Bệnh tim mạch
Bệnh tim mạch

Tăng huyết áp vô căn (nguyên phát): Mối nguy khôn lường cần lưu ý

Tăng huyết áp vô căn (nguyên phát) xảy ra khi huyết áp tăng cao bất thường mà không xác định được nguyên nhân, không phải do các bệnh lý khác gây ra. Nếu người bệnh không kịp thời phát hiện và có hướng xử lý, tình trạng này sẽ trở thành mối nguy hại khôn lường gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.
Biên tập bởi Bowtie Việt Nam
Ngày đăng 2023-04-16
Cập nhật ngày 2023-05-08
Nội dung chính
Bệnh tăng huyết áp vô căn (nguyên phát) là gì?Yếu tố nguy cơ của tăng huyết áp nguyên phátBiểu hiện của người bị tăng huyết áp vô cănTăng huyết áp nguyên phát nguy hiểm như thế nào?Phương pháp chẩn đoán xác định tăng huyết áp nguyên phátLàm sao điều trị tăng huyết áp vô căn nguyên phát hiệu quả?8 biện pháp phòng ngừa tăng huyết áp vô căn
Tăng huyết áp vô căn (nguyên phát)

Vậy tăng huyết áp vô căn (nguyên phát) là gì? Yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc tăng huyết áp nguyên phát? Người bệnh có biểu hiện gì và được điều trị như thế nào? Mời bạn cùng Website Bowtie tìm hiểu thêm trong bài viết này nhé. 

Bệnh tăng huyết áp vô căn (nguyên phát) là gì?

Tăng huyết áp vô căn hay tăng huyết áp nguyên phát chiếm 90% các trường hợp tăng huyết áp. Đặc điểm của tăng huyết áp vô căn (nguyên phát) là trị số huyết áp của bệnh nhân tăng cao mà không xác định được lý do. Trong đó, huyết áp là áp lực của máu lên thành động mạch, gồm 2 trị số là huyết áp tâm thu và huyết áp tâm trương. 

Vậy huyết áp bao nhiêu thì được chẩn đoán là tăng huyết áp vô căn? Bệnh tăng huyết áp vô căn (nguyên phát) được chẩn đoán khi trị số huyết áp tâm thu ≥ 140mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương ≥ 90mmHg. 

Theo đó, tùy trị số huyết áp của bệnh nhân tại các lần đo đúng quy định, tình trạng tăng huyết áp vô căn sẽ được chia làm nhiều phân độ khác nhau, cụ thể như sau:

  • Tiền tăng huyết áp: Huyết áp tâm thu 130 – 139mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương 85 – 89mmHg.
  • Độ 1: Huyết áp tâm thu 140 – 159mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương 90 – 99mmHg.
  • Độ 2: Huyết áp tâm thu 160 – 179mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương 100 – 109mmHg.
  • Độ 3: Huyết áp tâm thu ≥ 180mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương ≥ 110mmHg.

Tăng huyết áp vô căn còn có một dạng khác là tăng huyết áp tâm thu đơn độc, xảy ra khi chỉ có trị số huyết áp tâm thu ≥ 140mmHg còn trị số còn lại vẫn bình thường.

Yếu tố nguy cơ của tăng huyết áp nguyên phát

Dù các chuyên gia y tế không xác định được nguyên nhân gây tăng huyết áp nguyên phát nhưng họ biết rằng, một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh. Theo đó, các yếu tố nguy cơ của tăng huyết áp nguyên phát là:

  • Lớn tuổi (từ 65 tuổi trở lên)
  • Mắc bệnh đái tháo đường 
  • Chế độ ăn nhiều muối, ăn quá mặn
  • Tiêu thụ quá nhiều các loại thức uống chứa caffeine như cà phê, trà đậm, bò húc… 
  • Tiền sử gia đình bị cao huyết áp
  • Béo phì, thừa cân 
  • Uống quá nhiều rượu bia, đồ uống có cồn, chất kích thích
  • Lười vận động, ít tập luyện thể dục
  • Gặp phải các vấn đề về giấc ngủ như mất ngủ, ngủ không sâu giấc…
Yếu tố nguy cơ tăng huyết áp vô căn nguyên phát
Người lớn tuổi là đối tượng dễ bị tăng huyết áp vô căn (nguyên phát).

