Các bệnh lý khác
Các bệnh lý khác

Thuyên tắc phổi: Tình trạng nguy hiểm chớ nên xem thường

Thuyên tắc phổi gây tắc nghẽn dòng máu trong động mạch phổi và dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm. Tuy nhiên, bệnh lại khó được chẩn đoán sớm do không có triệu chứng đặc hiệu.
Biên tập bởi Bowtie Việt Nam
Ngày đăng 2023-02-11
Cập nhật ngày 2023-04-26
Nội dung chính
Thuyên tắc phổi là bệnh gì?Triệu chứng thuyên tắc phổiNguyên nhân gây thuyên tắc mạch phổiYếu tố nguy cơ thuyên tắc phổiBiến chứng thuyên tắc phổiPhương pháp chẩn đoán thuyên tắc phổiPhương pháp điều trị thuyên tắc phổiCách phòng ngừa thuyên tắc phổiCâu hỏi thường gặp về thuyên tắc mạch phổi
Thuyên tắc phổi: Tình trạng nguy hiểm chớ nên xem thường

Thuyên tắc phổi và huyết khối tĩnh mạch sâu (gọi chung là bệnh lý thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch) là một trong ba nguyên nhân tim mạch gây tử vong hàng đầu, chỉ sau nhồi máu cơ tim cấp và đột quỵ. Dù là một bệnh lý nguy hiểm nhưng thuyên tắc phổi lại khó được chẩn đoán sớm do không có triệu chứng lâm sàng đặc hiệu và dễ bị nhầm lẫn với các bệnh lý khác, nhất là ở người lớn tuổi. 

Việc chẩn đoán bệnh kịp thời sẽ giúp quá trình điều trị mang lại hiệu quả cao hơn, giảm tỷ lệ tử vong do huyết khối. Để tìm hiểu rõ hơn về căn bệnh đáng lo ngại này, mời bạn cùng Bowtie xem tiếp bài viết dưới đây.

Thuyên tắc phổi là bệnh gì?

Thuyên tắc phổi là tình trạng xuất hiện một tác nhân làm tắc nghẽn và chặn dòng máu đi qua động mạch phổi, thường là cục máu đông (huyết khối). Phần lớn các trường hợp cục máu đông được hình thành từ tĩnh mạch sâu ở chân và di chuyển đến phổi gây nghẽn mạch. Đôi khi, cục máu đông cũng có thể bắt nguồn từ những mạch mạch ở các bộ phận khác. 

Dòng máu đi đến phổi có thể bị chặn bởi một hoặc nhiều cục máu đông nên khi thuyên tắc phổi xảy ra có khả năng gây đe dọa tính mạng. Tuy nhiên, việc cấp cứu kịp thời sẽ làm giảm đáng kể nguy cơ này.

Tại Mỹ và châu Âu, tỷ lệ ca mắc mới thuyên tắc phổi là 1,8/1000 và mỗi năm ở Mỹ có khoảng 200.000 người tử vong vì bệnh lý này. Ở Việt Nam, thuyên tắc phổi ngày càng phổ biến hơn do đã có thể được chẩn đoán bằng kỹ thuật chụp cắt lớp điện toán mạch máu phổi cản quang.

Triệu chứng thuyên tắc phổi

Triệu chứng thuyên tắc phổi ở mỗi người bệnh sẽ khác nhau, tùy thuộc vào mức độ phổi bị ảnh hưởng, kích thước của cục máu đông và các bệnh lý tiềm ẩn ở phổi hoặc tim của người bệnh. Các triệu chứng sau đây thường không đặc hiệu nên bệnh ít khi được phát hiện sớm:

  • Khó thở, thường xuất hiện đột ngột ngay cả khi nghỉ ngơi và có xu hướng trở nên tồi tệ hơn khi hoạt động thể chất
  • Đau ngực, thường nặng hơn khi gắng sức, hít thở sâu, ho, cúi xuống hoặc nghiêng người
  • Thở nhanh (trên 20 nhịp thở mỗi phút)
  • Ho, có khi ho ra máu hoặc ho ra đờm có lẫn máu
  • Ngất xỉu
  • Hạ huyết áp
  • Nhịp tim nhanh hoặc không đều (rối loạn nhịp tim)
  • Cảm thấy đau nhói không rõ lý do ở ngực, cánh tay, vai, cổ hoặc hàm
  • Da nhợt nhạt, tím tái
  • Cảm thấy chóng mặt, choáng váng, lâng lâng
  • Sưng một hoặc cả hai bên chân, thường là ở bắp chân
  • Sốt và đổ nhiều mồ hôi
Triệu chứng thuyên tắc phổi
Đau ngực, thở gấp và đôi khi ho nhiều là những triệu chứng đầu tiên của thuyên tắc phổi.

