Kiến thức sức khỏe
Kiến thức sức khỏe

Đau 1 bên họng là bệnh gì? 13 lý do khiến bạn bị đau 1 bên cổ họng

Đau 1 bên họng là biểu hiện của nhiều vấn đề sức khỏe, từ thông thường đến nghiêm trọng. Hiểu rõ nguyên nhân bị đau 1 bên cổ họng (trái hoặc phải) sẽ giúp bạn không chủ quan trước tình trạng này.
Biên tập bởi Bowtie Việt Nam
Ngày đăng 2023-05-13
Cập nhật ngày 2023-05-13
Nội dung chính
Bị đau 1 bên họng là bệnh gì?Làm gì để giảm tình trạng cổ họng bị sưng đau 1 bên tại nhà?Khi nào bạn cần đến gặp bác sĩ?
Đau 1 bên họng là bệnh gì? 13 lý do khiến bạn bị đau 1 bên cổ họng

Vậy bị đau rát họng 1 bên là bệnh gì? Làm cách nào để giảm bớt tình trạng đau rát một bên cổ họng? Mời bạn hãy cùng Bowtie khám phá thêm trong bài viết này nhé.

Bị đau 1 bên họng là bệnh gì?

Đau một bên họng là tình trạng nhiều người đã từng gặp phải nhưng không biết là biểu hiện của bệnh gì. Nếu bạn cũng nằm trong số đó thì dưới đây là 13 vấn đề sức khỏe có thể gây đau 1 bên họng trái hoặc phải:

1. Nhiệt miệng

Nhiệt miệng là tình trạng các vết loét nhỏ hình thành ở niêm mạc miệng. Các vết loét này có thể xuất hiện bên trong má, dưới lưỡi, dưới môi nhưng đôi khi cũng phát triển ở phía sau cổ họng, gần amidan. 

Tình trạng nhiệt miệng có thể gây đau, thậm chí xót khi ăn hoặc nói chuyện. Nếu vết loét xuất hiện gần một amidan, điều đó có thể dẫn đến triệu chứng đau 1 bên cổ họng.

2. Sưng hạch bạch huyết

Hạch bạch huyết có nhiệm vụ giúp cơ thể “chống chọi” với tình trạng nhiễm trùng. Khi chúng sưng lên, điều đó đồng nghĩa với việc bạn có thể đã bị nhiễm virus hoặc vi khuẩn. Nếu bị nhiễm trùng ở vùng miệng và hầu họng, hạch bạch huyết ở cổ đôi khi sưng lên, chèn ép và gây đau cổ họng 1 bên. 

Trong vài trường hợp, sưng hạch bạch huyết là biểu hiện của một bệnh lý nghiêm trọng hơn như HIV và ung thư. Nếu nhận thấy hạch sưng trên 2 tuần kèm theo các biểu hiện như đổ mồ hôi đêm, sốt kéo dài, mệt mỏi, giảm cân, khó thở…, bạn cần đến bệnh viện để được bác sĩ thăm khám ngay.

3. Cảm lạnh hoặc cúm

Việc nhiễm virus cảm lạnh hoặc cúm có thể khiến các hạch bạch huyết ở một bên cổ sưng lên, từ đó gây đau ở bên cổ họng đó. Ngoài đau họng, bạn còn có thể gặp phải các triệu chứng khác như sốt, nghẹt mũi, hắt hơi khi bị cảm lạnh hoặc cúm.

4. Covid-19

Trên thực tế, đau 1 bên cổ họng cũng có thể là triệu chứng của Covid-19. Giống như bất kỳ tình trạng nhiễm virus nào, Covid-19 có khả năng gây sưng hạch bạch huyết và chảy dịch mũi sau, từ đó dẫn đến đau rát ở một bên cổ họng. 

5. Hội chứng chảy dịch mũi sau

Đây là tình trạng chất nhầy chảy từ xoang, qua mũi và xuống phía sau cổ họng. Thông thường, các tuyến ở mũi và họng sẽ sản xuất ra khoảng 1 – 2 lít chất nhầy trong một ngày. Tuy nhiên, khi bị nhiễm trùng hoặc dị ứng, các tuyến này có xu hướng tiết ra nhiều chất nhầy hơn. Khi chất nhầy không thể thoát ra ngoài đúng cách, chúng sẽ chảy xuống cổ họng.

Hội chứng này gây kích ứng và khiến cổ họng bị đau. Trên thực tế, bạn thường chỉ cảm thấy đau ở 1 bên họng, đặc biệt vào buổi sáng sau khi ngủ nghiêng. 

