Sản phụ khoa
Sản phụ khoa

Mẹ bầu bị đau bụng trên rốn do đâu? Bật mí 12 nguyên nhân phổ biến

Mẹ bầu đau bụng trên rốn có thể do rất nhiều nguyên nhân, từ việc thai nhi phát triển khiến các cơ quan ở bụng bị thay đổi vị trí cho đến những vấn về sức khỏe khi mang thai như bệnh tiêu hóa, tiền sản giật, nhau bong non… Tìm hiểu nguyên nhân gây đau bụng trên trong thời kỳ mang thai sẽ giúp mẹ bầu thăm khám kịp thời để hạn chế nguy hiểm cho cả mẹ và bé.
Biên tập bởi Bowtie Việt Nam
Ngày đăng 2023-05-21
Cập nhật ngày 2023-08-19
Nội dung chính
Có bầu mà bị đau bụng trên rốn có sao không? Các nguyên nhân tiềm ẩnMẹ bầu đau bụng trên có ảnh hưởng gì đến thai nhi?Bà bầu bị đau tức bụng trên phải làm sao để giảm đau?Khi nào mẹ bầu bị đau bụng trên cần đến gặp bác sĩ ngay?
Mẹ bầu bị đau bụng trên rốn do đâu? Bật mí 12 nguyên nhân phổ biến

Đau bụng trên là một trong những vấn đề được rất nhiều mẹ bầu chia sẻ. Nguyên nhân gây ra tình trạng này đa phần là do khi thai nhi phát triển, các mô và cơ quan ở vùng bụng sẽ phải tự điều chỉnh và thích ứng. Trong quá trình điều chỉnh này, một số cơ quan có thể bị đè ép hoặc kéo căng khiến vùng bụng của mẹ bị đau, khó chịu. Tuy nhiên, trong vài trường hợp, các cơn đau căng tức bụng trên rốn khi mang thai có thể là biểu hiện của một số vấn đề sức khỏe cần được quan tâm.

Khi mô tả về các cơn đau bụng trên trong thai kỳ, một số bà bầu sẽ bị đau bụng trên quặn từng cơn, một số khác lại bị căng tức bụng trên. Ngoài ra, về cường độ và tần suất, mỗi bà bầu sẽ có cảm nhận khác nhau. Nhiều người mang thai sẽ bị đau bụng âm ỉ, trong khi một số khác lại thấy đau nhói. 

Có bầu mà bị đau bụng trên rốn có sao không? Các nguyên nhân tiềm ẩn

Nhìn chung, có bầu đau bụng trên là tình trạng rất phổ biến và thường không quá đáng lo. Bởi phần lớn các trường hợp bà bầu bị đau tức bụng trên là do thay đổi tự nhiên trong cơ thể và sẽ thuyên giảm sau khi nghỉ ngơi, thay đổi tư thế hoặc sau khi đi ngoài, “đánh rắm”. Tuy nhiên, với những cơn đau dai dẳng, dữ dội thì đây lại là dấu hiệu “cảnh báo” cho nhiều vấn đề nghiêm trọng cần được can thiệp sớm.

Dưới đây là một số nguyên nhân tiềm ẩn có thể khiến mẹ bầu bị đau bụng trên rốn bên trái hoặc bên phải:

1. Đầy hơi

Nồng độ hormone progesterone tăng cao trong thai kỳ là nguyên nhân gây đầy hơi và từ đó dẫn đến tình trạng bà bầu hay bị đau bụng trên rốn. Tình trạng này thậm chí còn xuất hiện thường xuyên hơn vào những tháng cuối của thai kỳ. Bởi việc tử cung mở rộng ở những tháng cuối thai kỳ có thể gây áp lực lên các cơ ở ruột, khiến quá trình tiêu hóa diễn ra chậm hơn. 