Nguyên nhân gây thuyên tắc mạch phổi

Thuyên tắc phổi thường xảy ra khi có cục máu đông bị kẹt trong động mạch phổi làm chặn dòng máu lưu thông. Tình trạng thuyên tắc mạch có thể gặp phải ở một hoặc nhiều vị trí do một hoặc nhiều cục máu đông gây ra. Khi động mạch bị tắc, các phần phổi do động mạch đó nuôi dưỡng không nhận đủ máu sẽ chết dần theo thời gian, được gọi là nhồi máu phổi.

Trong bệnh lý này, cục máu đông thường hình thành trong các tĩnh mạch hoặc động mạch ở những bộ phận khác của cơ thể, phổ biến nhất là ở các tĩnh mạch sâu của chân (huyết khối tĩnh mạch sâu). Sau đó, cục máu đông có thể bị vỡ ra và theo dòng máu di chuyển đến phổi, gây tắc nghẽn động mạch phổi. Một số trường hợp khác, cục máu đông có thể hình thành ở đầu ống thông tĩnh mạch đặt bên trong cơ thể.

Đôi khi, sự tắc nghẽn trong mạch máu xảy ra do một tác nhân khác không phải là cục máu đông, chẳng hạn như:

  • Mỡ từ trong các xương bị gãy di chuyển theo dòng máu
  • Một phần của khối u
  • Bọt khí
  • Thuyên tắc nước ối

Yếu tố nguy cơ thuyên tắc phổi

Bất kỳ ai cũng có khả năng gặp phải cục máu đông trong mạch máu – nguyên nhân chính dẫn đến thuyên tắc phổi nhưng một số yếu tố sau đây có thể làm tăng nguy cơ này:

  • Tiền sử bị thuyên tắc hay các vấn đề liên quan đến sự xuất hiện của cục máu đông
  • Mắc một bệnh lý khác như bệnh tim mạch, ung thư, các rối loạn ảnh hưởng đến sự hình thành cục máu đông, COVID-19
  • Từng trải qua một cuộc phẫu thuật lớn như phẫu thuật thay thế một bộ phận trong cơ thể
  • Không vận động trong thời gian dài, chẳng hạn như nằm liệt giường, thực hiện những chuyến bay dài…
  • Gặp phải các chấn thương, đặc biệt ở chân
  • Hút thuốc lá
  • Thừa cân, béo phì
  • Dùng các loại thuốc hoặc liệu pháp chứa estrogen như thuốc tránh thai, liệu pháp hormone…
  • Mang thai và sinh con
  • Trên 40 tuổi

Nếu bạn có một hoặc nhiều yếu tố nguy cơ hình thành cục máu đông, hãy trao đổi với bác sĩ để có cách giảm thiểu nguy cơ này cũng như nên chủ động theo dõi sức khỏe định kỳ.

Biến chứng thuyên tắc phổi

Thuyên tắc phổi làm lưu lượng máu đi đến các mô phổi bị thiếu hụt, khiến chúng tổn thương vĩnh viễn, đồng thời cũng làm lượng oxy trong máu giảm thấp và gây tổn thương đến các cơ quan khác trong cơ thể. Nếu không được chẩn đoán và điều trị thì khoảng 1/3 số người bị thuyên tắc phổi sẽ tử vong. Tuy nhiên, khi được phát hiện và điều trị kịp thời thì tỷ lệ sống sót tăng lên đáng kể.

