Các bệnh lý khác
Các bệnh lý khác

Điểm danh 4 chủng cúm A phổ biến: Đặc điểm và biện pháp phòng ngừa

Dịch cúm A là một trong những vấn đề luôn được cảnh báo toàn cầu bởi sự lây lan mạnh mẽ của chúng, đặc biệt là trong bối cảnh hiện nay, khi mà các chủng cúm A có xu hướng biến đổi ngày càng nhiều. Nếu không có biện pháp kiểm soát và phòng ngừa hiệu quả, bệnh cúm A có thể dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng với nguy cơ tử vong hàng loạt.
Biên tập bởi Bowtie Việt Nam
Ngày đăng 2023-07-26
Cập nhật ngày 2023-07-26
Nội dung chính
Đôi nét về bệnh cúm ACác chủng virus cúm A phổ biếnCách phòng ngừa các chủng virus cúm A
Điểm danh các chủng cúm A phổ biến: Đặc điểm và biện pháp phòng ngừa

Vậy các chủng cúm A thường gặp hiện nay là gì và làm thế nào để hạn chế nguy cơ nhiễm bệnh? Để tìm lời giải đáp cho câu hỏi này, mời bạn hãy cùng Bowtie theo dõi các nội dung được chia sẻ trong bài viết dưới đây nhé!

Đôi nét về bệnh cúm A

Cúm là tình trạng nhiễm trùng cấp tính do virus gây ra ở đường hô hấp. Các loại virus cúm được chia thành 4 type A, B, C, D khác nhau. Trong đó, virus type A gây bệnh cúm A là một loại virus ARN sợi đơn âm được bao bọc bên ngoài bởi lớp vỏ glycoprotein chứa 2 loại kháng nguyên là:

  • Kháng nguyên ngưng kết hồng cầu H (Hemagglutinin) 
  • Kháng nguyên trung hoà N (Neuraminidase)

Sự biến đổi của một trong hai loại kháng nguyên kể trên chính là nguyên nhân làm xuất hiện các chủng cúm A mới. Hiện nay, có khoảng 18 loại kháng nguyên H (H1-H18) và 11 loại kháng nguyên N (N1-N9) đã được tìm thấy, dẫn đến có rất nhiều chủng cúm A đang lưu hành trên toàn thế giới. Trong đó, thường gặp nhất là các chủng cúm A/H1N1, A/H5N1, A/H3N2 và A/H7N9.

Virus cúm A là tác nhân gây bệnh ở một số loài động vật (gia cầm, chim, lợn hoặc ngựa) và có thể lây nhiễm cho cơ thể người. Do khả năng lây lan mạnh mẽ, virus cúm A là loại virus cúm mùa duy nhất có thể gây ra đại dịch ở quy mô toàn cầu, để lại nhiều tổn thất nặng nề về sức khỏe, con người và kinh tế nói chung. Mặc dù bệnh cúm A có thể tự khỏi sau 7 – 10 ngày tương tự như khi nhiễm cúm thông thường nhưng thực tế, bệnh có nhiều nguy cơ dẫn tới các biến chứng nghiêm trọng, đôi khi là tử vong nếu không được điều trị và chăm sóc kịp thời. Theo đó, một số biến chứng mà bệnh nhân có thể đối mặt là nhiễm trùng thứ phát, nhiễm trùng huyết, suy hô hấp, viêm phổi, viêm phế quản, viêm não, phù não, suy thận, viêm cơ tim…  

Nhìn chung, các chủng cúm A có thể tấn công hầu hết tất cả mọi người nhưng khả năng mắc bệnh và nguy cơ phát triển các biến chứng nặng thường cao hơn ở một số đối tượng như:

  • Trẻ nhỏ < 5 tuổi, đặc biệt là trẻ nhỏ chưa đủ 24 tháng tuổi
  • Người cao tuổi (≥ 65 tuổi)
  • Bệnh nhân suy giảm miễn dịch; mắc các bệnh nền mạn tính (ví dụ: hen suyễn, đái tháo đường, bệnh tim mạch, bệnh phổi, suy gan, suy thận…) hoặc có tiền sử động kinh, đột quỵ, rối loạn thần kinh cơ…
  • Phụ nữ mang thai, nhất là giai đoạn 3 tháng đầu hoặc 3 tháng cuối
  • Những người sinh sống, học tập hoặc làm việc trong môi trường tập thể đông đúc, chẳng hạn như bệnh viện, trường học, viện dưỡng lão…  
Đối tượng dễ nhiễm các chủng cúm A
Người già và trẻ nhỏ là những đối tượng có nhiều nguy cơ bị lây nhiễm bệnh cúm A.