2. Táo bón

Theo thống kê, có đến 75% bà bầu sẽ bị táo bón ít nhất 1 lần trong suốt thời gian mang thai. Nguyên nhân khiến bà bầu hay bị táo bón là do sự thay đổi hormone khi mang thai, do chế độ ăn ít chất xơ hoặc do việc sử dụng viên uống bổ sung sắt. Khi bị táo bón, mẹ bầu có thể thấy khó chịu, đau ở vùng bụng trên kèm theo các biểu hiện như đi ngoài khó khăn, tần suất đi ngoài ít (thấp hơn 3 lần/tuần)…

3.  Trào ngược axit

Tình trạng trào ngược axit gây ợ nóng cũng có thể khiến mẹ bầu bị đau bụng trên rốn. Tình trạng này có thể xảy ra vào bất cứ thời điểm nào của thai kỳ nhưng thường gặp nhất là vào tam cá nguyệt thứ 2 và thứ 3. Nguyên nhân gây ra tình trạng trào ngược axit khi mang thai được cho là có liên quan đến sự thay đổi của hormone progesterone và do tử cung ngày một mở rộng gây đè ép các cơ ở ruột.

4. Không dung nạp lactose

Một số mẹ bầu gặp phải hội chứng không dung nạp lactose, một tình trạng mà trong đó cơ thể khó tiêu hóa sữa và các sản phẩm từ sữa. Lúc này, nếu bạn uống sữa bầu hoặc dùng các sản phẩm làm từ sữa khác thì có thể gặp phải các triệu chứng như đau bụng, khó tiêu, tiêu chảy, đầy hơi, nôn mửa. 

5. Căng da hoặc cơ

Bụng bầu ngày một lớn sẽ khiến da, dây chằng, cơ ở vùng bụng căng ra nhiều hơn. Điều này có thể dẫn đến tình trạng đau, căng tức ở nhiều vùng khác nhau của bụng, bao gồm cả vùng bụng trên. 

6. Các vấn đề về gan và mật

Có bầu mà bị đau ở vùng bụng trên bên phải, phía dưới hoặc gần xương sườn có thể là dấu hiệu “cảnh báo” gan hoặc túi mật có vấn đề. Nếu cơn đau xuất hiện từng đợt, có hoặc không đi kèm buồn nôn, nôn thì rất có thể “thủ phạm” là sỏi mật. Trong trường hợp này, tốt nhất mẹ bầu nên đi khám vì nếu không điều trị, sỏi mật có thể làm tắc nghẽn ống mật và gây ra các vấn đề về gan.

Ngoài sỏi mật, những thay đổi về hormone trong thai kỳ cũng có khả năng dẫn đến tình trạng ứ mật thai kỳ. Nếu mắc bệnh lý này, triệu chứng đầu tiên bạn nhận thấy sẽ là ngứa, nhất là ở lòng bàn tay và lòng bàn chân. Sau đó, bạn có thể bị đau bụng trên, buồn nôn, nôn, vàng da, vàng củng mạc mắt. Các triệu chứng thường sẽ xuất hiện trong tam cá nguyệt thứ 2 và có thể kéo dài, nghiêm trọng hơn vào tam cá nguyệt thứ 3. Đối với tình trạng này, bạn cũng nên đi khám và trao đổi với bác sĩ. 

Bài viết liên quan:

Các vấn đề về gan và mật khiến mẹ bầu bị đau bụng trên rốn
Ứ mật thai kỳ có thể khiến mẹ bầu bị đau bụng trên.

7. Viêm tụy

Viêm tụy là tình trạng viêm trong tuyến tụy. Nguyên nhân khiến tuyến tụy bị viêm có thể là do nhiễm trùng, chấn thương hoặc do các cơ quan như gan, túi mật gặp vấn đề. Khi bị viêm tụy, bà bầu có thể bị đau bụng trên, đi cùng với đó là các biểu hiện như mệt mỏi, buồn nôn, màu sắc của phân thay đổi…

8. Hội chứng HELLP

Hội chứng HELLP, hay còn gọi là hội chứng thiếu máu tán huyết, là tình trạng men gan tăng cao và số lượng tiểu cầu thấp. Đây là một biến chứng nguy hiểm, có thể đe dọa đến tính mạng của bà bầu. Các triệu chứng điển hình là mẹ bầu đau bụng trên bên phải hoặc đau vùng bụng quanh rốn, sưng tay và mặt, mệt mỏi, nhức đầu, mờ mắt, tăng cân quá mức, buồn nôn, nôn…

9. Các cơn gò chuyển dạ giả

Vào khoảng tam cá nguyệt thứ 2 hoặc thứ 3, mẹ bầu có thể cảm nhận được các cơn gò chuyển dạ giả hay còn gọi là cơn co thắt Braxton-Hicks. Các cơn co thắt này có thể khiến mẹ bầu khó chịu hoặc đau ở vùng bụng trên. 

