Kiến thức sức khỏe
Kiến thức sức khỏe

Đau bụng dưới rốn ở nam là bệnh gì? Cẩn trọng 18 bệnh lý tiềm ẩn

Đau bụng dưới rốn ở nam giới là tình trạng không hiếm gặp, có thể do táo bón hoặc ngộ độc thực phẩm gây ra. Tuy nhiên, nếu thường xuyên bị đau bụng dưới, nam giới cần thận trọng vì đây cũng có khả năng là biểu hiện của một hoặc nhiều bệnh lý tiềm ẩn.
Biên tập bởi Bowtie Việt Nam
Ngày đăng 2023-05-18
Cập nhật ngày 2023-06-01
Nội dung chính
Đau bụng dưới rốn ở nam giới là cơn đau thế nào?Nam giới bị đau bụng dưới rốn có nguy hiểm không?Đau bụng dưới rốn ở nam là dấu hiệu của bệnh gì?Nam giới bị đau bụng dưới rốn nên làm gì?
Đau bụng dưới rốn ở nam là bệnh gì? Cẩn trọng 18 bệnh lý tiềm ẩn

Vậy triệu chứng đau bụng dưới rốn ở nam giới cảnh báo bệnh gì? Đàn ông bị đau bụng dưới nên làm gì để giảm đau tại nhà? Mời bạn cùng Bảo hiểm Bowtie tìm hiểu thêm trong bài viết dưới đây nhé.

Đau bụng dưới rốn ở nam giới là cơn đau thế nào?

Đúng như tên gọi, đau bụng dưới rốn là các cơn đau xuất hiện ở vùng bụng phía dưới rốn. Cơn đau có thể liên quan đến các vấn đề ở bất kỳ cơ quan nào nằm trong khu vực này, bao gồm ruột non, ruột già, ruột thừa, niệu quản, bàng quang, tuyến tụy, tuyến tiền liệt, tinh hoàn, thừng tinh và mào tinh. Không những vậy, cơn đau bụng dưới đôi khi bắt nguồn từ một nơi khác của cơ thể, xảy ra nếu các vấn đề ở khu vực đó ảnh hưởng đến dây thần kinh kết nối 2 khu vực.

Tùy cơ quan bị ảnh hưởng mà tình trạng đau sẽ xuất hiện ở nhiều vị trí khác nhau, từ đó gây nên các cơn đau bụng dưới rốn ở giữa, bên trái hoặc bên phải ở nam giới.

Cơn đau bụng dưới rốn ở nam giới có thể là cấp tính hay mạn tính. Các cơn đau bụng cấp tính thường xảy ra đột ngột và tạm thời mà nguyên nhân chủ yếu là do nhiễm trùng. Trong khi đó, các cơn đau bụng dưới mạn tính là những cơn đau kéo dài trong một thời gian dài hoặc xuất hiện rồi biến mất nhiều lần. Cả hai loại đau bụng đều có thể trở nên tồi tệ hơn theo thời gian. 

Nam giới bị đau bụng dưới rốn có nguy hiểm không?

Trong đa số trường hợp, tình trạng đau bụng dưới rốn do các vấn đề nhẹ gây ra, chẳng hạn như khó tiêu, đầy bụng, ăn quá nhiều, căng thẳng, lo lắng, tập thể dục khi no, căng cơ… Các cơn đau do những nguyên nhân này có xu hướng nhẹ, cấp tính và ít nghiêm trọng. Chúng có thể tự khỏi khi bạn nghỉ ngơi hoặc điều chỉnh thói quen. 

Tuy nhiên, trong vài trường hợp, tình trạng nam giới bị đau bụng dưới rốn là biểu hiện của các bệnh lý tiềm ẩn nguy hiểm hơn. Nếu cơn đau bụng nghiêm trọng, kéo dài hoặc trở nên tồi tệ theo thời gian, bạn có thể đã mắc một số bệnh lý như viêm loét dạ dày, nhiễm trùng đường tiết niệu, xoắn tinh hoàn, hẹp niệu đạo…, thậm chí là ung thư. 

