Các bệnh lý khác
Các bệnh lý khác

Hen suyễn về đêm và những thông tin cần biết

Các triệu chứng của hen suyễn có thể xuất hiện và trở nên nặng hơn vào ban đêm, khiến người bệnh ngủ không ngon giấc hoặc không thể ngủ được. Tình trạng hen suyễn về đêm gây nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như sinh hoạt hàng ngày của người bệnh.
Biên tập bởi Bowtie Việt Nam
Ngày đăng 2022-12-21
Cập nhật ngày 2023-04-26
Nội dung chính
Hen suyễn về đêm là gì?Nguyên nhân khiến cơn hen thường xảy ra về đêmTriệu chứng hen suyễn về đêmPhương pháp điều trị hen suyễn về đêmCách ngăn ngừa hen phế quản về đêmCâu hỏi thường gặp về hen suyễn về đêm
Hen suyễn về đêm

Vậy vì sao cơn hen và các triệu chứng hen suyễn lại thường xuất hiện vào ban đêm? Làm thế nào để điều trị và ngăn ngừa tình trạng hen suyễn về đêm? Mời bạn cùng Website Bowtie tìm hiểu rõ hơn trong bài viết này nhé.

Hen suyễn về đêm là gì?

Hen suyễn hay hen phế quản là tình trạng viêm mạn tính đường thở. Tình trạng này khiến các đường dẫn khí trong phổi bị sưng lên, tăng tiết chất nhầy và làm các cơ xung quanh co thắt chặt. Đường thở của bệnh nhân sẽ bị thu hẹp và tắc nghẽn hơn bình thường, từ đó gây ra các triệu chứng điển hình của bệnh.  

Triệu chứng hen suyễn có thể xảy ra vào bất cứ lúc nào nhưng thường xuất hiện và trở nên tồi tệ hơn vào ban đêm, gọi chung là tình trạng hen suyễn về đêm. Bệnh nhân có thể bị thức giấc nhiều lần (ít nhất 1 – 2 lần mỗi đêm) do các triệu chứng của bệnh. Tình trạng hen suyễn về đêm khiến bệnh nhân ngủ không ngon giấc hoặc không thể ngủ được, từ đó gây nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe và sinh hoạt hằng ngày.

Đọc thêm

Nguyên nhân khiến cơn hen thường xảy ra về đêm

Một số tác nhân sau đây có thể là “thủ phạm” gây khởi phát các cơn hen suyễn về đêm:

Hệ thần kinh phó giao cảm hoạt động mạnh vào ban đêm

Giống như nhiều bộ phận khác trong cơ thể, hoạt động của cơ trơn phế quản cũng bị chi phối bởi cả hệ thần kinh giao cảm và phó giao cảm. Vào ban ngày, hệ giao cảm chiếm ưu thế nhiều hơn phó giao cảm nên cơ trơn tiểu phế quản sẽ giãn ra. Trong khi đó, hệ phó giao cảm lại hoạt động mạnh mẽ vào buổi tối, từ đó gây co thắt cơ trơn tiểu phế quản và khiến bệnh nhân dễ bị lên cơn hen phế quản vào ban đêm. 

Thay đổi hormone

Cortisol là một hormone vỏ thượng thận có tác dụng kháng viêm, giúp giảm tình trạng viêm ở phế quản. Nồng độ cortisol được tiết ra không đều trong ngày, nhiều nhất vào khoảng 8 – 9 giờ sáng và giảm dần về chiều, đến giữa đêm thì gần như bằng không. Chính vì cortisol được tiết ra rất ít nên khả năng kháng viêm ở tiểu phế quản giảm đi, từ đó khiến bệnh nhân dễ bị hen suyễn về đêm hơn. Sự thay đổi nồng độ của một số hormone khác trong cơ thể như epinephrine và melatonin cũng có thể góp phần dẫn đến tình trạng này.

