Kiến thức sức khỏe
Kiến thức sức khỏe

Khối lượng xương là gì? Làm cách nào duy trì khối lượng xương?

Khối lượng xương được xác định bởi hàm lượng chất khoáng có trong xương (BMC), thường được đo thông qua việc sử dụng tia X. Từ chỉ số này, bạn có thể biết được khối lượng dự tính của các khoáng chất trong xương, chủ yếu là canxi và phốt-pho.
Biên tập bởi Bowtie Việt Nam
Ngày đăng 2023-06-27
Cập nhật ngày 2023-06-27
Nội dung chính
Làm cách nào để đo khối lượng xương?Giá trị bình thường của khối lượng xương là bao nhiêu?Vì sao khối lượng xương giảm thấp? Khối lượng xương thấp cho bạn biết điều gì về sức khỏe? Một số cách giúp duy trì khối lượng xương
Khối lượng xương là gì? Làm cách nào duy trì khối lượng xương?

Vậy khối lượng xương được đo như thế nào? Khối lượng xương thấp là do đâu và làm sao để duy trì sự ổn định của chỉ số này? Mời bạn tham khảo nội dung trong bài viết dưới đây của Bowtie để hiểu thêm nhé.

Làm cách nào để đo khối lượng xương?

Xét nghiệm đo mật độ xương (BMD) có thể cung cấp các thông tin tổng quan về tình trạng của xương. Xét nghiệm này giúp dự đoán khả năng mắc bệnh loãng xương, xác định nguy cơ gãy xương và đo lường mức độ đáp ứng của bệnh nhân đối với quá trình điều trị loãng xương. 

Phương pháp đo mật độ xương phổ biến nhất là DEXA (đo khả năng hấp thụ tia X năng lượng kép), một phương pháp tương tự như chụp X-quang thông thường. Các phương pháp đo mật độ xương sẽ đo mật độ khoáng chất trong xương của bạn và so sánh chúng với mật độ tiêu chuẩn, sau đó cung cấp cho bạn một điểm số. 

Công thức tính khối lượng xương
Khối lượng xương (kg) = Khối lượng tế bào không chứa chất béo – Khối lượng cơ bắp

Giá trị bình thường của khối lượng xương là bao nhiêu?

Đối với nữ giới:

Trọng lượng cơ thể Khối lượng xương
< 50kg 1,95kg
50 – 75kg 2,40kg
> 76kg 2,95kg

Đối với nam giới:

Trọng lượng cơ thể Khối lượng xương
< 65kg 2,65kg
65 – 95kg 3,29kg
> 95kg 3,69kg

Vì sao khối lượng xương giảm thấp?

Xương sẽ trở nên yếu và xốp hơn khi chúng ta già đi. Lúc này, xương mất dần chất khoáng, khối lượng và thay đổi cấu trúc khiến chúng yếu hơn và dễ gãy. Hầu hết mọi người đều bắt đầu mất khối lượng xương sau khi đạt được mật độ xương cao nhất ở khoảng độ tuổi 30. Xương của bạn càng chắc ở độ tuổi 30 thì càng mất nhiều thời gian để giảm mật độ xương. 

Một số người có mật độ xương thấp có thể không bị loãng xương. Mật độ xương thấp có khả năng là kết quả của một hay nhiều tình trạng sức khỏe, bệnh lý khác hoặc do các phương pháp điều trị y tế gây ra. Phụ nữ có nhiều nguy cơ gặp phải tình trạng mật độ xương thấp và loãng xương hơn nam giới. Điều này được giải thích là vì phụ nữ có giá trị mật độ xương cao nhất (mật độ đỉnh) thấp hơn và quá trình mất khối lượng xương diễn ra nhanh hơn nam giới do thay đổi hormone vào thời kỳ mãn kinh.

Các vấn đề sức khỏe sau đây có thể góp phần làm giảm mật độ xương ở cả nam và nữ giới: 

  • Rối loạn ăn uống và các vấn đề liên quan đến trao đổi chất khiến cơ thể không hấp thụ và sử dụng vitamin, khoáng chất hiệu quả
  • Thực hiện hóa trị hoặc dùng các thuốc như steroid để điều trị một số bệnh lý, chẳng hạn như hen suyễn
  • Tiếp xúc với bức xạ
  • Có người thân trong gia đình bị loãng xương
  • Chế độ dinh dưỡng thiếu canxi cũng như vitamin D, đặc biệt khi còn nhỏ. Vitamin D là một vitamin rất cần thiết cho quá trình hấp thụ canxi.
  • Nồng độ hormone tuyến giáp tăng cũng có thể gây mất xương

Khối lượng xương thấp cho bạn biết điều gì về sức khỏe?

Mật độ xương thấp có thể dẫn đến thiếu xương hoặc loãng xương – những tình trạng mà trong đó xương trở nên “mong manh” và dễ gãy hơn. T-score trong kết quả chụp DEXA dao động từ -1 đến -2,5 thì được phân loại là thiếu xương. Số điểm này càng thấp thì xương của bạn càng xốp. Mặc dù mức độ giảm khối lượng xương được xem là “không quá nghiêm trọng” nhưng thiếu xương vẫn là một yếu tố nguy cơ góp phần dẫn đến loãng xương. Loãng xương là khi xương trở nên xốp và dễ gãy hơn thiếu xương. 

