Ung thư
Ung thư

Ung thư cổ tử cung giai đoạn cuối: Cần làm gì để kéo dài tuổi thọ?

Ung thư cổ tử cung giai đoạn cuối là giai đoạn sau cùng của bệnh. Sau khi trải qua 3 giai đoạn trước, tế bào ác tính đã di căn đến các cơ quan khác trong cơ thể và ảnh hưởng tới hoạt động của các cơ quan này, từ đó khiến người bệnh đối mặt với nguy cơ tử vong cao. Tuy nhiên, việc điều trị có thể giúp bệnh nhân kéo dài tuổi thọ và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Biên tập bởi Bowtie Việt Nam
Tham vấn y khoa/chuyên môn bởi Bác sĩ CKI Trần Kiến Bình
Ngày đăng 2023-08-17
Cập nhật ngày 2023-08-17
Nội dung chính
Tiến triển của bệnh ung thư cổ tử cung giai đoạn cuối Ung thư cổ tử cung giai đoạn cuối có dấu hiệu, triệu chứng gì?Những phương pháp giúp chẩn đoán ung thư cổ tử cung Ung thư cổ tử cung giai đoạn cuối có chữa được không, có chết không?4 phương pháp điều trị ung thư cổ tử cung giai đoạn cuối Bệnh nhân ung thư cổ tử cung giai đoạn cuối sống được bao lâu?Cách chăm sóc bệnh nhân ung thư cổ tử cung giai đoạn cuối
Ung thư cổ tử cung giai đoạn cuối: Cần làm gì để kéo dài tuổi thọ?

Vậy ung thư cổ tử cung giai đoạn cuối là gì? Dấu hiệu, triệu chứng nào giúp chị em phụ nữ nhận biết ung thư cổ tử cung giai đoạn cuối? Người bệnh cần làm gì để kéo dài tuổi thọ và cải thiện chất lượng sống? Hãy cùng Bowtie tìm hiểu qua bài viết dưới đây. 

Tiến triển của bệnh ung thư cổ tử cung giai đoạn cuối

Với ung thư cổ tử cung giai đoạn cuối (giai đoạn IV), lúc này các tế bào ung thư đã lan ra ngoài cổ tử cung, tử cung và khung chậu. Chúng có thể phát triển vào bàng quang, trực tràng hoặc thậm chí di căn đến các cơ quan xa như gan, phổi, xương… và gây tổn thương cho các cơ quan này. Theo đó, ung thư cổ tử cung giai đoạn IV được chia thành các giai đoạn IVA và IVB dựa trên vị trí tế bào ung thư đã lan rộng:

  • Giai đoạn IVA: Tế bào ung thư đã lan đến các cơ quan lân cận ở vùng chậu, chẳng hạn như bàng quang hoặc trực tràng.
  • Giai đoạn IVB: Tế bào ung thư đã lan đến các bộ phận khác nằm ở xa trong cơ thể, chẳng hạn như gan, phổi, xương hoặc các hạch bạch huyết ở xa.

Bài viết hữu ích:

Ung thư cổ tử cung giai đoạn cuối có dấu hiệu, triệu chứng gì?

Các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh ung thư cổ tử cung giai đoạn cuối thường rất rõ ràng. Lúc này, ngoài các biểu hiện ở cổ tử cung, tử cung, người bệnh còn nhận thấy triệu chứng toàn thân cũng như triệu chứng ở những cơ quan mà tế bào ác tính di căn đến, bao gồm:

  • Chảy máu âm đạo, trường hợp nặng có thể chảy máu liên tục, khó cầm 
  • Tiết nhiều dịch âm đạo, trong dịch lẫn máu hoặc có màu xanh vàng, mùi hôi khó chịu
  • Đau vùng chậu, bụng dưới hoặc thắt lưng do khối u đã lớn và chèn ép lên các cơ quan xung quanh
  • Triệu chứng toàn thân như mệt mỏi, suy nhược, chán ăn, giảm cân nhanh…
  • Dấu hiệu xâm lấn bàng quang: Khó tiểu, đi tiểu ra máu, tiểu buốt, tiểu rắt, tiểu không kiểm soát…
  • Dấu hiệu xâm lấn các cơ quan đường tiêu hóa: Rối loạn tiêu hóa, buồn nôn, đầy hơi, khó tiêu, nôn mửa, xuất huyết tiêu hóa…
  • Bệnh nhân giai đoạn cuối thường có các biểu hiện của “tam chứng bi thảm” bao gồm đau vùng chậu, thiểu niệu hoặc vô niệu và phù chân. Bệnh nhân nào có các dấu hiệu này thường có tiên lượng rất xấu.
  • Dấu hiệu di căn phổi: Đau tức ngực, nặng ngực, khó thở, thở khò khè, ho dai dẳng, ho đờm, đôi khi ho đờm lẫn máu, tràn dịch màng phổi, trường hợp nặng có thể dẫn đến biến chứng suy hô hấp… 
  • Dấu hiệu di căn não: Đau đầu, buồn nôn, nôn ói, tê yếu hoặc liệt tứ chi, chóng mặt, co giật, mất thăng bằng…
  • Dấu hiệu di căn xương: Đau nhức trong xương, hạn chế vận động, gãy xương bệnh lý, yếu ở tứ chi, nếu chèn ép tủy xương có thể dẫn đến biến chứng yếu liệt chi…
  • Dấu hiệu di căn gan: Đau vùng hạ sườn phải hoặc thượng vị, cổ trướng, vàng da và củng mạc mắt…