Biểu hiện của người bị tăng huyết áp vô căn

Các chuyên gia sức khỏe thường ví tăng huyết áp, đặc biệt là tăng huyết áp vô căn (nguyên phát), là “kẻ giết người thầm lặng”. Bởi thực tế, bệnh nhân thường không có bất kỳ triệu chứng gì. Tuy nhiên, sau một thời gian, tình trạng bệnh kéo dài sẽ gây tổn thương mạch máu và ảnh hưởng đến sức khỏe. 

Dưới đây là một số biểu hiện hiếm hoi mà người bị tăng huyết áp vô căn có thể gặp phải:

  • Tình trạng mắt mờ, không nhìn rõ hình ảnh
  • Đau ngực và khó thở
  • Chóng mặt và người cảm thấy lâng lâng, đi không vững
  • Cơ thể suy nhược và thiếu năng lượng
  • Chảy máu cam 
  • Thường gặp phải các cơn nhức đầu dữ dội
  • Có máu trong nước tiểu (tiểu máu)

Tăng huyết áp nguyên phát nguy hiểm như thế nào?

Cao huyết áp được xem là “nguy hiểm ngầm”. Bởi bệnh không gây ra các vấn đề sức khỏe ngay lập tức mà sẽ âm thầm làm tổn thương dần dần các mạch máu, tim cũng như nhiều cơ quan khác trong cơ thể. Tình trạng này kéo dài sẽ trở nên tồi tệ hơn theo thời gian và gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng, có thể kể đến như:

  • Phình mạch máu não
  • Sa sút trí tuệ, mất trí nhớ
  • Các bệnh tim mạch như bệnh tim mạch vành, bệnh động mạch ngoại biên, rung tâm nhĩ, nhồi máu cơ tim, suy tim… 
  • Tăng nguy cơ mắc bệnh thận, đặc biệt là suy thận
  • Tăng huyết áp ác tính (một dạng tăng huyết áp làm tổn thương các cơ quan đích không hồi phục, tiến triển nhanh, thường kháng trị)
  • Đột quỵ
  • Mờ mắt và nặng hơn là mất thị lực
  • Tử vong (thường do bệnh tim mạch hoặc đột quỵ)

Phương pháp chẩn đoán xác định tăng huyết áp nguyên phát

Tăng huyết áp vô căn (nguyên phát) được xác định khi huyết áp của bệnh nhân tăng cao vượt ngưỡng nhưng bác sĩ không rõ lý do gây bệnh. Việc chẩn đoán tăng huyết áp vô căn thường dựa vào cách đo huyết áp. Để xác định bệnh, bác sĩ sẽ thực hiện các phương pháp sau:

  • Thăm hỏi về tiền sử, bệnh sử: Bác sĩ hỏi về tiền sử, bệnh sử của người bệnh và gia đình. Thông qua đó, bác sĩ có thể loại trừ được các tình trạng khác có khả năng gây tăng huyết áp (tăng huyết áp thứ phát).
  • Đo huyết áp: Bác sĩ sẽ tiến hành đo huyết áp bằng thiết bị chuyên dụng. Bệnh nhân thường được đo huyết áp trong 2 – 3 lượt thăm khám. Trong mỗi lượt thăm khám, bệnh nhân cần đo huyết áp khoảng 3 lần, mỗi lần cách nhau 1 – 2 phút. Thêm vào đó, khi đo huyết áp tại bệnh viện, bác sĩ thường sẽ tiến hành đo ở cả hai tay. Ngoài việc đo huyết áp tại bệnh viện, bệnh nhân cũng có thể được hướng dẫn đo huyết áp tại nhà hoặc theo dõi huyết áp tự động 24h để xác định trị số huyết áp (trong trường hợp tăng huyết áp ẩn giấu hoặc tăng huyết áp áo choàng trắng). 
  • Phương pháp kiểm tra tim và thận: Ngoài đo huyết áp để chẩn đoán tăng huyết áp vô căn (nguyên phát), bác sĩ cũng có thể yêu cầu thực hiện thêm kiểm tra khác để phát hiện các vấn đề ở tim và thận. Các kiểm tra này thường bao gồm xét nghiệm nồng độ cholesterol, siêu âm tim, điện tâm đồ, xét nghiệm chức năng thận…