Vì vậy, bạn không nên xem nhẹ tình trạng đau bụng vùng dưới rốn ở nam giới, đặc biệt khi tình trạng này kéo dài hoặc xuất hiện kèm các triệu chứng khác như đau lưng, buồn nôn, nôn mửa, sốt… 

Đau bụng dưới rốn ở nam là dấu hiệu của bệnh gì?

Trên thực tế, đau bụng dưới rốn ở nam giới có thể là biểu hiện của rất nhiều vấn đề sức khỏe và bệnh lý khác nhau. Dưới đây là tổng hợp một số nguyên nhân từ nhẹ đến nặng có thể khiến nam giới bị đau bụng vùng dưới rốn: 

1. Táo bón

Khi bị táo bón, việc đi đại tiện khó khăn, không thường xuyên có thể gây “bí bách”, căng tức và đau bụng dưới. Thêm vào đó, việc phải dùng sức rặn khi đi vệ sinh sẽ tạo áp lực và khiến cảm giác khó chịu ở vùng bụng dưới tồi tệ hơn. 

Táo bón là một trong những nguyên nhân gây đau bụng dưới rốn ở nam giới
Táo bón là một trong những nguyên nhân gây đau bụng dưới rốn ở nam giới.

2. Ngộ độc thực phẩm

Ngộ độc thực phẩm xảy ra khi bạn tiêu thụ thức ăn, nước uống bị nhiễm vi khuẩn hoặc có chứa ký sinh trùng. Tình trạng này có thể làm co thắt dạ dày và ruột, từ đó dẫn đến đau bụng vùng dưới rốn ở nam giới. 

Ngoài ra, bạn cũng có thể gặp phải các triệu chứng khác như buồn nôn, nôn mửa và tiêu chảy. Hầu hết các trường hợp ngộ độc thực phẩm sẽ thuyên giảm sau 48 giờ nhưng cũng có thể sớm hơn nếu ngộ độc nhẹ. 

3. Hội chứng ruột kích thích

Tình trạng này còn được gọi là viêm đại tràng co thắt, xảy ra do sự co thắt lẻ tẻ của các cơ ở ruột già. Hội chứng ruột kích thích đặc trưng bởi các cơn đau co thắt ở vùng bụng dưới với mức độ từ nhẹ đến nặng, có tính chất mạn tính. 

Các triệu chứng khác của tình trạng này thường bao gồm táo bón, tiêu chảy, đầy bụng, có chất nhầy màu trắng trong phân… Tình trạng đau bụng và các triệu chứng khác thường thuyên giảm sau khi bạn đi tiêu và có thể được kiểm soát bằng việc thay đổi lối sống, xây dựng chế độ ăn uống khoa học và chăm sóc hợp lý.

4. Viêm loét dạ dày

Các tình trạng ảnh hưởng đến niêm mạc dạ dày như viêm hoặc loét dạ dày có thể gây đau khu vực dạ dày và lan đến cả vùng bụng dưới. Các triệu chứng của bệnh thường bao gồm khó tiêu, ợ hơi, buồn nôn và nôn. 

Đặc biệt, máu có thể xuất hiện trong dịch nôn hoặc phân. Đây là những dấu hiệu đáng lo ngại và cần được bác sĩ đánh giá, thăm khám ngay. 

5. Viêm ruột thừa

Viêm ruột thừa có thể gây ra những cơn đau bụng xung quanh rốn và lan xuống vùng bụng dưới rốn bên phải, kèm với đó là tình trạng sốt nhẹ, buồn nôn, nôn mửa, đầy bụng, táo bón, tiêu chảy… Theo các nghiên cứu, đàn ông có nhiều khả năng bị viêm ruột thừa hơn phụ nữ.

Nếu không được điều trị, ruột thừa có thể bị vỡ, gây nhiễm trùng vùng bụng và đe dọa đến tính mạng người bệnh. Vì vậy, bạn không nên chủ quan khi bị đau bụng dưới bên phải, đặc biệt nếu nhận thấy các triệu chứng khác của viêm ruột thừa nhé. Bệnh sẽ được điều trị bằng cách phẫu thuật cắt bỏ ruột thừa trước khi bị vỡ.

