Nhi khoa
Nhi khoa

Chế độ dinh dưỡng cho học sinh tiểu học

Chế độ dinh dưỡng cho học sinh tiểu học là một trong những yếu tố quan trọng, có thể ảnh hưởng đến sự tăng trưởng lâu dài của bé. Việc xây dựng thực đơn lý tưởng, lành mạnh cho con trong giai đoạn này ngoài việc đảm bảo bé có đầy đủ dinh dưỡng để học tập và phát triển, còn là biện pháp giúp trẻ hình thành các thói quen ăn uống tốt trong cuộc sống sau này.
Biên tập bởi Bowtie Việt Nam
Ngày đăng 2023-02-25
Cập nhật ngày 2023-05-21
Nội dung chính
Trẻ tiểu học nên ăn bao nhiêu là đủ?Chế độ dinh dưỡng cho học sinh tiểu họcCác loại thực phẩm mà trẻ tiểu học nên hạn chếCác mẹo ăn uống giúp trẻ tiểu học khỏe mạnh
Chế độ dinh dưỡng cho học sinh tiểu học

Vậy trẻ tiểu học nên ăn bao nhiêu là đủ? Thực đơn dinh dưỡng cho học sinh tiểu học nên bao gồm những loại thực phẩm nào? Để tìm hiểu vấn đề này, mời bạn hãy cùng Bowtie Việt Nam theo dõi các nội dung được chia sẻ trong bài viết dưới đây nhé!

Trẻ tiểu học nên ăn bao nhiêu là đủ?

Ở độ tuổi tiểu học, trẻ nhỏ thường rất năng động, hay chạy nhảy và nô đùa khắp nơi. Vì vậy, nhu cầu dinh dưỡng của bé cũng lớn hơn so với giai đoạn trước và sẽ tăng dần theo độ tuổi. Bố mẹ cần nắm rõ nhu cầu của con để cung cấp đầy đủ năng lượng nhằm giúp bé tăng trưởng, phát triển tốt nhất. Theo đó, mỗi ngày, trẻ tiểu học cần:

  • Trẻ 6 tuổi: 1600 calorie, 36g chất đạm
  • Trẻ 7 – 9 tuổi: 1800 calorie, 40g chất đạm
  • Trẻ 10 – 12 tuổi: 2100 – 2200 calorie, 50g chất đạm

Chế độ dinh dưỡng cho học sinh tiểu học

Trẻ em trong độ tuổi đi học, đặc biệt là các bé tiểu học, cần được bổ sung nhiều loại dưỡng chất như protein, vitamin, chất khoáng… để đáp ứng cho nhu cầu phát triển toàn diện về cả thể chất lẫn trí tuệ. Chính vì vậy, chế độ dinh dưỡng cho học sinh tiểu học nên bao gồm đa dạng các loại thực phẩm, trong đó phải kể đến: 

Rau củ

Bổ sung rau củ vào chế độ ăn uống mỗi ngày mang đến lợi ích sức khỏe cho hầu hết mọi người, không chỉ riêng học sinh tiểu học. Rau củ chứa nhiều dưỡng chất cần thiết cho cơ thể, đặc biệt là giàu chất xơ giúp bé cải thiện tiêu hóa và hạn chế táo bón. Bạn có thể lựa chọn nhiều loại rau củ để thêm vào thực đơn cho bé tiểu học, chẳng hạn như rau củ màu xanh đậm, màu đỏ cam, các loại đậu…

Trái cây

Trái cây là một trong những nguồn cung cấp vitamin tuyệt vời mà học sinh tiểu học không thể bỏ qua. Bên cạnh trái cây tươi và nước ép từ trái cây thì các loại trái cây sấy khô, đóng hộp hoặc sinh tố trái cây cũng là những lựa chọn mà bố mẹ có thể cân nhắc. Theo đó, một số loại trái cây tốt cho trẻ tiểu học là cam, bưởi, đu đủ, táo, chuối, lê… Bố mẹ hãy cố gắng cung cấp cho con từ 2 – 4 khẩu phần trái cây mỗi ngày nhé. 

