Nhi khoa
Nhi khoa

16 lý do khiến bé bị đau bụng và cách xử lý nhanh bố mẹ cần biết

Bé bị đau bụng là tình trạng rất thường gặp. Tìm hiểu một số nguyên nhân khiến bé bị đau bụng và cách xử lý nhanh sẽ giúp bố mẹ không “nao núng” khi con gặp phải tình trạng này.
Biên tập bởi Bowtie Việt Nam
Ngày đăng 2023-05-30
Cập nhật ngày 2023-08-28
Nội dung chính
16 nguyên nhân có thể khiến trẻ bị đau bụngEm bé bị đau bụng phải làm sao? Cách xử lý khi trẻ em bị đau bụngKhi nào bố mẹ cần đưa trẻ đến bệnh viện thăm khám?
16 lý do khiến bé bị đau bụng và cách xử lý nhanh bố mẹ cần biết

Là bố mẹ, thật khó để bạn xác định xem cơn đau bụng của con mình là bình thường hay là dấu hiệu của một số vấn đề nghiêm trọng hơn. Nếu con bạn bị đau bụng mà chưa rõ nguyên nhân, hãy cùng Bảo hiểm Bowtie đọc ngay bài viết dưới đây để tìm kiếm lý do và chủ động giảm bớt cơn đau cho bé với các phương pháp xử lý nhanh, đơn giản. 

16 nguyên nhân có thể khiến trẻ bị đau bụng

Đau bụng là “thông điệp” mà cơ thể gửi đến chúng ta để cảnh báo rằng có điều gì không ổn đang diễn ra. Theo đó, một số vấn đề có thể khiến trẻ em hay bị đau bụng là:

Những nguyên nhân thông thường khiến trẻ con hay bị đau bụng

Một số vấn đề sức khỏe thông thường có thể khiến em bé nhà bạn bị đau bụng là:

1. Đầy hơi, khó tiêu

Đầy hơi hoặc khó tiêu là nguyên nhân gây đau bụng phổ biến ở mọi lứa tuổi, bao gồm cả trẻ em. Tình trạng này xảy ra chủ yếu do chế độ ăn uống. Nếu bé uống nhiều nước ngọt, ăn thực phẩm nhiều dầu mỡ hoặc thực phẩm có tính acid thì có thể gây đầy hơi, khó tiêu. Ngoài ra, việc ăn quá nhanh khiến bé nuốt phải nhiều không khí hơn, từ đó cũng dễ dẫn đến tình trạng này.

Các triệu chứng phổ biến của đầy hơi, khó tiêu là đau hoặc nóng rát ở vùng giữa xương ức và rốn hoặc đầy hơi, căng tức ở vùng bụng phía trên. Trong hầu hết các trường hợp, tình trạng này không quá nghiêm trọng và sẽ tự biến mất sau một thời gian ngắn. 

2. Ăn quá nhiều

Việc ăn quá nhiều thức ăn cùng một lúc có thể gây căng thẳng cho các cơ quan ở đường tiêu hóa. Điều này dẫn đến tình trạng trẻ bị đau bụng sau khi ăn.

3. Táo bón

Nếu con bảo rằng bé thấy đau bụng dưới rốn bên trái, bạn nên hỏi trẻ lần cuối đi ị là khi nào hoặc có vấn đề gì khi đi vệ sinh hay không. Trường hợp bé đã không đi vệ sinh quá 2 ngày, khi đi vệ sinh có biểu hiện ngồi lâu, phải rặn nhiều, phân thô, cứng… thì rất có thể trẻ bị đau bụng dưới rốn do táo bón. Trong trường hợp bé đi ị ra máu hoặc bị nứt hậu môn khi đi vệ sinh, chán ăn, sụt cân, bạn cần đưa con đi thăm khám bác sĩ. 

4. Tiêu chảy

Tiêu chảy thường do nhiễm trùng gây ra. Khi trẻ em bị tiêu chảy sẽ có các biểu hiện như đi tiêu phân lỏng thường xuyên kèm theo đau bụng. Các cơn đau thường báo hiệu cho trẻ biết cần phải đi vệ sinh ngay.

5. Căng thẳng

Không chỉ người lớn, trẻ em cũng có thể bị đau bụng vì lo lắng, căng thẳng quá mức. Sở dĩ như vậy là do khi căng thẳng, cơ thể bé sẽ giải phóng hormone cortisol vào máu. Điều này có thể gây ra co thắt ở bụng, từ đó dẫn đến đau bụng. 

