Ung thư
Ung thư

Bệnh bạch cầu: Loại ung thư ở các tế bào tạo máu

Bệnh bạch cầu là một căn bệnh nguy hiểm bạn không nên xem thường. Vào năm 2020, Việt Nam có 6.289 ca mắc mới và 4.791 ca tử vong do căn bệnh này. Đặc biệt, các triệu chứng của bệnh bạch cầu thường không rõ ràng, gây ảnh hưởng lớn đến việc điều trị sau này và tiên lượng sống ở mỗi bệnh nhân.
Biên tập bởi Bowtie Việt Nam
Tham vấn y khoa/chuyên môn bởi Bác sĩ CKI Trần Kiến Bình
Ngày đăng 2023-02-02
Cập nhật ngày 2023-08-09
Nội dung chính
Bệnh bạch cầu là bệnh gì?Các dạng bệnh bạch cầu phổ biếnTriệu chứng bệnh bạch cầuNguyên nhân gây bệnh bạch cầu là gì?Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh bạch cầuPhương pháp chẩn đoán bệnh bạch cầuPhương pháp điều trị bệnh bạch cầuCâu hỏi thường gặp về bệnh bạch cầu
Những điều bạn cần biết về bệnh bạch cầu

Vậy bệnh bạch cầu là gì? Làm thế nào để nhận biết bệnh sớm và điều trị kịp thời? Đọc ngay bài viết dưới đây được Bowtie Việt Nam chia sẻ để có thêm một số thông tin cơ bản về bệnh bạch cầu nhé. 

Bệnh bạch cầu là bệnh gì?

Bệnh bạch cầu là bệnh ung thư xảy ra ở các tế bào tạo máu trong cơ thể. Không giống các loại ung thư khác, bệnh bạch cầu thường không gây hình thành khối u nên khó quan sát thấy trong các xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh như X-quang hoặc chụp cắt lớp vi tính (CT). 

Tủy xương của chúng ta sản xuất ra các tế bào gốc tạo máu chưa biệt hóa. Các tế bào gốc này sau đó phát triển thành tế bào gốc dòng tủy hoặc tế bào gốc dòng lympho. Tế bào gốc dòng tủy tiếp tục phát triển thành các tế bào hồng cầu, tiểu cầu và một số dạng tế bào bạch cầu. Trong khi đó, tế bào gốc dòng lympho sẽ phát triển thành các dạng tế bào lympho B, lympho T và tế bào diệt tự nhiên (NK – natural killer)

Khi mắc bệnh bạch cầu, ADN của các tế bào gốc bị đột biến khiến chúng phát triển và phân chia không kiểm soát. Số lượng tế bào bất thường tăng lên làm cản trở hoạt động của các tế bào máu khỏe mạnh và gây ảnh hưởng đến toàn cơ thể.    

Các dạng bệnh bạch cầu phổ biến

Dựa vào loại tế bào bị ảnh hưởng và tốc độ tiến triển của bệnh mà các chuyên gia chia bệnh bạch cầu thành 4 dạng chính là:

  • Bệnh bạch cầu dòng lympho cấp (Acute lymphocytic leukemia – ALL): Đây là dạng bệnh bạch cầu xảy ra ở các tế bào gốc dòng lympho chưa trưởng thành, có tiến triển cấp tính. Bệnh có thể gặp phải ở mọi đối tượng nhưng thường phổ biến hơn ở trẻ em, thanh thiếu niên dưới 39 tuổi.
  • Bệnh bạch cầu dòng tủy cấp (Acute myeloid leukemia – AML): AML là dạng bệnh bạch cầu phát triển từ các tế bào gốc dòng tủy và có tốc độ tiến triển nhanh. Bệnh phổ biến ở người lớn trên 65 tuổi nhưng cũng có thể gặp phải ở trẻ em. 
  • Bệnh bạch cầu dòng lympho mạn (Chronic lymphocytic leukemia – CLL): CLL là một dạng bệnh bạch cầu phát triển chậm, xuất phát từ sự bất thường ở các tế bào gốc dòng lympho. Bệnh chủ yếu ảnh hưởng đến người lớn tuổi (trên 65 tuổi).
  • Bệnh bạch cầu dòng tủy mạn (Chronic myeloid leukemia – CML): CML phát triển từ các tế bào gốc dòng tủy, có tiến triển tương đối chậm. Tương tự bệnh bạch cầu dòng lympho mạn, bệnh bạch cầu dòng tủy mạn thường được chẩn đoán ở người lớn tuổi. 

