Các bệnh lý khác
Các bệnh lý khác

11 biến chứng nguy hiểm của bệnh giang mai bạn không nên chủ quan

Bệnh giang mai nếu không được phát hiện và điều trị có thể gây ra nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Trong đó, những biến chứng bệnh giang mai đáng sợ nhất có thể kể đến là tổn thương vĩnh viễn ở các cơ quan như tim, não, cơ, xương, mắt…
Biên tập bởi Bowtie Việt Nam
Ngày đăng 2023-03-24
Cập nhật ngày 2023-03-24
Nội dung chính
11 biến chứng nguy hiểm của bệnh giang mai bạn cần chú ýHạn chế biến chứng của bệnh giang mai hiệu quả bằng cách nào?
11 biến chứng bệnh giang mai nguy hiểm bạn cần cảnh giác

Vậy cụ thể, bệnh giang mai gây ra những biến chứng gì? Làm thế nào để hạn chế các biến chứng của bệnh giang mai? Mời bạn cùng Bowtie dành vài phút xem qua những chia sẻ dưới đây để phần nào có lời giải đáp cho các câu hỏi này nhé!

11 biến chứng nguy hiểm của bệnh giang mai bạn cần chú ý

Nếu không được điều trị, xoắn khuẩn giang mai có thể gây tổn thương toàn bộ cơ thể. Không những vậy, bệnh lý này còn làm tăng nguy cơ nhiễm HIV và nếu phụ nữ mắc phải trong thời gian mang thai, bệnh có khả năng gây ra nhiều vấn đề sức khỏe cho cả mẹ và bé. Theo đó, bệnh giang mai có thể dẫn đến các vấn đề và biến chứng dưới đây:

1. Ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống

Bệnh giang mai gây ra nhiều dạng tổn thương ở da và niêm mạc. Theo đó, các tổn thương này có thể bao gồm săng giang mai, đào ban, mảng niêm mạc, sẩn giang mai… Dù ít khi gây ngứa nhưng các tổn thương do giang mai có khả năng lở loét, chảy dịch hoặc máu, từ đó gây nhiều khó chịu, phiền toái và làm ảnh hưởng đến công việc, cuộc sống của người bệnh. Ngoài ra, thương tổn trên da và niêm mạc cũng gây mất thẩm mỹ và đôi khi khiến bệnh nhân cảm thấy tự ti.

2. Đau ở tay chân

Giang mai có thể khiến bệnh nhân cảm thấy đau nhức ở tứ chi, đặc biệt là hai chi dưới. Nhiều người bệnh mô tả cảm giác đau này là đau nhói, đau như bị dao cắt hoặc giật mạnh. Cơn đau thường diễn ra trong thời gian ngắn, xuất hiện ngẫu nhiên. Trong trường hợp nặng, cơn đau có thể khiến bệnh nhân bước đi khập khiễng, gặp khó khăn khi đi lại. 

3. Xuất hiện gôm giang mai

Gôm giang mai là tổn thương đặc trưng của bệnh ở thời kỳ III. Tổn thương này xuất hiện ở hạ bì và tiến triển qua 4 giai đoạn. Ban đầu, nhiều cục u sẽ nổi lên dưới da. Sau đó, các cục u tăng dần kích thước, mềm, vỡ và chảy dịch dính như nhựa cao su rồi tạo thành vết loét. Vết loét cuối cùng lên da non và hình thành sẹo. 

Gôm giang mai có thể xảy ra ở nhiều vị trí trên cơ thể như mặt, da đầu, mông, đùi hoặc trên niêm mạc miệng, môi, vòm miệng, lưỡi… Tuy nhiên, nguy hiểm hơn, gôm có khả năng xuất hiện trong xương, gan, não của người bệnh.

4. Rối loạn chức năng co thắt

Giang mai thường gây tổn thương đốt sống thắt lưng thứ 2 – 4, làm ảnh hưởng không nhỏ đến chức năng tiểu tiện của bệnh nhân. Người bệnh thường có cảm giác buồn tiểu mà không tiểu được, từ đó dẫn đến bí tiểu hoặc tiểu không kiểm soát.

5. Biến chứng ở mắt

Xoắn khuẩn giang mai có thể tấn công vào niêm mạc mắt, khiến đồng tử bị thu nhỏ và mất đi năng lực phản xạ ánh sáng. Tuy nhiên, mắt vẫn duy trì được một số phản xạ điều tiết nhất định.