Nếu con bạn bị đau bụng thường xuyên mà không tìm ra nguyên nhân rõ ràng nào khác, bạn có thể nghĩ đến việc con đang bị căng thẳng. Biện pháp khắc phục tốt nhất trong trường hợp này là trò chuyện với bé để xem con đang lo lắng về điều gì và tìm cách giải quyết chúng. 

6. Hành kinh

Các bé gái trong độ tuổi dậy thì có thể bị đau bụng trước hoặc trong thời gian hành kinh. Vì vậy, nếu con bạn đang ở tuổi dậy thì và bị đau bụng dưới từ nhẹ đến trung bình thì có thể là dấu hiệu sắp có kinh nguyệt. Ngoài đau bụng kinh, bé còn bị đau ngực, đau lưng, đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, tiêu chảy… 

Bé bị đau bụng do hành kinh
Hành kinh là một nguyên nhân khiến bé gái trong độ tuổi dậy thì bị đau bụng.

Bé bị đau bụng có thể là triệu chứng của tình trạng sức khỏe hay bệnh lý nguy hiểm nào?

Ngoài các nguyên nhân kể trên, trẻ em hay kêu đau bụng có thể là dấu hiệu của một số tình trạng sức khỏe hay bệnh lý nguy hiểm hơn. Vậy trẻ hay bị đau bụng là bị bệnh gì? Dấu hiệu bé hay bị đau bụng có thể do các vấn đề và bệnh lý sau đây gây ra:

7. Nuốt phải dị vật

Trẻ nhỏ thường có thói quen cho đồ vật vào miệng và đôi khi nuốt chúng. Các dị vật có kích thước nhỏ khi lọt vào đường tiêu hóa có thể được đào thải ra khỏi cơ thể mà không cần bất kỳ sự trợ giúp nào. 

Tuy nhiên, nếu dị vật có kích thước lớn hoặc nguy hiểm như pin cúc áo, nam châm… thì có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng, thậm chí đe dọa đến tính mạng. Các triệu chứng khi nuốt phải dị vật bao gồm chảy nước dãi, chán ăn, thở khò khè hoặc ho, nôn mửa, đau bụng và đi cầu phân sẫm màu.

8. Không dung nạp thực phẩm

Không dung nạp thực phẩm được hiểu nôm na là cơ thể bạn không có khả năng tiêu hóa một số loại thực phẩm nhất định. Ví dụ, bé không dung nạp lactose sẽ gặp khó khăn trong việc tiêu hóa sữa và các sản phẩm từ sữa. Tình trạng này có thể khiến bé bị đau bụng, ợ nóng, nôn mửa, tiêu chảy, khó ngủ và gặp các vấn đề về da như nổi mề đay, phát ban. 

9. Viêm dạ dày – ruột

Viêm dạ dày – ruột thường xảy ra do nhiễm virus hoặc đôi khi là vi khuẩn, thường gặp nhất là nhiễm rotavirus hoặc norovirus. Biểu hiện của bệnh lý này là tiêu chảy, đau quặn bụng, buồn nôn hoặc nôn mửa. 

10. Ngộ độc thực phẩm

Ngộ độc thực phẩm xảy ra khi bé ăn phải thực phẩm bị nhiễm khuẩn do bảo quản kém, thức ăn ôi thiu, thức ăn chưa chín… Các triệu chứng ngộ độc thực phẩm khá giống với viêm dạ dày – ruột nhưng chúng thường nghiêm trọng hơn. Khi bị ngộ độc thực phẩm, trẻ có nguy cơ mất nước nên bố mẹ cần cung cấp đủ nước cho con.  

Bài viết liên quan:

Bé bị đau bụng vì ngộ độc thực phẩm
Ngộ độc thực phẩm có thể là nguyên nhân khiến bé bị đau bụng.

11. Viêm ruột thừa

Nếu bé có biểu hiện bị đau phần bụng dưới rốn bên phải dữ dội, liên tục và thậm chí cử động nhẹ cũng gây đau thì có thể nguyên nhân là do viêm ruột thừa. Bên cạnh đau bụng, trẻ còn chán ăn, nôn mửa, sốt…

Viêm ruột thừa là một tình trạng cần cấp cứu y tế vì ruột thừa có khả năng vỡ và gây ra nhiều biến chứng. Vì vậy, nếu nghi ngờ tình trạng đau bụng dưới rốn ở trẻ em là do viêm ruột thừa, bạn cần đưa con đến bệnh viện ngay. 

