Bệnh thận - tiết niệu
Bệnh thận - tiết niệu

Nhiễm trùng đường tiết niệu: Bệnh xảy ra ở mọi người

Nhiễm trùng đường tiết niệu là căn bệnh có thể xảy ra ở mọi đối tượng, không phân biệt nam nữ, độ tuổi. Bệnh sẽ xuất hiện ở một thời điểm nào đó trong đời mà chúng ta không thể lường trước. Nắm được các thông tin về bệnh sẽ giúp bạn có cách phòng ngừa, cũng như nhận biết, xử lý khi cần thiết.
Biên tập bởi Bowtie Việt Nam
Ngày đăng 2022-11-25
Cập nhật ngày 2023-05-15
Nội dung chính
Nhiễm trùng đường tiết niệu là gì?Dấu hiệu nhiễm trùng đường tiết niệuNguyên nhân, yếu tố nguy cơNhiễm trùng đường tiểu có nguy hiểm không?Phương pháp chẩn đoánPhương pháp điều trịCách phòng ngừa
Nhiễm trùng đường tiết niệu: Bệnh xảy ra ở mọi người

Vậy nhiễm trùng đường tiết niệu là gì? Các dấu hiệu, triệu chứng của bệnh ra sao? Mời bạn cùng Bowtie tìm hiểu thêm trong bài viết này nhé.

Nhiễm trùng đường tiết niệu là gì?

Nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI, nhiễm trùng đường tiểu) là tình trạng nhiễm trùng ở các cơ quan thuộc hệ thống tiết niệu, bao gồm thận, niệu quản, bàng quang và niệu đạo. Bệnh xảy ra khi vi khuẩn xâm nhập vào đường tiết niệu từ bên ngoài cơ thể, gây ra viêm nhiễm. 

Tình trạng nhiễm trùng thường ảnh hưởng đến bàng quang và niệu đạo nhưng cũng có trường hợp bị nhiễm trùng niệu quản và thận. Trong đó, tình trạng nhiễm trùng thận có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí dẫn đến tử vong.

Dấu hiệu nhiễm trùng đường tiết niệu

Bạn có thể phát hiện sớm bệnh nhiễm trùng đường tiết niệu thông qua các dấu hiệu nhận biết sau đây:

  • Đi tiểu thường xuyên, đặc biệt vào ban đêm
  • Tiểu gấp, tiểu không tự chủ
  • Tiểu không hết nước, chỉ tiểu được một lượng nhỏ mỗi lần
  • Tiểu buốt, tiểu rát 
  • Nước tiểu sẫm màu, đục hoặc có máu 
  • Nước tiểu có mùi hôi
  • Đau vùng bụng dưới, thắt lưng, hông hoặc vùng chậu
  • Sốt nhẹ, cảm thấy cơ thể mệt mỏi
  • Buồn nôn hoặc nôn

Các dấu hiệu nghiêm trọng hơn, chẳng hạn như những triệu chứng được liệt kê dưới đây, có thể cảnh báo nhiễm trùng thận:

  • Đau bụng, thắt lưng hoặc hông âm ỉ
  • Cơ thể ớn lạnh, run rẩy
  • Sốt cao, buồn nôn và ói mửa

Bài viết hữu ích:

Nguyên nhân, yếu tố nguy cơ

Nhiễm trùng đường tiểu thường xảy ra khi vi khuẩn xâm nhập vào đường tiết niệu qua niệu đạo và bắt đầu phát triển trong bàng quang, đôi khi lan đến niệu quản và thận. Hệ thống tiết niệu có cơ chế ngăn cản sự xâm nhập của vi khuẩn nhưng khi cơ chế này bị suy yếu, vi khuẩn sẽ tấn công và phát triển, gây nên tình trạng nhiễm trùng trong đường tiết niệu.

Tác nhân gây nhiễm trùng đường tiết niệu thường gặp nhất là Escherichia coli (E. coli), một loại vi khuẩn thường được tìm thấy trong đường tiêu hóa. Vi khuẩn có thể lây lan từ hậu môn sang niệu đạo. Ngoài ra, một số loại vi khuẩn gây bệnh lây truyền qua đường tình dục như vi khuẩn gây bệnh herpes, Chlamydia, Mycoplasma… cũng có thể tấn công vào niệu đạo và gây nhiễm trùng đường tiết niệu. 