Triệu chứng bệnh bạch cầu

Tùy từng dạng cụ thể mà các triệu chứng bệnh bạch cầu sẽ khác nhau. Bệnh nhân mắc bệnh bạch cầu mạn tính đôi khi không biểu hiện triệu chứng đáng kể trong nhiều năm. Dưới đây là một số dấu hiệu bệnh bạch cầu mà bệnh nhân có thể nhận thấy: 

  • Người mệt mỏi, cơ thể như không có sức lực
  • Sốt, ớn lạnh hoặc đổ mồ hôi nhiều về đêm 
  • Nhiễm trùng thường xuyên
  • Khó thở, thở khò khè, hụt hơi
  • Da tái, nhợt nhạt, xanh xao, choáng váng 
  • Giảm cân không rõ nguyên nhân
  • Ăn uống không ngon miệng
  • Đau xương hoặc đau khớp 
  • Đau ở phía dưới xương sườn bên trái
  • Sưng hạch bạch huyết ở cổ, nách, bẹn…
  • Dạ dày, lá lách hoặc gan to
  • Một số vị trí trên cơ thể dễ bị bầm tím và chảy máu như chảy máu cam, chảy máu nướu răng, phát ban hoặc xuất hiện các mảng da màu tía/sẫm màu
Triệu chứng bệnh bạch cầu
Chảy máu cam là một trong những biểu hiện của bệnh bạch cầu.

Nguyên nhân gây bệnh bạch cầu là gì?

Nguyên nhân chính gây bệnh bạch cầu là do ADN của các tế bào gốc tạo máu bị đột biến khiến chúng phát triển và phân chia liên tục ngoài tầm kiểm soát, thay vì chết đi theo đúng chu trình. Những tế bào bất thường này sẽ chiếm lấy không gian bên trong tủy xương và lấn át các tế bào gốc khỏe mạnh, từ đó khiến chúng không thể hoạt động bình thường để tạo ra tế bào máu. 

Trên thực tế, tính đến hiện nay, các nhà khoa học vẫn chưa xác định được chính xác nguyên nhân khiến các tế bào gốc tạo máu bị đột biến. Tuy nhiên, họ cho rằng, bệnh bạch cầu có thể phát triển do sự kết hợp của các yếu tố di truyền và môi trường. 

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh bạch cầu

Trên thực tế, bất cứ ai cũng có thể mắc bệnh bạch cầu. Tuy nhiên, các nghiên cứu đã chỉ ra một số yếu tố có khả năng làm tăng nguy cơ mắc bệnh, bao gồm:

  • Nam giới có khả năng mắc bệnh nhiều hơn phụ nữ
  • Tiền sử bản thân từng điều trị ung thư bằng hóa trị hoặc xạ trị 
  • Tiền sử gia đình có người mắc bệnh bạch cầu 
  • Hút thuốc lá
  • Tiếp xúc với một số hóa chất như benzen, formaldehyde…
  • Làm một số ngành nghề tiếp xúc với tia phóng xạ
  • Mắc một số rối loạn di truyền, chẳng hạn như u xơ thần kinh, hội chứng Klinefelter, hội chứng Shwachman-Diamond, hội chứng Down…

Phương pháp chẩn đoán bệnh bạch cầu

Khi nhận thấy các dấu hiệu của bệnh, bệnh nhân cần đến bệnh viện để được thăm khám và chẩn đoán chính xác bệnh. Các bác sĩ có thể chẩn đoán bệnh bạch cầu bằng nhiều phương pháp khác nhau, bao gồm:

  • Khám sức khỏe: Bác sĩ tiến hành thăm khám sức khỏe để tìm kiếm các dấu hiệu thực thể cảnh báo bệnh bạch cầu như da nhợt nhạt, sưng hạch bạch huyết, gan và lách to…
  • Xét nghiệm máu: Xét nghiệm này cho phép bác sĩ biết chính xác lượng tế bào hồng cầu, bạch cầu và tiểu cầu trong máu của bệnh nhân. Sự bất thường về số lượng tế bào máu là một trong các yếu tố gợi ý bệnh. 
  • Kiểm tra tế bào máu: Bác sĩ sẽ tiến hành lấy thêm mẫu máu để kiểm tra sự hiện diện của các tế bào ung thư bạch cầu hoặc một dạng bệnh bạch cầu cụ thể. Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể yêu cầu bệnh nhân thực hiện thêm các xét nghiệm bổ sung như đếm tế bào dòng chảy (flow cytometry) và phết máu ngoại vi (peripheral blood smear).
  • Sinh thiết tủy xương (chọc hút tủy xương): Bác sĩ đôi khi thực hiện sinh thiết tủy xương để tìm kiếm các tế bào ung thư. Phương pháp này giúp xác định tỷ lệ tế bào bất thường trong tủy xương và xác nhận chẩn đoán bệnh.
  • Chẩn đoán hình ảnh và các xét nghiệm khác: Các phương pháp chẩn đoán hình ảnh thường ít được sử dụng trong chẩn đoán bệnh bạch cầu do bệnh không gây hình thành khối u. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, bác sĩ có thể yêu cầu bệnh nhân chụp X-quang ngực, siêu âm cổ, nách, bẹn, bụng, chụp cắt lớp vi tính (CT) hoặc chụp cộng hưởng từ (MRI) nếu các triệu chứng cho thấy bệnh bạch cầu đã ảnh hưởng đến xương, các mô và cơ quan khác.  
  • Chọc dò ống sống thắt lưng: Bên cạnh các phương pháp trên, bác sĩ có thể thực hiện chọc dò ống sống thắt lưng để xem liệu các tế bào ung thư đã lan đến dịch tủy xung quanh não và tủy sống hay chưa.
Phương pháp chẩn đoán bệnh bạch cầu
Xét nghiệm máu là một trong những phương pháp được sử dụng để chẩn đoán bệnh bạch cầu.