Các loại ngũ cốc

Học sinh tiểu học nên tránh xa các loại ngũ cốc có hàm lượng đường cao. Thay vào đó, các chuyên gia khuyến nghị phụ huynh nên lựa chọn ngũ cốc nguyên hạt như lúa mì, yến mạch, gạo lứt… để cân bằng dinh dưỡng và đảm bảo sức khỏe cho trẻ. Bố mẹ có thể thử bổ sung bánh mì nguyên cám, ngũ cốc ăn sáng, ngô… vào thực đơn bữa chính hoặc bữa phụ cho bé tiểu học.

Thực phẩm chứa protein

Protein (chất đạm) là thành phần không thể vắng mặt trong tháp dinh dưỡng cho học sinh tiểu học. Protein không chỉ cung cấp năng lượng mà còn đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của cơ bắp. Vì vậy, bố mẹ cần cung cấp đầy đủ lượng protein cần thiết để giúp bé theo kịp đà tăng trưởng. 

Trên thực tế, có rất nhiều loại thực phẩm chứa hàm lượng protein cao. Tuy nhiên, tốt hơn hết là bố mẹ nên ưu tiên lựa chọn nguồn protein lành mạnh từ các loại thịt nạc ít béo, thịt cá, đậu Hà Lan và một số loại đậu khác. 

Sản phẩm từ sữa

Sữa và các sản phẩm từ sữa là một trong những nhóm thực phẩm mang lại nhiều lợi ích cho trẻ tiểu học. Nhóm thực phẩm này cung cấp cho trẻ đầy đủ lượng canxi cần thiết, giúp bé phát triển hệ thống xương và răng khỏe mạnh. Bố mẹ có thể cho con uống sữa, ăn phô mai hoặc váng sữa như một bữa phụ trong ngày.

Thực phẩm chứa kẽm

Theo nghiên cứu cho thấy, kẽm là dưỡng chất có khả năng cải thiện trí nhớ và kết quả học tập ở trẻ em, đặc biệt là các bé trai. Một số loại thực phẩm chứa kẽm nên bổ sung vào thực đơn dinh dưỡng cho học sinh tiểu học gồm có: hàu, thịt bò, thịt lợn, thịt gia cầm, gan, ngũ cốc nguyên hạt, các loại đậu, sữa, ca cao…

Chất béo lành mạnh

Khi xây dựng chế độ dinh dưỡng cho học sinh tiểu học, bố mẹ còn có thể bổ sung thêm các loại chất béo lành mạnh có trong quả bơ, các loại quả hạch (hạnh nhân, quả phỉ, hồ đào, óc chó), các loại hạt (hạt bí, hạt vừng, hạt lanh), các loại cá béo giàu omega-3 và omega-6 (cá hồi, cá trích, cá thu, cá cơm, cá mòi). 

Ngoài ra, dầu không phải là một nhóm thực phẩm, tuy nhiên một số loại dầu thực vật lại góp mặt trong tháp dinh dưỡng cho học sinh tiểu học nhờ khả năng cung cấp nhiều dưỡng chất quan trọng, ví dụ như dầu canola, dầu đậu phộng, dầu ô liu, dầu hướng dương…

Chọn thực phẩm trong chế độ dinh dưỡng cho học sinh tiểu học
Chế độ dinh dưỡng cho học sinh tiểu học nên bao gồm nhiều loại rau củ và trái cây.

Các loại thực phẩm mà trẻ tiểu học nên hạn chế

Một số loại thực phẩm không lành mạnh có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ. Theo đó, trẻ tiểu học nên hạn chế một số loại thực phẩm sau đây:

  • Các loại thực phẩm chứa nhiều đường như bánh ngọt, kẹo, nước ngọt…
  • Các loại thực phẩm có nhiều muối như thực phẩm đóng hộp, thực phẩm chế biến sẵn, xúc xích, giăm bông…
  • Thực phẩm chứa caffeine như trà, cà phê, sô-cô-la…
  • Thực phẩm chứa nhiều dầu mỡ, chất béo không lành mạnh, thức ăn nhanh
  • Sữa chưa tiệt trùng

