Kiến thức sức khỏe
Kiến thức sức khỏe

Vì sao bị chảy máu cam khi ngủ dậy? 7 lý do và cách xử lý hiệu quả

Nhiều người cảm thấy hoang mang khi bị chảy máu cam khi ngủ dậy. Tình trạng này có thể do niêm mạc mũi bị khô, thói quen ngoáy mũi hoặc thậm chí là dấu hiệu của một số bệnh lý. Điều quan trọng là bạn cần tìm ra nguyên nhân khiến mình ngủ dậy bị chảy máu mũi, đồng thời biết cách cầm máu cũng như hạn chế tình trạng này.
Biên tập bởi Bowtie Việt Nam
Ngày đăng 2023-06-03
Cập nhật ngày 2023-07-07
Nội dung chính
7 nguyên nhân gây chảy máu cam khi ngủ dậyBạn nên làm gì nếu bị chảy máu cam khi ngủ dậy?Cách giúp hạn chế tình trạng ngủ dậy bị chảy máu mũi
Vì sao bị chảy máu cam khi ngủ dậy? 7 lý do và cách xử lý hiệu quả

Nếu bạn thường xuyên gặp phải tình trạng ngủ dậy bị chảy máu cam và băn khoăn không biết nguyên nhân do đâu, vậy hãy tham khảo ngay bài viết này của Bowtie. Bài viết dưới đây sẽ tổng hợp những nguyên nhân gây chảy máu cam khi mới ngủ dậy và hướng dẫn bạn cách xử lý tình huống ấy hiệu quả.

7 nguyên nhân gây chảy máu cam khi ngủ dậy

Nhiều yếu tố khác nhau có thể góp phần gây chảy máu cam, bao gồm các tác nhân từ môi trường bên ngoài hoặc các bệnh lý bên trong cơ thể. Dưới đây là 7 nguyên nhân gây chảy máu mũi sau khi ngủ dậy mà có lẽ bạn chưa biết. 

1. Niêm mạc mũi bị khô do không khí lạnh, khô

Việc sử dụng lò sưởi, máy sưởi hoặc điều hòa có thể khiến không khí trong nhà bị thiếu ẩm. Không khí hanh khô, có độ ẩm dưới 30% sẽ làm khô lớp màng nhầy trong mũi, khiến các mạch máu lộ ra, bị nứt và dẫn đến chảy máu. Tình trạng này đặc biệt dễ xảy ra vào ban đêm vì bạn không bổ sung đủ nước hoặc thở bằng miệng khi ngủ.

2. Thói quen ngoáy mũi

Ngoáy mũi là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây chảy máu cam. Nếu bạn vô tình ngoáy mũi trong lúc ngủ, đặc biệt là va chạm mạnh vào vách ngăn mũi (nơi có nhiều mạch máu) thì có thể khiến các mạch máu bị nứt vỡ và dẫn đến chảy máu mũi. 

3. Tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng hoặc ô nhiễm không khí

Việc tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng từ môi trường bên ngoài như phấn hoa, bụi bẩn, hóa chất… có thể gây viêm mũi dị ứng, dẫn đến hắt hơi, ngứa mũi, chảy nước mắt và làm tăng nguy cơ bị chảy máu mũi khi ngủ dậy. Ngoài ra, tình trạng viêm mũi dị ứng còn gây chảy máu mũi theo một số cách khác như:

  • Khi mũi bị ngứa, bạn có xu hướng gãi mũi và có thể làm tổn thương các mạch máu trong mũi
  • Việc xì mũi quá mạnh hoặc liên tục sẽ làm nứt vỡ các mạch máu bên trong
  • Việc dùng thuốc xịt mũi steroid và các loại thuốc điều trị triệu chứng dị ứng khác có thể làm khô niêm mạc mũi

Ngoài ra, việc phơi nhiễm với các chất độc hại trong không khí bị ô nhiễm cũng có thể gây kích ứng và làm tổn thương bên trong mũi. Điều này sẽ khiến mũi dễ bị chảy máu.

4. Nhiễm trùng đường hô hấp

Các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp như cảm lạnh, cúm hoặc nhiễm trùng xoang có thể gây tổn thương lớp niêm mạc nhạy cảm bên trong mũi. Khi bị kích thích quá mức, niêm mạc và các mạch máu trong mũi sẽ vỡ ra và gây chảy máu cam vào ban đêm. Ngoài ra, việc xì mũi quá thường xuyên khi bị nhiễm trùng hô hấp cũng có khả năng khiến bạn bị chảy máu cam khi ngủ dậy.

5. Uống nhiều rượu hoặc hút thuốc

Uống nhiều rượu có thể góp phần làm tăng nguy cơ chảy máu cam về đêm theo hai cách. Đầu tiên, rượu cản trở hoạt động của tiểu cầu, những tế bào có vai trò làm đông máu. Thứ hai, rượu có thể làm giãn các mạch máu trên bề mặt khoang mũi, khiến chúng dễ bị tổn thương, nứt vỡ và chảy máu hơn. Trong khi đó, tình trạng chảy máu mũi khi ngủ dậy cũng có nhiều khả năng xảy ra ở những người hút thuốc lá.

