Các bệnh lý khác
Các bệnh lý khác

Tổng hợp các biến chứng nguy hiểm của cúm A: Rủi ro và cách hạn chế

Cúm A có thể tự khỏi sau vài ngày cho đến một tuần nếu như bệnh nhân được điều trị và chăm sóc đúng cách. Tuy nhiên, bệnh nhân không thể loại bỏ hoàn toàn nguy cơ gặp phải các biến chứng của bệnh cúm A. Theo ghi nhận, đã có những trường hợp xảy ra các biến chứng nghiêm trọng, thậm chí là tử vong liên quan đến bệnh cúm A.
Biên tập bởi Bowtie Việt Nam
Ngày đăng 2023-07-16
Cập nhật ngày 2023-07-16
Nội dung chính
Đôi nét về cúm ANhững biến chứng nguy hiểm của bệnh cúm ANhững đối tượng có nguy cơ cao gặp biến chứng của cúm ACách hạn chế các biến chứng của cúm A khi mắc bệnh
Tổng hợp các biến chứng nguy hiểm của cúm A: Rủi ro và cách hạn chế

Vậy các biến chứng nguy hiểm của bệnh cúm A là gì, làm cách nào để hạn chế sự xuất hiện của chúng? Các nội dung dưới đây chính là đáp án cho những vấn đề này, mời bạn hãy cùng Bowtie theo dõi đến cuối bài viết nhé!

Đôi nét về cúm A

Cúm là tình trạng nhiễm trùng cấp tính ở đường hô hấp do virus gây ra. Bệnh cúm được chia thành những dạng khác nhau dựa vào tác nhân gây bệnh cụ thể, trong đó cúm A là bệnh lý xảy ra do các chủng virus cúm A, phổ biến là A/H1N1, A/H5N1, A/H7N9, A/H3N2… 

Bệnh cúm A có thể lây lan từ người sang người với tốc độ rất nhanh. Theo đó, khi người bệnh nói chuyện, ho hoặc hắt hơi không che chắn sẽ tạo ra các giọt bắn có chứa virus lơ lửng trong không khí, làm lây truyền bệnh cho những người hít phải chúng. Ngoài ra, việc đưa tay lên mắt, mũi, miệng ngay sau khi chạm vào các bề mặt hoặc vật dụng dính virus cúm A cũng có thể khiến bạn bị nhiễm bệnh.

Người bị lây nhiễm virus cúm A thường đột ngột phát triển các triệu chứng sau khi đã ủ bệnh từ 1 – 3 ngày hoặc đôi khi có thể không gặp phải bất kỳ triệu chứng nào. Tuy nhiên, bệnh nhân vẫn có khả năng truyền bệnh cúm A cho những người xung quanh ngay cả khi chưa có hoặc không có các biểu hiện bệnh. 

Các triệu chứng phổ biến của bệnh cúm A gồm có: sốt, ho, ớn lạnh, toát mồ hôi, mệt mỏi, đau đầu, đau nhức cơ bắp, hắt hơi, chảy nước mũi, nghẹt mũi, đau họng, đau hốc mắt, chán ăn, buồn nôn và tiêu chảy… Trường hợp nặng có thể xảy ra hiện tượng khó thở, đau tức ngực, đau cơ nghiêm trọng, co giật, mất nước, da xanh xao, tím tái, lú lẫn, ngủ li bì…

Đôi nét về biến chứng của cúm A
Cúm A là bệnh nhiễm trùng hô hấp do các chủng virus cúm A như A/H1N1, A/H5N1, A/H7N9, A/H3N2… gây ra.

