Các bệnh lý khác
Các bệnh lý khác

Bệnh giang mai giai đoạn cuối - Mối nguy hiểm khôn lường

Giang mai phát triển qua từng giai đoạn. Đặc biệt, người mắc bệnh giang mai giai đoạn cuối (giai đoạn 3) có thể gặp nhiều biến chứng nghiêm trọng ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng. Hiểu về giang mai giai đoạn cuối sẽ giúp bệnh nhân nhận ra mức độ nguy hiểm của bệnh để không trì hoãn việc thăm khám và điều trị.
Biên tập bởi Bowtie Việt Nam
Ngày đăng 2023-03-24
Cập nhật ngày 2023-03-24
Nội dung chính
Bệnh giang mai giai đoạn cuối là gì?Bệnh giang mai giai đoạn cuối có những biểu hiện gì?Giang mai giai đoạn cuối nguy hiểm như thế nào đối với người bệnh?Các xét nghiệm giúp nhận biết sớm giang mai giai đoạn 3Bệnh giang mai giai đoạn cuối có chữa được không?Phương pháp điều trị bệnh giang mai giai đoạn 3
Bệnh giang mai giai đoạn cuối

Vậy biểu hiện, triệu chứng của bệnh giang mai giai đoạn cuối là gì? Bệnh giang mai giai đoạn cuối có chữa được không? Hãy cùng Bowtie tìm hiểu chi tiết về giai đoạn này của giang mai trong bài viết dưới đây. 

Bệnh giang mai giai đoạn cuối là gì?

Bệnh giang mai là một bệnh nhiễm trùng có thể lây truyền qua nhiều con đường, trong đó chủ yếu là đường quan hệ tình dục không sử dụng biện pháp an toàn. Ngoài ra, người bình thường cũng có khả năng bị nhiễm xoắn khuẩn giang mai Treponema pallidum do tiếp xúc với tổn thương trên da, niêm mạc, máu của người bệnh hoặc đồ dùng bị nhiễm khuẩn. Bệnh cũng có thể lây truyền từ mẹ sang con trong thời kỳ mang thai.

Giang mai tiến triển qua 4 giai đoạn khác nhau và gây ra các triệu chứng không giống nhau trong từng giai đoạn. Bệnh giang mai giai đoạn cuối (giang mai giai đoạn 3) là giai đoạn tiến triển nhất của bệnh. Giai đoạn này có thể xảy ra sau 5 – 20 năm từ khi nhiễm trùng ban đầu, thậm chí có trường hợp lên đến 30 năm. Ở giai đoạn cuối, xoắn khuẩn giang mai đã xâm nhập và gây tổn thương đến nhiều cơ quan trong cơ thể.

Bệnh giang mai giai đoạn cuối có những biểu hiện gì?

Biểu hiện lâm sàng đặc trưng của bệnh giang mai giai đoạn cuối được chia theo vị trí ảnh hưởng, bao gồm các tổn thương gôm giang mai, biểu hiện thần kinh (giang mai thần kinh) và biểu hiện tim mạch (giang mai tim mạch).

  • Gôm giang mai: Gôm là một trong những triệu chứng đặc trưng nhất của bệnh giang mai giai đoạn cuối, thường xuất hiện ở niêm mạc miệng, môi, mũi, vòm họng, hầu… Đôi khi, gôm còn gặp phải ở cơ, xương, não. Gôm được hiểu là những thương tổn chắc ở hạ bì, tiến triển qua 4 giai đoạn. Ban đầu, bệnh nhân nhận thấy những cục u nổi lên dưới da. Các cục này dần to ra, mềm, dễ vỡ và chảy dịch dính giống như nhựa cao su, sau đó tạo thành vết loét. Vết loét cuối cùng lên da non rồi thành sẹo.
  • Biểu hiện về thần kinh: Một số triệu chứng thần kinh như thay đổi trạng thái tâm thần cấp tính, rối loạn chức năng dây thần kinh sọ, bất thường về mắt và thị giác, bất thường về thính giác, viêm màng não, đột quỵ… có thể xuất hiện từ giai đoạn sớm. Trong khi đó, một số biểu hiện giang mai thần kinh muộn sẽ xảy ra sau 10 – 30 năm từ thời điểm mắc bệnh, đặc trưng bởi tổn thương các rễ thần kinh sau của cột sống và liệt nhẹ toàn thể.
  • Biểu hiện về tim mạch: Người bị giang mai giai đoạn cuối thường gặp phải các vấn đề tim mạch như viêm động mạch chủ, hở van động mạch chủ, phình động mạch chủ, hẹp động mạch vành… Một số bệnh nhân có thể bị viêm cơ tim.

Giang mai giai đoạn cuối nguy hiểm như thế nào đối với người bệnh?

