Sản phụ khoa
Sản phụ khoa

Mẹ bầu bị đau bụng dưới: Bình thường hay là dấu hiệu nguy hiểm?

Đau bụng là tình trạng rất phổ biến khi mang thai. Thế nhưng, nếu mẹ bầu chỉ bị đau bụng dưới thì liệu có đáng lo? Hiểu rõ nguyên nhân gây đau bụng dưới ở bà bầu sẽ giúp bạn biết được khi nào không cần quá lo lắng và khi nào nên đến bệnh viện thăm khám ngay.
Biên tập bởi Bowtie Việt Nam
Ngày đăng 2023-05-26
Cập nhật ngày 2023-08-19
Nội dung chính
Có bầu mà đau bụng dưới là bị gì?Bà bầu bị co thắt bụng dưới khi nào cần đến bệnh viện thăm khám ngay?Mẹ bầu có thể làm gì để giảm đau bụng dưới khi mang thai?
Mẹ bầu bị đau bụng dưới: Bình thường hay là dấu hiệu nguy hiểm?

Vậy có bầu mà đau bụng dưới là bị gì? Mẹ bầu bị đau bụng dưới rốn bên trái hoặc bên phải là do đâu? Bà bầu đau tức bụng dưới có sao không, có nguy hiểm không? Mẹ bầu có thể làm cách nào để giảm tình trạng khó chịu ở bụng? 

Nếu cũng đang có những băn khoăn trên hoặc cảm thấy lo lắng về tình trạng đau bụng dưới của bản thân khi mang thai, bạn hãy dành vài phút xem qua những thông tin trong bài viết dưới đây của Bowtie. Trong bài viết này, Bowtie sẽ chia sẻ một số nguyên nhân thường gặp khiến mẹ bầu bị đau bụng dưới để giúp bạn biết khi nào nên theo dõi, khi nào nên đi khám nhé!

Có bầu mà đau bụng dưới là bị gì?

Mẹ bầu đau bụng dưới có thể được hiểu là tình trạng mẹ bị đau ở vùng bụng bên dưới rốn. Mỗi bà bầu sẽ có một cảm giác đau khác nhau, chẳng hạn sẽ có mẹ bầu đau âm ỉ bụng dưới, có bà bầu bị căng tức bụng dưới, có bà bầu đau bụng dưới theo cơn nhưng cũng có trường hợp bà bầu bị đau buốt bụng dưới hoặc bà bầu đau quặn bụng dưới.

Khi gặp phải tình trạng này, lo lắng là cảm giác không thể tránh khỏi và hầu như mẹ nào cũng muốn biết có bầu đau bụng dưới là bị gì và liệu có nguy hiểm không. Thực tế, lý do làm mẹ bầu bị đau bụng dưới rất đa dạng. Đa phần các trường hợp chỉ là do sự phát triển của thai nhi, các vấn đề về tiêu hóa… Tuy nhiên, cũng có trường hợp đau bụng dưới ở bà bầu lại là dấu hiệu cảnh báo nhiều biến chứng sản khoa nghiêm trọng cần được điều trị y tế sớm.

Các nguyên nhân phổ biến khiến mẹ bầu bị đau bụng dưới rốn

Nhiều phụ nữ trong giai đoạn mang thai tự hỏi “Mẹ bầu bị đau bụng dưới có sao không?”. Dưới đây là những nguyên nhân phổ biến có thể khiến mẹ bầu bị đau bụng dưới rốn:

Thai làm tổ trong tử cung

Ở giai đoạn đầu, cảm giác đau lâm râm bụng dưới có thể là dấu hiệu cho thấy thai đang làm tổ trong tử cung. Các cơn đau này thường xuất hiện trong thời gian ngắn, chỉ 2 – 3 ngày rồi biến mất.

Sự tăng trưởng của thai nhi

Đây là nguyên nhân rõ ràng nhất giải thích cho tình trạng đau bụng dưới ở bà bầu. Khi thai nhi phát triển, kích thước của tử cung cũng sẽ bắt đầu tăng lên và chiếm không gian của các cơ quan khác, làm dịch chuyển vị trí của các cơ quan này trong ổ bụng. Điều đó khiến bà bầu có thể gặp phải các cơn đau ở bụng dưới cũng như vùng chậu.

