Các bệnh lý khác
Các bệnh lý khác

Bệnh giang mai giai đoạn 2 có chữa được không?

Bệnh giang mai giai đoạn 2 có những biểu hiện khá rõ ràng như đào ban, mảng niêm mạc, sẩn giang mai cũng như các triệu chứng không đặc hiệu khác. Nếu được nhận biết sớm, bệnh vẫn có khả năng được điều trị hiệu quả bằng thuốc kháng sinh.
Biên tập bởi Bowtie Việt Nam
Tham vấn y khoa/chuyên môn bởi Thạc sĩ - Bác sĩ Nguyễn Thị Thùy Linh
Ngày đăng 2023-03-24
Cập nhật ngày 2023-08-16
Nội dung chính
Nhận biết bệnh giang mai giai đoạn 2 để điều trị sớm5 biểu hiện thường gặp của bệnh giang mai giai đoạn 2Giai đoạn 2 của bệnh giang mai nguy hiểm đến mức nào?Các hình thức xét nghiệm giúp chẩn đoán bệnh giang mai giai đoạn 2Bệnh giang mai giai đoạn 2 có chữa được không?Điều trị bệnh giang mai giai đoạn 2 hiệu quả bằng kháng sinh
Bệnh giang mai giai đoạn 2 có chữa được không?

Bệnh giang mai giai đoạn 2 là gì? Giang mai giai đoạn 2 có chữa được không và điều trị thế nào? Hãy cùng Bowtie tìm hiểu thêm thông tin qua bài viết dưới đây nhé. 

Nhận biết bệnh giang mai giai đoạn 2 để điều trị sớm

Giang mai là một bệnh nhiễm trùng có thể lây truyền qua đường tình dục, bất kể là quan hệ bằng đường âm đạo, hậu môn hay đường miệng. Nguyên nhân chính gây ra bệnh lý này là một xoắn khuẩn có tên Treponema pallidum. Bệnh giang mai tiến triển qua 4 giai đoạn. 

Ở giai đoạn 1, bệnh nhân có thể nhận thấy các vết loét nhỏ, không đau (săng giang mai) tại những vị trí xoắn khuẩn xâm nhập vào cơ thể. Săng thường xuất hiện sau 9 – 90 ngày lây nhiễm xoắn khuẩn và tự hết trong 3 – 10 tuần dù không được điều trị. 

Tuy nhiên, nếu không được điều trị thì bệnh sẽ tiến triển sang giai đoạn 2. Theo đó, giai đoạn 2 là giai đoạn thứ phát của bệnh, xảy ra sau khoảng 4 – 8 tuần từ khi bệnh nhân xuất hiện các tổn thương ban đầu (săng giang mai) mà không được điều trị. 

Ở giai đoạn này, bệnh có biểu hiện lâm sàng đặc trưng là các tổn thương da và niêm mạc lan rộng. Nếu vẫn không được điều trị, bệnh sẽ tiếp tục chuyển biến sang giai đoạn tiềm ẩn và giai đoạn 3 với khả năng gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng.

5 biểu hiện thường gặp của bệnh giang mai giai đoạn 2

Ở giai đoạn 2 của bệnh giang mai, xoắn khuẩn đã lây lan đến nhiều nơi trong cơ thể và gây ra các tổn thương lan rộng trên niêm mạc, da. Các triệu chứng giang mai giai đoạn 2 mà bệnh nhân có thể gặp phải là:

  • Đào ban: Người bệnh nhận thấy các tổn thương ban hoặc dát có màu đỏ hồng xuất hiện đặc trưng ở lòng bàn tay, lòng bàn chân. Các tổn thương này đối xứng hai bên, có hình thái đa dạng và không gây ngứa. Đôi khi, chúng cũng xuất hiện ở những vị trí kín đáo nên dễ bị bỏ qua.
  • Mảng niêm mạc: Mảng niêm mạc là các vết trợt có màu trắng, thường xuất hiện ở niêm mạc miệng, lưỡi và bộ phận sinh dục. 
  • Sẩn giang mai: Sẩn là các tổn thương có màu hồng đỏ, hình bán cầu, có viền vảy, đa dạng về hình thái và xuất hiện ở nhiều vùng da khác nhau.
  • Sẩn sùi giang mai: Tổn thương này là kết quả do xoắn khuẩn lây lan từ tổn thương tiên phát. Chúng thường là các tổn thương trợt, nông có màu trắng hoặc xám, gồ nổi cao và xuất hiện chủ yếu ở các vị trí nóng ẩm như âm hộ, hậu môn.
  • Các triệu chứng không đặc hiệu: Bên cạnh các tổn thương trên niêm mạc và da, người bệnh cũng có thể gặp phải các triệu chứng bệnh giang mai giai đoạn 2 không đặc hiệu như rụng tóc, sốt, mệt mỏi, đau cơ, đau đầu, sưng hạch bạch huyết, sụt cân…