6. Viêm amidan

Viêm amidan xảy ra khi amidan của bạn bị viêm và sưng lên. Tình trạng này thường phổ biến ở trẻ em. Khoảng 70% các trường hợp viêm amidan là do virus nhưng vi khuẩn cũng có thể là “thủ phạm” gây bệnh. 

Nếu một bên amidan bị viêm thì sẽ gây nên tình trạng sưng và đau ở 1 bên cổ họng.  Ngoài ra, viêm amidan còn gây sốt, hôi miệng, nghẹt mũi, sổ mũi, sưng hạch bạch huyết, khó nuốt, đau đầu, đau bụng…

Viêm amidan là nguyên nhân gây đau 1 bên họng
Viêm amidan thường xảy ra ở trẻ em, khiến trẻ gặp phải tình trạng đau 1 bên họng.

7. Áp xe quanh amidan

Áp xe quanh amidan là các nốt chứa đầy mủ cấu tạo từ vi khuẩn, xác bạch cầu và mảnh vụn tế bào được tìm thấy gần amidan. Nếu mủ tích tụ ở một bên amidan, bệnh có thể gây đau rát 1 bên họng. Ngoài đau họng, các triệu chứng khác của áp xe quanh amidan là sốt, nói chuyện khó khăn, khó nuốt… 

8. Viêm thanh quản

Tình trạng này xảy ra khi thanh quản bị viêm, thường do nhiễm trùng (virus hoặc vi khuẩn) nhưng cũng có thể do hút thuốc, ho khan và mất nước gây ra. Nếu viêm thanh quản do nhiễm trùng, bạn có nguy cơ bị đau một bên cổ họng (phải hoặc trái) do sưng hạch bạch huyết 1 bên và chảy dịch mũi sau. 

Ngoài ra, người bị viêm thanh quản còn mất giọng hoặc thay đổi giọng nói, tiếng nói sẽ khàn hơn. Đồng thời, tình trạng này cũng khiến bạn khó nuốt và đau khi nói, cảm giác cổ họng cộm, vướng rất khó chịu. 

9. Tổn thương vùng miệng – họng

Nhiều tác nhân như bỏng do thức ăn nóng, trầy xước do thức ăn có cạnh sắc, đặt nội khí quản… có thể làm tổn thương khu vực phía sau miệng hoặc cổ họng. Tình trạng này có khả năng gây ra những cơn đau ở một bên họng. 

10. Bệnh trào ngược dạ dày – thực quản

Trào ngược dạ dày – thực quản là bệnh mạn tính ảnh hưởng đến sức khỏe của nhiều người trên thế giới. Bệnh xảy ra khi dịch dạ dày trào ngược lên thực quản và gây ra các triệu chứng như ợ chua, đau ngực, ho khan, khàn tiếng… Nếu bạn nằm ngủ nghiêng, dịch dạ dày có thể ảnh hưởng đến một bên cổ họng và gây đau họng 1 bên. 

11. Bệnh tay chân miệng

Bệnh lý này thường gây ra các vết loét ở lòng bàn tay, bàn chân hoặc miệng. Các vết loét có khả năng phát triển ở phía sau miệng với một bên cổ họng bị ảnh hưởng nhiều hơn bên còn lại. Từ đó, bệnh nhân sẽ bị đau rát một bên cổ họng.

12. Tổn thương dây thanh âm

Việc nói nhiều, nói to sẽ làm tổn thương hoặc loét trên dây thanh âm. Các tổn thương nếu hình thành ở một bên có thể khiến một vùng cổ họng nhất định bị đau. Ngoài ra, người bệnh còn bị khàn giọng hoặc mất giọng. 

13. Khối u vùng họng

Các khối u đang phát triển ở vùng họng có thể gây đau 1 bên cổ họng. Trên thực tế, một trong những dấu hiệu đầu tiên của ung thư vòm họng là đau họng. Để biết mình có khối u ở vòm họng hay không, bạn cần đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán chính xác. Bằng cách thực hiện các kiểm tra, xét nghiệm chuyên khoa, bác sĩ sẽ khẳng định sự tồn tại của khối u cũng như xác định xem đây là khối u lành tính hay ung thư.

Khối u ở vùng họng là nguyên nhân gây đau 1 bên họng
Các khối u ở vùng họng, dù lành tính hay ác tính, đều có thể gây đau một bên họng.

Làm gì để giảm tình trạng cổ họng bị sưng đau 1 bên tại nhà?