Tình trạng thuyên tắc này cũng có thể làm tăng huyết áp phổi khi áp suất máu trong phổi và tim phải quá cao. Nếu các động mạch bên trong phổi bị tắc nghẽn một phần, tim sẽ cần co bóp nhiều và mạnh hơn để đẩy máu qua được các đoạn mạch máu đó. Điều này làm huyết áp ở phổi tăng lên và gây suy yếu dần cơ tim. Trong một số trường hợp hiếm gặp, cục máu đông nhỏ vẫn còn trong phổi sẽ tạo thành sẹo ở động mạch phổi theo thời gian. Tình trạng này hạn chế lưu lượng máu đến phổi và gây tăng huyết áp phổi mạn tính.

Việc điều trị thuyên tắc phổi bằng các loại thuốc chống đông hoặc làm loãng máu cũng có khả năng dẫn đến biến chứng xuất huyết.

Phương pháp chẩn đoán thuyên tắc phổi

Tình trạng thuyên tắc phổi thường khó được chẩn đoán sớm vì triệu chứng bệnh giống với nhiều bệnh lý và vấn đề sức khỏe khác. Sau khi hỏi các thông tin liên quan và thăm khám lâm sàng, nếu nghi ngờ bệnh nhân bị thuyên tắc phổi, bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện một số xét nghiệm, kiểm tra sau đây để đưa ra kết luận:

  • Chụp X-quang ngực
  • Chụp cắt lớp vi tính (CT) ngực
  • Chụp cắt lớp điện toán mạch máu phổi cản quang
  • Siêu âm ở chân để tìm kiếm huyết khối tĩnh mạch sâu
  • Xạ hình thông khí/tưới máu phổi
  • Chụp động mạch phổi
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI)
  • Xét nghiệm máu để kiểm tra các yếu tố đông máu (như xét nghiệm nồng độ D-dimer)
  • Siêu âm Duplex
  • Điện tâm đồ để đánh giá tình trạng của tim
Phương pháp chẩn đoán thuyên tắc phổi
Các phương pháp chẩn đoán hình ảnh như chụp X-quang, CT có thể giúp bác sĩ đưa ra chẩn đoán thuyên tắc phổi.

Phương pháp điều trị thuyên tắc phổi

Khi cần cấp cứu thuyên tắc phổi, bác sĩ sẽ tiến hành:

  • Cho bệnh nhân thở oxy qua mặt nạ cung cấp oxy
  • Sử dụng thuốc chống đông máu để làm tan cục máu đông
  • Phẫu thuật loại bỏ cục máu đông (trong trường hợp rất nghiêm trọng)

Các lựa chọn trong điều trị thuyên tắc phổi gồm:

  • Sử dụng thuốc chống đông máu để ngăn không cho các cục máu đông phát triển lớn hơn và hạn chế việc hình thành thêm cục máu đông mới. Các thuốc thường dùng là heparin (đường tiêm dưới da hoặc tiêm truyền tĩnh mạch) và warfarin (đường uống). Khi được chẩn đoán bị thuyên tắc phổi, bệnh nhân sẽ được tiêm thuốc chống đông máu trong ít nhất 5 ngày. Sau đó, người bệnh vẫn cần duy trì uống thuốc trong vòng ít nhất 3 tháng.
  • Tiêm thuốc tiêu sợi huyết để làm tan và phá vỡ cục máu đông. Tuy nhiên, các loại thuốc này có thể gây chảy máu đột ngột và nghiêm trọng nên thường chỉ được sử dụng trong trường hợp thuyên tắc gây đe dọa đến tính mạng.
  • Đặt lưới lọc tĩnh mạch chủ để ngăn ngừa cục máu đông di chuyển đến phổi. Phương pháp này được chỉ định khi người bệnh không dùng được thuốc chống đông máu hoặc vẫn hình thành nhiều cục máu đông dù đã dùng thuốc.
  • Phẫu thuật loại bỏ tác nhân gây thuyên tắc phổi. Tuy nhiên, chỉ những trường hợp cục thuyên tắc rất lớn và không điều trị được bằng các phương pháp khác mới được chỉ định phương pháp này. 
  • Lấy huyết khối qua da nhờ một ống thông (catheter) được luồn vào trong mạch máu đến vị trí thuyên tắc, dưới hướng dẫn hình ảnh từ tia X. Sau khi ống thông đến đúng vị trí cần thiết, bác sĩ sẽ điều khiển chúng để đưa các tác nhân gây tắc nghẽn mạch ra ngoài hoặc phá tan các tác nhân này bằng thuốc.