Những phương pháp giúp chẩn đoán ung thư cổ tử cung

Việc chẩn đoán ung thư cổ tử cung giai đoạn cuối về cơ bản không quá khó khăn. Bởi lúc này, các biểu hiện, triệu chứng của bệnh khá rõ ràng và tế bào ung thư cũng đã lan rộng, dễ được tìm thấy thông qua những phương pháp sau:

  • Sinh thiết bấm u cổ tử cung
  • Xét nghiệm công thức máu, sinh hóa máu
  • Các phương pháp chẩn đoán hình ảnh như siêu âm, X-quang, chụp cắt lớp vi tính (CT), chụp cộng hưởng từ (MRI), chụp cắt lớp phát xạ positron (PET), xạ hình xương, xạ hình thận…
  • Nội soi như nội soi bàng quang, nội soi đại trực tràng…

Ung thư cổ tử cung giai đoạn cuối có chữa được không, có chết không?

Ung thư cổ tử cung giai đoạn cuối gần như đã không còn cơ hội chữa trị khỏi được nữa. Bởi vì các tế bào ung thư đã di căn đến nhiều nơi trên cơ thể. Chúng phá hủy và gây tổn thương đến các cơ quan quan trọng như phổi, gan, xương…, từ đó ảnh hưởng đến chức năng của các cơ quan này, khiến người bệnh suy kiệt và từ đó dẫn đến tử vong. 

Tuy nhiên, với sự phát triển của y học ngày nay, việc điều trị có thể giúp bệnh nhân ung thư cổ tử cung giai đoạn cuối kéo dài được tuổi thọ và nâng cao chất lượng cuộc sống. Vì vậy, ở giai đoạn này, người bệnh không nên từ bỏ hy vọng mà hãy cố gắng tuân thủ theo phác đồ điều trị của bác sĩ để sống lâu và sống khỏe mạnh hơn cùng bệnh.

Ung thư cổ tử cung giai đoạn cuối có chữa được không, có chết không?
Tiên lượng sống của bệnh nhân ung thư cổ tử cung giai đoạn cuối thường không khả quan.

4 phương pháp điều trị ung thư cổ tử cung giai đoạn cuối

Ung thư cổ tử cung giai đoạn cuối sẽ được điều trị bằng các phương pháp như hóa trị, xạ trị, hóa xạ đồng thời, liệu pháp miễn dịch hoặc nhắm trúng đích. Cụ thể như sau:

Xạ trị

Xạ trị là phương pháp sử dụng các chùm tia bức xạ năng lượng cao để tiêu diệt hoặc ngăn chặn sự phát triển của các tế bào ác tính. Tia bức xạ có thể được chiếu từ bên ngoài (xạ trị chùm tia ngoài) hoặc được đưa vào gần cổ tử cung thông qua các dụng cụ (xạ trị áp sát). Bác sĩ sẽ cân nhắc chỉ định cho bệnh nhân phương pháp xạ trị chùm tia ngoài, xạ trị áp sát hoặc cả hai. 

Ở giai đoạn cuối, xạ trị thường được sử dụng như liệu pháp giảm nhẹ để giúp người bệnh giảm đau, cầm máu hoặc kiểm soát các triệu chứng khác. Bác sĩ có thể chỉ định xạ trị não nếu ung thư di căn não, xạ trị xương để chống chèn ép tủy khi ung thư di căn xương.

Hóa trị

Hóa trị là phương pháp điều trị chính cho ung thư cổ tử cung giai đoạn cuối. Ở giai đoạn này, thuốc hóa trị sẽ được tiêm truyền tĩnh mạch để giúp tiêu diệt hoặc kìm hãm sự phát triển của các tế bào ác tính, giảm đau hoặc kiểm soát các triệu chứng của ung thư cổ tử cung. 