6. Tác dụng phụ của thuốc

Một số loại thuốc có thể gây ra hoặc làm trầm trọng thêm tình trạng chảy máu mũi vào ban đêm, chẳng hạn như:

  • Aspirin
  • Thuốc chống đông
  • Một số thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRI)
  • Một số loại kháng sinh
  • Corticosteroid bôi bên trong mũi
  • Thuốc vi lượng đồng căn 
  • Một số thực phẩm bổ sung

Hầu hết tình trạng chảy máu cam khi ngủ dậy do tác dụng phụ của thuốc không quá nghiêm trọng. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, bạn có thể bị chảy máu mũi nhiều và cần được điều trị y tế. 

Bài viết hữu ích:

7 nguyên nhân gây chảy máu cam khi ngủ dậy
Việc sử dụng một số loại thuốc có thể gây chảy máu cam khi ngủ dậy.

7. Một số bệnh lý tiềm ẩn

Trong đa số trường hợp, tình trạng ngủ dậy bị chảy máu mũi sẽ do các tác nhân từ môi trường gây ra và không quá nguy hiểm. Tuy nhiên, đôi khi, tình trạng này có thể là dấu hiệu của một số bệnh lý tiềm ẩn như:

  • Huyết áp cao
  • Bệnh Celiac
  • Suy tim sung huyết
  • Đái tháo đường
  • Bệnh truyền nhiễm
  • Chứng khó thở khi ngủ
  • Hội chứng giãn mạch xuất huyết di truyền (HHT)
  • Bệnh ung thư
  • Các rối loạn máu, chẳng hạn như bệnh Von Willebrand
  • Suy gan

Trong một số trường hợp, nguyên nhân chính gây chảy máu cam sau khi ngủ dậy là do quá trình điều trị bệnh chứ không phải bản thân bệnh. 

Bạn nên làm gì nếu bị chảy máu cam khi ngủ dậy?

Nếu bị chảy máu cam khi ngủ dậy, điều đầu tiên bạn cần làm chính là tìm cách cầm máu. Việc cầm máu cần được thực hiện đúng để không làm tổn thương thêm niêm mạc mũi cũng như gây ra các vấn đề khác. Theo đó, bạn có thể thực hiện các bước sau đây để cầm máu nhanh tại nhà:

  • Bước 1: Bạn ngồi thẳng dậy hoặc đứng lên, đầu hơi nghiêng về phía trước. Bạn lưu ý không nằm hoặc ngửa đầu ra sau vì có thể khiến máu chảy ngược xuống cổ họng, dễ gây nghẹt thở hoặc nôn mửa.
  • Bước 2: Dùng tay bóp chặt mũi để ngăn không cho máu chảy ra ngoài. 
  • Bước 3: Trẻ em nên bịt mũi trong 5 phút còn người lớn nên giữ trong khoảng 10 phút, lưu ý thở bằng miệng trong quá trình bịt mũi. 
  • Bước 4: Trong quá trình này, bạn có thể chườm lạnh hoặc sử dụng túi nước đá đặt lên sống mũi để giúp làm co mạch máu và cầm máu nhanh hơn. 
  • Bước 5: Bạn bỏ tay ra và kiểm tra xem mũi còn chảy máu không. Nếu vẫn còn chảy, hãy lặp lại các bước phía trên.

Nếu bị chảy máu cam khi ngủ dậy, bạn có thể tự cầm máu tại nhà. Tuy nhiên, nếu gặp phải một số tình trạng sau, bạn nên tìm kiếm sự chăm sóc y tế càng sớm càng tốt:

  • Bị chảy máu cam kéo dài hơn 30 phút dù đã thực hiện các bước cầm máu
  • Mất một lượng máu lớn
  • Bị rối loạn chảy máu hoặc gần đây từng trải qua một chấn thương, một ca phẫu thuật ở mũi
  • Chảy máu cam tái phát thường xuyên
  • Da xanh xao, cảm thấy bản thân mệt mỏi, chóng mặt, khó thở, mất phương hướng khi bị chảy máu cam
  • Xuất hiện các triệu chứng khác, đặc biệt là đau ngực

Cách giúp hạn chế tình trạng ngủ dậy bị chảy máu mũi

Nếu bạn thường xuyên bị chảy máu cam vào ban đêm, hãy đến bệnh viện để được bác sĩ thăm khám và tìm ra nguyên nhân rõ ràng. Ngoài ra, bạn cũng có thể thực hiện một số biện pháp sau để phòng ngừa và hạn chế tình trạng này: 

Xì mũi nhẹ nhàng

Khi cần xì mũi, bạn nên cố gắng xì mũi thật nhẹ nhàng để tránh gây tổn thương niêm mạc và các mạch máu trong mũi. Bạn hãy sử dụng một chiếc khăn mềm và xì mũi thật nhẹ, sau đó lấy khăn thấm sạch dịch mũi. 