Phương pháp điều trị bệnh bạch cầu

Các phương pháp điều trị bệnh bạch cầu sẽ được lựa chọn dựa trên dạng bệnh, giai đoạn cũng như độ tuổi, sức khỏe và mong muốn của từng bệnh nhân. Theo đó, các phương pháp điều trị bệnh bạch cầu thường được sử dụng là: 

  • Hóa trị: Hóa trị là phương pháp điều trị chính cho bệnh bạch cầu. Theo đó, bác sĩ sẽ sử dụng hóa chất để tiêu diệt hoặc kìm hãm tế bào ung thư hoặc ngăn không cho chúng phát triển. Người bệnh có thể sử dụng thuốc uống dạng viên hoặc thuốc tiêm (tiêm tĩnh mạch hoặc tiêm dưới da). Mục tiêu của hóa trị là cố gắng đạt sự lui bệnh hoàn toàn hoặc tối đa nhất có thể. 
  • Liệu pháp miễn dịch: Phương pháp điều trị này giúp tăng cường hoạt động của hệ miễn dịch, nâng cao khả năng tìm kiếm và tiêu diệt tế bào ung thư của các tế bào miễn dịch. Trong đó, liệu pháp CAR-T hiện đang cho thấy nhiều tiềm năng.
  • Liệu pháp nhắm mục tiêu: Thuốc nhắm mục tiêu được thiết kế để tấn công vào các yếu tố cụ thể trên tế bào ung thư bạch cầu như protein hoặc gen. Liệu pháp này có thể ngăn chặn quá trình phân chia của tế bào ung thư hoặc trực tiếp tiêu diệt chúng. 
  • Xạ trị: Xạ trị sử dụng chùm tia bức xạ có năng lượng cao để tiêu diệt các tế bào ung thư hoặc ngăn chúng phát triển..
  • Ghép tế bào gốc/ghép tủy: Mục đích của phương pháp này là thay thế các tế bào tạo máu bị bệnh bằng các tế bào tạo máu mới, khỏe mạnh.

Câu hỏi thường gặp về bệnh bạch cầu

Bệnh bạch cầu có phải ung thư không?

Về cơ bản, bệnh bạch cầu chính là một loại ung thư xảy ra ở các tế bào tạo máu trong cơ thể. ADN của các tế bào này bị đột biến, từ đó khiến chúng không thể phát triển và hoạt động bình thường.

Bệnh bạch cầu có di truyền không?

Theo các chuyên gia y tế, trong một số trường hợp, bệnh bạch cầu có liên quan đến yếu tố di truyền. Một người có bố mẹ, anh chị em mắc bệnh thì khả năng mắc bệnh của người đó cũng sẽ cao hơn bình thường. Ngoài ra, một số rối loạn được di truyền qua các thế hệ cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh bạch cầu như u xơ thần kinh, hội chứng Klinefelter, hội chứng Shwachman-Diamond, hội chứng Down…

Bệnh bạch cầu có lây không?

Như các loại ung thư khác, bệnh bạch cầu được xác định là không lây nhiễm. Bệnh nhân không thể lây truyền bệnh bạch cầu cho người khác thông qua bất kỳ con đường nào. Vì vậy, người thân, bạn bè hoàn toàn có thể yên tâm khi chăm sóc, tiếp xúc với người bệnh.

Bệnh bạch cầu có nguy hiểm không?