Các mẹo ăn uống giúp trẻ tiểu học khỏe mạnh

Độ tuổi đi học là khoảng thời gian trẻ bắt đầu chủ động hơn trong việc tìm kiếm và đưa ra các lựa chọn dựa theo sở thích của bản thân. Do đó, bên cạnh việc xây dựng chế độ dinh dưỡng cho học sinh tiểu học, bố mẹ nên tìm hiểu một số mẹo ăn uống giúp trẻ làm quen và xây dựng thói quen ăn uống, lối sống lành mạnh. Chúng có thể bao gồm:

  • Cho trẻ ăn no và nhiều vào buổi sáng để có năng lượng khởi đầu ngày mới
  • Cho trẻ ăn đa dạng các loại thực phẩm, đặc biệt là rau xanh và trái cây
  • Cố gắng kiểm soát thời gian và địa điểm trẻ ăn uống bằng cách cho bé ăn các bữa vào cùng một khoảng thời gian trong ngày, kể cả bữa phụ hay đồ ăn vặt. Nếu có thể, bố mẹ hãy giúp bé duy trì các kế hoạch ăn uống cùng gia đình để chia sẻ và hiểu hơn về những mong muốn của trẻ.
  • Tạo cơ hội để trẻ tiểu học tự chuẩn bị bữa ăn cho mình. Trong quá trình đó, bố mẹ có thể giáo dục và khuyến khích trẻ lựa chọn các loại thực phẩm lành mạnh, giàu dinh dưỡng.
  • Tránh cho trẻ ăn đồ ăn vặt trước bữa chính
  • Không nên cho trẻ vừa ăn vừa xem TV, sử dụng máy tính hoặc các thiết bị điện tử
  • Để tránh trẻ bị mất nước khi hoạt động nhiều trong ngày, bố mẹ hãy nhắc trẻ uống nhiều nước lọc hoặc các loại thức uống khác như sữa, nước ép trái cây… Tuy nhiên, trẻ tiểu học cần lưu ý tránh xa nước ngọt và nước có ga.

Qua những thông tin về chế độ dinh dưỡng cho học sinh tiểu học mà bài viết đã chia sẻ, hy vọng bố mẹ có thể xây dựng được thực đơn bổ dưỡng, lành mạnh cho con. Hãy cố gắng cho trẻ ăn đa dạng các loại thực phẩm để bổ sung đầy đủ dưỡng chất cho sự phát triển của bé nhé. Ngoài ra, bố mẹ có thể tham khảo thêm những thông tin liên quan đến nhi khoa để trang bị cho bản thân nhiều kiến thức hữu ích giúp việc chăm sóc các bé được tốt hơn nhé!

Chia sẻ
Các thông tin trên được chia sẻ bởi Bowtie Việt Nam. Các nội dung này chỉ mang tính chất tham khảo. Trong mọi trường hợp, Bowtie không chịu trách nhiệm về bất kỳ tổn thất hoặc thiệt hại nào, dù là trực tiếp hay gián tiếp, liên quan đến việc truy cập và sử dụng nội dung của Bowtie.

Bài viết liên quan

Hướng dẫn bố mẹ cách massage cho trẻ dễ ngủ, ngủ ngon giấc hơn Hướng dẫn bố mẹ cách massage cho trẻ dễ ngủ, ngủ ngon giấc hơn
Nhi khoa

Hướng dẫn bố mẹ cách massage cho trẻ dễ ngủ, ngủ ngon giấc hơn

Trẻ 1 tuổi ngủ bao nhiêu là đủ? Tìm hiểu ngay! Trẻ 1 tuổi ngủ bao nhiêu là đủ? Tìm hiểu ngay!
Nhi khoa

Trẻ 1 tuổi ngủ bao nhiêu là đủ? Tìm hiểu ngay!

Sự phát triển của trẻ 12 tháng tuổi Sự phát triển của trẻ 12 tháng tuổi
Nhi khoa

Sự phát triển của trẻ 12 tháng tuổi

Các chuyên mục khác

Email

Liên hệ chung
hello@bowtie.com.vn
Liên hệ về truyền thông
media@bowtie.com.vn
Liên hệ hợp tác
partners@bowtie.com.vn

© 2024 Bản quyền thuộc Bowtie Vietnam Company Limited.

Trình duyệt của bạn đã xảy ra lỗi. Để trải nghiệm tốt hơn, vui lòng nâng cấp hoặc thay đổi trình duyệt khác. OK