Các bệnh lý khác
Các bệnh lý khác

Lao phổi và những điều bạn cần biết

Lao phổi là căn bệnh mang tính cộng đồng và nằm trong số các bệnh truyền nhiễm được Nhà nước quản lý. Bệnh có khả năng lây nhiễm cao, nguy cơ diễn tiến nặng nếu không được phát hiện sớm và điều trị phù hợp.
Biên tập bởi Bowtie Việt Nam
Ngày đăng 2022-12-20
Cập nhật ngày 2023-04-26
Nội dung chính
Bệnh lao phổi là gì?Lao phổi có lây không?Các giai đoạn của lao phổiTriệu chứng lao phổiYếu tố làm tăng nguy cơ mắc lao phổiBệnh lao phổi có nguy hiểm không?Phương pháp chẩn đoán lao phổiPhương pháp điều trị lao phổiCách phòng chống bệnh lao phổiCâu hỏi thường gặp về lao phổi
Lao phổi và những điều bạn cần biết

Vậy bệnh lao phổi là gì? Làm thế nào để phát hiện sớm và điều trị kịp thời? Mời bạn cùng Bowtie Việt Nam tìm hiểu rõ hơn về căn bệnh này trong bài viết dưới đây nhé.

Bệnh lao phổi là gì?

Lao phổi là một bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn Mycobacterium tuberculosis (M. tuberculosis) gây ra. Trực khuẩn M. tuberculosis có dạng hình que, sinh sản chậm và hiếu khí. Chúng có khả năng tồn tại trong đờm nhớt, bóng tối, nơi ẩm thấp đến vài tuần. Tuy nhiên, loại vi khuẩn này lại dễ bị mất khả năng gây bệnh dưới tác động của ánh nắng mặt trời và bị tiêu diệt ở nhiệt độ 100℃ chỉ trong 5 phút.

Vi khuẩn M. tuberculosis có thể tấn công phổi, gây lao phổi hoặc tấn công các bộ phận khác trong cơ thể, gây lao ngoài phổi. Lao phổi phổ biến hơn lao ngoài phổi, chiếm 80 – 85% tổng số ca bệnh lao.

Lao phổi có lây không?

Lao phổi về cơ bản là bệnh truyền nhiễm và có thể lây lan từ người này sang người khác. Con đường lây truyền chủ yếu là qua đường hô hấp. Theo đó, khi người bệnh ho, hắt hơi, khạc nhổ, nói hoặc hát… vi khuẩn lao sẽ phát tán ra ngoài không khí. Những người ở gần họ có thể hít phải các vi khuẩn này và bị nhiễm bệnh.

Vi khuẩn lao từ các hạt nước bọt li ti hoặc các hạt bụi nhỏ có thể dễ dàng đi vào phổi, xuống phế nang và nhân lên, từ đó gây hủy hoại nhu mô phổi và dẫn đến lao phổi. Từ phổi, vi khuẩn có thể theo máu, bạch huyết đến các cơ quan khác trong cơ thể và gây bệnh tại các cơ quan này. Trên thực tế, không phải bệnh nhân nào phơi nhiễm với M. tuberculosis cũng khởi phát lao phổi ngay lập tức. Trong nhiều trường hợp, vi khuẩn mất vài tuần, vài tháng, thậm chí là vài năm mới bắt đầu hoạt động và gây bệnh. 

Thời kỳ lây truyền bệnh mạnh nhất là thời kỳ toàn phát của lao phổi. Thời kỳ này kéo dài cho đến khi người bệnh được điều trị với thuốc kháng lao. Chỉ sau 2 – 4 tuần dùng thuốc, khả năng lây truyền bệnh của bệnh nhân sẽ còn rất thấp.

Các giai đoạn của lao phổi

Người mắc bệnh lao phổi thường trải qua 2 giai đoạn của bệnh là lao tiềm ẩn và lao hoạt động:

  • Lao tiềm ẩn (lao nhiễm): Khi hít phải vi khuẩn lao, dưới phản ứng bảo vệ tự nhiên của cơ thể, vi khuẩn lao bị ức chế và trở nên bất hoạt. Giai đoạn này được gọi là nhiễm lao tiềm ẩn (LTBI). Bệnh nhân khi đó không khởi phát bệnh, không có triệu chứng và không thể lây truyền bệnh cho người khác. Tuy nhiên, các vi khuẩn lao vẫn tồn tại bên trong cơ thể và có khả năng hoạt động trở lại khi gặp điều kiện thích hợp, từ đó dẫn đến giai đoạn lao hoạt động.
  • Lao hoạt động (lao bệnh): Trong trường hợp hệ miễn dịch tự nhiên của cơ thể không còn đủ khả năng ức chế, ngăn cản sự phát triển của vi khuẩn lao thì chúng sẽ bắt đầu nhân lên và tấn công nhu mô phổi. Ở giai đoạn này, bệnh nhân lao phổi có khả năng lây bệnh cho người khác. 