Nhìn chung, các cơn gò này là một phần của thai kỳ và thường không đáng lo. Tuy nhiên, nếu bạn thấy các cơn co thắt không dừng lại và ngày càng tăng về cả tần suất, độ dài và mức độ thì bạn nên đi khám ngay vì đây có thể là dấu hiệu của chuyển dạ sinh non.

10. Sẩy thai hoặc thai ngoài tử cung

Mẹ bầu đau bụng trên dữ dội trong 20 tuần đầu tiên của thai kỳ có thể là dấu hiệu của sẩy thai hoặc thai ngoài tử cung. Mẹ có thể nghi ngờ mình gặp phải 1 trong 2 tình trạng này nếu bị đau bụng trên đi cùng với các biểu hiện như chảy máu âm đạo, chóng mặt, đau dữ dội ở vùng lưng, xương chậu, vai, cổ…

11. Tiền sản giật

Nếu có tiền sử huyết áp cao, béo phì, đái tháo đường, mang thai ở tuổi vị thành niên hoặc mang thai khi trên 35 tuổi, bạn sẽ cần cẩn thận hơn với chứng tiền sản giật. Tình trạng này có thể gây đau bụng trên, đi cùng với đó là các biểu hiện như tăng huyết áp, hay đau đầu, chóng mặt, nhìn mờ, sưng ở tay và mặt…

12. Bong nhau non

Bong nhau non là tình trạng nhau thai tách một phần hoặc hoàn toàn ra khỏi thành trong của tử cung trước khi sinh. Tình trạng này có thể làm giảm hoặc “cắt đứt” hoàn toàn nguồn cung cấp oxy, dinh dưỡng cho thai nhi. Mẹ bầu có thể nghi ngờ mình gặp phải biến chứng thai sản này nếu có các biểu hiện như đau quặn ở vùng bụng trên, cơn đau xuất hiện đột ngột, cử động thai giảm… Dù đây là một tình trạng hiếm gặp nhưng tốt nhất khi nghi ngờ mình bị bong nhau non, bạn vẫn nên đi khám. 

13. Các nguyên nhân khác

Một số nguyên nhân khác cũng có thể khiến mẹ bầu bị đau bụng trên là:

  • Sỏi thận
  • Nhiễm trùng thận
  • Viêm ruột thừa
  • Viêm sụn sườn
  • Dị ứng hoặc nhạy cảm với thực phẩm.

Mẹ bầu đau bụng trên có ảnh hưởng gì đến thai nhi?

Như chúng ta đã thấy, nhiều nguyên nhân khác nhau có thể khiến mẹ bầu bị đau bụng trên rốn. Nhiều trường hợp như đau bụng trên do đầy hơi, táo bón, trào ngược axit, không dung nạp lactose, căng da và cơ… thường không quá nghiêm trọng và không gây ảnh hưởng nhiều đến thai nhi. 

Tuy nhiên, trong các trường hợp khác, nguyên nhân khiến bà bầu bị đau tức bụng trên có thể nguy hiểm, từ đó tác động xấu đến sức khỏe của cả mẹ và bé. Đặc biệt, các vấn đề như sẩy thai, thai ngoài tử cung, bong nhau non, tiền sản giật… nếu không được điều trị kịp thời có khả năng đe dọa đến tính mạng của 2 mẹ con. Vì vậy, nếu nhận thấy tình trạng đau bụng trên không thuyên giảm, kéo dài hoặc trở nên trầm trọng hơn theo thời gian thì mẹ bầu cần đến bệnh viện ngay lập tức để được thăm khám và xử lý kịp thời.

Bà bầu bị đau tức bụng trên phải làm sao để giảm đau?