12. Hội chứng ruột kích thích

Hội chứng ruột kích thích (IBS) cũng có thể là nguyên nhân gây đau bụng ở trẻ em. Trẻ em mắc hội chứng này thường bị đau bụng, thay đổi tần suất đi đại tiện hoặc thay đổi hình dạng của phân. Trên thực tế, một số trẻ sẽ bị tiêu chảy, một số khác bị táo bón hoặc vài trường hợp có thể bị tiêu chảy và táo bón xen kẽ. Với những bé bị táo bón do IBS, cơn đau bụng sẽ không biến mất sau khi đi ngoài như những trẻ bị táo bón thông thường. 

13. Nhiễm trùng đường tiết niệu

Nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI) là tình trạng không hiếm gặp ở trẻ em. Khi mắc UTI, trẻ con có thể bị đau bụng, kèm theo các triệu chứng như đau khi đi tiểu, đi tiểu thường xuyên hơn bình thường, nước tiểu có mùi hôi hoặc có lẫn máu và đôi khi bị sốt. Trẻ bị nhiễm trùng đường tiết niệu cần được thăm khám và điều trị sớm. 

14. Lồng ruột

Lồng ruột xảy ra khi một đoạn ruột trượt vào phần liền kề với chúng. Đây là tình trạng nghiêm trọng, thường gây tắc ruột và làm ngăn cản đường đi của thức ăn hoặc nước uống trong ruột. Tình trạng này có thể gây đe dọa đến tính mạng của bé nếu không được điều trị. 

Tình trạng lồng ruột sẽ khiến bé bị đau bụng dữ dội từng cơn, từ đó dẫn đến quấy khóc và bỏ ăn. Ngoài ra, trẻ có thể bị chảy máu, nôn mửa hoặc lờ đờ. 

15. Thoát vị bẹn

Thoát vị bẹn là một bệnh lý xảy ra khi ống phúc tinh mạc từ ổ bụng di chuyển xuống vùng bẹn. Đây là tình trạng tương đối phổ biến ở trẻ em. Các triệu chứng thoát vị bẹn thường bao gồm đau bụng, đau ở bẹn, buồn nôn, nôn, gặp khó khăn khi đi đại tiện… Với trường hợp thoát vị bẹn, bé cần được đưa đến bệnh viện để thăm khám và điều trị càng sớm càng tốt. 

16. Xoắn tinh hoàn

Xoắn tinh hoàn là tình trạng có thể gây đau bụng ở các bé trai. Tình trạng này xảy ra khi tinh hoàn xoay và khiến thừng tinh bị xoắn lại, từ đó làm giảm lưu lượng máu đến nuôi tinh hoàn. Nếu không được cấp cứu kịp thời, các mô tinh hoàn không nhận đủ máu có thể bị chết. 

Theo đó, bé trai bị xoắn tinh hoàn thường bị đau và sưng ở tinh hoàn, một bên tinh hoàn nằm cao hơn bên còn lại. Các cơn đau do xoắn tinh hoàn thường xuất hiện ở tinh hoàn nhưng cũng có thể lan lên bụng và khiến bé bị đau bụng. 

Em bé bị đau bụng phải làm sao? Cách xử lý khi trẻ em bị đau bụng

Bố mẹ có thể làm gì khi bé bị đau bụng để giúp con cảm thấy đỡ hơn? Khi bé bị đau bụng, bố mẹ có thể giúp trẻ giảm bớt cơn đau tại nhà bằng một số cách đơn giản sau:

  • Cho trẻ nằm xuống và nghỉ ngơi
  • Cho bé uống nhiều nước lọc, từng ngụm nhỏ để ngăn ngừa tình trạng mất nước
  • Nếu bé đói, bạn hãy để con ăn những loại thức ăn nhạt hoặc lỏng, dễ tiêu hóa. Bên cạnh đó, bạn không nên ép bé ăn nếu con cảm thấy không khỏe. 
  • Khuyến khích con đi vệ sinh nếu có nhu cầu vì điều này đôi khi có thể làm giảm một số tình trạng đau bụng 
  • Thực hiện xoa bụng nhẹ nhàng cho trẻ 
  • Thực hiện các hoạt động để trẻ phân tâm, chẳng hạn như đọc sách, nghe nhạc, xem TV…
  • Đặt một miếng khăn ấm hoặc miếng đệm sưởi ấm lên bụng của con, hơi ấm sẽ giúp làm dịu cảm giác đau bụng
  • Nếu trẻ bị đau bụng do đầy hơi, khó tiêu, bạn nên tránh cho trẻ ăn các loại thực phẩm có thể dẫn đến hoặc làm trầm trọng thêm tình trạng này, chẳng hạn như nước ngọt có ga, thực phẩm nhiều dầu mỡ, thực phẩm có tính acid…

Khi nào bố mẹ cần đưa trẻ đến bệnh viện thăm khám?