Tư thế ngủ

Một số tư thế ngủ, chẳng hạn như nằm nghiêng hoặc nằm sấp quá lâu có thể khiến phổi bị co lại và làm tình trạng hen suyễn về đêm trở nên tồi tệ hơn. Việc ngủ ở tư thế nằm ngửa mà không có gối đầu cũng khiến chất nhầy trong mũi chảy xuống phía sau cổ họng và gây ra các cơn ho dữ dội. 

Hít phải khí lạnh

Tình trạng hen suyễn có thể trở nên tồi tệ hơn vào mùa đông hoặc khi bệnh nhân ngủ trong phòng máy lạnh. Điều này là do không khí lạnh sẽ làm giảm nhiệt độ ở đường thở, gây khô và mất dần độ ẩm, từ đó kích thích cơn hen xuất hiện. 

Tiếp xúc với chất gây dị ứng vào ban đêm

Việc tiếp xúc với các dị nguyên như mạt bụi bám trên giường, đệm, vẩy da thú cưng, nấm mốc trong phòng ngủ… có thể gây kích ứng đường thở và dễ khiến bệnh nhân bị hen suyễn về đêm hơn. 

Không kiểm soát tốt tình trạng hen suyễn ban ngày

Cơn hen suyễn có thể xuất hiện cả vào ban ngày và ban đêm. Nếu không kiểm soát tốt cơn hen vào ban ngày, bệnh nhân có nguy cơ cao khởi phát một cơn hen khác vào ban đêm. 

Ngoài ra, một số nguyên nhân khác cũng có thể gây khởi phát các cơn hen vào ban đêm, bao gồm:

  • Tăng sản xuất chất nhầy
  • Bệnh trào ngược dạ dày thực quản
  • Căng thẳng, lo âu
  • Các vấn đề liên quan đến giấc ngủ như ngưng thở khi ngủ
  • Chế độ ăn uống
  • Một số loại thuốc
  • Khói thuốc lá
  • Các vấn đề sức khỏe khác như cảm lạnh, cúm, nhiễm trùng xoang…

Triệu chứng hen suyễn về đêm

Triệu chứng hen suyễn về đêm sẽ tương tự như triệu chứng hen suyễn vào ban ngày, bao gồm: 

  • Khó thở
  • Thở khò khè, hụt hơi
  • Đau hoặc căng tức ngực 
  • Xuất hiện các cơn ho dai dẳng

Với những trường hợp có các triệu chứng hen suyễn vào ban đêm nhưng chưa được chẩn đoán bệnh thì nên đến bệnh viện để được bác sĩ thăm khám và đưa ra kết luận chính xác nhất. 

Triệu chứng hen suyễn về đêm
Người bệnh hen suyễn không thể ngủ ngon vì khó thở và tức ngực.

Phương pháp điều trị hen suyễn về đêm

Về cơ bản, chưa có cách chữa khỏi bệnh hen suyễn nói chung và hen suyễn về đêm nói riêng. Tuy nhiên, bệnh có thể được kiểm soát bằng một số thuốc như :

  • Thuốc kiểm soát hen: Nhóm thuốc này được sử dụng duy trì để điều trị hen suyễn. Chúng được dùng dưới dạng ống hít để giảm viêm và giảm độ nhạy cảm của đường thở, từ đó giúp kiểm soát nguy cơ xuất hiện các đợt hen cấp vào ban đêm.
  • Thuốc cắt cơn hen: Các thuốc này có tác dụng làm giảm triệu chứng hen suyễn nhanh chỉ trong vài phút. Một số thuốc cắt cơn hen có thể kể đến như thuốc chủ vận beta tác dụng ngắn hạn, thuốc kháng cholinergic, corticosteroid đường uống hoặc tiêm tĩnh mạch…
  • Thuốc phối hợp: Nếu việc sử dụng thuốc kiểm soát hen và thuốc cắt cơn hen riêng lẻ không giúp kiểm soát tình trạng bệnh, bác sĩ có thể chỉ định cho bệnh nhân sử dụng thuốc phối hợp. Các thuốc này được dùng hàng ngày để ngăn ngừa nguy cơ xuất hiện cơn hen.
  • Thuốc đối kháng thụ thể leukotriene (LTRA): Thuốc này đôi khi được sử dụng cùng với thuốc dạng hít để giảm các triệu chứng hen suyễn nghiêm trọng và các cơn hen ban đêm.

