Ung thư
Ung thư

Thực đơn cho người ung thư gan: Nên ăn gì, kiêng gì?

Ung thư gan và các phương pháp điều trị ung thư có thể khiến người bệnh ăn không ngon, mệt mỏi và từ đó làm tăng nguy cơ sụt cân, suy kiệt nhanh chóng. Lúc này, việc xây dựng một thực đơn cho người ung thư gan lành mạnh với đầy đủ dinh dưỡng đóng vai trò vô cùng quan trọng.
Biên tập bởi Bowtie Việt Nam
Tham vấn y khoa/chuyên môn bởi Bác sĩ CKI Trần Kiến Bình
Ngày đăng 2023-03-16
Cập nhật ngày 2023-05-12
Nội dung chính
Vai trò của chế độ dinh dưỡng đối với bệnh nhân ung thư ganĂn gì tốt cho người ung thư gan?Thực phẩm cần hạn chế trong thực đơn cho người bị ung thư ganThực đơn cho người bệnh ung thư ganMẹo giúp bệnh nhân ung thư gan ăn ngon miệng hơn
Thực đơn cho người ung thư gan: Nên ăn gì, kiêng gì?

Vậy đâu là thực phẩm tốt cho người ung thư gan? Trong thực đơn cho người bệnh ung thư gan nên có những món nào? Mời bạn cùng Bảo hiểm trực tuyến Bowtie xem tiếp các chia sẻ dưới đây để hiểu hơn về chế độ ăn cho người ung thư gan nhé!

Vai trò của chế độ dinh dưỡng đối với bệnh nhân ung thư gan

Trên thực tế, chế độ dinh dưỡng đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với sức khỏe của mọi người. Với những người khỏe mạnh, việc xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh là một biện pháp giúp ngăn ngừa ung thư gan. Trong khi đó, với những người chẳng may mắc bệnh, chế độ dinh dưỡng cân bằng lại mang đến nhiều lợi ích riêng.

Bản thân bệnh ung thư gan cùng với tác dụng phụ của các phương pháp điều trị có thể khiến người bệnh mệt mỏi, mất cảm giác ngon miệng, chán ăn, từ đó dẫn đến suy nhược nghiêm trọng. Điều này càng khiến cho việc điều trị trở nên khó khăn hơn do sức khỏe của bệnh nhân không đảm bảo. 

Lúc này, việc cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cho người bệnh thông qua một chế độ ăn uống căn bằng, lành mạnh sẽ giúp họ có thêm năng lượng, sức khỏe để chiến đấu với bệnh tật. Theo đó, một chế độ ăn uống bổ dưỡng có thể giúp người bệnh:

  • Cung cấp đầy đủ dưỡng chất cho cơ thể
  • Giúp bản thân chống chọi lại bệnh tật 
  • Giảm nhẹ tác dụng phụ của các phương pháp điều trị
  • Tăng tốc độ phục hồi sau khi điều trị
  • Tăng tốc độ chữa lành vết thương và phục hồi các mô bị tổn thương sau phẫu thuật, xạ trị, hóa trị…
  • Nâng cao hệ miễn dịch của cơ thể và cải thiện khả năng chống nhiễm trùng
  • Nâng cao tổng trạng cho người bệnh

Nhìn chung, việc lựa chọn thực phẩm cho người ung thư gan có thể rất khác so với việc lựa chọn thực phẩm cho người bình thường. Do đó, trong quá trình chăm sóc bệnh nhân ung thư gan, đặc biệt là ung thư gan giai đoạn cuối, việc đảm bảo dinh dưỡng tốt cho người bệnh có thể khiến bạn đau đầu. 

Bạn chỉ cần nhớ rằng, thực đơn cho người ung thư gan nên đảm bảo cung cấp đủ calo (giúp ổn định cân nặng), protein (giúp phục hồi các mô bị tổn thương trong quá trình điều trị) và các dưỡng chất cần thiết cho hoạt động của cơ thể như vitamin, khoáng chất… Nếu còn đang băn khoăn chưa biết người ung thư gan nên ăn gì và kiêng ăn gì, bạn có thể tham khảo nội dung bên dưới của Bowtie để biết thêm về các loại thực phẩm tốt và không tốt cho người bệnh nhé. 

Ăn gì tốt cho người ung thư gan?

Khi xây dựng thực đơn hàng ngày cho bệnh nhân ung thư gan, người chăm sóc và gia đình nên lưu ý bổ sung một số loại thực phẩm có lợi sau đây:

Protein

Protein là dưỡng chất đóng vai trò vô cùng quan trọng giúp tăng cường hệ thống miễn dịch và thúc đẩy quá trình hồi phục các mô bị tổn thương. Vì vậy, trong thực đơn cho người bị ung thư gan không thể thiếu nhóm thực phẩm chứa dưỡng chất này. 

