Ung thư
Ung thư

Ung thư trực tràng: Bệnh ung thư phổ biến thứ 5 tại Việt Nam

Ung thư trực tràng là một trong những bệnh lý ung thư phổ biến, có khả năng gây tử vong cao nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Hiểu rõ về ung thư trực tràng sẽ giúp bạn có cách phòng ngừa cũng như nhận biết bệnh hiệu quả.
Biên tập bởi Bowtie Việt Nam
Tham vấn y khoa/chuyên môn bởi Bác sĩ CKI Trần Kiến Bình
Ngày đăng 2022-11-22
Cập nhật ngày 2023-07-10
Nội dung chính
Ung thư trực tràng là bệnh gì?Các giai đoạn của ung thư trực tràngDấu hiệu ung thư trực tràngNguyên nhân gây bệnh ung thư trực tràngNhóm đối tượng có nhiều nguy cơ mắc ung thư trực tràngPhương pháp chẩn đoán ung thư trực tràngPhương pháp điều trị ung thư trực tràngCách phòng ngừa ung thư trực tràngGiải đáp những thắc mắc thường gặp về ung thư trực tràng
Đôi nét về bệnh ung thư trực tràng

Vậy bệnh ung thư trực tràng là gì? Làm thế nào để nhận biết các triệu chứng của bệnh? Mời bạn cùng Bowtie Việt Nam tìm hiểu thêm một số thông tin hữu ích về ung thư trực tràng trong bài viết sau đây nhé!

Ung thư trực tràng là bệnh gì?

Trực tràng là đoạn ruột ngắn nối giữa đại tràng và ống hậu môn, được chia làm 3 đoạn nhỏ là 1/3 trên, 1/3 giữa và 1/3 dưới, mỗi đoạn dài tầm 5cm. Ung thư trực tràng sẽ xảy ra khi các tế bào ở trực tràng phát triển bất thường, gây hình thành khối u ác tính. Ung thư trực tràng thường phát triển chậm trong vài năm và có nhiều đặc điểm giống với ung thư đại tràng. 

Ngày nay, sự tiến bộ của y học hiện đại đã mang đến nhiều cơ hội chữa trị cho bệnh nhân ung thư trực tràng. Tuy nhiên, số trường hợp mắc mới và tử vong liên quan đến ung thư trực tràng vẫn còn khá cao. Riêng tại Việt Nam, trong năm 2020, có đến 9.399 ca mắc mới và 4.758 ca tử vong do bệnh lý này (theo Globocan 2020). Đây là bệnh ung thư phổ biến đứng hàng thứ 5 ở nước ta (tính ở cả 2 giới).

Các giai đoạn của ung thư trực tràng

Sự phát triển của bệnh ung thư trực tràng được chia thành các giai đoạn cụ thể như bên dưới:

  • Giai đoạn 0: Tế bào ác tính đã bắt đầu được tìm thấy ở bề mặt niêm mạc trực tràng.
  • Giai đoạn I: Tế bào ác tính phát triển ở bên dưới lớp niêm mạc và có khả năng đã lan vào thành trực tràng.
  • Giai đoạn II: Khối u ác tính đã phát triển vào thành trực tràng và cũng lan sang các mô ở xung quanh.
  • Giai đoạn III: Tế bào ung thư xâm lấn đến các hạch bạch huyết nằm cạnh trực tràng và một số mô bên ngoài thành trực tràng.
  • Giai đoạn IV: Tế bào ác tính lúc này đã lan đến các hạch bạch huyết xa hoặc các cơ quan, bộ phận ở xa.

Dấu hiệu ung thư trực tràng

Bệnh ung thư trực tràng thường không gây ra bất kỳ triệu chứng nào ở giai đoạn đầu. Tuy nhiên, một số bệnh nhân có thể gặp phải các vấn đề như:

  • Thay đổi thói quen đại tiện, bị tiêu chảy hoặc táo bón kéo dài 
  • Chảy máu trực tràng hoặc phân có lẫn máu 
  • Phân bị giảm kích thước và có hình dạng hơi dẹp
  • Cảm giác ruột không được làm rỗng hoàn toàn 
  • Đau chướng bụng
  • Ăn mất ngon, suy nhược, mệt mỏi
  • Giảm cân không rõ nguyên nhân
Dấu hiệu ung thư trực tràng
Tiêu chảy hoặc táo bón kéo dài có thể là dấu hiệu cảnh báo ung thư trực tràng.