Đau bụng là tình trạng rất thường gặp ở trẻ em. Đa số các trường hợp đau bụng không quá nghiêm trọng và có xu hướng biến mất sau vài giờ. Tuy nhiên, nếu nhận thấy bất kỳ vấn đề nào sau đây, bố mẹ nên đưa trẻ đến bệnh viện càng sớm càng tốt:

  • Đau bụng nặng, cơn đau dữ dội, nghiêm trọng hoặc trở nên tồi tệ hơn theo thời gian
  • Bé bị đau bụng trên 24 giờ
  • Cơn đau bụng trở nên tồi tệ hơn khi trẻ vận động, di chuyển
  • Cơn đau đánh thức bé khỏi giấc ngủ
  • Đau bụng kèm sốt cao trên 38°C
  • Trẻ gặp phải các vấn đề về tiểu tiện như đi tiểu thường xuyên, đau khi đi tiểu, đi tiểu ra máu, nước tiểu có mùi hôi…
  • Cơ thể trẻ mệt mỏi, mặt mũi nhợt nhạt, đổ nhiều mồ hôi, lờ đờ
  • Bé bị tiêu chảy nhiều hơn 8 – 10 lần/ngày, đi toàn nước
  • Xuất hiện dấu hiệu mất nước như mắt trũng sâu, buồn ngủ, môi và lưỡi khô
  • Phát ban da cũng như đau bụng
  • Bé đau hoặc sưng ở bẹn, bé trai bị sưng đau tinh hoàn
  • Chất nôn có màu xanh hoặc có máu
  • Phân có màu đen hoặc đỏ (có thể có máu), kể cả tiêu chảy ra máu
  • Khó thở cả khi ngồi, nằm hoặc di chuyển
  • Bụng sưng to

Trên đây là 16 lý do khiến bé bị đau bụng cùng với đó là các mẹo xử lý nhanh giúp giảm đau cho bé ngay tại nhà. Trong các trường hợp trẻ em bị đau bụng bất thường, bố mẹ cần đưa con đến bệnh viện để được bác sĩ thăm khám, chẩn đoán nguyên nhân cũng như điều trị. 

Chia sẻ
Các thông tin trên được chia sẻ bởi Bowtie Việt Nam. Các nội dung này chỉ mang tính chất tham khảo. Trong mọi trường hợp, Bowtie không chịu trách nhiệm về bất kỳ tổn thất hoặc thiệt hại nào, dù là trực tiếp hay gián tiếp, liên quan đến việc truy cập và sử dụng nội dung của Bowtie.

Bài viết liên quan

Trẻ 1 tuổi ăn được những gì và ăn bao nhiêu là đủ? Trẻ 1 tuổi ăn được những gì và ăn bao nhiêu là đủ?
Nhi khoa

Trẻ 1 tuổi ăn được những gì và ăn bao nhiêu là đủ?

Trẻ nhỏ thở khò khè và nghẹt mũi: Bố mẹ nên xử lý như thế nào? Trẻ nhỏ thở khò khè và nghẹt mũi: Bố mẹ nên xử lý như thế nào?
Nhi khoa

Trẻ nhỏ thở khò khè và nghẹt mũi: Bố mẹ nên xử lý như thế nào?

Trẻ ngủ thở ra tiếng: Bố mẹ đã biết rõ nguyên nhân? Trẻ ngủ thở ra tiếng: Bố mẹ đã biết rõ nguyên nhân?
Nhi khoa

Trẻ ngủ thở ra tiếng: Bố mẹ đã biết rõ nguyên nhân?

Các chuyên mục khác

Email

Liên hệ chung
hello@bowtie.com.vn
Liên hệ về truyền thông
media@bowtie.com.vn
Liên hệ hợp tác
partners@bowtie.com.vn

© 2024 Bản quyền thuộc Bowtie Vietnam Company Limited.

Trình duyệt của bạn đã xảy ra lỗi. Để trải nghiệm tốt hơn, vui lòng nâng cấp hoặc thay đổi trình duyệt khác. OK