Bệnh thận - tiết niệu
Bệnh thận - tiết niệu

Suy thận: Bệnh thận nguy hiểm cần điều trị kịp thời

Suy thận là bệnh lý nguy hiểm, xảy ra khi chức năng của thận bị suy giảm hoặc mất hoàn toàn. Nếu không điều trị kịp thời, bệnh sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, thậm chí gây tử vong.
Biên tập bởi Bowtie Việt Nam
Ngày đăng 2022-12-28
Cập nhật ngày 2023-05-15
Nội dung chính
Bệnh suy thận là gì?Các giai đoạn suy thậnDấu hiệu của bệnh suy thậnNguyên nhân gây suy thậnYếu tố làm tăng nguy cơ bị suy thậnSuy thận có nguy hiểm không?Phương pháp chẩn đoán suy thậnPhương pháp điều trị suy thậnCách phòng ngừa suy thậnCâu hỏi thường gặp về bệnh suy thận
Suy thận: Bệnh thận nguy hiểm cần điều trị kịp thời

Vậy bệnh suy thận là gì? Nguyên nhân nào gây nên bệnh? Các phương pháp chẩn đoán, điều trị và phòng ngừa suy thận ra sao? Tất cả những thông tin này sẽ được Bảo hiểm Bowtie bật mí chi tiết trong bài viết dưới đây.

Bệnh suy thận là gì?

Bệnh suy thận xảy ra khi một hoặc hai quả thận không còn hoạt động hiệu quả, từ đó khiến chức năng của thận bị suy giảm hoặc mất hoàn toàn. Dựa theo thời gian tiến triển mà suy thận được chia làm 2 loại là:

  • Suy thận cấp: Suy thận cấp là tình trạng thận bị suy giảm chức năng đột ngột, không còn khả năng loại bỏ chất thải. Suy thận cấp có diễn biến rất nhanh, thường chỉ trong vài ngày hoặc vài giờ. Nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời, người bệnh có nguy cơ tử vong cao. 
  • Suy thận mạn: Suy thận mạn là tình trạng thận mất dần chức năng trong thời gian dài, thường trải qua 5 giai đoạn. 

Các giai đoạn suy thận

Suy thận cấp có diễn tiến nhanh nên thường không được chia thành các giai đoạn cụ thể. Trong khi đó, quá trình diễn tiến của suy thận mạn thường được chia thành 5 giai đoạn dựa trên độ lọc cầu thận ước tính (eGFR). Cụ thể như sau: 

  • Giai đoạn 1: Chỉ số eGFR cao hơn 90 mL/phút nhưng dưới 100 mL/phút. Ở giai đoạn này, thận của bệnh nhân bị tổn thương nhẹ nhưng vẫn có khả năng hoạt động tốt.
  • Giai đoạn 2: eGFR của bệnh nhân lúc này dao động trong khoảng 60 – 89 mL/phút. Thận đã bị tổn thương nhiều hơn giai đoạn 1 nhưng vẫn còn hoạt động bình thường.
  • Giai đoạn 3: Chỉ số eGFR nằm trong khoảng 30 – 59 mL/phút. Ở giai đoạn này, bệnh nhân bị suy giảm chức năng thận nhẹ hoặc trung bình.
  • Giai đoạn 4: Chỉ số eGFR của bệnh nhân chỉ còn khoảng 15 – 29 mL/phút. Bệnh nhân bị suy giảm chức năng thận nghiêm trọng.
  • Giai đoạn 5: Ở giai đoạn 5, chỉ số eGFR của bệnh nhân chỉ còn dưới 15 mL/phút. Thận lúc này gần như mất hoàn toàn chức năng.

Dấu hiệu của bệnh suy thận

Khi thận không hoạt động hiệu quả, bị suy giảm chức năng thì bệnh nhân có thể nhận thấy một số triệu chứng như:

  • Sưng, phù nề, thường xảy ra ở chân, bàn chân và mắt cá chân
  • Khó thở không rõ nguyên nhân
  • Buồn ngủ, mệt mỏi, uể oải
  • Chán ăn, ăn không ngon miệng, cảm thấy có vị kim loại trong miệng
  • Sụt cân
  • Buồn nôn, nôn
  • Da khô hoặc ngứa ngáy
  • Lú lẫn, khó tập trung
  • Chuột rút, co giật hoặc yếu cơ
  • Co giật hoặc hôn mê trong trường hợp nghiêm trọng

Nguyên nhân gây suy thận

Tùy vào dạng bệnh mà nguyên nhân gây suy thận có thể khác nhau. Theo đó, nguyên nhân gây suy thận cấp thường do:

  • Suy giảm lượng máu đến thận: Một số tình trạng và thuốc có thể làm suy giảm lưu lượng máu đến thận và dẫn đến tổn thương thận như mất máu, nhồi máu cơ tim, bệnh tim mạch, nhiễm trùng, suy gan, bỏng nặng, mất nước nghiêm trọng, sốc phản vệ, thuốc huyết áp, aspirin, ibuprofen, naproxen…
  • Tổn thương thận: Một số tình trạng gây tổn thương trực tiếp đến thận như cục máu đông trong tĩnh mạch hoặc động mạch thận, mảng xơ vữa ngăn chặn dòng máu đến thận, viêm cầu thận, hội chứng urê huyết tán huyết, nhiễm trùng, lupus ban đỏ, xơ cứng bì, tiêu cơ vân…
  • Tắc nghẽn nước tiểu trong thận: Các bệnh lý và tình trạng làm tắc nghẽn dòng nước tiểu có thể dẫn đến tổn thương thận cấp, bao gồm ung thư bàng quang, cục máu đông trong đường tiết niệu, ung thư cổ tử cung, sỏi thận

Trong khi đó, đái tháo đường và tăng huyết áp là hai nguyên nhân phổ biến gây suy thận mạn. Ngoài ra, một số bệnh lý và tình trạng sức khỏe khác cũng có thể gây suy thận mạn, bao gồm:

  • Viêm cầu thận
  • Viêm thận kẽ
  • Bệnh thận đa nang hoặc các bệnh thận di truyền khác
  • Tắc nghẽn đường tiết niệu kéo dài do các tình trạng như phì đại tuyến tiền liệt, sỏi thận hoặc ung thư
  • Trào ngược bàng quang – niệu quản
  • Nhiễm trùng thận tái phát

Yếu tố làm tăng nguy cơ bị suy thận

Một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ phát triển suy thận, bao gồm:

  • Lớn tuổi, đặc biệt trên 60 tuổi
  • Cao huyết áp, bệnh tim mạch
  • Đái tháo đường
  • Bệnh thận hoặc gan
  • Tiền sử gia đình có người mắc bệnh thận
  • Cấu trúc thận bất thường
  • Tiền sử dùng thuốc giảm đau hoặc một số loại thuốc gây hại cho thận trong thời gian dài
  • Thừa cân, béo phì
  • Hút thuốc lá
Yếu tố làm tăng nguy cơ bị suy thận
Người lớn tuổi có nguy cơ bị suy thận cao hơn người trẻ tuổi.

Suy thận có nguy hiểm không?

Suy thận là một căn bệnh về thận nguy hiểm, có thể gây ra nhiều biến chứng ảnh hưởng đến sức khỏe và đe dọa tính mạng của người bệnh. Các biến chứng tiềm ẩn của suy thận cấp có thể kể đến như tích tụ chất lỏng trong cơ thể, đau tức ngực do viêm màng ngoài tim, yếu cơ, tổn thương thận vĩnh viễn hoặc nghiêm trọng hơn là tử vong.

Trong khi đó, bệnh suy thận mạn tính có thể ảnh hưởng đến hầu hết mọi bộ phận trong cơ thể và gây ra các vấn đề như: 

  • Giữ nước, từ đó dẫn đến sưng tay chân, làm tăng huyết áp và tích tụ chất lỏng trong phổi
  • Tăng kali máu đột ngột, có thể gây suy giảm chức năng của tim và dẫn đến tử vong
  • Làm tăng nguy cơ phát triển các bệnh tim mạch khác
  • Thiếu máu, đặc biệt trong giai đoạn 3 – 5, do chức năng thận suy giảm, không thể giúp cơ thể tái tạo hồng cầu
  • Xương yếu, tăng nguy cơ gãy xương
  • Giảm ham muốn tình dục, rối loạn cương dương hoặc giảm khả năng sinh sản
  • Tổn thương hệ thần kinh trung ương, gây khó tập trung, thay đổi cảm xúc thất thường, co giật…
  • Hệ miễn dịch suy yếu khiến người bệnh dễ bị nhiễm trùng
  • Viêm màng ngoài tim
  • Các biến chứng khi mang thai cho cả mẹ và thai nhi
  • Tổn thương thận vĩnh viễn, không hồi phục

Phương pháp chẩn đoán suy thận

Bên cạnh việc khai thác tiền sử bệnh, triệu chứng mà bệnh nhân gặp phải cũng như khám lâm sàng, bác sĩ còn tiến hành thêm một số kiểm tra, xét nghiệm khác để chẩn đoán suy thận, bao gồm:

  • Đo lượng nước tiểu: Bác sĩ sẽ tiến hành đo lượng nước tiểu mà bệnh nhân đào thải trong 24 giờ để xác định nguyên nhân gây suy thận.
  • Xét nghiệm máu: Xét nghiệm máu sẽ được tiến hành để giúp bác sĩ xác định được nồng độ urê và creatinin trong máu của bệnh nhân. Đây là hai thông số được sử dụng để xem xét chức năng của thận.
  • Xét nghiệm nước tiểu: Xét nghiệm này sẽ giúp bác sĩ xác định nồng độ một số chất cụ thể trong nước tiểu. 
  • Xét nghiệm hình ảnh: Bệnh nhân có thể được yêu cầu thực hiện các phương pháp chẩn đoán hình ảnh như siêu âm, chụp cắt lớp vi tính (CT), chụp cộng hưởng từ (MRI)… để giúp bác sĩ quan sát rõ hơn hình ảnh và cấu trúc của thận.
  • Sinh thiết thận: Bác sĩ có thể tiến hành lấy một mẫu mô nhỏ ở thận để quan sát dưới kính hiển vi nhằm xác định nguyên nhân gây ra các vấn đề ở thận.

Phương pháp điều trị suy thận

Tùy vào tình trạng bệnh mà bác sĩ sẽ chỉ định các phương pháp điều trị phù hợp cho từng bệnh nhân. Theo đó, các phương pháp điều trị suy thận thường được sử dụng là: 

  • Điều trị nội khoa: Bác sĩ có thể chỉ định cho bệnh nhân sử dụng một số loại thuốc để kiểm soát nguyên nhân gây suy thận, làm giảm triệu chứng và ngăn ngừa các biến chứng của bệnh. 
  • Lọc máu nhân tạo: Thận bị suy giảm chức năng sẽ không thể tự loại bỏ chất thải và chất lỏng dư thừa như bình thường. Lúc này, bệnh nhân sẽ được lọc máu nhân tạo (chạy thận nhân tạo). Theo đó, một thiết bị bên ngoài cơ thể sẽ thực hiện thay chức năng của thận, giúp loại bỏ chất thải và chất lỏng dư thừa ra khỏi cơ thể. Bệnh nhân suy thận sẽ cần phải lọc máu nhân tạo 3 – 4 lần một tuần.
  • Thẩm phân phúc mạc: Đây là phương pháp làm sạch chất thải trong máu bằng cách sử dụng chính niêm mạc ổ bụng của người bệnh để làm màng lọc thay thế cho thận. 
  • Cấy ghép thận: Đây là phương pháp sử dụng một quả thận khỏe mạnh từ người hiến tặng để thay thế cho quả thận bị tổn thương của bệnh nhân. Sau khi cấy ghép, bệnh nhân sẽ phải dùng thuốc ức chế miễn dịch suốt đời để chống thải ghép. 
Phương pháp điều trị suy thận
Bệnh nhân có thể được chỉ định ghép thận để điều trị suy thận.

Cách phòng ngừa suy thận

Dù là một căn bệnh nguy hiểm nhưng chúng ta hoàn toàn có thể giảm thiểu nguy cơ bị suy thận bằng cách:

  • Thận trọng khi sử dụng bất kỳ loại thuốc nào vì việc sử dụng thuốc bừa bãi có thể gây tổn thương thận
  • Duy trì cân nặng hợp lý, không nên để cơ thể tăng cân đột ngột vì sẽ làm tăng nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến thận
  • Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh, bổ sung nhiều trái cây, rau xanh, hạn chế đường và muối  
  • Uống đủ nước vì tình trạng thiếu nước sẽ làm giảm lưu lượng máu đến thận 
  • Hạn chế sử dụng rượu bia
  • Không hút thuốc lá
  • Tập thể dục thường xuyên
  • Giảm căng thẳng
  • Điều trị hiệu quả các bệnh lý và tình trạng sức khỏe khác, đặc biệt là các vấn đề ở thận

Câu hỏi thường gặp về bệnh suy thận

Suy thận có lây không?

Bệnh suy thận không phải là một bệnh truyền nhiễm và không có khả năng lây truyền. Bệnh nhân suy thận không thể truyền bệnh cho người khác thông qua bất kỳ con đường nào, dù là hô hấp, tiếp xúc hay quan hệ tình dục. Vì vậy, bạn hoàn toàn có thể yên tâm khi chăm sóc cho bệnh nhân suy thận mà không lo lây nhiễm. 

Bệnh suy thận có chữa được không?