Tuy nhiên, không phải protein nào cũng có lợi cho người bệnh. Theo đó, gia đình nên ưu tiên lựa chọn các nhóm thực phẩm giàu protein nạc như thịt gia cầm, cá, trứng, các sản phẩm từ sữa ít béo, các loại hạt, đậu nành… 

Trong giai đoạn đầu và giữa của ung thư gan, người thân cần cố gắng bổ sung nhiều protein cho bệnh nhân. Tuy nhiên, trong thực đơn cho người ung thư gan giai đoạn cuối – khi người bệnh có khả năng hôn mê gan hoặc hội chứng gan thận tổng hợp thì nên hạn chế ăn các chất có hàm lượng nitơ cao như protein vì có thể làm tăng khả năng gặp phải các vấn đề sức khỏe này. 

Ngũ cốc nguyên hạt

Các loại ngũ cốc nguyên hạt là nguồn cung cấp carbohydrate và chất xơ tốt, dồi dào giúp làm tăng mức năng lượng cho bệnh nhân. Theo đó, chế độ ăn cho người ung thư gan nên bổ sung các loại ngũ cốc nguyên hạt như yến mạch, bánh mì nguyên hạt, gạo lứt, mì ống nguyên hạt…

Trái cây và rau củ

Trái cây và rau củ từ xưa đến nay đều được xem là nhóm thực phẩm bổ dưỡng, tốt cho sức khỏe. Nhóm thực phẩm này chứa nhiều vitamin, khoáng chất, chất xơ, đặc biệt là chất chống oxy hóa, có thể giúp tăng cường miễn dịch và hỗ trợ cơ thể chống lại bệnh ung thư. 

Bất kể trái cây, rau củ tươi, đóng hộp hay đông lạnh cũng đều mang đến lợi ích cho người bệnh. Bạn hãy ưu tiên lựa chọn các loại rau quả có nhiều màu sắc vì sẽ chứa đa dạng các dưỡng chất hơn. 

Thực phẩm chứa chất béo lành mạnh

Chất béo là dưỡng chất cần thiết cho quá trình hấp thụ dinh dưỡng và chất chống oxy hóa của cơ thể. Tuy nhiên, chất béo có nhiều loại và không phải loại nào cũng tốt cho sức khỏe. Theo đó, người bệnh ung thư gan nên ưu tiên lựa chọn các loại thực phẩm chứa chất béo lành mạnh như chất béo có trong quả bơ, các loại quả hạch, các loại hạt, dầu ô liu…

Đối với bệnh nhân ung thư gan giai đoạn muộn, dịch mật bài tiết giảm khiến họ khó tiêu hóa được các loại thực phẩm giàu chất béo. Lúc này, gia đình nên lưu ý điều chỉnh, giảm bớt lượng chất béo trong chế độ ăn uống cho bệnh nhân ung thư gan.

Sữa và các sản phẩm từ sữa

Sữa và các sản phẩm từ sữa như sữa chua, phô mai… là nguồn cung cấp canxi và dưỡng chất dồi dào giúp nâng cao sức khỏe cho bệnh nhân ung thư gan. Các loại sữa và sản phẩm từ sữa ít béo là lựa chọn tốt cho người bệnh.

Thực phẩm chứa vitamin B, C, K

Như đã đề cập, vitamin là một trong những dưỡng chất vô cùng cần thiết và có lợi cho bệnh nhân ung thư gan, đặc biệt là phức hợp vitamin B, vitamin C và vitamin K. Bạn có thể bổ sung các loại vitamin này thông qua thực phẩm hoặc tham khảo ý kiến bác sĩ về việc sử dụng các sản phẩm bổ sung vitamin cần thiết.

Gia vị

Một số loại gia vị không chỉ làm tăng tính ngon miệng của món ăn, giúp kích thích vị giác của người bệnh mà còn mang lại một số lợi ích khác như:

  • Gừng giúp giảm tình trạng viêm
  • Nghệ giúp ức chế stress oxy hóa

Để giúp quá trình tiêu hóa của bệnh nhân diễn ra tốt hơn, thay vì 3 bữa chính, gia đình có thể chia nhỏ và cho người bệnh ăn khoảng 5 – 6 bữa trong ngày, mỗi bữa cách nhau khoảng 3 tiếng. Thêm vào đó, bệnh nhân nên uống nhiều nước và các chất lỏng khác để đảm bảo cung cấp đủ nước cho cơ thể. 

Thực đơn cho người ung thư gan nên ăn gì?
Gia vị như gừng, tiêu, nghệ, tỏi… là loại thực phẩm có lợi cho người ung thư gan.