Làm sao điều trị tăng huyết áp vô căn nguyên phát hiệu quả?

Cho đến hiện tại, các chuyên gia y tế vẫn chưa tìm được phương pháp điều trị triệt để tình trạng tăng huyết áp. Ngoài ra, việc không xác định được nguyên nhân cụ thể gây bệnh tăng huyết áp nguyên phát càng khiến quá trình điều trị bệnh trở nên khó khăn hơn. 

Dù vậy, bệnh nhân có thể kiểm soát được huyết áp và hạn chế đáng kể sự tiến triển của bệnh nhờ thay đổi lối sống và dùng thuốc. Mục tiêu của quá trình điều trị là giữ huyết áp ở mức < 140/90mmHg (nếu người bệnh vẫn dung nạp tốt) hoặc < 130/80mmHg (nếu có nguy cơ tim mạch từ cao đến rất cao).

Thay đổi lối sống

Việc thay đổi lối sống sẽ giúp quá trình kiểm soát huyết áp hiệu quả hơn. Theo đó, mọi bệnh nhân đều được khuyến khích duy trì lối sống lành mạnh để ngăn bệnh tiến triển, giảm huyết áp. Đồng thời, việc này cũng giúp giảm lượng thuốc cần dùng.

Bệnh nhân nên cố gắng duy trì cân nặng phù hợp, tương đương với chỉ số khối cơ thể từ 18,5 – 22,9kg/m2. Nếu đang thừa cân, béo phì thì cần tích cực giảm cân. Ngoài cân nặng tổng thể, bệnh nhân cũng cần giảm kích thước vòng bụng xuống dưới 90cm đối với nam giới và dưới 80cm đối với nữ giới.

Bên cạnh đó, chế độ ăn uống hợp lý, lành mạnh cũng giúp bệnh nhân kiểm soát huyết áp hiệu quả. Người bệnh được khuyến khích giảm ăn mặn, hạn chế ăn các thức ăn nhiều cholesterol và axit béo no. Thay vào đó, hãy bổ sung nhiều rau xanh, trái cây tươi, ngũ cốc nguyên hạt và thực phẩm chứa nhiều kali. 

Ngoài ra, người bệnh cần hạn chế rượu bia, thức uống có cồn và ngừng hút thuốc lá, thuốc lào. Đồng thời, hãy tăng cường hoạt động thể lực với mức độ thích hợp. Bệnh nhân có thể lựa chọn các bài tập và hoạt động phù hợp như đi bộ, tập nhịp điệu, bơi lội… và nên duy trì đều đặn mỗi ngày.

Điều trị tăng huyết áp vô căn nguyên phát
Tập thể dục là một cách giúp kiểm soát huyết áp hiệu quả.

Dùng thuốc

Nếu không thể kiểm soát huyết áp bằng cách thay đổi lối sống, bệnh nhân sẽ phải dùng thuốc. Phác đồ điều trị được bác sĩ quyết định dựa trên tình trạng riêng của mỗi bệnh nhân. Trong đó, các loại thuốc được sử dụng phổ biến bao gồm:

  • Thuốc ức chế men chuyển angiotensin (ACE) giúp ngăn ngừa quá trình sản xuất angiotensin (một loại protein làm tăng huyết áp). 
  • Thuốc chẹn thụ thể angiotensin II (ARB) sẽ ức chế angiotensin II, từ đó làm giãn mạch và hạ huyết áp. 
  • Thuốc chẹn beta làm chậm nhịp tim và giảm cung lượng tim 
  • Thuốc chẹn kênh canxi làm giảm lượng canxi trong mạch máu, từ đó giúp các mô cơ thư giãn.
  • Thuốc lợi tiểu sẽ giúp cơ thể loại bỏ bớt lượng nước và natri dư thừa.
  • Thuốc giãn mạch làm thư giãn các cơ trong thành mạch máu, từ đó giúp máu di chuyển dễ hơn.