Bệnh suy thận cấp có khả năng chữa khỏi hoàn toàn, chức năng thận có thể được phục hồi trở lại nếu nguyên nhân gây bệnh được điều trị hiệu quả. Trong khi đó, bệnh suy thận mạn khó được điều trị hoàn toàn. Tuy nhiên, việc điều trị sẽ làm chậm tiến triển của bệnh, giảm nhẹ triệu chứng, ngăn ngừa biến chứng và giúp người bệnh kéo dài tuổi thọ.

Bệnh nhân suy thận sống được bao lâu?

Bệnh nhân suy thận cấp sau khi được điều trị có thể khôi phục chức năng thận như bình thường hoặc gần như bình thường và ít ảnh hưởng đến tuổi thọ. Trong khi đó, bệnh nhân suy thận mạn có thể tử vong nếu không được lọc máu hoặc ghép thận. Khi được lọc máu, bệnh nhân có thể sống được từ 5 – 10 năm, thậm chí có bệnh nhân sống được đến 30 năm. Trong trường hợp ghép thận, người bệnh có thể sống thêm 12 – 20 năm.

Người bệnh suy thận nên ăn gì?

Bệnh nhân suy thận nên bổ sung các loại thực phẩm sau vào chế độ ăn uống:

  • Ngũ cốc có hàm lượng đạm thấp
  • Thực phẩm chứa các loại protein chất lượng cao như thịt gia cầm, cá, các loại đậu, lòng trắng trứng…
  • Dầu thực vật
  • Rau củ chứa ít đạm như bầu bí, su hào, dưa chuột, củ cải trắng…
  • Quả chín ngọt
  • Thực phẩm chứa nhiều canxi như tôm, cua…

Đồng thời, người bị suy thận nên hạn chế:

  • Thực phẩm chứa nhiều chất béo có hại, cholesterol như nội tạng động vật, mỡ…
  • Rau nhiều đạm như rau muống, giá, rau dền, rau ngót…
  • Thức ăn chứa nhiều muối
  • Rượu bia
  • Thực phẩm chứa nhiều kali như cam, nho, đào, chuối, khoai lang, cà chua, đậu…
  • Thực phẩm chứa nhiều phốt pho như lòng đỏ trứng, thịt bò, sô-cô-la…

Hy vọng các thông tin trong bài viết đã giúp bạn hiểu rõ hơn về suy thận, nguyên nhân gây bệnh, dấu hiệu cũng như các phương pháp chẩn đoán và điều trị. Nếu nhận thấy bất kỳ dấu hiệu khác thường nào trong cơ thể, bạn nên nhanh chóng đến gặp bác sĩ để được thăm khám. Việc duy trì lối sống lành mạnh kết hợp với khám sức khỏe thường xuyên sẽ giúp bạn có một cơ thể khỏe mạnh, ngăn ngừa và phát hiện sớm nhiều bệnh lý để điều trị kịp thời. 

Chia sẻ
Các thông tin trên được chia sẻ bởi Bowtie Việt Nam. Các nội dung này chỉ mang tính chất tham khảo. Trong mọi trường hợp, Bowtie không chịu trách nhiệm về bất kỳ tổn thất hoặc thiệt hại nào, dù là trực tiếp hay gián tiếp, liên quan đến việc truy cập và sử dụng nội dung của Bowtie.

Bài viết liên quan

Hẹp niệu đạo ở nam giới Hẹp niệu đạo ở nam giới
Bệnh thận - tiết niệu

Hẹp niệu đạo ở nam giới

Kích thước sỏi thận bao nhiêu là nguy hiểm? Bao nhiêu mm thì phải mổ? Kích thước sỏi thận bao nhiêu là nguy hiểm? Bao nhiêu mm thì phải mổ?
Bệnh thận - tiết niệu

Kích thước sỏi thận bao nhiêu là nguy hiểm? Bao nhiêu mm thì phải mổ?

Làm sao biết mình bị sỏi thận? Nhận biết ngay 9 dấu hiệu sỏi thận Làm sao biết mình bị sỏi thận? Nhận biết ngay 9 dấu hiệu sỏi thận
Bệnh thận - tiết niệu

Làm sao biết mình bị sỏi thận? Nhận biết ngay 9 dấu hiệu sỏi thận

Các chuyên mục khác

Email

Liên hệ chung
hello@bowtie.com.vn
Liên hệ về truyền thông
media@bowtie.com.vn
Liên hệ hợp tác
partners@bowtie.com.vn

© 2024 Bản quyền thuộc Bowtie Vietnam Company Limited.

Trình duyệt của bạn đã xảy ra lỗi. Để trải nghiệm tốt hơn, vui lòng nâng cấp hoặc thay đổi trình duyệt khác. OK