Các bệnh lý khác
Các bệnh lý khác

Các chủng sốt xuất huyết: Cách lây nhiễm và phòng ngừa bạn cần biết

Đa số trường hợp sốt xuất huyết được ghi nhận ở Việt Nam là do các chủng của virus dengue gây ra. Nhìn chung, các chủng virus sốt xuất huyết dengue có thể lây nhiễm theo một số con đường nhất định và nếu không kịp thời phát hiện để điều trị, người bệnh có nguy cơ gặp phải các biến chứng nặng, thậm chí dẫn đến tử vong.
Biên tập bởi Bowtie Việt Nam
Ngày đăng 2023-07-14
Cập nhật ngày 2023-07-14
Nội dung chính
Có bao nhiêu chủng loại virus sốt xuất huyết?Đôi nét về các chủng virus sốt xuất huyết dengueCon đường lây truyền các chủng virus sốt xuất huyếtCách phòng ngừa lây nhiễm các chủng virus sốt xuất huyết
Các chủng sốt xuất huyết: Cách lây nhiễm và phòng ngừa bạn cần biết

Để tìm hiểu rõ hơn về đặc điểm của các chủng loại virus sốt xuất huyết ở Việt Nam cũng như cách lây nhiễm và một số biện pháp phòng ngừa bệnh hiệu quả, mời bạn hãy cùng Bowtie theo dõi bài viết dưới đây nhé! 

Có bao nhiêu chủng loại virus sốt xuất huyết?

Thực tế, bệnh sốt xuất huyết là tên gọi chung của các trường hợp bị nhiễm trùng dẫn đến tình trạng sốt cao và có biểu hiện xuất huyết. Nguyên nhân bệnh có thể liên quan đến nhiều loại virus khác nhau. Trong đó, dịch bệnh sốt xuất huyết đang lưu hành ở hầu hết các nước trên thế giới, bao gồm cả Việt Nam, là do virus dengue gây ra.  

Vậy thì có mấy chủng sốt xuất huyết do virus dengue? Tính đến nay, các nhà nghiên cứu đã phát hiện được 5 loại huyết thanh của virus dengue có thể gây bệnh sốt xuất huyết ở người là DENV-1, DENV-2, DENV-3, DENV-4 và DENV-5. Tuy nhiên, phổ biến nhất chỉ có 4 chủng sốt xuất huyết từ DENV-1 đến DENV-4, ngược lại có rất ít trường hợp ghi nhận về chủng DENV-5. 

Bệnh sốt xuất huyết có thể phát triển khi người bệnh bị lây nhiễm bất kỳ chủng virus nào kể trên hoặc nhiễm đồng thời nhiều chủng sốt xuất huyết. Ngoài ra, các trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết dù đã được điều trị khỏi vẫn có nguy cơ tái nhiễm cao, thậm chí mức độ bệnh còn trầm trọng hơn. Bởi vì hệ miễn dịch chỉ tạo ra kháng thể có hiệu quả với chủng virus đã nhận diện ở lần mắc bệnh trước đó và không đủ khả năng để chống lại sự xâm nhập của một chủng virus sốt xuất huyết khác.

Đôi nét về các chủng virus sốt xuất huyết dengue

Đặc điểm chung của các chủng virus sốt xuất huyết dengue đều là loại virus ARN sợi đơn có vỏ bọc bên ngoài thuộc chi Flavivirus, thành viên của họ Flaviviridae. Tuy nhiên, giữa chúng vẫn có một số đặc điểm riêng biệt dẫn đến khả năng gây ảnh hưởng cho người bệnh cũng khác nhau. Cụ thể, mỗi chủng virus sốt xuất huyết dengue có những đặc điểm như sau:

Chủng DENV-1 

Năm 1943, một trận dịch sốt xuất huyết đã xảy ra ở Nagasaki (Nhật Bản). Từ mẫu máu của những người mắc bệnh khi đó, các nhà khoa học trong nước, là Ren Kimura và Susumu Hotta đã lần đầu tiên phân lập thành công virus sốt xuất huyết dengue. 

Sau đó, các đặc điểm của virus sốt xuất huyết được phân lập vào năm 1943 được gọi chung là chủng sốt xuất huyết DENV-1. Chủng virus này gồm có 5 kiểu gen khác nhau là I, II, III, IV và V.