Những biến chứng nguy hiểm của bệnh cúm A

Mặc dù triệu chứng có phần tương tự với tình trạng cảm lạnh thông thường nhưng bệnh cúm A lại có mức độ nguy hiểm hơn hẳn nếu như không được phát hiện và điều trị kịp thời. Lúc này, sức khỏe của người bệnh có thể sa sút nghiêm trọng, thậm chí còn có nguy cơ đe dọa tính mạng bởi các biến chứng của bệnh cúm A. Theo đó, những biến chứng của cúm A có thể kể đến là:

Biến chứng trên đường hô hấp

Dưới đây là một số biến chứng của bệnh cúm A trên đường hô hấp:

Viêm phế quản

Virus cúm A thường xâm nhập vào cơ thể người bệnh qua đường mũi – miệng và gây ảnh hưởng chủ yếu đến các cơ quan ở đường hô hấp trên. Tuy nhiên, đôi khi, chúng có thể di chuyển xuống khí quản và lan rộng đến phế quản, gây ra tình trạng viêm phế quản với các biểu hiện đặc trưng như ho dữ dội, ho có đờm nhầy, thở khò khè…

Viêm phổi

Không dừng lại ở khí quản và phế quản, virus cúm A còn có thể tấn công sang các túi khí ở phổi khiến chúng bị viêm và chứa đầy chất lỏng. Biến chứng viêm phổi liên quan đến cúm A có thể khiến người bệnh khó thở, mệt mỏi nhiều hơn, ho ra đờm nhầy màu vàng hoặc xanh, đau tức ngực khi ho. Một số trường hợp cũng có thể gặp phải biểu hiện tiêu chảy và nôn ói. 

Bệnh cúm A xuất hiện biến chứng viêm phổi là một vấn đề nghiêm trọng. Nếu không được can thiệp kịp thời, tình trạng này có thể dẫn đến phù nề, xung huyết hoại tử, áp xe phổi sau đó là nhiễm trùng thứ cấp khiến người bệnh gặp nhiều rủi ro tử vong do bệnh.

Nguy cơ gặp biến chứng viêm phổi thường cao hơn ở trẻ em, phụ nữ mang thai, người già trên 65 tuổi và các trường hợp mắc bệnh mạn tính bao gồm bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), hen suyễn, bệnh tim mạch vành, đái tháo đường,…

Viêm xoang

Viêm xoang có thể là một biến chứng dễ nhận biết và thường gặp hơn của bệnh cúm A. Điều này là do các hốc xoang nằm ở vị trí có thể trực tiếp thông đến mũi, tạo điều kiện thuận lợi để virus cúm A nhanh chóng xâm nhập và gây viêm.

Có thể nhận biết biến chứng viêm xoang của bệnh cúm A thông qua một số triệu chứng như cảm giác đau nhức và khó chịu ở vùng mặt, kèm với hiện tượng sổ mũi, nghẹt mũi, chảy nước mũi sau, nước mũi có màu vàng hoặc xanh…

Biến chứng trên tai

Tai – mũi – họng là những cơ quan có mối liên hệ vô cùng mật thiết và thông với nhau. Điều này giải thích vì sao các bệnh lý ở đường hô hấp có thể gây ảnh hưởng đến tai của người bệnh. Với bệnh cúm A, một phần dịch lỏng ở mũi và cổ họng thường di chuyển và bị tích tụ lại trong tai, gây ra biểu hiện sưng đau và viêm nhiễm do chất lỏng mang theo virus.

Hơn nữa, ngoài việc tấn công hệ hô hấp, virus cúm A có thể trực tiếp xâm nhập vào tai trong khiến tình trạng nhiễm trùng tại đây càng nghiêm trọng hơn. Đau tai là triệu chứng rõ ràng nhất trong hầu hết các trường hợp gặp biến chứng cúm A trên tai, thỉnh thoảng cũng xảy ra tình trạng mất thăng bằng và mất thính lực tạm thời. 

Biến chứng của cúm A ở tai
Bệnh cúm A có thể gây ra biến chứng nhiễm trùng tai ở cả trẻ em và người lớn.

Biến chứng trên hệ thần kinh

Mặc dù không quá phổ biến nhưng các biến chứng của bệnh cúm A còn có thể xuất hiện trên hệ thần kinh với mức độ nguy hiểm và tỷ lệ tử vong được cảnh báo. Khi virus lây lan đến não, chúng có thể gây ra hàng loạt các tổn thương như sốt cao, co giật, viêm não, phù não cấp hay thậm chí là đột quỵ não.