Triệu chứng lao phổi

Các triệu chứng viêm phổi thường gặp ở bệnh nhân lao phổi là:

  • Ho dai dẳng, kéo dài hơn 3 tuần 
  • Ho có đờm hoặc ho ra máu
  • Đau tức ngực, khó thở
  • Sốt về chiều tối
  • Đổ mồ hôi về đêm
  • Dễ bị ớn lạnh
  • Chán ăn, ăn không ngon miệng
  • Cơ thể yếu ớt, suy nhược, mệt mỏi, không còn sức sống
  • Sụt cân nhanh
Triệu chứng lao phổi
Một số bệnh nhân lao phổi có thể bị ho ra máu.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc lao phổi

Nhiều yếu tố khác nhau có thể làm tăng nguy cơ mắc lao phổi. Trong đó, những đối tượng có khả năng cao mắc phải bệnh lý này là: 

  • Người đã phơi nhiễm với vi khuẩn lao, đang mắc lao tiềm ẩn
  • Người có hệ miễn dịch suy yếu như người bị HIV, bệnh thận nặng, ung thư đầu và cổ, đái tháo đường, bệnh bụi phổi silic, người phải cấy ghép nội tạng, đang sử dụng các phương pháp chuyên biệt để điều trị viêm khớp dạng thấp, bệnh Crohn…
  • Người gầy
  • Trẻ em, đặc biệt là trẻ dưới 5 tuổi

Bệnh lao phổi có nguy hiểm không?

Lao phổi là căn bệnh nguy hiểm, có thể gây nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe nếu không được phát hiện sớm và chữa trị kịp thời. Dưới đây là một số biến chứng của bệnh:  

Tổn thương đường thở

Lao phổi có thể gây tổn thương đường thở và dẫn đến các vấn đề như:

  • Viêm thanh quản: Viêm thanh quản là một biến chứng thường gặp của lao phổi. Tình trạng này có thể khiến bệnh nhân bị khàn giọng, đau họng, khó nuốt, xuất hiện các cơn ho kéo dài…
  • Giãn phế quản: Nhiều yếu tố khác nhau có thể khiến bệnh nhân lao phổi bị giãn phế quản, chủ yếu là xẹp phổi và xơ hóa phổi. 
  • Hẹp khí phế quản: Tình trạng hẹp khí phế quản có thể xảy ra ở bệnh nhân mắc lao nội phế quản.
  • Sỏi phế quản: Đây là một biến chứng hiếm gặp của lao phổi, xảy ra khi có sự hiện diện của một khối hạch bạch huyết bị vôi hóa bên trong phế quản. 
  • Xơ than phế quản: Xơ than phế quản cũng là một biến chứng mà bệnh nhân lao phổi có thể gặp phải.

Tổn thương màng phổi

Màng phổi cũng là một vị trí có thể bị ảnh hưởng nặng nề do lao phổi. Theo đó, bệnh có khả năng gây tổn thương màng phổi và dẫn đến các vấn đề như viêm màng phổi, tràn khí màng phổi, tràn mủ màng phổi…

Tổn thương mạch máu

Bệnh lao phổi có thể làm tổn thương, giãn phình các mạch máu trong phổi, từ đó dẫn đến ho ra máu. Nhiều trường hợp ho ra máu ồ ạt có khả năng gây ngạt thở hoặc thậm chí tử vong. 

Ngoài ra, lao phổi còn có thể dẫn đến một số biến chứng khác như:

  • Tổn thương nhu mô phổi
  • Viêm phổi
  • Bệnh thoái hóa tinh bột amyloidosis
  • Suy hô hấp
  • U nấm phổi (aspergilloma)
  • Ung thư phổi

Phương pháp chẩn đoán lao phổi

Để chẩn đoán lao phổi, bác sĩ thường bắt đầu từ việc khai thác bệnh sử và triệu chứng mà bệnh nhân gặp phải, đồng thời khám sức khỏe lâm sàng. Sau đó, bác sĩ sẽ chỉ định các kiểm tra, xét nghiệm khác để chẩn đoán lao phổi, bao gồm:

  • Nhuộm soi đờm trực tiếp tìm AFB
  • Xét nghiệm Xpert MTB/RIF
  • Nuôi cấy đờm tìm vi khuẩn lao
  • X-quang hoặc chụp cắt lớp vi tính (CT) phổi
Phương pháp chẩn đoán lao phổi
Chụp X-quang hoặc CT có thể giúp bác sĩ chẩn đoán lao phổi.