Bệnh giang mai cũng khiến cho cơ mắt bị tê bì, mí mắt không đều và ảnh hưởng đến thị lực của bệnh nhân. Theo đó, một số vấn đề ở mắt do bệnh giang mai gây ra là đau mắt, đỏ mắt, nhìn thấy các đốm đen trong thị trường, nhạy cảm với ánh sáng, thay đổi thị lực, nhìn mờ hoặc thậm chí là mù lòa.

6. Biến chứng ở xương khớp

Bệnh giang mai có thể ảnh hưởng đến cơ xương khớp và gây ra nhiều vấn đề ở hệ cơ quan này, thường bắt đầu từ viêm khớp xương. Nếu không được điều trị, các khớp sẽ tiếp tục bị tổn thương nhiều hơn, từ đó gây hại cho cấu trúc xương và dẫn đến thoát vị, gãy xương. Biến chứng bệnh giang mai này chủ yếu xảy ra ở hông, đầu gối, mắt cá chân hoặc thậm chí là ở đốt sống lưng và chi trên.

7. Biến chứng trên nội tạng

Nếu không được điều trị, xoắn khuẩn giang mai sẽ xâm nhập vào nội tạng và gây tổn thương nghiêm trọng các cơ quan này. Trong đó, bệnh thường tác động đến dạ dày với các biểu hiện như đau thắt đột ngột ở bụng trên và lồng ngực, đau bụng, kiệt sức… Ruột cũng có thể bị ảnh hưởng, từ đó gây ra triệu chứng đau bụng và tiêu chảy.

8. Biến chứng trên hệ thần kinh

Xoắn khuẩn giang mai có khả năng xâm nhập vào não và gây nhiều ảnh hưởng đến hệ thần kinh, gọi chung là giang mai thần kinh. Đây được xem là một trong những biến chứng giang mai nguy hiểm mà bệnh nhân cần lưu tâm. Theo đó, giang mai thần kinh có thể xuất hiện ở bất kỳ giai đoạn nào của bệnh. Nhiều trường hợp gặp phải các vấn đề này chỉ vài tháng sau khi nhiễm xoắn khuẩn.

Các biến chứng của giang mai trên hệ thần kinh có thể kể đến là thay đổi trạng thái tâm thần cấp tính, đau đầu, rối loạn chức năng dây thần kinh sọ, thay đổi về thính giác và thị giác, viêm màng não, sa sút trí tuệ, mất cảm giác đau, rối loạn chức năng tình dục ở nam giới, đột quỵ…. Ngoài ra, giang mai thần kinh muộn có thể xảy ra sau 10 – 30 năm nhiễm bệnh và đặc trưng bởi các tổn thương rễ thần kinh sau của cột sống hoặc liệt nhẹ toàn thể. 

9. Biến chứng trên tim mạch

Giang mai có thể gây tổn thương đến tim và nhiều mạch máu trong cơ thể. Theo đó, một số biến chứng của bệnh giang mai trên tim mạch thường gặp là viêm động mạch chủ, phình động mạch chủ, hẹp động mạch vành, hở van động mạch chủ. Trong một số trường hợp, bệnh nhân còn có thể bị viêm cơ tim và suy tim.

10. Tăng nguy cơ nhiễm HIV

Theo nhiều thống kê, người mắc bệnh giang mai lây truyền qua đường tình dục có nguy cơ nhiễm HIV cao gấp 2 – 5 lần người bình thường. Nguyên nhân là do các tổn thương giang mai dễ bị chảy máu, từ đó tạo điều kiện cho HIV xâm nhập vào máu khi người bệnh sinh hoạt tình dục.

11. Biến chứng cho thai kỳ và thai nhi

Bà bầu bị giang mai có thể truyền xoắn khuẩn sang cho em bé và khiến bé bị giang mai bẩm sinh. Bệnh giang mai bẩm sinh làm tăng nguy cơ sảy thai, thai chết lưu hoặc khiến bé tử vong trong vòng vài ngày sau khi sinh. Nếu may mắn sống sót, trẻ có nguy cơ gặp phải nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng khác như viêm mắt, viêm màng não, xương biến dạng, thiếu máu, các vấn đề về não và thần kinh…

Hạn chế biến chứng của bệnh giang mai hiệu quả bằng cách nào?

Ngăn ngừa biến chứng bệnh giang mai
Bạn hoàn toàn có thể ngăn ngừa biến chứng bệnh giang mai bằng một số cách đơn giản.

