Nhi khoa
Nhi khoa

Trẻ 1 tuổi ăn được những gì và ăn bao nhiêu là đủ?

“Trẻ 1 tuổi ăn được những gì?” là băn khoăn thường gặp của nhiều bậc phụ huynh. Nhìn chung, ở độ tuổi này, trẻ đã ăn được đa dạng các loại thực phẩm. Đồng thời, mẹ cũng có thể tiếp tục cho con bú sữa mẹ xen kẽ với thức ăn và các loại sữa khác để cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cho con.
Biên tập bởi Bowtie Việt Nam
Ngày đăng 2023-02-24
Cập nhật ngày 2023-08-28
Nội dung chính
Nhu cầu dinh dưỡng của trẻ 1 tuổiTrẻ em 1 tuổi ăn được những thực phẩm gì?Những thực phẩm bé 12 tháng tuổi nên hạn chếBí quyết giúp bé 12 tháng tuổi ăn khỏe, ăn ngon
Trẻ 1 tuổi ăn được những gì và ăn bao nhiêu là đủ?

Giai đoạn từ 1 đến 2 tuổi được xem là giai đoạn chuyển tiếp. Bởi lúc này, trẻ bắt đầu tập làm quen với đa dạng các loại mùi vị và kết cấu của nhiều món ăn. Cũng vì thế mà nhiều bố mẹ lo lắng không biết bé 1 tuổi ăn được những gì, nên ăn gì mới tốt và ăn bao nhiêu là đủ. Nếu bạn cũng đang có những băn khoăn này, hãy cùng Website Bowtie tìm hiểu thêm những thông tin hữu ích về vấn đề nhi khoa trong bài viết dưới đây nhé.

Nhu cầu dinh dưỡng của trẻ 1 tuổi

Đối với trẻ trong giai đoạn tập đi, mỗi ngày bé cần khoảng 1000 đến 1400 calorie. Tuy nhiên, lượng calorie chính xác mỗi bé cần sẽ khác nhau, tùy thuộc vào nhiều yếu tố như cân nặng, chiều cao, mức độ hoạt động của trẻ… Việc bổ sung đầy đủ calorie cho bé thông qua chế độ ăn uống sẽ giúp con có đủ năng lượng để thực hiện các hoạt động hằng ngày, đồng thời đảm bảo bé phát triển và tăng trưởng khỏe mạnh, toàn diện. 

Ngoài việc tính toán lượng calorie trẻ tiêu thụ, bố mẹ cũng nên lưu ý bổ sung cho con các loại dưỡng chất cần thiết, đặc biệt là canxi và sắt. Mỗi ngày, bé sẽ cần khoảng 700mg canxi và 600 IU vitamin D (dưỡng chất giúp hấp thụ canxi) để xây dựng xương chắc khỏe. Còn với sắt, lượng sắt mà trẻ cần mỗi ngày là khoảng 7mg. 

Để đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng, bố mẹ cần cho bé ăn đủ bữa và ăn đa dạng các loại thực phẩm. Mỗi ngày, bạn nên cho con ăn 3 bữa chính và 2 bữa phụ xen kẽ với rau củ, trái cây, sữa chua… Ngoài ra, một lưu ý khi chế biến thức ăn cho trẻ 1 tuổi là bạn nên hạn chế nêm muối và đường. Bởi muối có thể gây hại cho thận còn đường lại dễ khiến trẻ bị sâu răng và thừa cân.

Trẻ em 1 tuổi ăn được những thực phẩm gì?

Có thể thấy, nhu cầu dinh dưỡng của bé trong giai đoạn 1 tuổi là rất lớn. Tuy nhiên, bố mẹ nên bổ sung gì cho con và trẻ 12 tháng tuổi ăn được những gì? Theo đó, trẻ 12 tháng tuổi đã ăn được đa dạng các loại thực phẩm thuộc nhiều nhóm khác nhau. Dưới đây là một số nhóm thực phẩm bố mẹ có thể chế biến và bổ sung vào thực đơn hằng ngày cho trẻ 1 tuổi:

