triệu đơn vị. Ngoài ra, một số phác đồ thay thế bao gồm: 

  • Tiêm bắp sâu procain penicillin 1,2 triệu đơn vị, 1 lần/ngày trong vòng 10 ngày
  • Uống erythromycin 500mg, 4 lần/ngày trong vòng 14 ngày
  • Tiêm bắp sâu ceftriaxon 1g, 1 lần/ngày trong vòng 10 – 14 ngày
  • Uống một liều duy nhất azithromycin 2g 

Đối với phụ nữ mang thai mắc giang mai muộn, phác đồ ưu tiên sẽ là tiêm bắp sâu benzathin penicillin 2,4 triệu đơn vị trong 3 tuần liên tiếp, 1 lần/tuần.  Khi không áp dụng được phác đồ này, bác sĩ có thể sử dụng:

  • Procain penicillin 1,2 triệu đơn vị, tiêm bắp sâu, 1 lần/ngày trong vòng 20 ngày
  • Erythromycin 500mg, uống 4 lần/ngày trong vòng 30 ngày

Cách giúp nữ giới phòng ngừa bệnh giang mai hiệu quả

Quan hệ tình dục an toàn là một trong những biện pháp phòng tránh bệnh giang mai tốt nhất cho nữ giới. Theo đó, phụ nữ nên chú ý: 

  • Luôn sử dụng các biện pháp an toàn khi quan hệ tình dục, kể cả quan hệ bằng đường hậu môn hoặc miệng
  • Nên giới hạn số lượng bạn tình, tốt nhất chỉ nên quan hệ với một người
  • Thường xuyên kiểm tra sức khỏe phụ khoa
  • Khám tổng quát và xét nghiệm giang mai trước khi có ý định mang thai và trong thai kỳ

Bệnh giang mai có thể xảy ra ở bất kỳ ai, cả nam lẫn nữ giới. Tuy nhiên, bệnh giang mai ở nữ có khả năng gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng hơn, đặc biệt đối với thai kỳ. Vì vậy, nếu có các triệu chứng nghi ngờ, bạn nên tiến hành thăm khám và xét nghiệm ngay để phát hiện bệnh sớm và có hướng chữa bệnh giang mai ở nữ kịp thời nhé. 

Chia sẻ
Các thông tin trên được chia sẻ bởi Bowtie Việt Nam. Các nội dung này chỉ mang tính chất tham khảo. Trong mọi trường hợp, Bowtie không chịu trách nhiệm về bất kỳ tổn thất hoặc thiệt hại nào, dù là trực tiếp hay gián tiếp, liên quan đến việc truy cập và sử dụng nội dung của Bowtie.

Bài viết liên quan

Chữa bệnh giang mai ở nam giới - Muốn hiệu quả cần điều trị đúng Chữa bệnh giang mai ở nam giới - Muốn hiệu quả cần điều trị đúng
Các bệnh lý khác

Chữa bệnh giang mai ở nam giới - Muốn hiệu quả cần điều trị đúng

Bệnh hen suyễn (hen phế quản) có lây không và lây qua đường nào? Bệnh hen suyễn (hen phế quản) có lây không và lây qua đường nào?
Các bệnh lý khác

Bệnh hen suyễn (hen phế quản) có lây không và lây qua đường nào?

11 biến chứng nguy hiểm của bệnh giang mai bạn không nên chủ quan 11 biến chứng nguy hiểm của bệnh giang mai bạn không nên chủ quan
Các bệnh lý khác

11 biến chứng nguy hiểm của bệnh giang mai bạn không nên chủ quan

Các chuyên mục khác

Email

Liên hệ chung
hello@bowtie.com.vn
Liên hệ về truyền thông
media@bowtie.com.vn
Liên hệ hợp tác
partners@bowtie.com.vn

© 2024 Bản quyền thuộc Bowtie Vietnam Company Limited.

Trình duyệt của bạn đã xảy ra lỗi. Để trải nghiệm tốt hơn, vui lòng nâng cấp hoặc thay đổi trình duyệt khác. OK