Em bé đạp trong bụng mẹ

Ở giai đoạn sau của thai kỳ, bé bắt đầu phát triển lớn và có thể “khua chân múa tay” trong bụng mẹ. Nếu bé đạp vào phần bụng dưới thì có thể gây ra các cơn đau ở khu vực này. Tuy nhiên, các cơn đau thường chỉ xuất hiện tạm thời rồi sẽ biến mất khi bé dừng “quậy phá”. 

Đau dây chằng tròn

Khi bụng bầu to ra, các dây chằng ở khung xương chậu sẽ phải căng và giãn hết mức. Điều này có thể khiến mẹ bầu thỉnh thoảng bị đau nhói, khó chịu ở bụng dưới vào 3 tháng giữa hoặc 3 tháng cuối thai kỳ. 

Nhìn chung, mẹ bầu đau bụng dưới do đau dây chằng tròn thường chỉ là tạm thời và cơn đau cũng ít khi kéo dài liên tục. Cơn đau mẹ gặp phải sẽ là cơn đau co thắt đột ngột dữ dội ở vùng bụng hoặc vùng hông và thường xảy ra ở bên phải nhưng cũng có trường hợp đau cả hai bên. 

Đầy hơi

Đầy hơi cũng là “thủ phạm” gây đau bụng dưới khi mang thai rất thường gặp. Tình trạng này có thể xảy ra vào bất cứ thời điểm nào của thai kỳ và thường được cho là có liên quan đến nồng độ progesterone tăng cao khi mang thai. 

Thông thường, mang thai 3 tháng cuối là thời điểm mẹ bầu hay bị đau bụng dưới do đầy hơi nhất. Điều này được lý giải là do tử cung to ra khi em bé phát triển sẽ gây thêm áp lực lên các cơ quan và càng khiến quá trình tiêu hóa chậm lại. 

Táo bón

Tình trạng đau bụng dưới khi mang thai do táo bón cũng rất phổ biến. Theo thống kê, khoảng 1/4 bà bầu sẽ bị táo bón trong thai kỳ. Và nguyên nhân đa phần là do thay đổi hormone, do bà bầu uống ít nước, bổ sung không đủ chất xơ hoặc dùng viên sắt khi mang thai. 

Cơn gò chuyển dạ giả (cơn co thắt Braxton-Hicks)

Tình trạng mẹ bầu bị đau bụng dưới do các cơn gò chuyển dạ giả thường phổ biến ở 3 tháng cuối của thai kỳ. Các cơn co thắt này là một sự chuẩn bị của cơ thể để sẵn sàng cho việc chuyển dạ thật sự và thường xảy ra vào vài tuần trước khi sinh. Các cơn co thắt Braxton-Hicks sẽ giúp cổ tử cung mềm, mỏng hơn và thường vô hại. 

Các nguyên nhân nghiêm trọng hơn gây đau bụng dưới trong thai kỳ

Phía trên là một số lý do khiến mẹ bầu bị đau bụng dưới thường gặp và không quá đáng ngại. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, tình trạng đau bụng dưới khi mang thai lại là dấu hiệu của các vấn đề sức khỏe khác nghiêm trọng hơn, cụ thể như: 

Nhiễm trùng đường tiết niệu

Nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI) là tình trạng tương đối phổ biến khi mang thai. Bệnh lý này có khả năng xuất hiện vào bất cứ thời điểm nào trong thai kỳ với các biểu hiện như:

  • Có cảm giác đau hoặc áp lực ở vùng bụng dưới
  • Đau hoặc rát khi đi tiểu
  • Sốt
  • Cảm thấy vô cùng mệt mỏi
  • Đi tiểu nhiều hơn
  • Nước tiểu có mùi hôi
  • Nước tiểu có máu hoặc đục

Để chẩn đoán UTI, bác sĩ thường chỉ định xét nghiệm nước tiểu. Nếu kết quả cho thấy bạn mắc bệnh lý này, bác sĩ có thể cho bạn dùng kháng sinh để điều trị. 