So với nam giới thì tỷ lệ nữ giới mắc bệnh nhiễm trùng đường tiết niệu cao hơn. Theo đó, các yếu tố nguy cơ mắc nhiễm trùng đường tiểu dành riêng cho phụ nữ bao gồm:

  • Đặc điểm giải phẫu hệ tiết niệu ở nữ: Phụ nữ có niệu đạo ngắn hơn nam giới, do đó khoảng cách để vi khuẩn di chuyển từ bên ngoài đến bàng quang sẽ ngắn hơn.
  • Sinh hoạt tình dục: Phụ nữ khi quan hệ với nhiều bạn tình cùng một lúc sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh nhiễm trùng tiểu.
  • Dùng các biện pháp tránh thai: Phụ nữ nếu sử dụng màng chắn tránh thai hoặc thuốc diệt tinh trùng sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
  • Thời kỳ mãn kinh: Phụ nữ sau khi mãn kinh có sự suy giảm estrogen và gây ra những thay đổi trong đường tiết niệu, làm tăng nguy cơ nhiễm trùng tiểu.
  • Tiền sử gia đình bị nhiễm trùng tiểu: Nếu người thân trong gia đình, đặc biệt là mẹ, từng mắc nhiễm trùng tiểu, bạn có nguy cơ mắc bệnh cao hơn. 
  • Tiền sử bản thân: Người từng bị nhiễm trùng đường tiết niệu lần đầu trước 15 tuổi có nhiều nguy cơ tái phát bệnh trong tương lai. 
Yếu tố nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu
Tỷ lệ mắc bệnh nhiễm trùng đường tiết niệu ở nữ giới cao hơn nam giới.

Các yếu tố khác cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh nhiễm trùng đường tiết niệu, bao gồm:

  • Các vấn đề ở đường tiết niệu: Trẻ em khi sinh ra gặp vấn đề về đường tiết niệu thường khó đi tiểu, nước tiểu có thể trào ngược vào niệu đạo và gây nhiễm trùng tiểu.
  • Tắc nghẽn trong đường tiết niệu: Sỏi thận hoặc phì đại tuyến tiền liệt sẽ gây tắc nghẽn trong đường tiết niệu và làm tăng nguy cơ nhiễm trùng tiểu.
  • Hệ thống miễn dịch suy yếu: Đái tháo đường và các bệnh lý khác có thể làm suy yếu hệ thống miễn dịch, làm giảm khả năng phòng vệ của cơ thể khiến vi khuẩn dễ dàng xâm nhập.
  • Sử dụng ống thông: Những trường hợp không thể tự đi tiểu (người bị liệt, mắc bệnh về thần kinh…) cần sử dụng ống thông tiểu thường xuyên sẽ có nguy cơ bị nhiễm trùng tiểu cao hơn. 
  • Phẫu thuật: Sau khi phẫu thuật hoặc thăm khám đường tiết niệu, nếu sử dụng dụng cụ y tế không đảm bảo vệ sinh và không được khử khuẩn đúng cách thì cũng có thể làm tăng nguy cơ phát triển UTI.

Nhiễm trùng đường tiểu có nguy hiểm không?

Về cơ bản, người mắc bệnh nhiễm trùng đường tiết niệu có thể dễ dàng được điều trị bằng thuốc kháng sinh. Tuy nhiên, nếu không được phát hiện sớm và chữa trị kịp thời, bệnh sẽ trở nên nghiêm trọng và gây nhiều biến chứng ảnh hưởng đến sức khỏe như: 

  • Dễ bị nhiễm trùng đường tiết niệu lặp đi lặp lại nhiều lần trong vòng 6 tháng đến 1 năm.
  • Tổn thương thận vĩnh viễn do nhiễm trùng thận .
  • Nếu bị nhiễm trùng đường tiết niệu trong quá trình mang thai, phụ nữ dễ sinh non hoặc sinh con nhẹ cân.
  • Nhiễm trùng niệu đạo nhiều lần có thể gây hẹp niệu đạo ở nam giới. 
  • Gây nhiễm trùng huyết, một biến chứng có khả năng đe dọa tính mạng khi nhiễm trùng lan đến thận.