Bài viết liên quan:

8 biện pháp phòng ngừa tăng huyết áp vô căn

Những người chưa mắc bệnh có thể áp dụng 8 biện pháp để phòng tránh tăng huyết áp vô căn (nguyên phát) như sau:

  • Duy trì lối sống lành mạnh, tập luyện thể dục thường xuyên và biến hành động này trở thành thói quen mỗi ngày
  • Tránh thức uống có cồn và thuốc lá, nếu bỏ được các thói quen này thì càng tốt
  • Giảm cân khoa học nếu đang dư cân, béo phì
  • Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh, tốt cho sức khỏe, đặc biệt là tốt cho tim mạch. Hãy tăng cường ăn trái cây tươi, rau có màu xanh đậm, thịt nạc, trứng, sữa tươi… và tránh các thức ăn mặn, nhiều dầu mỡ, chất béo.
  • Đảm bảo chất lượng và thời gian ngủ
  • Cẩn trọng khi sử dụng bất kỳ các loại thuốc nào vì chúng có thể gây ảnh hưởng đến huyết áp
  • Đừng để bản thân bị căng thẳng quá mức bởi căng thẳng cũng có thể gây tăng huyết áp
  • Thăm khám, kiểm tra huyết áp định kỳ 

Trên đây là toàn bộ thông tin về bệnh tăng huyết áp vô căn (nguyên phát). Trong trường hợp thấy các triệu chứng hoa mắt, chóng mặt, người mệt mỏi, quay cuồng… bạn nên đến bệnh viện để được bác sĩ thăm khám và chẩn đoán bệnh. Chúng ta không thể chủ quan bởi các biến chứng của tăng huyết áp vô căn có khả năng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. 

Chia sẻ
Các thông tin trên được chia sẻ bởi Bowtie Việt Nam. Các nội dung này chỉ mang tính chất tham khảo. Trong mọi trường hợp, Bowtie không chịu trách nhiệm về bất kỳ tổn thất hoặc thiệt hại nào, dù là trực tiếp hay gián tiếp, liên quan đến việc truy cập và sử dụng nội dung của Bowtie.

Bài viết liên quan

Tăng huyết áp là gì? Hậu quả của bệnh tăng huyết áp Tăng huyết áp là gì? Hậu quả của bệnh tăng huyết áp
Bệnh tim mạch

Tăng huyết áp là gì? Hậu quả của bệnh tăng huyết áp

Bệnh nhồi máu cơ tim là gì mà nguy hiểm đến vậy? Bệnh nhồi máu cơ tim là gì mà nguy hiểm đến vậy?
Bệnh tim mạch

Bệnh nhồi máu cơ tim là gì mà nguy hiểm đến vậy?

Tăng huyết áp ở người cao tuổi: Mối nguy cao nếu phát hiện muộn Tăng huyết áp ở người cao tuổi: Mối nguy cao nếu phát hiện muộn
Bệnh tim mạch

Tăng huyết áp ở người cao tuổi: Mối nguy cao nếu phát hiện muộn

Các chuyên mục khác

Email

Liên hệ chung
hello@bowtie.com.vn
Liên hệ về truyền thông
media@bowtie.com.vn
Liên hệ hợp tác
partners@bowtie.com.vn

© 2024 Bản quyền thuộc Bowtie Vietnam Company Limited.

Trình duyệt của bạn đã xảy ra lỗi. Để trải nghiệm tốt hơn, vui lòng nâng cấp hoặc thay đổi trình duyệt khác. OK