Thiếu xương thường phổ biến ở những người trên 50 tuổi, xảy ra khi mật độ xương thấp hơn mức bình thường nhưng không bị loãng xương. Sự khác biệt trong chẩn đoán thiếu xương và loãng xương là dựa vào kết quả đo mật độ xương. Trong đó, tình trạng mất xương khi bị thiếu xương không nghiêm trọng như khi bị loãng xương. Điều này có nghĩa là khả năng bị gãy xương của người thiếu xương cao hơn người có mật độ xương bình thường nhưng ít hơn người bị loãng xương.

Mặc khác, loãng xương là một tình trạng đặc trưng bởi sự mất khối lượng xương do thiếu canxi, vitamin D, magie, vitamin và các khoáng chất khác. Người lớn tuổi mắc chứng loãng xương dễ bị gãy xương ở cổ tay, hông và cột sống, từ đó gây hạn chế khả năng vận động và hoạt động độc lập. 

Khối lượng xương thấp cho bạn biết điều gì về sức khỏe?
Bệnh nhân loãng xương có nguy cơ cao bị gãy xương.

Một số cách giúp duy trì khối lượng xương

Bạn có thể duy trì khối lượng xương ổn định bằng cách:

  • Bổ sung đủ canxi: Với người 19 – 50 tuổi và nam giới 51 – 70 tuổi, lượng canxi cần tiêu thụ mỗi ngày là 1.000mg. Mức canxi tiêu thụ cần thiết sẽ là 1.200mg mỗi ngày đối với nữ giới trên 51 tuổi và nam giới trên 71 tuổi. Các nguồn cung cấp canxi tốt cho sức khỏe là sữa, sữa chua, phô mai, hạnh nhân, bông cải xanh, cải xoăn, đậu nành…
  • Cung cấp đầy đủ vitamin D cho cơ thể: Vitamin D là một loại vitamin cần thiết giúp cơ thể hấp thu canxi. Với người lớn từ 19 – 70 tuổi, lượng vitamin D khuyến nghị tiêu thụ hằng ngày là 600IU. Mức khuyến nghị tăng lên 800IU mỗi ngày cho người trên 71 tuổi. Một nguồn cung cấp vitamin D tốt là các loại cá béo như cá hồi, cá ngừ, cá thịt trắng. Ngoài ra, nấm, trứng, sữa, ngũ cốc… cũng là nguồn cung cấp vitamin D dồi dào. Ánh nắng mặt trời cũng góp phần vào quá trình sản xuất vitamin D tự nhiên trong cơ thể. 
  • Tăng cường luyện tập thể chất: Bạn hãy thêm các bài tập gánh chịu sức nặng của cơ thể (weight-bearing exercises) như đi bộ, chạy bộ, leo cầu thang… để xây dựng khung xương chắc khỏe và làm chậm quá trình mất xương. 
  • Tránh lạm dụng chất kích thích

Khối lượng xương thấp có liên quan mật thiết đến khả năng bị thiếu xương, loãng xương. Vì vậy, bạn nên cố gắng duy trì chỉ số này ở mức ổn định để hạn chế những vấn đề do thiếu xương, loãng xương gây ra nhé.

Chia sẻ
Các thông tin trên được chia sẻ bởi Bowtie Việt Nam. Các nội dung này chỉ mang tính chất tham khảo. Trong mọi trường hợp, Bowtie không chịu trách nhiệm về bất kỳ tổn thất hoặc thiệt hại nào, dù là trực tiếp hay gián tiếp, liên quan đến việc truy cập và sử dụng nội dung của Bowtie.

Bài viết liên quan

Người bệnh tiểu đường có uống được dầu cá không? Cùng giải đáp! Người bệnh tiểu đường có uống được dầu cá không? Cùng giải đáp!
Kiến thức sức khỏe

Người bệnh tiểu đường có uống được dầu cá không? Cùng giải đáp!

Gợi ý 9 loại thịt ít calo giúp bạn xây dựng chế độ ăn hợp lý Gợi ý 9 loại thịt ít calo giúp bạn xây dựng chế độ ăn hợp lý
Kiến thức sức khỏe

Gợi ý 9 loại thịt ít calo giúp bạn xây dựng chế độ ăn hợp lý

Ngủ dậy miệng đắng và hôi: Tưởng không hại mà hại không tưởng Ngủ dậy miệng đắng và hôi: Tưởng không hại mà hại không tưởng
Kiến thức sức khỏe

Ngủ dậy miệng đắng và hôi: Tưởng không hại mà hại không tưởng

Các chuyên mục khác

Email

Liên hệ chung
hello@bowtie.com.vn
Liên hệ về truyền thông
media@bowtie.com.vn
Liên hệ hợp tác
partners@bowtie.com.vn

© 2024 Bản quyền thuộc Bowtie Vietnam Company Limited.

Trình duyệt của bạn đã xảy ra lỗi. Để trải nghiệm tốt hơn, vui lòng nâng cấp hoặc thay đổi trình duyệt khác. OK