Nguyên nhân gây bệnh ung thư trực tràng

Ung thư trực tràng có liên quan đến sự biến đổi gen (đột biến gen) trong ADN của các tế bào trực tràng. Những thay đổi này khiến tế bào không chết đi theo đúng chu kỳ mà tiếp tục phát triển ngoài tầm kiểm soát, tạo thành khối u ác tính. Theo thời gian, tế bào ung thư có thể lây lan ra các khu vực xung quanh hoặc di căn xa đến nhiều cơ quan trong cơ thể.

Nhóm đối tượng có nhiều nguy cơ mắc ung thư trực tràng

Dù chưa xác định được nguyên nhân cụ thể gây đột biến gen nhưng các nhà khoa học nhận thấy, một số yếu tố sau đây có thể làm tăng nguy cơ phát triển ung thư trực tràng:

  • Lớn tuổi, đặc biệt là trên 50 tuổi
  • Giới tính nam
  • Tiền sử gia đình có người từng mắc bệnh ung thư đại tràng hoặc trực tràng
  • Bản thân có tiền sử bị ung thư đại tràng, viêm loét đại trực tràng mạn tính nhất là viêm loét kèm xuất huyết, bệnh Crohn, polyp đại trực tràng…
  • Mắc đái tháo đường
  • Tiền sử gia đình mắc các hội chứng di truyền như hội chứng ung thư đại – trực  tràng di truyền không polyp (hội chứng Lynch hay HNPCC) và bệnh đa polyp tuyến gia đình (FAP), hội chứng Peutz – Jeghers, hội chứng Gardner…
  • Thừa cân hoặc béo phì
  • Hút thuốc lá và/hoặc uống nhiều rượu bia
  • Thường xuyên ăn nhiều thịt đỏ hoặc các loại thịt chế biến sẵn, ăn ít rau xanh
  • Ít vận động thể chất
  • Từng thực hiện xạ trị ở bụng

Phương pháp chẩn đoán ung thư trực tràng

Đa số các trường hợp ung thư trực tràng thường vô tình được phát hiện trong quá trình kiểm tra sức khỏe định kỳ. Trong một số trường hợp, bệnh nhân tìm đến bác sĩ khi nhận thấy các dấu hiệu nghi ngờ. Để chẩn đoán xác định bệnh, bác sĩ có thể yêu cầu bạn thực hiện một số kiểm tra, xét nghiệm sau:

  • Khám lâm sàng
  • Thăm trực tràng bằng ngón tay
  • Nội soi đại trực tràng
  • Sinh thiết, chọc hút
  • Chụp X-quang
  • Siêu âm nội soi qua ngả trực tràng
  • Xét nghiệm hình ảnh: Chụp cắt lớp vi tính (CT), chụp cộng hưởng từ (MRI), chụp cắt lớp phát xạ positron (PET)
  • Xét nghiệm tìm dấu ấn ung thư (CEA)
  • Xét nghiệm công thức máu, hóa sinh máu
  • Phân tích gen
  • Phân tích biểu hiện bất ổn vi vệ tinh (MMR) và biểu hiện PD-1

Phương pháp điều trị ung thư trực tràng

Dựa vào vị trí, kích thước khối u, giai đoạn bệnh và quan trọng nhất là tình trạng sức khỏe tổng thể của bệnh nhân mà bác sĩ có thể lựa chọn các phương pháp điều trị ung thư trực tràng sau đây:

Phẫu thuật

Phẫu thuật là một trong những phương pháp điều trị ung thư trực tràng phổ biến nhất và bắt buộc, có thể được sử dụng trong nhiều giai đoạn khác nhau của ung thư trực tràng. Với các khối u nhỏ, nằm khu trú trong trực tràng thì phẫu thuật sẽ giúp loại bỏ khối u cũng như một ít mô lành xung quanh (thường áp dụng đối với các tổn thương dạng polyp). Khi tế bào ung thư lan rộng, bác sĩ có thể thực hiện phẫu thuật để cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ trực tràng, đôi khi loại bỏ cả hậu môn và một phần đại tràng, đồng thời mở hậu môn nhân tạo.   

Điều trị ung thư trực tràng
Bệnh nhân ung thư trực tràng có khả năng được điều trị bằng phương pháp mổ nội soi.