Bí tiểu cấp tính

Bí tiểu cấp cũng có thể gây đau bụng dưới. Đây là tình trạng xảy ra đột ngột và có khả năng đe dọa tính mạng. Khi bị bí tiểu, mẹ sẽ có cảm giác cần đi tiểu nhưng lại không thể đi tiểu được. Điều này khiến mẹ thấy rất đau và khó chịu ở vùng bụng dưới. Khi gặp phải tình trạng này, bạn sẽ cần đi khám ngay và nếu để lâu sẽ có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm.

Viêm ruột thừa

Đau bụng dưới ở bà bầu cũng có thể là do viêm ruột thừa. Đây là một tình trạng nguy hiểm, cần được can thiệp y khoa ngay nhưng thực tế, việc chẩn đoán và xác định bà bầu có bị viêm ruột thừa hay không có thể rất khó khăn. 

Nguyên nhân là do việc tử cung to lên khi thai nhi phát triển sẽ khiến vị trí của các cơ quan trong ổ bụng bị thay đổi, bao gồm cả ruột thừa. Do đó, nếu chỉ thông qua vị trí cơn đau thì rất khó để xác định chính xác mẹ bầu có gặp phải tình trạng này hay không. Ngoài ra, các triệu chứng của viêm ruột thừa như đau bụng, buồn nôn, nôn cũng rất giống với triệu chứng của thai kỳ và nhiều tình trạng khác. Điều này dẫn đến việc tình trạng viêm ruột thừa ở bà bầu dễ bị bỏ qua khiến ruột thừa có nguy cơ vỡ cao hơn.

Sẩy thai

Đây là là tình trạng thai bị mất trước khi mẹ bầu bước sang tuần 20. Theo thống kê, có khoảng 10 – 15% bà bầu gặp phải tình trạng này. Theo chia sẻ của nhiều người, cơn đau bụng dưới do sẩy thai thường rất dữ dội và đi kèm với các biểu hiện như chảy máu âm đạo, đau thắt lưng từ nhẹ đến nghiêm trọng.

Thai ngoài tử cung

Thai ngoài tử cung xảy ra khi trứng đã thụ tinh làm tổ bên ngoài tử cung. Theo thống kê, cứ 50 ca mang thai thì có 1 mẹ bầu gặp phải tình trạng này. Đây là một tình trạng hết sức nguy hiểm, cần được can thiệp y khoa ngay lập tức. Do đó, bạn sẽ cần đi khám ngay nếu nghi ngờ mình có các biểu hiện của mang thai ngoài tử cung như đau dữ dội ở bụng, vai, vùng chậu hoặc cổ, chóng mặt, ngất xỉu, xuất hiện các đốm máu ở vùng kín… 

Sinh non

Đau bụng dưới ở bà bầu cũng có khả năng liên quan đến sinh non, tình trạng mẹ có dấu hiệu chuyển dạ trước tuần thứ 37. Một số nguyên nhân có thể gây chuyển dạ sinh non là cổ tử cung yếu, vỡ ối sớm, tăng huyết áp hoặc xuất huyết khi mang thai. Thai nhi sinh ra trước 23 tuần sẽ khó có thể sống sót. Do đó, nếu nghi ngờ sinh non, mẹ sẽ cần đi khám ngay.

Bài viết liên quan:

Mẹ bầu bị đau bụng dưới là dấu hiệu sinh non
Bà bầu bị đau bụng dưới có thể là dấu hiệu của sinh non.

Tiền sản giật

Tiền sản giật là một biến chứng sản khoa thường xảy ra sau tuần 20 của thai kỳ, trong đó huyết áp của mẹ bầu tăng cao. Trên thực tế, cũng có trường hợp mẹ bị tiền sản giật sớm hơn hoặc bị sau sinh. Một số triệu chứng có thể nghi ngờ tiền sản giật là đau bụng dưới, đau đầu dai dẳng, sưng ở tay và mặt, sút cân đột ngột, thay đổi thị lực.