Bệnh bạch cầu là bệnh lý về máu nguy hiểm có khả năng đe dọa đến tính mạng nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Không chỉ vậy, trong quá trình tiến triển, bệnh còn gây ra nhiều vấn đề ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của bệnh nhân, có thể kể đến như: 

  • Nhiễm trùng nặng, chẳng hạn như nhiễm trùng đường tiết niệu, nhiễm trùng da, viêm phổi, nhiễm trùng máu, sốc nhiễm trùng…
  • Xuất huyết nghiêm trọng như xuất huyết nội sọ, xuất huyết ở phổi, xuất huyết tiêu hóa…
  • Tổn thương các mạch máu
  • Tăng nguy cơ phát triển các bệnh lý ung thư khác
  • Tăng khả năng gặp phải các vấn đề tim mạch, phổi và tuyến giáp
  • Trầm cảm, lo âu và các vấn đề về sức khỏe tinh thần khác
  • Có thể ảnh hưởng đến tính mạng nếu bệnh xâm nhập đến các cơ quan quan trọng
Bệnh bạch cầu có thể chữa khỏi được không?

Trong ung thư, chữa khỏi được hiểu là khi bệnh biến mất, không tái phát và không cần điều trị thêm. Điều này thường khó đạt được ở bệnh nhân mắc bệnh bạch cầu. Tuy nhiên, việc điều trị có thể giúp bệnh thuyên giảm lâu dài, tức là không phát hiện dấu hiệu ung thư trong cơ thể. Trạng thái thuyên giảm sẽ kéo dài từ vài tuần đến nhiều năm. Trong một số trường hợp, bệnh không tái phát trong tương lai.

Người mắc bệnh bạch cầu cấp và mạn tính sống được bao lâu?

Thời gian và tiên lượng sống của bệnh nhân mắc bệnh bạch cầu sẽ khác nhau tùy theo dạng bệnh mắc phải, giai đoạn bệnh, độ tuổi, sức khỏe tổng thể của bệnh nhân và nhiều yếu tố khác. Thông thường, không có con số cụ thể để xác định thời gian sống của bệnh nhân. Thay vào đó, các chuyên gia sức khỏe thường sử dụng tỷ lệ sống sót sau 5 năm chẩn đoán bệnh để dự đoán tiên lượng sống của bệnh nhân. Theo thống kê ở Mỹ, tỷ lệ sống sót sau 5 năm của từng dạng bệnh bạch cầu được ước tính như sau:

  • Bệnh bạch cầu dòng lympho cấp (ALL): 71,3%
  • Bệnh bạch cầu dòng tủy cấp (AML): 31,7% 
  • Bệnh bạch cầu dòng lympho mạn (CLL): 88%
  • Bệnh bạch cầu dòng tủy mạn (CML): 70,6% 

Hy vọng các thông tin trong bài viết này đã giúp bạn hiểu hơn về bệnh bạch cầu, một dạng ung thư tương đối nguy hiểm. Nếu nhận thấy bất kỳ dấu hiệu khác thường nào trong cơ thể cảnh báo bệnh bạch cầu, bạn đừng chủ quan mà hãy nhanh chóng đến bệnh viện để được thăm khám và chẩn đoán cụ thể nhé.

Chia sẻ
Các thông tin trên được chia sẻ bởi Bowtie Việt Nam. Các nội dung này chỉ mang tính chất tham khảo. Trong mọi trường hợp, Bowtie không chịu trách nhiệm về bất kỳ tổn thất hoặc thiệt hại nào, dù là trực tiếp hay gián tiếp, liên quan đến việc truy cập và sử dụng nội dung của Bowtie.

Bài viết liên quan

Những nguyên nhân gây ung thư vú mà bạn không nên bỏ qua Những nguyên nhân gây ung thư vú mà bạn không nên bỏ qua
Ung thư

Những nguyên nhân gây ung thư vú mà bạn không nên bỏ qua

Ung thư cổ tử cung giai đoạn cuối: Cần làm gì để kéo dài tuổi thọ? Ung thư cổ tử cung giai đoạn cuối: Cần làm gì để kéo dài tuổi thọ?
Ung thư

Ung thư cổ tử cung giai đoạn cuối: Cần làm gì để kéo dài tuổi thọ?

9 triệu chứng cảnh báo ung thư tuyến tụy không nên bỏ qua 9 triệu chứng cảnh báo ung thư tuyến tụy không nên bỏ qua
Ung thư

9 triệu chứng cảnh báo ung thư tuyến tụy không nên bỏ qua

Các chuyên mục khác

Email

Liên hệ chung
hello@bowtie.com.vn
Liên hệ về truyền thông
media@bowtie.com.vn
Liên hệ hợp tác
partners@bowtie.com.vn

© 2024 Bản quyền thuộc Bowtie Vietnam Company Limited.

Trình duyệt của bạn đã xảy ra lỗi. Để trải nghiệm tốt hơn, vui lòng nâng cấp hoặc thay đổi trình duyệt khác. OK