Để ngăn ngừa biến chứng bệnh giang mai, cách tốt nhất bạn có thể làm là thực hiện các biện pháp phòng ngừa ngay từ đầu để giảm thiểu tối đa nguy cơ mắc phải bệnh lý này. Theo đó, bạn nên: 

  • Sử dụng các biện pháp bảo vệ như bao cao su, tấm chắn miệng khi quan hệ tình dục
  • Chỉ nên quan hệ với một người
  • Vệ sinh vùng kín sạch sẽ trước và sau khi quan hệ
  • Thường xuyên xét nghiệm giang mai và các bệnh lây truyền qua đường tình dục

Dù thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng ngừa kể trên nhưng nguy cơ mắc giang mai vẫn luôn tồn tại. Lúc này, việc phát hiện sớm và điều trị bệnh hiệu quả đóng vai trò quan trọng giúp bạn hạn chế tối đa nguy cơ gặp phải các biến chứng của giang mai.

Theo đó, bạn cần nắm rõ các dấu hiệu của bệnh để dễ dàng nhận biết và kịp thời đi khám ngay khi có những dấu hiệu bất thường. Bệnh giang mai thường phát triển theo thời kỳ, mỗi thời kỳ sẽ có những triệu chứng khác nhau. Trong đó, các triệu chứng thường gặp nhất là tổn thương trên da và niêm mạc, có thể kể đến như săng giang mai, đào ban, mảng niêm mạc, sẩn giang mai, gôm giang mai…

Khi nhận thấy các triệu chứng của bệnh hoặc bất kỳ tổn thương nào trên da, niêm mạc, tốt nhất bạn nên đi khám để được chẩn đoán và xác định nguyên nhân cụ thể. Nếu mắc giang mai, bạn sẽ được điều trị bằng kháng sinh, phổ biến nhất là penicillin. Trong quá trình điều trị, điều quan trọng là bạn cần tuân thủ theo đúng hướng dẫn của bác sĩ. Việc điều trị hiệu quả sẽ giúp tiêu diệt xoắn khuẩn, ngăn bệnh tiến triển và giúp bệnh nhân giảm thiểu tối đa nguy cơ gặp phải biến chứng giang mai. 

Hy vọng thông tin trong bài viết này đã giúp bạn hiểu hơn về các biến chứng nguy hiểm của bệnh giang mai. Bệnh có thể gây tổn thương vĩnh viễn ở nhiều cơ quan trong cơ thể. Vì vậy, bạn không nên xem thường. Hãy cố gắng thực hiện các biện pháp phòng ngừa giang mai từ sớm để hạn chế nguy cơ mắc bệnh. Trong trường hợp nhận thấy các dấu hiệu nghi ngờ, bạn cần đến bệnh viện thăm khám để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Chia sẻ
Các thông tin trên được chia sẻ bởi Bowtie Việt Nam. Các nội dung này chỉ mang tính chất tham khảo. Trong mọi trường hợp, Bowtie không chịu trách nhiệm về bất kỳ tổn thất hoặc thiệt hại nào, dù là trực tiếp hay gián tiếp, liên quan đến việc truy cập và sử dụng nội dung của Bowtie.

Bài viết liên quan

Bị cúm A ăn gì cho nhanh khỏi? Bổ sung ngay 8 nhóm thực phẩm này Bị cúm A ăn gì cho nhanh khỏi? Bổ sung ngay 8 nhóm thực phẩm này
Các bệnh lý khác

Bị cúm A ăn gì cho nhanh khỏi? Bổ sung ngay 8 nhóm thực phẩm này

Những điều cần biết về bệnh hen suyễn (hen phế quản) Những điều cần biết về bệnh hen suyễn (hen phế quản)
Các bệnh lý khác

Những điều cần biết về bệnh hen suyễn (hen phế quản)

Phân biệt hen phế quản và viêm phế quản Phân biệt hen phế quản và viêm phế quản
Các bệnh lý khác

Phân biệt hen phế quản và viêm phế quản

Các chuyên mục khác

Email

Liên hệ chung
hello@bowtie.com.vn
Liên hệ về truyền thông
media@bowtie.com.vn
Liên hệ hợp tác
partners@bowtie.com.vn

© 2024 Bản quyền thuộc Bowtie Vietnam Company Limited.

Trình duyệt của bạn đã xảy ra lỗi. Để trải nghiệm tốt hơn, vui lòng nâng cấp hoặc thay đổi trình duyệt khác. OK