Não có thể bị tổn thương nghiêm trọng khi gặp phải di chứng của cúm A trên hệ thần kinh. Hậu quả làm ảnh hưởng đến trí nhớ, khả năng nhận thức và phát triển bình thường của người bệnh. Một số ít trường hợp còn có nguy cơ xuất hiện các khiếm khuyết vĩnh viễn. Cuối cùng, nguy hiểm nhất là khả năng tử vong cao liên quan đến tình trạng tổn thương cấp tính ở não – gan (hội chứng Reye) do nhiễm virus cúm A. 

Các biến chứng khác

Ngoài ra, bệnh cúm A còn có khả năng gây ra các biến chứng khác với mức độ nguy hiểm không hề kém cạnh. Trong đó, có thể nhắc đến một số tình trạng như viêm cơ tim, viêm mô cơ, suy hô hấp, nhiễm trùng tiết niệu và đáng chú ý nhất là:

  • Nhiễm trùng huyết: Lợi dụng lỗ hổng của hệ miễn dịch trước sự tấn công liên tục của virus cúm A, nhiều tác nhân gây bệnh cơ hội có thể xâm nhập vào hệ tuần hoàn máu, dẫn đến nhiễm trùng huyết và sau đó tiến triển thành suy nội tạng với nhiều nguy cơ tử vong.
  • Biến chứng trên thai kỳ: Mắc bệnh cúm A trong giai đoạn thai kỳ có thể làm tăng nguy cơ sẩy thai, thai chết lưu, sinh non và xuất hiện biến chứng viêm phổi. Song, trẻ sơ sinh có thể đối mặt với khả năng phát triển các dị tật bẩm sinh (như hở hàm ếch, bệnh tim bẩm sinh…) hoặc biến chứng trên hệ thần kinh nếu người mẹ nhiễm bệnh trong 3 tháng đầu của thai kỳ. 

Cùng với đó, việc mắc bệnh cúm A cũng làm trầm trọng thêm mức độ của những bệnh lý mạn tính đang mắc phải như bệnh tim mạch, ung thư, hen suyễn, đái tháo đường…

Những đối tượng có nguy cơ cao gặp biến chứng của cúm A

Bệnh cúm A và biến chứng của chúng có thể xảy ra ở bất kỳ đối tượng nào. Tuy nhiên, tỷ lệ xuất hiện các biến chứng nguy hiểm thường cao hơn nếu như người bệnh là:

  • Trẻ em: Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dưới 5 tuổi là những đối tượng có hệ miễn dịch còn non yếu, chưa phát triển hoàn thiện khả năng chống chọi lại sự tấn công của virus gây bệnh.
  • Người lớn tuổi: Hệ miễn dịch của những người trên 65 tuổi thường có xu hướng hoạt động kém hơn do sự lão hóa tự nhiên. Điều này khiến họ dễ mắc phải các bệnh mạn tính, đồng thời làm tăng nguy cơ gặp biến chứng của cúm A.
  • Phụ nữ mang thai: Trong quá trình thai nhi phát triển, nội tiết tố và sức đề kháng của người mẹ có thể bị thay đổi theo chiều hướng giảm đi, thúc đẩy sự tấn công của vi khuẩn, virus và nhiều tác nhân gây bệnh khác. 
  • Người mắc bệnh mạn tính: Một số bệnh mạn tính thường gặp như bệnh tim, hen suyễn, đái tháo đường, bệnh thận mạn tính… có thể ảnh hưởng đến khả năng bảo vệ của hệ miễn dịch, khiến các biến chứng của bệnh cúm A dễ dàng xuất hiện. 
  • Người bị suy giảm miễn dịch: Bệnh cúm A có thể tiến triển nặng hơn ở những người có hệ miễn dịch suy yếu do nguyên nhân bệnh lý hoặc do sử dụng các loại thuốc điều trị bệnh.
Đối tượng dễ gặp phải biến chứng của cúm A
Phụ nữ mang thai có nhiều nguy cơ gặp phải các biến chứng của bệnh cúm A.

Cách hạn chế các biến chứng của cúm A khi mắc bệnh

Bệnh cúm A chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Do đó, người bệnh chủ yếu được chỉ định một số loại thuốc giúp giảm triệu chứng kết hợp với các biện pháp chăm sóc và nâng cao sức khỏe để cải thiện tình trạng, cũng như góp phần hạn chế biến chứng.