Cách ngăn ngừa hen phế quản về đêm

Mặc dù chưa có phương pháp chữa khỏi hoàn toàn hen suyễn nhưng bệnh nhân có thể áp dụng một số cách đơn giản sau đây để giảm thiểu nguy cơ gặp phải các cơn hen phế quản về đêm:  

Giữ cho phòng ngủ sạch sẽ

Việc giữ không gian phòng ngủ sạch sẽ sẽ giúp bạn hạn chế được các tác nhân có thể gây kích ứng đường thở và khởi phát cơn hen. Theo đó, bạn nên:

  • Vệ sinh phòng ngủ định kỳ, lưu ý những vị trí dễ bám bẩn như gầm giường, cửa sổ, đầu tủ…
  • Giặt drap trải giường, chăn và gối bằng nước nóng (ít nhất 55℃) hàng tuần
  • Không để thú cưng vào trong phòng ngủ
  • Bật quạt hoặc các thiết bị thông gió để không khí được lưu thông

Điều chỉnh nhiệt độ phòng ngủ phù hợp

Trước khi ngủ, bạn hãy điều chỉnh nhiệt độ phòng ở mức vừa phải, không quá cao hoặc quá thấp. Hãy đóng cửa sổ để tránh khí lạnh và các dị nguyên khác từ môi trường bên ngoài đi vào phòng. Nếu có điều kiện, bạn nên đầu tư thêm máy lọc không khí và máy tạo độ ẩm trong phòng ngủ.

Nằm cao đầu khi ngủ

Nếu bị cảm lạnh hoặc nhiễm trùng xoang, bạn nên tránh nằm thẳng vì có thể làm trầm trọng thêm tình trạng chảy mũi, từ đó gây khởi phát cơn hen. Tư thế này cũng khiến bệnh nhân GERD dễ bị trào ngược acid dạ dày lên cổ họng hơn. Vì vậy, các chuyên gia khuyến nghị bạn nên kê thêm gối và nâng cao đầu khi ngủ.

Giảm căng thẳng trước khi đi ngủ

Căng thẳng là một trong những tác nhân có thể gây khởi phát cơn hen. Vì vậy, bạn hãy cố gắng thư giãn tinh thần, giải tỏa căng thẳng trước khi đi ngủ bằng một số cách như nghe nhạc, tắm nước ấm, đọc sách…

Điều trị các bệnh lý khác

Để hạn chế tình trạng hen suyễn về đêm, bạn nên cố gắng điều trị hoặc kiểm soát hiệu quả các vấn đề sức khỏe khác có thể gây khởi phát cơn hen lúc nằm như GERD, viêm mũi dị ứng hoặc ngưng thở khi ngủ… 

Sử dụng thuốc theo đúng hướng dẫn

Nếu đã được chẩn đoán hen suyễn, bạn nên sử dụng thuốc theo đúng hướng dẫn của bác sĩ để kiểm soát bệnh và ngăn ngừa các cơn hen suyễn xuất hiện về đêm.

Duy trì lối sống khoa học

Bệnh nhân hen suyễn nên cố gắng duy trì một lối sống khoa học bằng cách xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh, thường xuyên luyện tập thể dục thể thao… Điều này sẽ giúp kiểm soát tốt cân nặng, nâng cao sức khỏe cũng như hạn chế được tình trạng hen suyễn về đêm. 