Hóa trị

Hóa trị là phương pháp sử dụng hóa chất gây độc tế bào để tiêu diệt hoặc kìm hãm tế bào ung thư. Phương pháp này có thể được tiến hành trước phẫu thuật (tân hỗ trợ) để thu nhỏ khối u, giúp việc loại bỏ dễ dàng hơn hoặc sau phẫu thuật để tiêu diệt các tế bào ung thư vi thể còn sót lại và ngăn ngừa nguy cơ tái phát. Hóa trị còn được sử dụng để làm giảm các triệu chứng ung thư trực tràng ở những bệnh nhân không thể phẫu thuật hoặc bệnh nhân ung thư giai đoạn muộn.

Xạ trị

Đây là phương pháp sử dụng các chùm tia bức xạ có năng lượng cao để tiêu diệt tế bào ung thư. Tương tự như hóa trị, xạ trị có thể được thực hiện trước hoặc sau khi phẫu thuật. Thông thường, xạ trị sẽ được kết hợp cùng lúc với hóa trị (được gọi là hóa xạ trị đồng thời). Bên cạnh đó, xạ trị còn áp dụng trong các trường hợp có di căn não, xương để điều trị triệu chứng, giảm đau, giảm chèn ép.

Liệu pháp miễn dịch

Một số loại thuốc có thể giúp tăng cường khả năng tìm kiếm và tiêu diệt tế bào ung thư của hệ miễn dịch. Hiện tại, hai loại thuốc miễn dịch được sử dụng trong ung thư trực tràng là pembrolizumab và nivolumab. Bác sĩ sẽ lựa chọn loại thuốc phù hợp dựa trên kết quả phân tích MMR và PD-1 của bệnh nhân.

Liệu pháp nhắm mục tiêu

Bằng cách tấn công vào các biểu hiện cụ thể trong tế bào ung thư, liệu pháp nhắm mục tiêu có thể được kết hợp với hóa trị để điều trị cho bệnh nhân ung thư trực tràng tiến triển. Dựa trên kết quả phân tích đột biến gen mà bác sĩ sẽ lựa chọn thuốc nhắm mục tiêu phù hợp cho bệnh nhân, có thể là cetuximab, panitumumab, bevacizumab…

Cách phòng ngừa ung thư trực tràng

Như bạn đã biết, một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư trực tràng. Chính vì vậy, cải thiện các yếu tố này là cách đơn giản nhất để phòng ngừa bệnh hiệu quả. Theo đó, bạn nên:

  • Duy trì việc luyện tập thể dục thể thao ít nhất 30 phút mỗi ngày giúp bạn nâng cao sức khỏe, tăng cường sức bền và sự dẻo dai cho cơ thể.
  • Xây dựng chế độ ăn nhiều rau xanh, trái cây và ngũ cốc nguyên hạt, nhiều vitamin để cung cấp chất xơ, chất chống oxy hóa, giúp nhuận tràng, giảm thời gian tiếp xúc với chất thải trong phân. 
  • Giữ cân nặng ở mức lý tưởng (BMI từ 18,5 – 22,9) và nên lập kế hoạch giảm cân lành mạnh nếu bị thừa cân hoặc béo phì
  • Bỏ hút thuốc và hạn chế tiếp xúc với khói thuốc
  • Tránh lạm dụng rượu bia và các loại đồ uống chứa cồn 
  • Tránh ăn nhiều các thực phẩm có chứa benzopyrene, nitrosamin
  • Hạn chế ăn quá nhiều thịt đỏ hoặc thịt chế biến

Giải đáp những thắc mắc thường gặp về ung thư trực tràng

Ung thư trực tràng có di truyền không?

Theo nghiên cứu, một số loại đột biến gen được di truyền từ bố mẹ sang con cái có thể làm tăng nguy cơ phát triển bệnh ung thư trực tràng, mặc dù các trường hợp này chỉ chiếm một tỷ lệ khá nhỏ. Có nhiều hội chứng di truyền làm tăng nguy cơ mắc ung thư trực tràng đã được xác định rõ là hội chứng Lynch, bệnh đa polyp tuyến gia đình (FAP), hội chứng Peutz – Jeghers, hội chứng Gardner…

Bệnh ung thư trực tràng có lây không?

Ung thư trực tràng không phải là một bệnh truyền nhiễm, nghĩa là bệnh không có khả năng lây truyền từ người sang người qua bất kỳ con đường nào. Thay vào đó, nguyên nhân gây bệnh có liên quan đến sự biến đổi gen (đột biến gen) trong ADN của các tế bào ở trực tràng. Do đó, không nhất thiết phải cách ly người bệnh ung thư với những người khác.