Các loại thuốc được sử dụng để hóa trị bao gồm cisplatin, carboplatin, paclitaxel, topotecan, gemcitabine, docetaxel… Các thuốc này có thể được dùng riêng lẻ hoặc kết hợp với nhau.

Liệu pháp nhắm trúng đích

Bệnh nhân ung thư cổ tử cung giai đoạn IV có thể được chỉ định sử dụng các thuốc nhắm trúng đích. Các thuốc này sẽ nhắm trực tiếp vào những điểm bất thường trên tế bào ung thư để tiêu diệt các tế bào này mà không gây ảnh hưởng đến các tế bào khỏe mạnh. Theo đó, loại thuốc nhắm mục tiêu phổ biến nhất được sử dụng để điều trị ung thư cổ tử cung là bevacizumab. Thuốc thường được dùng kết hợp với hóa trị.

Liệu pháp miễn dịch

Liệu pháp miễn dịch giúp tăng cường hoặc khôi phục khả năng chống ung thư của hệ thống miễn dịch. Theo đó, bệnh nhân ung thư cổ tử cung giai đoạn cuối có thể được điều trị bằng liệu pháp miễn dịch, đặc biệt nếu bệnh nhân không đáp ứng với hóa trị hoặc ung thư tiến triển/tái phát sau điều trị. Thuốc miễn dịch thường được sử dụng nhất là pembrolizumab.

Bệnh nhân ung thư cổ tử cung giai đoạn cuối sống được bao lâu?

Như đã đề cập, tiên lượng sống của bệnh nhân ung thư cổ tử cung ở giai đoạn cuối đã tương đối xấu, bệnh gần như không thể điều trị khỏi nữa. Tuy nhiên, việc bệnh nhân ung thư cổ tử cung giai đoạn cuối sống được bao lâu sẽ còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như loại bệnh, mức độ và tốc độ tiến triển, sức khỏe tổng thể của bệnh nhân, khả năng đáp ứng với điều trị…

Vì vậy, rất khó để đưa ra một con số chính xác về việc bệnh nhân ở giai đoạn này sẽ sống được bao lâu. Thay vào đó, các chuyên gia sức khỏe thường dùng tỷ lệ sống sóng tương đối sau 5 năm chẩn đoán bệnh để dự đoán tiên lượng sống của bệnh nhân. 

Theo số liệu thống kê của Tổ chức từ thiện nghiên cứu và nâng cao nhận thức về ung thư ở Anh trên các bệnh nhân ung thư cổ tử cung được chẩn đoán từ năm 2013 – 2017, tiên lượng và khả năng sống sót sau 5 năm của bệnh nhân ung thư cổ tử cung giai đoạn cuối chỉ còn khoảng 15%. Tuy nhiên, một số bệnh nhân có thể sống lâu hơn nếu được điều trị và chăm sóc hiệu quả.

Bệnh nhân ung thư cổ tử cung giai đoạn cuối sống được bao lâu?
Việc điều trị có thể giúp bệnh nhân ung thư cổ tử cung giai đoạn cuối kéo dài tuổi thọ và sống khỏe mạnh hơn cùng bệnh.

Cách chăm sóc bệnh nhân ung thư cổ tử cung giai đoạn cuối

Giai đoạn cuối là thời điểm bệnh nhân khá nhạy cảm và rất dễ có những suy nghĩ tiêu cực khiến bệnh càng trở nên nghiêm trọng hơn. Lúc này, bệnh nhân cần được quan tâm và chăm sóc đúng cách để giúp cải thiện chất lượng cuộc sống cũng như sống khỏe mạnh hơn cùng bệnh. Theo đó, gia đình nên chăm sóc bệnh nhân ung thư cổ tử cung giai đoạn cuối như sau:

Chăm sóc giảm nhẹ các triệu chứng

Ở giai đoạn này, bệnh nhân có thể gặp phải nhiều triệu chứng như đau đớn, mệt mỏi, chán ăn, buồn nôn, nôn mửa… gây ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe. Ngoài các phương pháp giảm nhẹ triệu chứng mà bác sĩ áp dụng như xạ trị, hóa trị…, gia đình cũng nên tham khảo ý kiến bác sĩ về cách chăm sóc giảm nhẹ các triệu chứng tại nhà cho bệnh nhân. Chẳng hạn như việc sử dụng thuốc giảm đau, massage, chườm ấm để kiểm soát các cơn đau; dùng thuốc chống nôn, uống trà gừng để giảm tình trạng nôn mửa…