Nếu tình trạng đau 1 bên họng xuất hiện khiến bạn cảm thấy khó chịu, hãy thử một số cách giảm đau họng tại nhà dưới đây để “ứng phó” với tình trạng này: 

  • Súc miệng bằng nước muối ấm. Không nên cho trẻ em thử phương pháp này nếu bé không biết cách nhổ nước muối ra ngoài
  • Uống nhiều nước, ưu tiên uống nước ấm
  • Ăn thức ăn ấm hoặc mềm
  • Tránh hút thuốc hoặc tiếp xúc với khói thuốc
  • Sử dụng các viên ngậm hoặc kẹo ngậm giảm đau họng
  • Nghỉ ngơi và ngủ đủ giấc
  • Duy trì độ ẩm cho phòng bằng cách sử dụng máy tạo độ ẩm, máy phun sương
  • Cố gắng dành thời gian nghỉ ngơi và tránh tiếp xúc với người khác 

Khi nào bạn cần đến gặp bác sĩ?

Đau họng 1 bên (phải hoặc trái) khá phổ biến và có thể là dấu hiệu của một số bệnh lý kể trên. Tình trạng đau họng do cảm lạnh, cúm, hội chứng chảy dịch mũi sau, viêm amidan, tổn thương vùng miệng – họng… thường tự khỏi sau 7 – 10 ngày. Người bệnh có thể thử các phương pháp giảm đau tại nhà để làm dịu cơn đau họng. 

Tuy nhiên, nếu tình trạng đau họng chuyển biến theo chiều hướng bất thường với các biểu hiện sau đây, bạn cần đến gặp bác sĩ để được thăm khám, tìm kiếm nguyên nhân gây đau họng và điều trị kịp thời: 

  • Đau họng nghiêm trọng kéo dài và không cải thiện sau một tuần
  • Đau họng đến mức không thể ăn hoặc uống
  • Đau họng tái phát nhiều lần
  • Các hạch bạch huyết sưng to
  • Sốt cao, nhịp tim nhanh
  • Khó nuốt hoặc cảm thấy vướng ở họng
  • Khó thở, thở khò khè
  • Xuất hiện mủ ở phía sau cổ họng
  • Đau tai, đau khớp hoặc đau nhức cơ thể
  • Ho hoặc nôn ra máu
  • Cảm nhận thấy một khối u ở cổ họng
  • Khàn giọng, mất tiếng kéo dài hơn 2 tuần

Trên đây là tổng hợp 13 lý do khiến bạn bị đau 1 bên họng cùng với đó là một số biện pháp giảm đau họng tại nhà mà bạn có thể áp dụng. Với những trường hợp cổ họng bị sưng đau 1 bên lâu ngày không khỏi hoặc đau họng kèm các biểu hiện bất thường, bạn nên đến bệnh viện để được bác sĩ thăm khám và tìm ra nguyên nhân gây bệnh cụ thể nhé. 

Chia sẻ
Các thông tin trên được chia sẻ bởi Bowtie Việt Nam. Các nội dung này chỉ mang tính chất tham khảo. Trong mọi trường hợp, Bowtie không chịu trách nhiệm về bất kỳ tổn thất hoặc thiệt hại nào, dù là trực tiếp hay gián tiếp, liên quan đến việc truy cập và sử dụng nội dung của Bowtie.

Bài viết liên quan

Phù nề: Tổng hợp nguyên nhân và cách khắc phục tình trạng này Phù nề: Tổng hợp nguyên nhân và cách khắc phục tình trạng này
Kiến thức sức khỏe

Phù nề: Tổng hợp nguyên nhân và cách khắc phục tình trạng này

Giải mã tình trạng buồn ngủ trước kỳ kinh và 6 cách cải thiện Giải mã tình trạng buồn ngủ trước kỳ kinh và 6 cách cải thiện
Kiến thức sức khỏe

Giải mã tình trạng buồn ngủ trước kỳ kinh và 6 cách cải thiện

1 nụ hôn tốn bao nhiêu calo? Mách bạn tác dụng không ngờ của nụ hôn 1 nụ hôn tốn bao nhiêu calo? Mách bạn tác dụng không ngờ của nụ hôn
Kiến thức sức khỏe

1 nụ hôn tốn bao nhiêu calo? Mách bạn tác dụng không ngờ của nụ hôn

Các chuyên mục khác

Email

Liên hệ chung
hello@bowtie.com.vn
Liên hệ về truyền thông
media@bowtie.com.vn
Liên hệ hợp tác
partners@bowtie.com.vn

© 2024 Bản quyền thuộc Bowtie Vietnam Company Limited.

Trình duyệt của bạn đã xảy ra lỗi. Để trải nghiệm tốt hơn, vui lòng nâng cấp hoặc thay đổi trình duyệt khác. OK