Phương pháp chẩn đoán nhiễm trùng tiểu

Khi nghi ngờ bệnh nhân bị nhiễm trùng đường tiểu, bác sĩ sẽ sử dụng các xét nghiệm sau để chẩn đoán bệnh: 

  • Xét nghiệm nước tiểu: Bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra để tìm kiếm các tế bào hồng cầu, bạch cầu và vi khuẩn trong nước tiểu của bệnh nhân. 
  • Cấy nước tiểu: Phương pháp này được sử dụng để xác định loại vi khuẩn gây bệnh có trong nước tiểu của bệnh nhân. Đây là một xét nghiệm quan trọng góp phần giúp bác sĩ đưa ra phương pháp điều trị thích hợp.

Nếu nhiễm trùng đường tiết niệu vẫn tái đi tái lại dù đã được điều trị thì bác sĩ có thể sử dụng các xét nghiệm sau để kiểm tra đường tiết niệu thêm một lần nữa:

  • Siêu âm: Khi siêu âm, bác sĩ sẽ quan sát được hình ảnh của các cơ quan nội tạng và dễ dàng phát hiện các bất thường. 
  • Soi bàng quang: Phương pháp này sử dụng một dụng cụ đặc biệt có gắn thấu kính và nguồn sáng để giúp bác sĩ quan sát bên trong bàng quang từ đường niệu đạo.
  • Chụp cắt lớp vi tính (CT): Phương pháp chụp cắt lớp vi tính sẽ cung cấp cho bác sĩ hình ảnh rõ nét hơn của đường tiết niệu.
Phương pháp chẩn đoán nhiễm trùng đường tiết niệu
Xét nghiệm nước tiểu là cách phát hiện sớm bệnh nhiễm trùng đường tiết niệu.

Phương pháp điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu

Khi bệnh nhân được chẩn đoán nhiễm trùng đường tiết niệu, bác sĩ sẽ lên phác đồ điều trị bệnh và việc sử dụng thuốc kháng sinh để tiêu diệt vi khuẩn là ưu tiên hàng đầu. Một số loại kháng sinh thường được sử dụng là:

  • Nitrofurantoin
  • Sulfonamide
  • Amoxicillin
  • Cephalosporin
  • Trimethoprim/sulfamethoxazole 
  • Doxycyclin
  • Quinolone

Một lưu ý khi sử dụng thuốc kháng sinh là bệnh nhân cần phải tuân thủ đúng theo chỉ dẫn của bác sĩ. Nên uống thuốc đủ liều lượng để điều trị dứt điểm bệnh, không nên ngừng thuốc khi cảm giác thấy cơ thể khỏe hơn. Việc uống thuốc đúng liệu trình là vô cùng quan trọng để hạn chế tình trạng “lờn thuốc”. 

Trong trường hợp người bệnh có tiền sử bị nhiễm trùng đường tiểu tái phát nhiều lần, bác sĩ có thể kê thuốc kháng sinh uống hàng ngày, cách ngày hoặc sau khi quan hệ tình dục để ngăn ngừa bệnh tùy vào tình trạng của bệnh nhân. 

Cách phòng ngừa nhiễm khuẩn đường tiết niệu

Để không mắc bệnh nhiễm trùng đường tiết niệu hoặc giảm nguy cơ mắc bệnh, bạn có thể thực hiện một số cách sau đây:

  • Uống nhiều nước: Nước sẽ làm loãng nước tiểu và giúp bạn đi tiểu thường xuyên hơn, từ đó đẩy vi khuẩn ra khỏi đường tiết niệu trước khi chúng có cơ hội gây bệnh.
  • Vệ sinh đúng cách: Sau khi đi tiểu, bạn nên dùng giấy mềm lau từ trước ra sau. Việc làm này giúp ngăn chặn sự lây lan của vi khuẩn từ hậu môn sang niệu đạo.
  • Chú ý sau khi quan hệ tình dục: Sau cuộc “yêu”, bạn nên đi tiểu để đẩy hết nước tiểu ra khỏi bàng quang. Bên cạnh đó, bạn cũng nên uống một cốc nước đầy để giúp loại bỏ vi khuẩn.
  • Chú ý khi sử dụng dung dịch vệ sinh phụ nữ: Các chất tẩy rửa, xịt khử mùi, thụt rửa… được dùng để vệ sinh vùng kín có thể gây kích ứng niệu đạo. Vì vậy, bạn nên lựa chọn các sản phẩm vệ sinh vùng kín lành tính.
  • Chú ý cách tránh thai: Bạn nên hạn chế sử dụng màng chắn tránh thai, bao cao su không bôi trơn hoặc bao cao su được xử lý bằng chất diệt tinh trùng bởi chúng có thể góp phần vào sự phát triển của vi khuẩn ở đường tiết niệu. 
Nhiễm trùng đường tiết niệu có lây không?

Nhiễm trùng đường tiết niệu về cơ bản không phải là bệnh truyền nhiễm nhưng người bệnh có thể lây truyền vi khuẩn cho người khác khi quan hệ tình dục, đặc biệt là việc quan hệ qua đường hậu môn. Cách quan hệ này dễ dàng tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập vào đường tiết niệu và gây bệnh. 

Bị nhiễm trùng đường tiểu có nên quan hệ?

Theo nhiều chuyên gia, người mắc bệnh nhiễm trùng đường tiết niệu không nên quan hệ tình dục cho đến khi trị khỏi bệnh. Bởi trong khi gần gũi, bạn sẽ cảm thấy không thoải mái do xuất hiện tình trạng ngứa ngáy, đau rát và khó chịu. Hơn nữa, hoạt động tình dục trong thời điểm này còn gây nguy hiểm cho không chỉ bạn mà cả đối phương bởi:

  • Quan hệ tình dục sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm các loại vi khuẩn mới
  • Khả năng lây bệnh cho đối phương
  • Gây đau buốt và khiến triệu chứng bệnh trầm trọng hơn

Do đó, trong thời gian bị nhiễm trùng đường tiểu, bạn nên trì hoãn quan hệ tình dục và đợi cho đến khi bệnh khỏi hẳn.

Trên đây là tổng quan về bệnh nhiễm trùng đường tiết niệu, căn bệnh có thể xảy ra ở tất cả mọi người. Để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh, bạn nên có biện pháp phòng tránh cũng như xây dựng lối sống lành mạnh cho bản thân ngay từ hôm nay.

Chia sẻ
Các thông tin trên được chia sẻ bởi Bowtie Việt Nam. Các nội dung này chỉ mang tính chất tham khảo. Trong mọi trường hợp, Bowtie không chịu trách nhiệm về bất kỳ tổn thất hoặc thiệt hại nào, dù là trực tiếp hay gián tiếp, liên quan đến việc truy cập và sử dụng nội dung của Bowtie.

Bài viết liên quan

Hẹp niệu đạo ở nam giới Hẹp niệu đạo ở nam giới
Bệnh thận - tiết niệu

Hẹp niệu đạo ở nam giới

Hẹp niệu đạo và những điều bạn chưa biết Hẹp niệu đạo và những điều bạn chưa biết
Bệnh thận - tiết niệu

Hẹp niệu đạo và những điều bạn chưa biết

6 dấu hiệu nhiễm trùng đường tiết niệu cần cảnh giác 6 dấu hiệu nhiễm trùng đường tiết niệu cần cảnh giác
Bệnh thận - tiết niệu

6 dấu hiệu nhiễm trùng đường tiết niệu cần cảnh giác

Các chuyên mục khác

Email

Liên hệ chung
hello@bowtie.com.vn
Liên hệ về truyền thông
media@bowtie.com.vn
Liên hệ hợp tác
partners@bowtie.com.vn

© 2024 Bản quyền thuộc Bowtie Vietnam Company Limited.

Trình duyệt của bạn đã xảy ra lỗi. Để trải nghiệm tốt hơn, vui lòng nâng cấp hoặc thay đổi trình duyệt khác. OK