Bên cạnh đó, người từng bị thuyên tắc phổi hoặc có nguy cơ cao cũng cần điều trị dự phòng để hạn chế sự hình thành của những cục máu đông mới gây tắc nghẽn các mạch máu khác.

Cách phòng ngừa thuyên tắc phổi

Dưới đây là một số cách để phòng ngừa thuyên tắc phổi:

  • Sử dụng thuốc chống đông máu theo chỉ định của bác sĩ nếu có nguy cơ hình thành cục máu đông
  • Dùng vớ nén để giúp các tĩnh mạch ở chân lưu thông máu tốt hơn
  • Nâng cao chân khi nằm (tầm 10-15 cm)
  • Tăng cường vận động, hoạt động thể chất, nhất là với những người vừa trải qua phẫu thuật
  • Duy trì cân nặng khỏe mạnh, chế độ ăn hợp lý
  • Không hút thuốc lá
  • Không mặc quần áo quá chật 
  • Tránh ngồi bắt chéo chân
  • Uống nhiều nước, hạn chế rượu, bia, đồ uống có cồn và caffeine

Câu hỏi thường gặp về thuyên tắc mạch phổi

Bệnh thuyên tắc phổi có tái phát không?

Bệnh thuyên tắc phổi có khả năng tái phát lại nếu các cục máu đông tiếp tục hình thành và di chuyển đến động mạch phổi gây tắc nghẽn hoặc xuất hiện các tác nhân gây tắc mạch khác. Theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ, 1/3 số người bị thuyên tắc phổi sẽ tái phát trong vòng 10 năm. Do đó, người bệnh sau khi đã điều trị thuyên tắc phổi vẫn cần phải uống thuốc và thực hiện các biện pháp phòng ngừa bệnh.

Bệnh nhân thuyên tắc phổi phải điều trị bằng thuốc chống đông máu trong bao lâu?

Các bệnh nhân bị thuyên tắc phổi thường được chỉ định điều trị duy trì bằng thuốc chống đông máu trong ít nhất 3 – 6 tháng. Thời gian dùng thuốc có thể dài hơn, lên tới 12 tháng hoặc lâu dài nếu bệnh nhân vẫn có nguy cơ cao.

Nhìn chung, thuyên tắc phổi là một tình trạng nguy hiểm có thể dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Nếu có các dấu hiệu, triệu chứng nghi ngờ, bạn hãy đến gặp bác sĩ để được kiểm tra, chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời.

Chia sẻ
Các thông tin trên được chia sẻ bởi Bowtie Việt Nam. Các nội dung này chỉ mang tính chất tham khảo. Trong mọi trường hợp, Bowtie không chịu trách nhiệm về bất kỳ tổn thất hoặc thiệt hại nào, dù là trực tiếp hay gián tiếp, liên quan đến việc truy cập và sử dụng nội dung của Bowtie.

Bài viết liên quan

Bệnh giang mai giai đoạn 2 có chữa được không? Bệnh giang mai giai đoạn 2 có chữa được không?
Các bệnh lý khác

Bệnh giang mai giai đoạn 2 có chữa được không?

Những điều cần biết về bệnh hen suyễn (hen phế quản) Những điều cần biết về bệnh hen suyễn (hen phế quản)
Các bệnh lý khác

Những điều cần biết về bệnh hen suyễn (hen phế quản)

Người bị sốt xuất huyết cần truyền dịch khi nào và truyền dịch gì? Người bị sốt xuất huyết cần truyền dịch khi nào và truyền dịch gì?
Các bệnh lý khác

Người bị sốt xuất huyết cần truyền dịch khi nào và truyền dịch gì?

Các chuyên mục khác

Email

Liên hệ chung
hello@bowtie.com.vn
Liên hệ về truyền thông
media@bowtie.com.vn
Liên hệ hợp tác
partners@bowtie.com.vn

© 2024 Bản quyền thuộc Bowtie Vietnam Company Limited.

Trình duyệt của bạn đã xảy ra lỗi. Để trải nghiệm tốt hơn, vui lòng nâng cấp hoặc thay đổi trình duyệt khác. OK