Thực phẩm cần hạn chế trong thực đơn cho người bị ung thư gan

Bên cạnh các loại thực phẩm tốt, bệnh nhân ung thư gan cũng cần hạn chế một số loại thực phẩm nhất định sau đây:

  • Thực phẩm chiên xào, nhiều dầu mỡ và chất béo bởi những thực phẩm này có thể gây khó tiêu
  • Thực phẩm đóng hộp, chế biến sẵn 
  • Các loại thịt nhiều chất béo như thịt bò, thịt cừu…
  • Thực phẩm chứa nhiều muối
  • Thực phẩm chứa quá nhiều đường như kẹo, các món tráng miệng…. 
  • Các thức uống có chứa cồn

Thực đơn cho người bệnh ung thư gan

Nếu bạn còn băn khoăn không biết nên chế biến, bổ sung thức ăn gì cho người ung thư gan thì đừng quá lo lắng. Dưới đây là một số gợi ý của Bowtie để giúp bạn dễ dàng xây dựng được thực đơn hàng ngày cho người bệnh ung thư gan:

1. Cơm lá sen

Lá sen rất giàu polyphenol, một chất oxy hóa có thể giúp làm chậm sự phân chia và phát triển của tế bào ung thư. Do đó, đây là một trong những món ăn bạn nên cân nhắc thêm vào thực đơn cho người bị ung thư gan. 

2. Canh sườn heo nấu súp lơ

Các loại rau họ cải, chẳng hạn như súp lơ, có chứa nhiều dưỡng chất như chất xơ, chất chống oxy hóa, axit béo omega-3, folate, vitamin C, E, K rất tốt cho bệnh nhân ung thư. Ngoài ra, đây cũng là một món ăn thanh đạm, dễ ăn và dễ tiêu hóa. Trong quá trình chế biến, bạn nên chọn phần sườn ít mỡ, đồng thời hạn chế nêm thêm gia vị. 

3. Canh cà chua nấu cá

Cá là thực phẩm thuộc nhóm giàu protein nạc được khuyên dùng cho người bị ung thư. Trong khi đó, cà chua lại chứa một lượng lớn lycopene, một caroten không bão hòa có hoạt tính chống oxy hóa cao. Do đó, đây là một trong những món ăn rất tốt cho sức khỏe, nên có trong thực đơn cho người bị ung thư gan.

4. Chè bí đỏ

Bí đỏ là một trong những loại thực phẩm tốt cho bệnh nhân ung thư do chứa nhiều chất chống oxy hóa và chất dinh dưỡng. Cụ thể, bí đỏ có hàm lượng carotene và beta-carotene cao. Đây là những chất chống oxy hóa giúp trung hòa các gốc tự do và làm chậm sự phát triển của ung thư. Ngoài nấu chè, bạn có thể dùng bí đỏ để nấu canh hoặc chế biến thành món ăn. Tuy nhiên, với món chè bí đỏ thì bạn hãy chú ý bỏ ít đường thôi nhé!

5. Nho đỏ

Đây là loại trái cây được công nhận là có chứa nhiều thành phần dinh dưỡng lành mạnh giúp nâng cao sức khỏe và chống lại bệnh tật. Stilbenes, anthocyanins và procyanidins có nhiều trong vỏ nho và rượu vang đỏ, là những chất có đặc tính chống oxy hóa và chống viêm mạnh, có tác dụng làm chậm sự phát triển của tế bào ung thư. Nho đỏ cũng rất ngon nên bạn có thể bổ sung vào thực đơn của người bị ung thư gan như một món tráng miệng hoặc một bữa phụ trong ngày.

6. Món ăn chế biến từ ngũ cốc nguyên hạt

Bạn có thể dùng bánh mì hoặc mì ống nguyên cám để chế biến thành các bữa chính cho bệnh nhân ung thư gan. Ngoài ra, với yến mạch, các loại hạt như hạnh nhân, óc chó…, bạn cũng có thể làm bánh hoặc các món tráng miệng khác để kích thích vị giác cho người bệnh.

7. Sữa và các sản phẩm từ sữa

Bạn có thể cho bệnh nhân ung thư gan dùng thêm sữa và các sản phẩm từ sữa như sữa chua, phô mai… vào các bữa phụ hoặc bữa nhẹ trong ngày.

Thực đơn cho người ung thư gan
Bạn có thể cho bệnh nhân ung thư gan ăn sữa chua, phô mai vào các bữa phụ trong ngày.