Các cơn đau bụng trên ở mức độ nhẹ có thể được khắc phục bằng một số biện pháp chăm sóc tại nhà. Tuy nhiên, nếu cảm thấy bất cứ điều gì bất thường hoặc nếu cơn đau kéo dài, ngày càng trở nên nghiêm trọng, bạn nên đi khám ngay. Khi bị đau bụng trong thai kỳ, bạn không nên tự ý sử dụng bất cứ loại thuốc nào (kể cả thuốc không kê đơn) mà không có ý kiến ​​bác sĩ. Dưới đây là một số cách khắc phục tại nhà cho tình trạng mẹ bầu đau bụng trên do trào ngược axit, đầy hơi, khó tiêu:

  • Ăn nhiều bữa nhỏ trong ngày
  • Ăn chậm và nhai kỹ
  • Tránh các món quá cay và nhiều dầu mỡ
  • Tránh đồ uống có ga và các món có chứa chất làm ngọt nhân tạo
  • Thực hiện các bài tập nhẹ, chẳng hạn như đi bộ, yoga để kích thích tiêu hóa
Cách giảm tình trạng mẹ bầu bị đau bụng trên rốn
Thực hiện các bài tập thể dục nhẹ nhàng có thể góp phần giúp bà bầu ngăn ngừa và giảm đau bụng trên.

Còn nếu bị đau bụng trên có các biểu hiện của táo bón, mẹ bầu nên:

  • Uống nhiều nước hoặc có thể thử các loại nước trái cây không đường, trà thảo mộc
  • Thêm các thực phẩm giàu chất xơ như táo, chuối, đậu lăng, quả mâm xôi, đậu Hà Lan… vào thực đơn
  • Chỉ dùng thuốc nhuận tràng khi có đơn thuốc từ bác sĩ

Khi nào mẹ bầu bị đau bụng trên cần đến gặp bác sĩ ngay?

Bạn nên đi khám ngay nếu:

  • Bị đau bụng trên nghiêm trọng và dai dẳng
  • Đau thắt lưng dữ dội
  • Tiết dịch âm đạo bất thường
  • Đau rát khi đi tiểu
  • Chảy máu âm đạo bất thường
  • Cơn đau không cải thiện sau 1 giờ nghỉ ngơi
  • Sưng ở mặt, tay
  • Có các triệu chứng như sốt, ớn lạnh, nôn mửa, chóng mặt, số lần thai máy giảm

Mẹ bầu bị đau bụng trên là hiện tượng phổ biến và không quá đáng ngại trong đa số các trường hợp. Tình trạng này có thể được kiểm soát tại nhà bằng các mẹo được đề cập trong bài viết. Tuy nhiên, bạn hãy đi khám ngay nếu cơn đau kéo dài hoặc trở nên nghiêm trọng nhé.

Chia sẻ
Các thông tin trên được chia sẻ bởi Bowtie Việt Nam. Các nội dung này chỉ mang tính chất tham khảo. Trong mọi trường hợp, Bowtie không chịu trách nhiệm về bất kỳ tổn thất hoặc thiệt hại nào, dù là trực tiếp hay gián tiếp, liên quan đến việc truy cập và sử dụng nội dung của Bowtie.

Bài viết liên quan

12 dấu hiệu nguy hiểm khi mang thai mà mẹ bầu cần lưu ý 12 dấu hiệu nguy hiểm khi mang thai mà mẹ bầu cần lưu ý
Sản phụ khoa

12 dấu hiệu nguy hiểm khi mang thai mà mẹ bầu cần lưu ý

Bà bầu bị đau họng: Nguyên nhân và mẹo chữa trị không ảnh hưởng thai nhi Bà bầu bị đau họng: Nguyên nhân và mẹo chữa trị không ảnh hưởng thai nhi
Sản phụ khoa

Bà bầu bị đau họng: Nguyên nhân và mẹo chữa trị không ảnh hưởng thai nhi

Bạn cần làm gì khi bị trễ kinh nhưng không có dấu hiệu mang thai? Bạn cần làm gì khi bị trễ kinh nhưng không có dấu hiệu mang thai?
Sản phụ khoa

Bạn cần làm gì khi bị trễ kinh nhưng không có dấu hiệu mang thai?

Các chuyên mục khác

Email

Liên hệ chung
hello@bowtie.com.vn
Liên hệ về truyền thông
media@bowtie.com.vn
Liên hệ hợp tác
partners@bowtie.com.vn

© 2024 Bản quyền thuộc Bowtie Vietnam Company Limited.

Trình duyệt của bạn đã xảy ra lỗi. Để trải nghiệm tốt hơn, vui lòng nâng cấp hoặc thay đổi trình duyệt khác. OK