Các chủng virus cúm A phổ biến

Dưới đây là thông tin về một số chủng virus cúm A phổ biến mà bạn có thể tham khảo:

Chủng virus A/H1N1 (Cúm lợn)

Được phát hiện lần đầu tiên vào năm 2009, chủng cúm A/H1N1 còn được gọi là “cúm lợn” bởi vì khi đó, có khá nhiều bằng chứng cho thấy chúng xuất phát từ lợn. Một trong những đặc điểm chính của chủng cúm A/H1N1 là khả năng lây lan với tốc độ rất nhanh, kèm theo đó thì tỷ lệ người mắc bệnh cũng cao đáng kể. Tính đến nay, dịch cúm mùa liên quan đến chủng virus cúm A/H1N1 đã được ghi nhận tại rất nhiều quốc gia trên thế giới. 

Tỷ lệ tử vong do chủng virus cúm A/H1N1 tương đối thấp, chỉ rơi vào khoảng 1 – 4% và mức độ nguy hiểm của bệnh cũng nhẹ hơn các chủng cúm A khác. Tuy nhiên, cúm A/H1N1 vẫn có nguy cơ tiến triển thành viêm phổi nặng hoặc gây nhiễm trùng thứ phát dẫn đến suy đa tạng và một số vấn đề đe dọa tính mạng khác.

Thông thường, các triệu chứng của bệnh cúm A/H1N1 sẽ diễn ra trong vòng một tuần sau đó thuyên giảm dần và có thể khỏi hẳn. Bệnh nhân có thể lây lan virus cho người khác từ trước khi xuất hiện các triệu chứng 1 ngày đến suốt thời gian diễn ra bệnh, trong đó đường lây truyền cúm A/H1N1 chủ yếu là qua hệ hô hấp. Trường hợp bị lây nhiễm, người bệnh có thể gặp phải một số dấu hiệu và biểu hiện của cúm A/H1N1 như sốt cao trên 38°C, mệt mỏi, ớn lạnh, đau nhức toàn thân, sổ mũi, ho khan, đau bụng, tiêu chảy, nôn ói…

Chủng virus A/H5N1 (Cúm gia cầm)

Virus cúm A/H5N1 xuất hiện sớm nhất tại Nam Phi vào năm 1961, khiến hàng triệu gia cầm bị nhiễm bệnh và chết đi nhưng không lây lan cho người, do đó bệnh cúm A/H5N1 còn được gọi là cúm gia cầm. Năm 1997, khả năng gây bệnh ở người của virus cúm A/H5N1 chính thức được ghi nhận sau khi phát hiện bệnh nhân đầu tiên bị lây nhiễm từ đợt dịch cúm gia cầm tại Hồng Kông.

Từ thời điểm đó đến nay, virus cúm A/H5N1 tiếp tục lây lan rộng rãi cho cả người và động vật ở nhiều quốc gia khác nhau, gây ra vô số thiệt hại nghiêm trọng. Sự lây nhiễm virus cúm A/H5N1 có thể xảy ra giữa người với người hoặc giữa người với các loài gia cầm đang mắc bệnh. Trong đó bao gồm việc tiếp xúc trực tiếp, chế biến và tiêu thụ thịt gia cầm không đảm bảo vệ sinh.

Theo các nhà khoa học, virus cúm A/H5N1 là chủng virus có độc lực mạnh và rất nguy hiểm, người bệnh có nhiều nguy cơ xuất hiện các biến chứng nặng với tỷ lệ tử vong trung bình lên đến 50 – 60%. Riêng Việt Nam đã có báo cáo về tỷ lệ tử vong 100% do biến chứng bệnh cúm A/H5N1 trong đợt dịch vào tháng 7/2004 đến 8/2004.

Bệnh nhân nhiễm cúm A/H5N1 thường có thời gian ủ bệnh khá lâu trước khi biểu hiện các triệu chứng ra bên ngoài, đôi khi có thể hơn 2 tuần. Tuy nhiên, ở giai đoạn xuất hiện triệu chứng, bệnh có thể tiến triển nặng lên chỉ trong chớp mắt nếu như không được can thiệp kịp thời. Vì vậy, cần quan sát thật kỹ các trường hợp có nguy cơ bị lây nhiễm để tiến hành điều trị sớm ngay khi nhận thấy các dấu hiệu của bệnh cúm A/H5N1 như:

  • Sốt cao đột ngột (> 38°C), sau đó kéo dài liên tục 
  • Cơ thể mất sức, mệt mỏi và đau nhức 
  • Thiếu tỉnh táo và có thể hôn mê
  • Đau đầu, đau quanh hốc mắt
  • Viêm họng, đau họng, ho khan
A/H5N1 là một trong các chủng cúm A
Chủng virus A/H5N1 có nguồn gốc từ chim, gà,... nên còn được gọi là “virus cúm gia cầm”.