Mẹo giúp bệnh nhân ung thư gan ăn ngon miệng hơn

Ung thư gan và các phương pháp điều trị liên quan có thể khiến người bệnh cảm thấy chán ăn, thay đổi khẩu vị, nôn, buồn nôn…, từ đó ăn ít đi. Nếu người bệnh cảm thấy chán ăn, không muốn ăn, bạn có thể thực hiện một số cách sau để giúp họ ăn nhiều hơn:

  • Ăn nhiều bữa nhỏ trong ngày, cố gắng duy trì chế độ ăn uống đều đặn thay vì đợi đến khi đói
  • Sử dụng đĩa có kích thước nhỏ khi ăn
  • Cố gắng cho người bệnh ăn những gì họ “thèm”, với những món không tốt cho sức khỏe thì có thể ăn ít
  • Nhắc bệnh nhân bổ sung đủ nước mỗi ngày
  • Thay thế nước, trà và cà phê bằng súp, nước ép trái cây….
  • Hoạt động thể chất nhẹ nhàng có thể kích thích sự thèm ăn ở người bệnh
  • Ăn cùng với người bệnh

Đối với tình trạng thay đổi khẩu vị, người chăm sóc có thể thử một số cách sau để giúp kích thích vị giác cho bệnh nhân:

  • Nêm thêm một số gia vị như chanh, gừng, tỏi, nước tương, mật ong, ớt hoặc hạt tiêu vào thức ăn cho người ung thư gan
  • Nếu người bệnh không muốn ăn thịt, hãy thay thế thịt bằng các thực phẩm giàu protein khác như phô mai, trứng, các loại hạt, thực phẩm từ sữa, đậu nướng, đậu lăng hoặc đậu xanh
  • Thêm một lượng nhỏ đường vào thức ăn nếu có vị đắng hoặc mặn
  • Sử dụng ống hút khi uống
  • Ăn thức ăn nguội hoặc thức ăn ở nhiệt độ phòng (thức ăn nóng thường sẽ có mùi hơn)
  • Hâm nóng thức ăn đã chuẩn bị trước trong lò vi sóng để mùi nấu nướng không gây khó chịu

Thêm vào đó, bản thân bệnh ung thư và đặc biệt là các phương pháp điều trị có thể khiến người bệnh buồn nôn và nôn mửa thường xuyên. Để giảm tình trạng này và giúp người bệnh ăn uống ngon miệng hơn, dưới đây là một số cách bạn có thể áp dụng: 

  • Khuyến khích người bệnh uống từng ngụm nước nhỏ hoặc có thể thử uống trà gừng, trà thảo mộc, nước trái cây…
  • Nhắc bệnh nhân ăn uống chậm rãi, nhai kỹ thức ăn
  • Cho người bệnh ăn các món nhạt, hạn chế các món ăn có nhiều đường, nhiều dầu mỡ hoặc cay nóng
  • Tránh các món ăn có thể khiến bệnh nhân cảm thấy buồn nôn
  • Chia thành nhiều bữa nhỏ trong ngày, có thể ăn bánh quy, ngũ cốc, uống sữa vào các bữa ăn phụ

Trên đây là một số chia sẻ của Bowtie về thực đơn cho người ung thư gan. Nhìn chung, mỗi người bệnh sẽ có những đặc điểm khác nhau và gặp phải những tác dụng phụ khác nhau khi điều trị. Do đó, nếu những chia sẻ trên chưa phù hợp với người thân của bạn, hãy tham khảo thêm ý kiến của bác sĩ điều trị hoặc chuyên gia dinh dưỡng để xây dựng chế độ ăn tốt cho người ung thư gan nhé. 

 

Chia sẻ
Các thông tin trên được chia sẻ bởi Bowtie Việt Nam. Các nội dung này chỉ mang tính chất tham khảo. Trong mọi trường hợp, Bowtie không chịu trách nhiệm về bất kỳ tổn thất hoặc thiệt hại nào, dù là trực tiếp hay gián tiếp, liên quan đến việc truy cập và sử dụng nội dung của Bowtie.

Bài viết liên quan

Cẩn trọng với 9 dấu hiệu cảnh báo ung thư sớm Cẩn trọng với 9 dấu hiệu cảnh báo ung thư sớm
Ung thư

Cẩn trọng với 9 dấu hiệu cảnh báo ung thư sớm

Nguyên nhân ung thư tinh hoàn và yếu tố nguy cơ Nguyên nhân ung thư tinh hoàn và yếu tố nguy cơ
Ung thư

Nguyên nhân ung thư tinh hoàn và yếu tố nguy cơ

Hiểu rõ ung thư phổi giai đoạn II (giai đoạn 2) để phát hiện kịp thời Hiểu rõ ung thư phổi giai đoạn II (giai đoạn 2) để phát hiện kịp thời
Ung thư

Hiểu rõ ung thư phổi giai đoạn II (giai đoạn 2) để phát hiện kịp thời

Các chuyên mục khác

Email

Liên hệ chung
hello@bowtie.com.vn
Liên hệ về truyền thông
media@bowtie.com.vn
Liên hệ hợp tác
partners@bowtie.com.vn

© 2024 Bản quyền thuộc Bowtie Vietnam Company Limited.

Trình duyệt của bạn đã xảy ra lỗi. Để trải nghiệm tốt hơn, vui lòng nâng cấp hoặc thay đổi trình duyệt khác. OK