Cách hạn chế tình trạng chảy máu cam khi ngủ dậy
Khi cần xì mũi, bạn nên cố gắng xì mũi nhẹ nhàng để tránh làm tổn thương niêm mạc và mạch máu ở mũi.

Sử dụng máy tạo độ ẩm

Tăng độ ẩm trong không khí bằng máy tạo độ ẩm là việc làm cần thiết để hạn chế tình trạng chảy máu cam về đêm do không khí hanh khô. Phương pháp này đặc biệt phù hợp với những khu vực có khí hậu khô hoặc trong những tháng lạnh, khi bạn cần phải sử dụng máy sưởi, lò sưởi trong nhà.

Xịt mũi bằng nước muối

Xịt mũi bằng nước muối có thể giúp hạn chế tình trạng chảy máu cam bằng cách làm ẩm và ngăn không cho khoang mũi bị khô. Đồng thời, nước muối còn giúp làm sạch và sát khuẩn mũi. 

Vệ sinh phòng ngủ, nhà cửa để hạn chế tác nhân gây dị ứng, kích ứng

Như đã đề cập ở trên, việc tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng ngủ dậy bị chảy máu mũi. Vì vậy, một việc bạn nên làm để hạn chế tình trạng này chính là thường xuyên dọn dẹp vệ sinh nhà cửa, phòng ngủ, giường chiếu, chăn ga, gối đệm để loại bỏ bụi bẩn, các tác nhân gây dị ứng.

Bỏ hút thuốc lá

Các chất trong thuốc lá có thể gây viêm ở đường mũi và dẫn đến tình trạng chảy máu mũi. Vì vậy, điều tốt nhất là bạn nên bỏ thuốc lá để hạn chế tình trạng này cũng như bảo vệ sức khỏe tốt hơn.

Hạn chế rượu bia

Tương tự như thuốc lá, việc lạm dụng rượu bia không những gây hại cho sức khỏe mà còn khiến tình trạng chảy máu cam sau khi ngủ dậy dễ xảy ra. Vì vậy, bạn không nên sử dụng rượu bia trước khi đi ngủ hoặc tốt nhất là tránh xa các loại thức uống này.  

Kiểm tra lại các thuốc đang sử dụng

Nếu bạn đang dùng thuốc, dù là thuốc kê đơn hay không kê đơn mà bị chảy máu mũi khi ngủ dậy, hãy trao đổi với bác sĩ xem liệu tình trạng này có phải là tác dụng phụ của thuốc hay không. Nếu phải, bác sĩ có thể cân nhắc thay đổi thuốc cho bạn. 

Trên đây là các nguyên nhân có thể gây chảy máu cam khi ngủ dậy và một số bí quyết giúp bạn cầm máu cũng như hạn chế tình trạng này tại nhà. Với những trường hợp chảy máu cam bất thường, bạn cần đến gặp bác sĩ để được tư vấn và điều trị kịp thời. 

Chia sẻ
Các thông tin trên được chia sẻ bởi Bowtie Việt Nam. Các nội dung này chỉ mang tính chất tham khảo. Trong mọi trường hợp, Bowtie không chịu trách nhiệm về bất kỳ tổn thất hoặc thiệt hại nào, dù là trực tiếp hay gián tiếp, liên quan đến việc truy cập và sử dụng nội dung của Bowtie.

Bài viết liên quan

Mức alkaline phosphatase (ALP) có ý nghĩa gì? Cách giảm mức ALP Mức alkaline phosphatase (ALP) có ý nghĩa gì? Cách giảm mức ALP
Kiến thức sức khỏe

Mức alkaline phosphatase (ALP) có ý nghĩa gì? Cách giảm mức ALP

Bác sĩ lý giải lý do nằm ngủ bị ho nhiều và cách giảm ho hiệu quả Bác sĩ lý giải lý do nằm ngủ bị ho nhiều và cách giảm ho hiệu quả
Kiến thức sức khỏe

Bác sĩ lý giải lý do nằm ngủ bị ho nhiều và cách giảm ho hiệu quả

Trời lạnh bị nghẹt mũi thường xuyên: Xử lý ngay với 6 mẹo đơn giản Trời lạnh bị nghẹt mũi thường xuyên: Xử lý ngay với 6 mẹo đơn giản
Kiến thức sức khỏe

Trời lạnh bị nghẹt mũi thường xuyên: Xử lý ngay với 6 mẹo đơn giản

Các chuyên mục khác

Email

Liên hệ chung
hello@bowtie.com.vn
Liên hệ về truyền thông
media@bowtie.com.vn
Liên hệ hợp tác
partners@bowtie.com.vn

© 2024 Bản quyền thuộc Bowtie Vietnam Company Limited.

Trình duyệt của bạn đã xảy ra lỗi. Để trải nghiệm tốt hơn, vui lòng nâng cấp hoặc thay đổi trình duyệt khác. OK