Chủng DENV-2 

Đến 1944 – một năm sau kể từ khi chủng sốt xuất huyết DENV-1 được tìm thấy, các nhà khoa học ở Mỹ đã tiếp tục phân lập và nghiên cứu cấu trúc của virus sốt xuất huyết, kết quả phát hiện type huyết thanh khác so với chủng DENV-1. Chủng sốt xuất huyết mới này gọi là DENV-2, được chia thành 6 kiểu gen bao gồm: Châu Á I, Châu Á II, Đông Nam Á/Mỹ, Quốc tế, Mỹ và Sylvatic. 

Sốt xuất huyết do DENV-2 có thể lan truyền mạnh mẽ nhờ các đặc điểm làm tăng tỷ lệ nhiễm bệnh của muỗi cái Ae. aegypti. Ngoài ra, nhiều nghiên cứu cũng cho thấy DENV-2 có khả năng kéo dài tốc độ đốt của muỗi Ae. aegypti lên đến 50%.  

DENV-2 là chủng sốt xuất huyết gây bệnh nghiêm trọng nhất với tỷ lệ khoảng 20,6% các trường hợp phát triển bệnh ở mức độ nặng, trong đó người bệnh có nhiều nguy cơ bị tràn dịch màng phổi.

Hình ảnh các chủng virus sốt xuất huyết
Hình ảnh virus sốt xuất huyết dengue được phân lập trong phòng thí nghiệm.

Chủng DENV-3

Type huyết thanh thứ 3 của virus dengue (DENV-3) được phát hiện vào năm 1956, thông qua mẫu bệnh phẩm thu thập từ trẻ em mắc bệnh sốt xuất huyết tại thủ đô Manila của Philippines. Trong số các chủng sốt xuất huyết dengue, DENV-1 và DENV-3 là hai chủng có cùng số lượng kiểu gen được chia ra từ I-V.

Chủng sốt xuất huyết DENV-3 ít khi liên quan đến các trường hợp bệnh nặng và nghiêm trọng. Thay vào đó, bệnh nhân thường bị suy nhược và đau đầu nhiều hơn, đồng thời cũng phát triển mạnh các biểu hiện ở đường hô hấp như ho, sổ mũi, nghẹt mũi hoặc đau họng.

Chủng DENV-4 

Chủng sốt xuất huyết DENV-4 cũng được các nhà khoa học tìm thấy vào năm 1956 với đặc điểm gồm bốn kiểu gen là I, II, III và Sylvatic. 

So sánh kết quả xét nghiệm với các chủng virus sốt xuất huyết dengue còn lại cho thấy, bệnh nhân liên quan đến chủng DENV-4 thường có tỷ lệ bạch cầu trung tính cao hơn, trong khi giá trị trung bình của tế bào lympho giảm đáng kể. 

Mặt khác, mức độ nghiêm trọng của chủng sốt xuất huyết DENV-4 chỉ xếp sau chủng DENV-2, với nguy cơ phát triển bệnh nặng lên đến 20% trên tổng số trường hợp mắc bệnh.

Chủng DENV-5 

Chủng virus sốt xuất huyết dengue gần đây nhất được phát hiện là chủng DENV-5, xuất hiện lần đầu tiên vào năm 2007 tại Malaysia. Ban đầu, người ta cho rằng đây là sự lây nhiễm thông thường do các type huyết thanh đã được phát hiện trước đó của virus sốt xuất huyết. Nhưng đến tháng 10/2013, DENV-5 chính thức được công bố là một chủng sốt xuất huyết mới sau nhiều cuộc nghiên cứu và tìm kiếm các bằng chứng khoa học. 

Chủng DENV-5 mang bộ gen sylvatic chủ yếu lây truyền giữa các loài linh trưởng sống trong rừng và không phổ biến ở người. Tính đến nay, thông tin liên quan đến các trường hợp nhiễm chủng sốt xuất huyết DENV-5 vẫn còn rất ít.  

Con đường lây truyền các chủng virus sốt xuất huyết

Trước khi tấn công toàn bộ cơ thể và gây ra hàng loạt biểu hiện bệnh, các chủng sốt xuất huyết có thể xâm nhập vào hệ thống tuần hoàn ở người theo 3 con đường dưới đây:

  • Lây truyền qua vật chủ trung gian là muỗi: Đây là cách lây nhiễm phổ biến nhất của bệnh sốt xuất huyết, chủ yếu liên quan đến muỗi Aedes aegypti hoặc muỗi Aedes albopictus (ít gặp hơn). Theo đó, muỗi có thể bị nhiễm các chủng virus sốt xuất huyết khi đốt phải những người mắc bệnh. Tiếp đến chúng sẽ lây truyền virus bệnh vào cơ thể người lành thông qua vết đốt. 
  • Lây truyền từ mẹ sang con: Thai nhi và trẻ sơ sinh mới chào đời có thể bị nhiễm các chủng virus sốt xuất huyết được lây truyền từ người mẹ mắc bệnh sốt xuất huyết trong thời gian mang thai hoặc khi sinh nở. Ngoài ra, đã có một vài trường hợp bệnh sốt xuất huyết được ghi nhận do lây lan qua sữa mẹ.
  • Lây truyền trực tiếp qua máu: Tuy rằng hiếm gặp nhưng các chủng sốt xuất huyết có thể lây truyền từ người bệnh sang người lành nếu có sự tiếp xúc giữa máu nhiễm virus với vết thương hở hoặc cấy ghép nội tạng.
Con đường lây truyền các chủng virus sốt xuất huyết
Các chủng virus sốt xuất huyết được lây truyền chủ yếu qua vết đốt của muỗi vằn.

Cách phòng ngừa lây nhiễm các chủng virus sốt xuất huyết

Mặc dù lưu hành quanh năm nhưng dịch bệnh sốt xuất huyết có xu hướng bùng phát mạnh vào những thời điểm mưa nhiều trong năm. Bất kỳ ai cũng có nguy cơ nhiễm bệnh sốt xuất huyết, trong đó trẻ nhỏ và người suy yếu miễn dịch là những đối tượng dễ gặp phải các biến chứng nặng. 

Để giảm nguy cơ mắc bệnh sốt xuất huyết cho bản thân và những người xung quanh, cách tốt nhất là bạn nên chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa bệnh như: 

  • Giữ nơi ở được khô ráo, thông thoáng, sạch sẽ 
  • Đậy kín và thường xuyên thay rửa các vật dụng chứa nước đặt trong nhà và ngoài trời. Nên loại bỏ những đồ vật dễ bị ứ đọng nước bẩn
  • Hạn chế bị muỗi đốt bằng cách dùng màn che khi ngủ, mặc áo dài tay, quần dài, mang tất vớ… kết hợp với việc sử dụng các thuốc bôi hoặc thuốc xịt chống côn trùng 
  • Nên đóng kín hoặc lắp thêm lưới chắn côn trùng ở những nơi như cửa sổ, giếng trời, lỗ thông gió… đặc biệt là khi sinh sống tại vùng nông thôn hoặc các khu vực có nhiều sông suối và ao hồ

Trên đây là những thông tin liên quan đến đặc điểm của các chủng virus sốt xuất huyết đã và đang lưu hành ở Việt Nam, cũng như cách thức lây truyền của chúng. Bên cạnh đó, bài viết cũng chia sẻ một số biện pháp đơn giản mà bạn có thể thực hiện để phòng ngừa hiệu quả bệnh sốt xuất huyết. Trường hợp có bất kỳ triệu chứng nào nghi ngờ mắc bệnh, bạn nên đến thăm khám tại bệnh viện để được chẩn đoán và có biện pháp điều trị tốt nhất.

Chia sẻ
Các thông tin trên được chia sẻ bởi Bowtie Việt Nam. Các nội dung này chỉ mang tính chất tham khảo. Trong mọi trường hợp, Bowtie không chịu trách nhiệm về bất kỳ tổn thất hoặc thiệt hại nào, dù là trực tiếp hay gián tiếp, liên quan đến việc truy cập và sử dụng nội dung của Bowtie.

Bài viết liên quan

Hen suyễn về đêm và những thông tin cần biết Hen suyễn về đêm và những thông tin cần biết
Các bệnh lý khác

Hen suyễn về đêm và những thông tin cần biết

Các thông tin về bệnh đái tháo đường type 2 (tiểu đường type 2) Các thông tin về bệnh đái tháo đường type 2 (tiểu đường type 2)
Các bệnh lý khác

Các thông tin về bệnh đái tháo đường type 2 (tiểu đường type 2)

Tổng hợp các biến chứng nguy hiểm của cúm A: Rủi ro và cách hạn chế Tổng hợp các biến chứng nguy hiểm của cúm A: Rủi ro và cách hạn chế
Các bệnh lý khác

Tổng hợp các biến chứng nguy hiểm của cúm A: Rủi ro và cách hạn chế

Các chuyên mục khác

Email

Liên hệ chung
hello@bowtie.com.vn
Liên hệ về truyền thông
media@bowtie.com.vn
Liên hệ hợp tác
partners@bowtie.com.vn

© 2024 Bản quyền thuộc Bowtie Vietnam Company Limited.

Trình duyệt của bạn đã xảy ra lỗi. Để trải nghiệm tốt hơn, vui lòng nâng cấp hoặc thay đổi trình duyệt khác. OK