Các triệu chứng giang mai giai đoạn 2 có thể tự biến mất mà không cần điều trị. Tuy nhiên, triệu chứng không còn không có nghĩa là tình trạng nhiễm trùng đã khỏi. Bệnh nhân vẫn có thể lây nhiễm bệnh cho người khác. Đồng thời, nếu không điều trị, bệnh sẽ chuyển biến sang giai đoạn tiềm ẩn và giai đoạn 3 (giai đoạn cuối). 

Giai đoạn 2 của bệnh giang mai nguy hiểm đến mức nào?

Giang mai giai đoạn 2 được xem là nguy hiểm bởi ở giai đoạn này, bệnh có khả năng lây nhiễm cao nhất. Theo đó, người bình thường dễ bị lây bệnh khi quan hệ tình dục, tiếp xúc trực tiếp với các tổn thương trên da, niêm mạc hoặc máu của người bệnh. Phụ nữ bị giang mai giai đoạn 2 cũng có thể truyền xoắn khuẩn sang con trong quá trình mang thai. 

Ngoài ra, theo các chuyên gia y tế, bệnh giang mai giai đoạn 2 không được điều trị có thể tiến triển sang các giai đoạn sau và dẫn đến nhiều biến chứng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và tính mạng của người bệnh. 

Xoắn khuẩn giang mai có thể làm tổn thương vĩnh viễn tim, hệ thống xương khớp, dây thần kinh và các cơ quan khác trên cơ thể. Bệnh nhân lúc này đối mặt với nguy cơ gặp phải các vấn đề như mất thị lực, mất thính lực, viêm khớp xương, các vấn đề tim mạch và thần kinh…

Các hình thức xét nghiệm giúp chẩn đoán bệnh giang mai giai đoạn 2

Để chẩn đoán bệnh giang mai giai đoạn 2, bác sĩ thường bắt đầu từ việc thăm hỏi về lịch sử tình dục, triệu chứng mà bệnh nhân gặp phải cũng như khám lâm sàng. Sau đó, bệnh nhân sẽ được chỉ định thực hiện các kiểm tra, xét nghiệm sau để đánh giá và kết luận bệnh:

  • Xét nghiệm nhanh không đặc hiệu, đặc hiệu hoặc phối hợp
  • Xét nghiệm huyết thanh không đặc hiệu hoặc đặc hiệu
  • Xét nghiệm tìm vi khuẩn trên kính hiển vi nền đen
  • Xét nghiệm tìm kháng thể huỳnh quang trực tiếp (DFA)
  • Xét nghiệm khuếch đại axit nucleic (NAATs)

Bệnh giang mai giai đoạn 2 có chữa được không?

Dù đã tiến triển hơn giai đoạn trước nhưng nhìn chung, bệnh giang mai giai đoạn 2 vẫn có thể chữa được bằng thuốc. Điều quan trọng là bệnh nhân cần nhận biết dấu hiệu giang mai và đến các cơ sở y tế để được thăm khám, điều trị càng sớm càng tốt. Việc điều trị sẽ giúp bệnh nhân ngăn ngừa được đáng kể nguy cơ gặp phải các biến chứng nguy hiểm.

Thuốc điều trị bệnh giang mai giai đoạn 2
Bệnh giang mai giai đoạn 2 có thể được điều trị hiệu quả bằng kháng sinh.