Khi bị giang mai giai đoạn 3, người bệnh hầu như đã gặp phải các biến chứng của bệnh, đặc biệt là những vấn đề trên thần kinh và tim mạch kể trên. Ngoài ra, người bệnh còn có thể gặp phải các biến chứng khác, bao gồm: 

  • Xuất hiện các cơn đau ở chi, đặc biệt là chi dưới 
  • Rối loạn chức năng co thắt, gây buồn tiểu nhưng không thể đi tiểu, không kiểm soát được tình trạng tiểu tiện của bản thân, bí tiểu…
  • Biến chứng ở mắt như đồng tử nhỏ hẹp và mất đi năng lực phản xạ với ánh sáng, cơ mắt bị tê bì, mí mắt không đều, đau mắt, đỏ mắt, thay đổi thị lực, nhìn mờ hoặc thậm chí mù lòa
  • Vấn đề về khớp và xương, sớm nhất là viêm khớp xương, sau đó dẫn đến tổn thương cấu trúc xương, gây thoát vị và thậm chí gãy xương
  • Ảnh hưởng đến nhiều cơ quan nội tạng khác như dạ dày, ruột, gan…

Các xét nghiệm giúp nhận biết sớm giang mai giai đoạn 3

Cũng giống như các giai đoạn khác, bác sĩ thường chỉ định cho người bệnh làm xét nghiệm máu để chẩn đoán bệnh giang mai giai đoạn 3. Thông qua xét nghiệm máu, bác sĩ sẽ phát hiện được các kháng thể mà cơ thể tạo ra để chống lại nhiễm trùng. Cùng với đó, bác sĩ sẽ dựa vào dấu hiệu lâm sàng của bệnh để đưa ra kết luận sau cùng.

Bên cạnh xét nghiệm máu, bác sĩ còn có thể lấy mẫu dịch tiết từ các tổn thương trên da, niêm mạc, hạch… và soi dưới kính hiển vi nền đen để tìm xoắn khuẩn. Ngoài ra, xét nghiệm khuếch đại axit nucleic và xét nghiệm tìm kháng thể huỳnh quang trực tiếp cũng có khả năng được thực hiện.

Chẩn đoán bệnh giang mai giai đoạn cuối
Xét nghiệm nhanh dùng trong chẩn đoán bệnh giang mai giai đoạn cuối.

Bệnh giang mai giai đoạn cuối có chữa được không?

Giang mai giai đoạn 3 gây ảnh hưởng đến tim, não, dây thần kinh, xương và nhiều bộ phận khác trên cơ thể. Theo đó, việc bệnh giang mai giai đoạn cuối (giai đoạn 3) có chữa được không phụ thuộc rất nhiều vào phác đồ điều trị. Nếu được điều trị tích cực, người bệnh có khả năng tiêu diệt và đào thải xoắn khuẩn ra khỏi cơ thể. Tuy nhiên, việc điều trị chỉ giúp ngăn chặn sự hình thành của các tổn thương mới chứ không hồi phục lại được những tổn thương đã xảy ra. 

Phương pháp điều trị bệnh giang mai giai đoạn 3

Tương tự các giai đoạn khác, giang mai giai đoạn 3 vẫn được điều trị chủ yếu bằng kháng sinh, ưu tiên nhất là benzathin penicillin. Thuốc benzathin penicillin 2,4 triệu đơn vị sẽ được tiêm bắp cho bệnh nhân trong 3 tuần liên tiếp, mỗi tuần tiêm 1 lần. Thời gian giữa 2 lần tiêm liên tiếp sẽ không quá 14 ngày. 

Nếu không có benzathin penicillin, bác sĩ có thể sử dụng procain penicillin 1,2 triệu đơn vị để thay thế. Theo đó, thuốc được tiêm bắp sâu, 1 lần mỗi ngày trong 20 ngày. 

Trong trường hợp không có procain penicillin hoặc người bệnh có tiền sử dị ứng với penicillin, phác đồ thay thế lúc này là:

  • Đối với người lớn và vị thành niên: Uống doxycyclin 100mg, 2 lần mỗi ngày trong 30 ngày
  • Đối với phụ nữ mang thai: Uống erythromycin 500mg, 4 lần mỗi ngày trong 30 ngày

Có thể thấy, người mắc bệnh giang mai giai đoạn cuối có nguy cơ đối mặt với nhiều biến chứng nguy hiểm. Vì vậy, người bệnh cần lưu tâm đến các biểu hiện của cơ thể để kịp thời phát hiện bệnh và điều trị hiệu quả. 

Chia sẻ
Các thông tin trên được chia sẻ bởi Bowtie Việt Nam. Các nội dung này chỉ mang tính chất tham khảo. Trong mọi trường hợp, Bowtie không chịu trách nhiệm về bất kỳ tổn thất hoặc thiệt hại nào, dù là trực tiếp hay gián tiếp, liên quan đến việc truy cập và sử dụng nội dung của Bowtie.

Bài viết liên quan

Dấu hiệu tràn dịch màng phổi cần nhận biết Dấu hiệu tràn dịch màng phổi cần nhận biết
Các bệnh lý khác

Dấu hiệu tràn dịch màng phổi cần nhận biết

Viêm gan B có lây không và lây qua đường nào? Viêm gan B có lây không và lây qua đường nào?
Các bệnh lý khác

Viêm gan B có lây không và lây qua đường nào?

Bệnh hen suyễn có nguy hiểm không? Biến chứng và cách kiểm soát Bệnh hen suyễn có nguy hiểm không? Biến chứng và cách kiểm soát
Các bệnh lý khác

Bệnh hen suyễn có nguy hiểm không? Biến chứng và cách kiểm soát

Các chuyên mục khác

Email

Liên hệ chung
hello@bowtie.com.vn
Liên hệ về truyền thông
media@bowtie.com.vn
Liên hệ hợp tác
partners@bowtie.com.vn

© 2024 Bản quyền thuộc Bowtie Vietnam Company Limited.

Trình duyệt của bạn đã xảy ra lỗi. Để trải nghiệm tốt hơn, vui lòng nâng cấp hoặc thay đổi trình duyệt khác. OK