Ngoài ra, bệnh nhân cũng được khuyến khích nên bỏ hút thuốc lá bởi khói thuốc có thể ảnh hưởng đến phổi và đường thở, từ đó khiến bệnh hen suyễn trầm trọng hơn. 

Câu hỏi thường gặp về hen suyễn về đêm

Ai dễ bị hen phế quản về đêm?

Một số người bệnh hen suyễn có khả năng khởi phát cơn hen và gặp phải các triệu chứng hen phế quản về đêm nhiều hơn các bệnh nhân khác do:

  • Thừa cân, béo phì
  • Hút thuốc lá
  • Bị viêm mũi dị ứng, viêm xoang, ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn, trào ngược dạ dày thực quản
  • Bị stress, căng thẳng thường xuyên
  • Có chế độ ăn uống không lành mạnh
  • Sử dụng thuốc chưa đúng cách, không tuân theo hướng dẫn của bác sĩ
Tư thế ngủ nào phù hợp cho người bị hen suyễn?

Việc thay đổi tư thế ngủ có thể giúp người bệnh ngăn ngừa một số triệu chứng hen suyễn về đêm. Theo một nghiên cứu cho thấy, tư thế nằm ngửa sẽ ít làm co thắt các cơ ở đường hô hấp hơn so với nằm sấp hoặc nằm nghiêng. Tuy nhiên, bệnh nhân hen suyễn không nên nằm thẳng mà hãy kê thêm gối để nâng cao đầu khi ngủ vì làm như vậy sẽ giúp giữ cho đường thở thông thoáng và giảm nguy cơ bị ho vào ban đêm. Một điều lưu ý là bạn không nên kê gối quá cao nhé.

Hy vọng bài viết này đã giúp bạn hiểu hơn về hen suyễn về đêm, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này và cách phòng ngừa hiệu quả. Nếu đã được chẩn đoán mắc bệnh, bạn nên tuân thủ theo đúng hướng dẫn điều trị của bác sĩ cũng như duy trì chế độ sinh hoạt khoa học để hạn chế các cơn hen xuất hiện vào ban đêm gây ảnh hưởng đến giấc ngủ và chất lượng cuộc sống nhé.

Chia sẻ
Các thông tin trên được chia sẻ bởi Bowtie Việt Nam. Các nội dung này chỉ mang tính chất tham khảo. Trong mọi trường hợp, Bowtie không chịu trách nhiệm về bất kỳ tổn thất hoặc thiệt hại nào, dù là trực tiếp hay gián tiếp, liên quan đến việc truy cập và sử dụng nội dung của Bowtie.

Bài viết liên quan

7 cách phòng tránh bệnh giang mai nên áp dụng ngay hôm nay 7 cách phòng tránh bệnh giang mai nên áp dụng ngay hôm nay
Các bệnh lý khác

7 cách phòng tránh bệnh giang mai nên áp dụng ngay hôm nay

Cúm A bội nhiễm là gì, nguy hiểm thế nào và làm sao hạn chế? Cúm A bội nhiễm là gì, nguy hiểm thế nào và làm sao hạn chế?
Các bệnh lý khác

Cúm A bội nhiễm là gì, nguy hiểm thế nào và làm sao hạn chế?

Bệnh hen suyễn (hen phế quản) có chữa được không? Có cách nào chữa triệt để? Bệnh hen suyễn (hen phế quản) có chữa được không? Có cách nào chữa triệt để?
Các bệnh lý khác

Bệnh hen suyễn (hen phế quản) có chữa được không? Có cách nào chữa triệt để?

Các chuyên mục khác

Email

Liên hệ chung
hello@bowtie.com.vn
Liên hệ về truyền thông
media@bowtie.com.vn
Liên hệ hợp tác
partners@bowtie.com.vn

© 2024 Bản quyền thuộc Bowtie Vietnam Company Limited.

Trình duyệt của bạn đã xảy ra lỗi. Để trải nghiệm tốt hơn, vui lòng nâng cấp hoặc thay đổi trình duyệt khác. OK