Rau củ và trái cây

Rau củ và trái cây sẽ cung cấp cho trẻ năng lượng, vitamin, chất chống oxy hóa, chất xơ, nước… cần thiết cho quá trình phát triển. Đây cũng là những dưỡng chất có thể giúp bảo vệ trẻ khỏi nhiều bệnh lý nguy hiểm khi lớn như bệnh tim, đột quỵ và một số bệnh ung thư. Thành phần chất xơ trong rau củ và trái cây còn kích thích tiêu hóa, hạn chế nguy cơ táo bón và giúp đường ruột của trẻ 1 tuổi khỏe hơn. Ngoài ra, rau củ và trái cây có nhiều loại với nhiều hương vị khác nhau nên bố mẹ có thể thay đổi mỗi ngày để cải thiện vị giác và giúp bé không bị ngán.

Bố mẹ có thể cho trẻ ăn rau củ, trái cây trong cả bữa chính và bữa phụ. Hãy cố gắng cho bé ăn đa dạng các loại trái cây, rau củ với nhiều màu sắc và hương vị khác nhau. Vậy trẻ 1 tuổi ăn được những loại quả và rau gì? Một số loại trái cây, rau củ cụ thể mà bạn có thể bổ sung vào thực đơn ăn uống hằng ngày cho bé 12 tháng tuổi:

  • Rau củ: Bông cải xanh, đậu Hà Lan, súp lơ, cải xoăn, cà rốt, bí đỏ, bắp cải…
  • Trái cây: Chuối, kiwi, cam, táo, xoài, dâu tây, dứa, đu đủ, đào, mận, dưa gang…

Trước khi cho bé ăn, bạn cần rửa thật sạch để loại bỏ bụi bẩn, hóa chất. Đối với những loại rau củ, trái cây có vỏ cứng, bạn có thể gọt vỏ, sau đó cắt nhỏ, nấu mềm hoặc tán nhuyễn tùy vào sở thích và khả năng nhai của bé.  

Thực phẩm từ ngũ cốc

Thực phẩm từ ngũ cốc bao gồm bánh mì, mì ống, các loại ngũ cốc ăn sáng, gạo, ngô, hạt diêm mạch, yến mạch, lúa mạch…. Đây là những thực phẩm giúp cung cấp năng lượng để hỗ trợ quá trình tăng trưởng, phát triển và học hỏi của trẻ. 

Tuy nhiên, khi lựa chọn thực phẩm từ ngũ cốc cho trẻ 1 tuổi, bạn nên ưu tiên chọn những thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp, chẳng hạn như mì ống, bánh mì được làm từ ngũ cốc nguyên hạt. Bởi những thực phẩm này sẽ cung cấp cho trẻ năng lượng trong thời gian dài, đồng thời giúp trẻ cảm thấy no lâu hơn.

Sữa mẹ và các loại sữa khác

Ở giai đoạn 1 tuổi, bạn vẫn có thể tiếp tục cho bé bú sữa mẹ nếu cả hai đều muốn. Đối với trẻ bú sữa công thức, bạn nên chuyển sang dùng sữa có độ tuổi cao hơn. Trong giai đoạn này, bố mẹ cũng có thể bắt đầu tập cho bé uống các loại sữa khác như sữa tươi, sữa bò. Ngoài ra, một số sản phẩm từ sữa như phô mai, sữa chua, váng sữa… cũng là nguồn cung cấp protein và canxi dồi dào mà bạn nên bổ sung thêm vào thực đơn cho trẻ. 

Trứng

Trứng là một trong những loại thực phẩm giàu protein, các loại chất béo lành mạnh và dưỡng chất khác rất cần thiết cho sự tăng trưởng và phát triển của trẻ nhỏ. Đặc biệt, trứng dễ chế biến và phù hợp để bổ sung vào thực đơn cho bé 1 tuổi. Bố mẹ có thể chiên, luộc hoặc thêm trứng vào các món cháo, canh. 

Tuy nhiên, bạn cần lưu ý là dù bổ dưỡng nhưng trứng có khả năng gây dị ứng ở trẻ em với các biểu hiện như tiêu chảy, ho, khò khè, nổi mề đay… Vì vậy, nếu nhận thấy các triệu chứng này, bố mẹ nên ngừng cho trẻ ăn trứng và tham khảo thêm ý kiến từ bác sĩ.