Đau bụng dưới rốn ở nam có thể do viêm ruột thừa
Đau bụng dưới có thể là biểu hiện của viêm ruột thừa.

6. Viêm túi thừa

Viêm túi thừa xảy ra khi túi thừa (các túi nhỏ xuất hiện ở niêm mạc đại tràng) bị viêm, nhiễm trùng. Tình trạng này sẽ gây đau bụng dưới rốn bên trái ở nam giới. Các biểu hiện khác của bệnh là đầy bụng, buồn nôn, sốt, táo bón, tiêu chảy, đi ngoài phân nhầy…

7. Viêm dạ dày – ruột

Bệnh viêm dạ dày – ruột xảy ra khi các cơ quan này nhiễm virus và viêm, từ đó gây nên các cơn đau bụng âm ỉ. Theo chuyên gia y tế, hầu hết các cơn đau sẽ hết trong vòng vài ngày và việc ưu tiên cần làm là tránh mất nước cho bệnh nhân. Nếu bạn đang bị mất nước nghiêm trọng hoặc các triệu chứng của bệnh trở nên tồi tệ hơn, hãy đến gặp bác sĩ.

8. Nhiễm trùng đường tiết niệu

Nhiễm trùng đường tiết niệu (nhiễm trùng đường tiểu) có thể gây đau bụng dưới rốn bên trái hoặc đau bụng dưới rốn bên phải ở nam giới, đặc biệt đau nhiều hơn khi đi tiểu. Nguyên nhân chủ yếu là do nhiễm vi khuẩn ở các cơ quan trong đường tiết niệu, bao gồm thận, niệu quản, bàng quang và niệu đạo. 

Các triệu chứng của nhiễm trùng đường tiết niệu thường bao gồm đau bụng dưới, đau vùng chậu, đi tiểu thường xuyên, tiểu buốt, trong nước tiểu có lẫn máu… Tình trạng này cũng có thể lan rộng và gây đau bụng dưới rốn kèm đau lưng ở nam giới.

9. Viêm bàng quang

Viêm bàng quang thường do nhiễm trùng đường tiết niệu gây ra nhưng đôi khi cũng do các nguyên nhân khác như tác dụng phụ của thuốc, kích ứng với hóa chất, điều trị bức xạ, sử dụng ống thông lâu ngày… Các cơn đau bàng quang có thể xuất hiện ở bụng dưới và vùng chậu, kèm theo các triệu chứng như đau rát khi đi tiểu, đi tiểu nhiều lần, nước tiểu đục, sẫm màu, mùi khó chịu hoặc thậm chí có máu. 

10. Sỏi tiết niệu

Sỏi tiết niệu là các tinh thể được hình thành trong đường tiết niệu do sự tích tụ của các muối, khoáng chất. Chúng thường phát triển trong thận (sỏi thận) hoặc bàng quang (sỏi bàng quang). Trong quá trình cơ thể cố gắng đào thải sỏi ra ngoài, bệnh nhân có thể gặp phải các cơn đau bụng dưới cũng như đau ở thắt lưng và vùng chậu, đi kèm với tình trạng khó tiểu, đi tiểu thường xuyên, nước tiểu sẫm màu, đục hoặc có máu. 

Bài viết liên quan:

Sỏi thận có thẻ gây đau bụng dưới rốn ở nam
Khi di chuyển, sỏi thận có thể gây đau thắt lưng, bụng dưới và vùng chậu.

11. Hẹp niệu đạo

Niệu đạo của nam giới có thể bị sẹo do viêm, nhiễm trùng hoặc chấn thương. Các sẹo này sẽ làm hẹp niệu đạo, làm giảm lưu lượng nước tiểu và có thể gây ra các cơn đau ở bụng dưới cũng như vùng chậu. Ngoài đau bụng dưới, nam giới bị hẹp niệu đạo còn nhận thấy một số triệu chứng như tiểu buốt, tiểu đau, nước tiểu có màu sẫm, dòng nước tiểu yếu, tiểu són, đầu dương vật bị sưng, có máu trong tinh dịch và trầm trọng hơn là nhiễm trùng tiểu. 