Phương pháp điều trị lao phổi

Một tin vui cho bệnh nhân lao phổi là bệnh có thể được điều trị và chữa khỏi bằng thuốc. Tuy nhiên, người bệnh cần uống thuốc theo đúng phác đồ điều trị của bác sĩ và phù hợp với chương trình điều trị bệnh lao mở rộng của Bộ Y tế. 

Theo đó, người bệnh được bác sĩ kê nhiều loại thuốc điều trị lao để giúp tiêu diệt vi khuẩn lao triệt để. Các loại thuốc phổ biến nhất được sử dụng để điều trị bệnh lao là:

  • Isoniazid
  • Rifampin
  • Ethambutol 
  • Streptomycin
  • Pyrazinamid

Người mắc bệnh lao phổi thường phải điều trị bằng thuốc kéo dài từ 6 – 9 tháng, thậm chí có thể lâu hơn để loại bỏ triệt để nguồn sống của vi khuẩn lao.

Cách phòng chống bệnh lao phổi

Bệnh lao phổi về cơ bản có thể phòng ngừa được. Theo đó, để hạn chế nguy cơ mắc bệnh, mọi người cần lưu ý:

  • Trẻ khi sinh ra nên tiêm phòng lao phổi càng sớm càng tốt, tốt nhất là trong tháng đầu sau sinh
  • Tạo thói quen đeo khẩu trang khi ra ngoài và khi tiếp xúc với bệnh nhân lao phổi
  • Thường xuyên rửa tay sạch sẽ trước bữa ăn và sau khi đi vệ sinh
  • Khi hắt hơi cần che miệng, không nên sử dụng chung đồ dùng cá nhân với người bệnh
  • Nên mở cửa nhà thông thoáng, vệ sinh, lau dọn sạch sẽ bởi vi khuẩn lao thường trú ngụ ở những nơi tối tăm và ẩm thấp
  • Duy trì thói quen sinh hoạt lành mạnh, xây dựng chế độ ăn uống khoa học và tập luyện thể dục thể thao thường xuyên 
  • Không hút thuốc lá và sử dụng chất ma túy
  • Thường xuyên đi khám sức khỏe định kỳ

Câu hỏi thường gặp về lao phổi

Lao phổi điều trị bao lâu thì hết lây?

Người mắc bệnh lao phổi thường được điều trị bằng thuốc với phác đồ kéo dài từ 6 – 9 tháng hoặc lâu hơn. Tuy nhiên sau khi uống thuốc chống lao khoảng 2 – 4 tuần thì bệnh nhân gần như không còn khả năng lây bệnh cho người khác. Lúc này, vi khuẩn lao đã bị suy yếu do tác dụng của thuốc.

Bệnh lao phổi có tái phát không?

Về cơ bản, bệnh lao phổi có thể tái phát lại, tức là người bệnh sau khi đã điều trị khỏi vẫn có khả năng tái nhiễm. Vì vậy, bạn không nên chủ quan với bệnh lý này.

Trên đây là những điều bạn cần biết về bệnh lao phổi. Dù là một bệnh lý nguy hiểm nhưng lao phổi có thể được phòng ngừa dễ dàng. Bạn hãy áp dụng ngay các biện pháp mà Bowtie đã giới thiệu trong bài viết này để giảm nguy cơ mắc bệnh nhé. 

Chia sẻ
Các thông tin trên được chia sẻ bởi Bowtie Việt Nam. Các nội dung này chỉ mang tính chất tham khảo. Trong mọi trường hợp, Bowtie không chịu trách nhiệm về bất kỳ tổn thất hoặc thiệt hại nào, dù là trực tiếp hay gián tiếp, liên quan đến việc truy cập và sử dụng nội dung của Bowtie.

Bài viết liên quan

8 triệu chứng đái tháo đường type 1 bạn chớ bỏ qua 8 triệu chứng đái tháo đường type 1 bạn chớ bỏ qua
Các bệnh lý khác

8 triệu chứng đái tháo đường type 1 bạn chớ bỏ qua

Tiêu chảy cấp và những điều bạn chưa biết Tiêu chảy cấp và những điều bạn chưa biết
Các bệnh lý khác

Tiêu chảy cấp và những điều bạn chưa biết

Các thông tin về bệnh đái tháo đường type 2 (tiểu đường type 2) Các thông tin về bệnh đái tháo đường type 2 (tiểu đường type 2)
Các bệnh lý khác

Các thông tin về bệnh đái tháo đường type 2 (tiểu đường type 2)

Các chuyên mục khác

Email

Liên hệ chung
hello@bowtie.com.vn
Liên hệ về truyền thông
media@bowtie.com.vn
Liên hệ hợp tác
partners@bowtie.com.vn

© 2024 Bản quyền thuộc Bowtie Vietnam Company Limited.

Trình duyệt của bạn đã xảy ra lỗi. Để trải nghiệm tốt hơn, vui lòng nâng cấp hoặc thay đổi trình duyệt khác. OK