Thịt gà

Các loại thịt nạc như thịt gà là nguồn cung cấp protein rất quan trọng đối với sự tăng trưởng và phát triển của cơ bắp ở trẻ em. Với trẻ 1 tuổi, bố mẹ có thể cho trẻ ăn thịt gà xay nhuyễn hoặc xé nhỏ. Đặc biệt, thịt gà dùng nấu canh hoặc súp sẽ tăng thêm phần bổ dưỡng cho món ăn mà lại dễ ăn, dễ tiêu hóa.

Đậu nghiền

Các loại đậu là nguồn cung cấp chất xơ, protein và vitamin B dồi dào rất có lợi cho trẻ em. Chất xơ trong đậu sẽ giúp hỗ trợ quá trình tiêu hóa của trẻ, giúp trẻ ăn ngon miệng hơn và ngăn ngừa tình trạng táo bón. Trong khi đó protein sẽ tăng cường sự phát triển của cơ bắp còn vitamin B sẽ giúp hỗ trợ phát triển trí óc, cơ bắp cũng như duy trì hoạt động của nhiều cơ quan trong cơ thể. Một trong những cách tốt nhất để bổ sung các loại đậu vào thực đơn ăn uống cho trẻ 1 tuổi là nấu chín đậu và nghiền nhỏ cho bé.

Bài viết hữu ích:

Trẻ 1 tuổi ăn được những gì?
Trẻ 1 tuổi đã có thể ăn đa dạng các loại thực phẩm thuộc nhiều nhóm khác nhau.

Những thực phẩm bé 12 tháng tuổi nên hạn chế

Với những thông tin trên, hẳn bạn đã phần nào có câu trả lời cho câu hỏi “Trẻ em 1 tuổi ăn được những thực phẩm gì?”. Nhìn chung, trẻ đã có thể ăn được hầu hết các món, tuy nhiên, sẽ có những món bạn nên tránh cho trẻ ăn quá thường xuyên.

Cụ thể, bạn nên hạn chế cho trẻ dùng các loại thức ăn nhanh, đồ ăn vặt như khoai tây chiên, gà rán, pizza, kẹo, bánh quy, bánh ngọt, sô-cô-la… Nguyên nhân là do những thực phẩm này thường chứa nhiều muối, chất béo bão hòa, đường nhưng lại ít chất xơ. Ăn những thực phẩm này thường xuyên có thể làm tăng nguy cơ phát triển các bệnh như béo phì và đái tháo đường type 2.

Bên cạnh đó, bạn cũng nên hạn chế cho bé dùng các loại thức uống như nước trái cây đóng hộp, nước ngọt, thức uống có nhiều hương liệu… Bởi các loại thức uống này chứa nhiều đường và ít chất dinh dưỡng. Nếu dùng thường xuyên, trẻ có thể tăng cân “mất kiểm soát”, dẫn đến thừa cân, béo phì và sâu răng. Ngoài ra, những thức uống này cũng có khả năng khiến bé bị “no hơi’ và không chịu ăn khi đến bữa. Bên cạnh đó, việc uống nước ngọt thường xuyên khi còn nhỏ còn khiến trẻ hình thành thói quen ăn uống không tốt khi lớn. 

Ngoài các thực phẩm kể trên, bạn cũng cần hạn chế cho bé dùng thực phẩm và đồ uống chứa caffeine bởi chất này có thể ngăn cơ thể hấp thụ canxi. Những thực phẩm và đồ uống có chứa caffeine mà bạn không nên cho bé dùng là cà phê, trà, nước tăng lực và sô cô la.

Bí quyết giúp bé 12 tháng tuổi ăn khỏe, ăn ngon

Như đã đề cập ở trên, trẻ 1 tuổi cần khoảng 1000 – 1400 calorie chia cho ba bữa chính và hai bữa phụ trong ngày để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng. Tuy nhiên, thói quen ăn uống của trẻ 1 tuổi có thể thất thường và khó đoán trước, từ đó ảnh hưởng đến lượng thức ăn và calorie tiêu thụ. Chẳng hạn, bé có thể ăn nhiều vào bữa sáng nhưng lại không chịu ăn vào buổi trưa hoặc tối, bé ăn cùng một loại thực phẩm trong 3 ngày liên tiếp nhưng sau đó lại không chịu ăn, ngày đó bé tiêu thụ được 1000 calorie nhưng lại ăn nhiều hơn hoặc ít hơn trong 1 – 2 ngày tiếp theo… Do đó, để giúp bé ăn khỏe, ăn ngon, tăng trưởng tốt, bạn hãy lưu ý một số điều sau:

  • Khuyến khích trẻ ăn nhưng không gây áp lực hoặc ép trẻ ăn vào một thời điểm cụ thể 
  • Cho trẻ ăn thử các loại thực phẩm ở tất cả các nhóm để trẻ làm quen với nhiều loại mùi vị, màu sắc và kết cấu khác nhau
  • Đừng hạn chế chất béo trong thực đơn của trẻ 1 tuổi. Trẻ sơ sinh và trẻ mới biết đi nên nhận được khoảng một nửa lượng calorie từ chất béo. Cholesterol và các chất béo cũng rất quan trọng đối với sự tăng trưởng và phát triển của trẻ ở độ tuổi này.
  • Lưu ý đến nhiệt độ thức ăn để tránh trẻ bị bỏng miệng. Bạn hãy kiểm tra lại nhiệt độ trước khi đưa thức ăn cho bé.
  • Đừng nêm nếm quá nhiều gia vị vào thức ăn của trẻ bởi những gia vị này sẽ khiến bé không thể trải nghiệm hương vị tự nhiên của thực phẩm. 
  • Cắt thức ăn thành từng miếng nhỏ dễ nhai để tránh bé bị nghẹn
  • Tránh cho trẻ ăn đậu phộng, nho nguyên quả, cà chua bi (trừ khi đã được cắt làm tư), các loại hạt như hạt bí hoặc hạt hướng dương, xúc xích, kẹo cứng, kẹo dẻo… vì có thể gây nghẹn
  • Bố mẹ cần để mắt và giám sát bé trong quá trình ăn 

Bowtie hy vọng những chia sẻ trên đã phần nào giúp bạn giải đáp được băn khoăn “Trẻ 1 tuổi ăn được những gì?”. Trẻ 1 tuổi dường như đã có thể ăn được hầu hết các loại thực phẩm. Tuy nhiên, khi xây dựng thực đơn cho bé 1 tuổi, bạn nên ưu tiên chọn các loại thực phẩm lành mạnh, tốt cho sức khỏe nhé!

Chia sẻ
Các thông tin trên được chia sẻ bởi Bowtie Việt Nam. Các nội dung này chỉ mang tính chất tham khảo. Trong mọi trường hợp, Bowtie không chịu trách nhiệm về bất kỳ tổn thất hoặc thiệt hại nào, dù là trực tiếp hay gián tiếp, liên quan đến việc truy cập và sử dụng nội dung của Bowtie.

Bài viết liên quan

Trẻ nhỏ bị ho và nghẹt mũi: Bố mẹ cần rõ lý do và cách khắc phục Trẻ nhỏ bị ho và nghẹt mũi: Bố mẹ cần rõ lý do và cách khắc phục
Nhi khoa

Trẻ nhỏ bị ho và nghẹt mũi: Bố mẹ cần rõ lý do và cách khắc phục

Bé ngủ nhiều sau khi ốm có sao không? Lưu ý khi chăm sóc bé sau ốm Bé ngủ nhiều sau khi ốm có sao không? Lưu ý khi chăm sóc bé sau ốm
Nhi khoa

Bé ngủ nhiều sau khi ốm có sao không? Lưu ý khi chăm sóc bé sau ốm

Hội chứng Down và những điều cần biết Hội chứng Down và những điều cần biết
Nhi khoa

Hội chứng Down và những điều cần biết

Các chuyên mục khác

Email

Liên hệ chung
hello@bowtie.com.vn
Liên hệ về truyền thông
media@bowtie.com.vn
Liên hệ hợp tác
partners@bowtie.com.vn

© 2024 Bản quyền thuộc Bowtie Vietnam Company Limited.

Trình duyệt của bạn đã xảy ra lỗi. Để trải nghiệm tốt hơn, vui lòng nâng cấp hoặc thay đổi trình duyệt khác. OK