Để ngăn chặn sự xuất hiện các biến chứng của cúm A một cách hiệu quả, bạn cần lưu tâm đến một số vấn đề sau đây:

  • Trước hết, bạn phải hiểu được tình trạng sức khỏe của bản thân. Nếu không may thuộc nhóm đối tượng có nguy cơ cao, việc điều trị bệnh cúm A của bạn nên được thực hiện tại bệnh viện dưới sự theo dõi của chuyên gia y tế để giảm thiểu nguy cơ bệnh diễn biến xấu.
  • Dùng thuốc kê toa theo đúng chỉ định và liều lượng của bác sĩ. Tùy theo tình trạng bệnh của mỗi người mà các loại thuốc được sử dụng để giảm triệu chứng có thể khác nhau. Do đó, tốt hơn hết là bạn không nên tự ý uống thuốc để tránh xảy ra các rủi ro đáng tiếc.
  • Trường hợp sốt cao và/hoặc đau nhiều có thể cân nhắc sử dụng thuốc paracetamol với liều lượng phù hợp.
  • Khi được điều trị và chăm sóc tại nhà, người bệnh nên uống nhiều nước, bổ sung thêm dinh dưỡng và đảm bảo việc nghỉ ngơi đầy đủ để hệ miễn dịch được hồi phục hoàn toàn, giúp bệnh nhanh chóng biến mất.

Quan trọng hơn hết là bạn cần theo dõi thật sát các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh để kịp thời xử trí khi có bất thường xảy ra. Một số biểu hiện cho thấy người bệnh cần nhập viện và điều trị khẩn cấp là:

  • Sốt cao trên 40 độ hoặc kéo dài không thuyên giảm
  • Mệt mỏi, ngủ li bì, rơi vào trạng thái mất ý thức 
  • Co giật, động kinh, bất tỉnh
  • Thở nhanh, khó thở ngày càng tăng
  • Đau ngực, lồng ngực rút lõm theo nhịp thở
  • Đau cơ nghiêm trọng gây khó khăn trong việc đi lại
  • Da và môi có biểu hiện tím tái, chân tay lạnh
  • Cơ thể mất nước dẫn đến khô da, khô miệng, khó đi tiểu hoặc tiểu rất ít

Trên đây là tổng hợp thông tin về các biến chứng của cúm A cũng như một số cách có thể làm giảm nguy cơ xảy ra biến chứng cho người bệnh. Trường hợp nhận thấy các triệu chứng nghi ngờ bệnh cúm A, bạn đừng trì hoãn mà hãy nhanh chóng đến bệnh viện kiểm tra để được hướng dẫn phương pháp điều trị và chăm sóc tốt nhất. 

Chia sẻ
Các thông tin trên được chia sẻ bởi Bowtie Việt Nam. Các nội dung này chỉ mang tính chất tham khảo. Trong mọi trường hợp, Bowtie không chịu trách nhiệm về bất kỳ tổn thất hoặc thiệt hại nào, dù là trực tiếp hay gián tiếp, liên quan đến việc truy cập và sử dụng nội dung của Bowtie.

Bài viết liên quan

Adenovirus gây bệnh gì và nguy hiểm thế nào? Adenovirus gây bệnh gì và nguy hiểm thế nào?
Các bệnh lý khác

Adenovirus gây bệnh gì và nguy hiểm thế nào?

Những điều cần biết về sỏi mật Những điều cần biết về sỏi mật
Các bệnh lý khác

Những điều cần biết về sỏi mật

Tìm hiểu các thông tin về bệnh viêm phổi Tìm hiểu các thông tin về bệnh viêm phổi
Các bệnh lý khác

Tìm hiểu các thông tin về bệnh viêm phổi

Các chuyên mục khác

Email

Liên hệ chung
hello@bowtie.com.vn
Liên hệ về truyền thông
media@bowtie.com.vn
Liên hệ hợp tác
partners@bowtie.com.vn

© 2024 Bản quyền thuộc Bowtie Vietnam Company Limited.

Trình duyệt của bạn đã xảy ra lỗi. Để trải nghiệm tốt hơn, vui lòng nâng cấp hoặc thay đổi trình duyệt khác. OK