Điều trị bệnh giang mai giai đoạn 2 hiệu quả bằng kháng sinh

Bệnh giang mai có thể được điều trị hiệu quả bằng thuốc kháng sinh. Theo đó, penicillin là loại kháng sinh được sử dụng phổ biến nhất. Phác đồ điều trị bệnh giang mai giai đoạn 2 cụ thể như sau:

Phác đồ ưu tiên

Phác đồ điều trị ưu tiên cho bệnh nhân giang mai giai đoạn 2 là sử dụng thuốc kháng sinh benzathin penicillin 2,4 triệu đơn vị để tiêm trực tiếp vào bắp với một liều duy nhất.

Phác đồ thay thế

Ở bệnh viện, sẽ có những thời điểm không có thuốc benzathin penicillin. Lúc này, bác sĩ có thể thực hiện điều trị bệnh bằng phác đồ thay thế với procain penicillin 1,2 triệu đơn vị, tiêm vào bắp trong 10 – 14 ngày, 1 lần/ngày. 

Trường hợp không có cả procain penicillin hoặc bệnh nhân dị ứng với penicillin thì bác sĩ sẽ thay thế bằng:

  • Thuốc doxycyclin 100mg sử dụng đường uống, 2 lần/ngày kéo dài trong 14 ngày
  • Thuốc ceftriaxon 1g sử dụng đường tiêm, 1 lần/ngày kéo dài trong 10 – 14 ngày
  • Thuốc azithromycin 2g sử dụng đường uống, một liều duy nhất 

Riêng với phụ nữ mang thai mắc bệnh giang mai giai đoạn 2 thì phác đồ điều trị ưu tiên vẫn là sử dụng thuốc benzathin penicillin hoặc procain penicillin. Tuy nhiên, vì doxycyclin chống chỉ định cho phụ nữ mang thai nên phác đồ thay thế lúc này sẽ là:

  • Uống erythromycin 500mg trong 14 ngày, mỗi ngày uống 4 lần
  • Tiêm bắp ceftriazon 1g trong 10 – 14 ngày, mỗi ngày tiêm 1 lần
  • Uống azithromycin 2g, một liều duy nhất

Về cơ bản, bệnh giang mai giai đoạn 2 có thể chữa khỏi hoàn toàn khi được phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Tuy nhiên các vết loét trên cơ thể sẽ hình thành sẹo và cần thời gian để lấy lại tính thẩm mỹ trên da. Điều cốt lõi để phòng chống bệnh là mỗi người nên xây dựng thói quen sinh hoạt tình dục lành mạnh và luôn vệ sinh vùng kín sạch sẽ mỗi ngày. 

Chia sẻ
Các thông tin trên được chia sẻ bởi Bowtie Việt Nam. Các nội dung này chỉ mang tính chất tham khảo. Trong mọi trường hợp, Bowtie không chịu trách nhiệm về bất kỳ tổn thất hoặc thiệt hại nào, dù là trực tiếp hay gián tiếp, liên quan đến việc truy cập và sử dụng nội dung của Bowtie.

Bài viết liên quan

Những điều cần biết về bệnh hen suyễn (hen phế quản) Những điều cần biết về bệnh hen suyễn (hen phế quản)
Các bệnh lý khác

Những điều cần biết về bệnh hen suyễn (hen phế quản)

Cúm A nên uống gì? 7 đồ uống giúp nhanh hồi phục, giảm triệu chứng Cúm A nên uống gì? 7 đồ uống giúp nhanh hồi phục, giảm triệu chứng
Các bệnh lý khác

Cúm A nên uống gì? 7 đồ uống giúp nhanh hồi phục, giảm triệu chứng

Dấu hiệu tràn dịch màng phổi cần nhận biết Dấu hiệu tràn dịch màng phổi cần nhận biết
Các bệnh lý khác

Dấu hiệu tràn dịch màng phổi cần nhận biết

Các chuyên mục khác

Email

Liên hệ chung
hello@bowtie.com.vn
Liên hệ về truyền thông
media@bowtie.com.vn
Liên hệ hợp tác
partners@bowtie.com.vn

© 2024 Bản quyền thuộc Bowtie Vietnam Company Limited.

Trình duyệt của bạn đã xảy ra lỗi. Để trải nghiệm tốt hơn, vui lòng nâng cấp hoặc thay đổi trình duyệt khác. OK