Nhau bong non

Theo thống kê, cứ 100 bà bầu thì sẽ có 1 người bị nhau bong non trước khi sinh. Dấu hiệu chính thường thấy khi bị nhau bong non là chảy máu âm đạo. Tuy nhiên, nếu nhau thai dịch chuyển thì máu có thể bị tắc nghẽn và không gây ra dấu hiệu này. Ngoài xuất huyết âm đạo, bà bầu cũng có thể nghi ngờ mình bị nhau bong non nếu đau bụng dưới hoặc lưng đột ngột, cảm thấy khó chịu…

Bà bầu bị co thắt bụng dưới khi nào cần đến bệnh viện thăm khám ngay?

Mẹ bầu bị đau bụng dưới là tình trạng khá thường gặp. Tuy nhiên, nếu bạn có các dấu hiệu dưới đây thì cần đến bệnh viện để được bác sĩ thăm khám ngay:

  • Tiết dịch âm đạo bất thường hoặc xuất huyết âm đạo
  • Sốt, rùng mình
  • Đau khi đi tiểu
  • Chóng mặt
  • Nôn mửa

Mẹ bầu có thể làm gì để giảm đau bụng dưới khi mang thai?

Nếu mẹ bầu bị đau bụng dưới khi mang thai mà không đi kèm các biểu hiện kể trên, mẹ có thể theo dõi tại nhà và thực hiện một số biện pháp sau đây để giúp giảm tình trạng đau bụng dưới:

  • Dành thời gian nằm nghỉ, tránh hoạt động quá sức
  • Áp dụng các kỹ thuật massage trên bụng nhưng cần thực hiện nhẹ nhàng để tránh gây ảnh hưởng đến bé
  • Chườm ấm hoặc chườm lạnh lên vùng bụng bị đau
  • Thực hành các phương pháp thư giãn tại nhà như tập hít thở, yoga, thiền
  • Tập thể dục nhẹ nhàng 
  • Uống nhiều nước, ăn nhiều thực phẩm giàu chất xơ như rau củ, trái cây nếu bạn nghi ngờ đau bụng dưới do táo bón

Qua những chia sẻ trên của Công Ty Bowtie, hy vọng bạn đã có thêm một số thông tin hữu ích về nguyên nhân khiến mẹ bầu bị đau bụng dưới. Nếu mẹ đau bụng dưới mà có đi kèm với các biểu hiện bất thường kể trên thì đừng chủ quan, lơ là mà hãy đi khám ngay nhé!

Chia sẻ
Các thông tin trên được chia sẻ bởi Bowtie Việt Nam. Các nội dung này chỉ mang tính chất tham khảo. Trong mọi trường hợp, Bowtie không chịu trách nhiệm về bất kỳ tổn thất hoặc thiệt hại nào, dù là trực tiếp hay gián tiếp, liên quan đến việc truy cập và sử dụng nội dung của Bowtie.

Bài viết liên quan

Hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS): Thủ phạm khiến nữ giới khó thụ thai Hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS): Thủ phạm khiến nữ giới khó thụ thai
Sản phụ khoa

Hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS): Thủ phạm khiến nữ giới khó thụ thai

7 dấu hiệu nhận biết mang thai khi thấy kinh nguyệt không đều 7 dấu hiệu nhận biết mang thai khi thấy kinh nguyệt không đều
Sản phụ khoa

7 dấu hiệu nhận biết mang thai khi thấy kinh nguyệt không đều

Bà bầu bị đau họng: Nguyên nhân và mẹo chữa trị không ảnh hưởng thai nhi Bà bầu bị đau họng: Nguyên nhân và mẹo chữa trị không ảnh hưởng thai nhi
Sản phụ khoa

Bà bầu bị đau họng: Nguyên nhân và mẹo chữa trị không ảnh hưởng thai nhi

Các chuyên mục khác

Email

Liên hệ chung
hello@bowtie.com.vn
Liên hệ về truyền thông
media@bowtie.com.vn
Liên hệ hợp tác
partners@bowtie.com.vn

© 2024 Bản quyền thuộc Bowtie Vietnam Company Limited.

Trình duyệt của bạn đã xảy ra lỗi. Để trải nghiệm tốt hơn, vui lòng nâng cấp hoặc thay đổi trình duyệt khác. OK