12. Viêm tuyến tiền liệt

Tuyến tiền liệt là một tuyến có nhiệm vụ tạo ra chất dịch lỏng hòa vào tinh dịch, đồng thời kiểm soát dòng nước tiểu. Tình trạng viêm ở tuyến tiền liệt có thể gây ra các triệu chứng như đau bộ phận sinh dục (dương vật và tinh hoàn), đau lưng và bụng dưới, nước tiểu đục, có máu, đi tiểu thường xuyên, tiểu đau, tiểu rát, đau khi xuất tinh… hoặc các triệu chứng giống như cúm (nếu viêm tuyến tiền liệt do nhiễm khuẩn).

13. Xoắn tinh hoàn

Xoắn tinh hoàn có thể gây khó chịu dữ dội ở vùng quanh bộ phận sinh dục và bụng dưới. Các cơn đau thường xuất hiện bất ngờ, ban đầu rời rạc nhưng sau có thể trở nên liên tục. Đây là một tình trạng cần được thăm khám và điều trị càng sớm càng tốt.

14. Nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục (STI)

STI là các bệnh lây truyền qua đường quan hệ tình dục. Ở nam giới, đau vùng chậu hoặc bụng dưới có thể là dấu hiệu của bệnh lậu hoặc bệnh do Chlamydia gây ra. Các triệu chứng của STI thường bao gồm tiết dịch từ dương vật, đau khi đi tiểu, đau tinh hoàn… 

Nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục (STI) gây đau bụng dưới rốn ở nam
Ở nam giới, đau vùng chậu có thể là triệu chứng của bệnh lậu hoặc bệnh do Chlamydia.

15. Thoát vị bẹn

Thoát vị bẹn cũng là một trong những nguyên nhân có thể gây đau bụng dưới rốn ở nam giới. Các cơn đau do thoát vị bẹn thường âm ỉ nhưng có thể trở nên tồi tệ hơn khi bệnh nhân cười, ho hoặc gập người.  

16. Tăng sản lành tính tuyến tiền liệt

Tăng sản tuyến tiền liệt lành tính xảy ra khi tuyến tiền liệt bị phì đại. Tuyến tiền liệt phát triển lớn sẽ gây áp lực lên niệu đạo và bàng quang, làm giảm lưu lượng nước tiểu và gây đau bụng dưới cũng như vùng chậu. Thêm vào đó, các triệu chứng khác của bệnh còn bao gồm đi tiểu đau, thường xuyên đi tiểu, tiểu không tự chủ, dòng nước tiểu yếu, nước tiểu bốc mùi hôi và biểu hiện đau sau khi xuất tinh. 

17. Hội chứng đau sau thắt ống dẫn tinh

Thắt ống dẫn tinh là một hình thức kiểm soát sinh sản ở nam giới. Theo báo cáo, khoảng 1 – 2% đàn ông thực hiện thắt ống dẫn tinh bị đau mạn tính ở khu vực quanh bộ phận sinh dục, lan ra bụng dưới và vùng chậu. 

18. Ung thư

Đau bụng dưới dữ dội, chướng bụng và không thể tống được khí ra ngoài có thể là những dấu hiệu cho thấy bạn bị ung thư đại tràng gây tắc nghẽn đường ruột. Nếu nhận thấy các cơn đau bụng bất thường, bạn cần đến bệnh viện để được bác sĩ thăm khám, kiểm tra và điều trị kịp thời. 

Nam giới bị đau bụng dưới rốn nên làm gì?