Ung thư trực tràng có nguy hiểm không?

Ung thư trực tràng là một trong những loại ung thư phổ biến và nguy hiểm bậc nhất tại Việt Nam nói riêng và trên thế giới nói chung. Bệnh là nguyên nhân “cướp đi” sinh mạng của hàng nghìn người cũng như ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và rút ngắn tuổi thọ của hàng chục nghìn, thậm chí hàng triệu người mỗi năm. Vì vậy, nếu bạn hỏi “Ung thư trực tràng có nguy hiểm không?” thì câu trả lời sẽ là có.

Bệnh ung thư trực tràng có chữa được không?

Ở các giai đoạn đầu, khi tế bào ung thư còn khu trú trong trực tràng thì bệnh có khả năng được chữa khỏi cao. Tuy nhiên, khi bệnh càng tiến triển đến các giai đoạn sau thì khả năng này cũng càng giảm. Bệnh nhân mắc ung thư trực tràng giai đoạn cuối gần như không còn cơ hội chữa khỏi nữa.

Bệnh nhân ung thư trực tràng sống được bao lâu?

Việc bệnh nhân ung thư trực tràng sống được bao lâu sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố, chẳng hạn như loại bệnh, giai đoạn bệnh, mức độ lây lan của khối u, sức khỏe tổng thể và mức độ đáp ứng của bệnh nhân đối với phác đồ điều trị… 

Nhìn chung, tỷ lệ sống sót sau 5 năm của bệnh nhân ung thư trực tràng rơi vào khoảng 67%. Riêng các trường hợp ung thư còn khu trú trong trực tràng và chưa lây lan đến nơi khác, tỷ lệ sống sót sau 5 năm của bệnh nhân có thể lên đến 90%. Nếu tế bào ung thư đã lây lan đến các cấu trúc hoặc hạch bạch huyết lân cận, tỷ lệ sống sót sau 5 năm giảm xuống còn 73%. Tỷ lệ này sẽ chỉ còn 17% nếu các tế bào ung thư đã di căn đến các bộ phận khác trong cơ thể. 

Điều này đồng nghĩa với việc, ung thư trực tràng nếu được phát hiện sớm ở giai đoạn đầu sẽ có nhiều cơ hội được chữa trị thành công hơn, giúp bệnh nhân kéo dài tuổi thọ.

Ung thư trực tràng có thể gây nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng của bệnh nhân. Vì vậy, nếu nhận thấy các dấu hiệu bất thường trong cơ thể, bạn cần đến gặp bác sĩ để được thăm khám và điều trị kịp thời nhé.

Chia sẻ
Các thông tin trên được chia sẻ bởi Bowtie Việt Nam. Các nội dung này chỉ mang tính chất tham khảo. Trong mọi trường hợp, Bowtie không chịu trách nhiệm về bất kỳ tổn thất hoặc thiệt hại nào, dù là trực tiếp hay gián tiếp, liên quan đến việc truy cập và sử dụng nội dung của Bowtie.

Bài viết liên quan

Bệnh nhân ung thư tinh hoàn sống được bao lâu? Bệnh nhân ung thư tinh hoàn sống được bao lâu?
Ung thư

Bệnh nhân ung thư tinh hoàn sống được bao lâu?

8 dấu hiệu cảnh báo sớm ung thư vú mà bạn không nên bỏ qua 8 dấu hiệu cảnh báo sớm ung thư vú mà bạn không nên bỏ qua
Ung thư

8 dấu hiệu cảnh báo sớm ung thư vú mà bạn không nên bỏ qua

Những nguyên nhân gây ung thư vú mà bạn không nên bỏ qua Những nguyên nhân gây ung thư vú mà bạn không nên bỏ qua
Ung thư

Những nguyên nhân gây ung thư vú mà bạn không nên bỏ qua

Các chuyên mục khác

Email

Liên hệ chung
hello@bowtie.com.vn
Liên hệ về truyền thông
media@bowtie.com.vn
Liên hệ hợp tác
partners@bowtie.com.vn

© 2024 Bản quyền thuộc Bowtie Vietnam Company Limited.

Trình duyệt của bạn đã xảy ra lỗi. Để trải nghiệm tốt hơn, vui lòng nâng cấp hoặc thay đổi trình duyệt khác. OK