Quan tâm đến chế độ ăn uống

Chế độ dinh dưỡng của bệnh nhân ung thư cổ tử cung giai đoạn cuối cần được đặc biệt chú ý. Bởi ở giai đoạn này, khối u ác tính có thể phát triển với kích thước lớn, gây chèn ép các cơ quan ở đường tiêu hóa và khiến người bệnh dễ bị đầy bụng, táo bón, đau bụng, sụt cân, chán ăn… Do đó, người bệnh cần được chăm sóc dinh dưỡng tốt bằng cách:

  • Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh với các loại thực phẩm giàu dinh dưỡng, ưu tiên ăn các món nhiều protein, vitamin và khoáng chất như thịt nạc, thịt bò, cá, tôm, rau xanh, hạt, trái cây tươi… 
  • Uống nhiều nước, ít nhất 2 lít nước mỗi ngày
  • Nên ưu tiên chế biến thức ăn ở dạng lỏng, mềm như cháo, súp, canh hoặc các món nghiền dễ nhai, dễ nuốt nhưng đảm bảo đầy đủ dinh dưỡng
  • Chia nhỏ bữa ăn trong ngày vì bệnh nhân ung thư cổ tử cung đôi khi không ăn được nhiều trong một bữa

Chăm sóc đến sức khỏe tinh thần, tâm trạng của bệnh nhân

Ung thư cổ tử cung là bệnh xảy ra ở phụ nữ – những đối tượng nhạy cảm, hay suy nghĩ và có nhiều tâm sự cũng như nguyện vọng. Do đó, khi được chẩn đoán ung thư cổ tử cung giai đoạn cuối, nhiều người sẽ có tâm lý lo sợ, thậm chí mất ăn mất ngủ. Lúc này, những người trực tiếp chăm sóc bệnh nhân cần lưu ý: 

  • Luôn lắng nghe và chia sẻ cùng bệnh nhân 
  • Động viên, an ủi người bệnh để giúp họ suy nghĩ theo hướng tích cực hơn
  • Tôn trọng quyết định nếu bệnh nhân muốn có không gian riêng tư
  • Luôn nhẹ nhàng, tế nhị để người bệnh cảm thấy được an ủi và yên tâm hơn
  • Giữ phòng của người bệnh sạch sẽ, khô thoáng, yên tĩnh 
  • Thỉnh thoảng giúp người bệnh đi dạo, hít thở không khí trong lành vào mỗi buổi sáng
  • Cần quan tâm và khéo léo động viên tinh thần của người bệnh để họ có thêm nghị lực sống và chiến đấu với bệnh tật 

Trên đây là toàn bộ thông tin về bệnh ung thư cổ tử cung giai đoạn cuối cũng như cách điều trị và chăm sóc bệnh nhân để giúp họ kéo dài tuổi thọ. Về cơ bản thì bệnh nhân trong giai đoạn này cần được nghỉ ngơi, tĩnh dưỡng cũng như được quan tâm chăm sóc tích cực để họ có thêm nghị lực sống cũng như an tâm điều trị bệnh. 

Chia sẻ
Các thông tin trên được chia sẻ bởi Bowtie Việt Nam. Các nội dung này chỉ mang tính chất tham khảo. Trong mọi trường hợp, Bowtie không chịu trách nhiệm về bất kỳ tổn thất hoặc thiệt hại nào, dù là trực tiếp hay gián tiếp, liên quan đến việc truy cập và sử dụng nội dung của Bowtie.

Bài viết liên quan

Ung thư vú có di truyền không? Cần làm gì để phát hiện sớm? Ung thư vú có di truyền không? Cần làm gì để phát hiện sớm?
Ung thư

Ung thư vú có di truyền không? Cần làm gì để phát hiện sớm?

Ung thư vú tái phát sau điều trị: Nguy cơ chớ nên xem nhẹ Ung thư vú tái phát sau điều trị: Nguy cơ chớ nên xem nhẹ
Ung thư

Ung thư vú tái phát sau điều trị: Nguy cơ chớ nên xem nhẹ

Nhận biết sớm ung thư phổi giai đoạn đầu để điều trị kịp thời Nhận biết sớm ung thư phổi giai đoạn đầu để điều trị kịp thời
Ung thư

Nhận biết sớm ung thư phổi giai đoạn đầu để điều trị kịp thời

Các chuyên mục khác

Email

Liên hệ chung
hello@bowtie.com.vn
Liên hệ về truyền thông
media@bowtie.com.vn
Liên hệ hợp tác
partners@bowtie.com.vn

© 2024 Bản quyền thuộc Bowtie Vietnam Company Limited.

Trình duyệt của bạn đã xảy ra lỗi. Để trải nghiệm tốt hơn, vui lòng nâng cấp hoặc thay đổi trình duyệt khác. OK