Các cơn đau bụng dưới rốn thường “ập đến” mà không báo trước. Lúc này, các đấng mày râu nên đối phó với chúng như thế nào? Dưới đây là một số cách giúp giảm đau bụng hiệu quả mà bạn có thể thực hiện ngay tại nhà: 

Các phương pháp giảm đau bụng tại nhà

Để giảm cảm giác khó chịu do các cơn đau bụng dưới gây ra, nam giới có thể thử áp dụng một số mẹo sau đây:

  • Đặt một chai nước ấm hoặc túi chườm ấm lên bụng, tại vị trí bị đau
  • Ngâm mình trong bồn nước ấm
  • Uống nhiều nước lọc 
  • Giảm uống cà phê, trà và rượu vì chúng có thể làm cho cơn đau tồi tệ hơn
  • Hãy chọn các món ăn lỏng, dễ tiêu hóa khi bị đau bụng dưới
  • Nghỉ ngơi nhiều và khoa học
  • Có thể dùng một số loại thuốc giảm đau không kê đơn như paracetamol
  • Uống nước chanh gừng sau bữa ăn và thêm bạc hà tươi vào nước để giúp giảm buồn nôn

Khi nào nam giới nên đến gặp bác sĩ?

Đau bụng dưới rốn ở nam giới cần được chăm sóc y tế nếu có biểu hiện nặng, kéo dài hoặc tái phát nhiều lần. Ngoài ra, nếu tình trạng đau bụng dưới đi kèm với các triệu chứng sau đây, bạn nên đến bệnh viện thăm khám để xác định nguyên nhân cụ thể:

  • Sốt
  • Buồn nôn, nôn mửa
  • Mất nước
  • Đi tiểu đau và thường xuyên
  • Máu trong dịch nôn, nước tiểu hoặc phân
  • Phân sẫm màu hoặc trông như hắc ín
  • Đau tức ngực dữ dội, thở hụt hơi
  • Vùng bụng mềm khi chạm vào
  • Sụt cân nhanh
  • Đau ở cánh tay, cổ và hàm

Hy vọng qua bài viết trên, bạn đã hiểu hơn về tình trạng đau bụng dưới rốn ở nam giới, cùng với đó là nhiều bệnh lý tiềm ẩn mà chúng ta không nên xem nhẹ. Đặc biệt với tình trạng đau bụng nặng, kéo dài hoặc đi kèm với các triệu chứng khác, bạn cần đến bệnh viện để được bác sĩ thăm khám và xác định nguyên nhân gây bệnh cụ thể. 

Chia sẻ
Các thông tin trên được chia sẻ bởi Bowtie Việt Nam. Các nội dung này chỉ mang tính chất tham khảo. Trong mọi trường hợp, Bowtie không chịu trách nhiệm về bất kỳ tổn thất hoặc thiệt hại nào, dù là trực tiếp hay gián tiếp, liên quan đến việc truy cập và sử dụng nội dung của Bowtie.

Bài viết liên quan

Tiết nước bọt nhiều khi ngủ nói cho bạn điều gì về sức khỏe? Tiết nước bọt nhiều khi ngủ nói cho bạn điều gì về sức khỏe?
Kiến thức sức khỏe

Tiết nước bọt nhiều khi ngủ nói cho bạn điều gì về sức khỏe?

Cà chua chứa bao nhiêu calo? 4 phương pháp giảm cân bằng cà chua Cà chua chứa bao nhiêu calo? 4 phương pháp giảm cân bằng cà chua
Kiến thức sức khỏe

Cà chua chứa bao nhiêu calo? 4 phương pháp giảm cân bằng cà chua

Chanh dây bao nhiêu calo? Ăn, uống chanh dây có giảm cân không? Chanh dây bao nhiêu calo? Ăn, uống chanh dây có giảm cân không?
Kiến thức sức khỏe

Chanh dây bao nhiêu calo? Ăn, uống chanh dây có giảm cân không?

Các chuyên mục khác

Email

Liên hệ chung
hello@bowtie.com.vn
Liên hệ về truyền thông
media@bowtie.com.vn
Liên hệ hợp tác
partners@bowtie.com.vn

© 2024 Bản quyền thuộc Bowtie Vietnam Company Limited.

Trình duyệt của bạn đã xảy ra lỗi. Để trải nghiệm tốt hơn, vui lòng nâng cấp hoặc thay đổi trình duyệt khác. OK