Chủng virus A/H3N2

Năm 1968, lần đầu tiên thế giới đối mặt với đại dịch cúm mùa do chủng virus A/H3N2 – một loại virus cúm A có nguồn gốc từ lợn gây ra. Sự lây lan của virus cúm A/H3N2 bắt đầu được ghi nhận tại Hồng Kông trước khi phủ khắp Hoa Kỳ và các nước trên thế giới. Vì vậy, cụm từ “cúm Hồng Kông” thường được sử dụng khi đề cập đến chủng virus cúm A/H3N2.

Virus A/H3N2 là một trong các chủng cúm A được đánh giá với mức độ nguy hiểm cao, liên quan đến việc xuất hiện nhiều biến chứng nặng nề, thậm chí là tử vong. Ước tính toàn cầu có khoảng 1 triệu ca tử vong do đại dịch A/H3N2 trong giai đoạn 1968 – 1969 với phần lớn là những bệnh nhân lớn tuổi, đặc biệt là trên 65 tuổi.  

Để thích nghi với cơ thể người và duy trì sự lây lan bền vững trong cộng đồng, virus cúm A/H3N2 đã liên tục thay đổi kháng nguyên và đặc điểm di truyền kể từ khi được phát hiện. Bằng chứng là sự lưu hành rộng rãi của biến thể cúm A/H3N2 trong những năm gần đây. Song, về cơ bản thì triệu chứng của bệnh cúm A/H3N2 gần như không khác biệt so với các chủng cúm A còn lại. Tuy nhiên, điểm khác biệt là ngoài lây lan từ người sang người, virus A/H3N2 cũng có thể lây từ lợn bị nhiễm bệnh sang người.

Chủng virus A/H7N9

Virus A/H7N9 là chủng cúm gia cầm xuất hiện ở một số loài chim trong tự nhiên. Trước khi được tìm thấy vào tháng 3/2013 tại Trung Quốc, chưa từng có bất kỳ báo cáo nào về sự tồn tại của chủng cúm A này ở người và cả động vật. 

Sau những ca bệnh đầu tiên tại Trung Quốc, virus cúm A/H7N9 có xu hướng mở rộng sang các nước trong khu vực Châu Á với nhiều trường hợp mắc bệnh đã được ghi nhận. Chủ yếu là lây nhiễm trực tiếp từ gia cầm, chim hoặc thông qua việc tiếp xúc với môi trường bị ô nhiễm virus. Điều đáng mừng là khả năng lây lan giữa người với người của loại virus này còn nhiều hạn chế.

Mặc dù vậy, rủi ro gây ra đại dịch toàn cầu vẫn là mối lo ngại được cảnh báo hàng đầu. Bởi hầu hết bệnh nhân nhiễm cúm A/H7N9 thường tiến triển xấu với nhiều biến chứng nặng có thể dẫn đến tử vong như viêm phổi, suy hô hấp cấp, sốc nhiễm trùng, suy đa tạng. Trước đó, bệnh có thể khởi phát với các triệu chứng bao gồm sốt cao và ho. 

H7N9 là một trong các chủng cúm A
Chủng virus cúm A/H7N9 được ghi nhận lần đầu tiên tại Trung Quốc vào năm 2013.

Cách phòng ngừa các chủng virus cúm A

Khả năng bùng phát dịch bệnh do các chủng cúm A sẵn có hoặc chủng mới xuất hiện là điều không thể dự đoán trước. Vì vậy, để phòng ngừa nguy cơ bị lây nhiễm bệnh cúm A nói chung, bản thân mỗi người nên chủ động thực hiện các biện pháp được Bộ Y tế khuyến cáo như:

  • Thường xuyên rửa tay với nước sạch và xà phòng hoặc sát khuẩn tay bằng dung dịch cồn, nhất là sau khi tiếp xúc với các đồ vật hoặc bề mặt ở nơi công cộng.
  • Sử dụng xà phòng, cồn hoặc chất tẩy rửa để làm sạch sàn nhà, tủ bàn ghế và các vật dụng thường dùng trong nhà, phòng ngủ cũng như nơi làm việc.
  • Che mũi và miệng bằng khăn giấy sạch khi ho hoặc hắt hơi. Vứt khăn giấy đã sử dụng vào thùng rác đúng nơi quy định.
  • Hạn chế hoặc tốt nhất là không nên dùng chung các vật dụng cá nhân với người khác (ví dụ như: khăn mặt, ly uống nước, dụng cụ ăn uống,…)
  • Loại bỏ thói quen sờ tay lên mặt. Đồng thời lưu ý việc không được chạm vào mắt, mũi hoặc miệng khi tay đang bẩn.
  • Sử dụng khẩu trang, găng tay, mắt kính hoặc kính bảo hộ để che chắn khi ra ngoài hoặc trong trường hợp cần thiết.
  • Không tụ tập ở nơi đông người hoặc những khu vực có nguy cơ bị lây lan dịch bệnh. Tránh tiếp xúc gần với người nhiễm bệnh hoặc người có triệu chứng nghi ngờ cúm A.
  • Nâng cao thể trạng và sức đề kháng bằng cách duy trì chế độ ăn uống dinh dưỡng, sinh hoạt lành mạnh, nghỉ ngơi điều độ và tích cực luyện tập thể dục thể thao.
  • Chủ động tiêm phòng vaccine cúm đầy đủ, theo đúng lịch và nhắc lại đều đặn mỗi năm, đặc biệt nếu bạn thuộc nhóm các đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao. 
  • Nhanh chóng đến các cơ sở y tế uy tín để được kiểm tra và hướng dẫn xử lý ngay khi nhận thấy các triệu chứng, biểu hiện của bệnh cúm A.

Ngoài ra, để ngăn ngừa sự lây lan các chủng cúm A từ động vật, bạn nên tránh xa động vật sống cũng như những thứ liên quan đến chúng bao gồm lông, dịch tiết, chất thải… Thêm vào đó, cần chú trọng vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm khi lựa chọn các loại thịt gia cầm, thịt lợn và luôn luôn phải nấu chín hoàn toàn trước khi ăn. 

Như vậy, bài viết đã cung cấp đến bạn những thông tin hữu ích về các chủng cúm A thường gặp nhất hiện nay. Đồng thời cũng chia sẻ một số biện pháp đơn giản và vô cùng hiệu quả trong việc phòng ngừa nguy cơ mắc bệnh cúm A. Hy vọng qua đó có thể giúp bạn bảo vệ sức khỏe tốt hơn cho bản thân và gia đình. Cuối cùng, đừng quên liên hệ với các cơ sở y tế hoặc bệnh viện trong trường hợp nghi ngờ mắc bệnh, bạn nhé!

Chia sẻ
Các thông tin trên được chia sẻ bởi Bowtie Việt Nam. Các nội dung này chỉ mang tính chất tham khảo. Trong mọi trường hợp, Bowtie không chịu trách nhiệm về bất kỳ tổn thất hoặc thiệt hại nào, dù là trực tiếp hay gián tiếp, liên quan đến việc truy cập và sử dụng nội dung của Bowtie.

Bài viết liên quan

Cách kiểm tra và xử lý ngay sốt xuất huyết tại nhà nhanh, chuẩn Cách kiểm tra và xử lý ngay sốt xuất huyết tại nhà nhanh, chuẩn
Các bệnh lý khác

Cách kiểm tra và xử lý ngay sốt xuất huyết tại nhà nhanh, chuẩn

Cúm A bội nhiễm là gì, nguy hiểm thế nào và làm sao hạn chế? Cúm A bội nhiễm là gì, nguy hiểm thế nào và làm sao hạn chế?
Các bệnh lý khác

Cúm A bội nhiễm là gì, nguy hiểm thế nào và làm sao hạn chế?

10 biến chứng sốt xuất huyết bạn nên cảnh giác 10 biến chứng sốt xuất huyết bạn nên cảnh giác
Các bệnh lý khác

10 biến chứng sốt xuất huyết bạn nên cảnh giác

Các chuyên mục khác

Email

Liên hệ chung
hello@bowtie.com.vn
Liên hệ về truyền thông
media@bowtie.com.vn
Liên hệ hợp tác
partners@bowtie.com.vn

© 2024 Bản quyền thuộc Bowtie Vietnam Company Limited.

Trình duyệt của bạn đã xảy ra lỗi. Để trải nghiệm tốt hơn, vui lòng nâng cấp hoặc thay đổi trình duyệt khác. OK