Kiến thức sức khỏe
Kiến thức sức khỏe

Nguyên nhân và cách giảm đau bụng quanh rốn ở nữ giới

Đau bụng quanh rốn là biểu hiện rất thường gặp ở nữ giới và hầu hết các trường hợp thường không phải là vấn đề lớn. Tuy nhiên, đôi lúc, đau bụng quanh rốn ở nữ lại gây ra nhiều băn khoăn, nhất là nếu cơn đau xảy ra đột ngột, dữ dội, dai dẳng hoặc xuất hiện trong thai kỳ.
Biên tập bởi Bowtie Việt Nam
Ngày đăng 2023-05-19
Cập nhật ngày 2023-06-01
Nội dung chính
Tình trạng đau bụng quanh rốn ở phụ nữ Tình trạng đau bụng quanh rốn ở phụ nữ mang thai
Nguyên nhân và cách giảm đau bụng quanh rốn ở nữ giới

Vậy đau bụng quanh rốn ở nữ là do đâu? Làm thế nào để giảm đau bụng quanh rốn ở nữ? Bạn hãy cùng Bowtie Việt Nam xem tiếp những chia sẻ bên dưới để hiểu hơn về biểu hiện này của cơ thể nhé!

Tình trạng đau bụng quanh rốn ở phụ nữ

Đau bụng quanh rốn có thể được hiểu là cơn đau xảy ra ngay tại vùng rốn hoặc xung quanh vùng rốn. Một số trường hợp, cơn đau có thể bắt đầu quanh rốn rồi lan ra các vùng khác của bụng như đau bụng dưới, đau bụng trên. Cơn đau quanh rốn được mô tả theo nhiều cách khác nhau. Đó có thể là cơn đau âm ỉ quanh rốn ở nữ, cơn đau dữ dội, cơn đau dai dẳng hoặc cũng có khả năng là cơn đau tái đi tái lại nhiều lần. Vậy đâu là nguyên nhân gây ra đau bụng quanh rốn ở nữ?

Nguyên nhân gây đau bụng quanh rốn ở nữ giới

Đau bụng quanh rốn ở nữ có thể do rất nhiều nguyên nhân, trong đó những nguyên nhân thường gặp nhất phải kể đến là:

  • Khó tiêu, đầy hơi: Tình trạng này thường xảy ra do ăn các món cay, béo, chua, nhiều dầu mỡ; ăn quá nhiều hoặc quá nhanh; uống nhiều rượu bia; hút thuốc; căng thẳng hoặc thậm chí do tác dụng phụ của thuốc. Cơn đau do tình trạng này thường được mô tả là có cảm giác nóng rát và thường xuất hiện ở vùng quanh rốn phía trên. 
  • Táo bón: Tình trạng này xảy ra khi bạn đi ngoài ít hơn 3 lần/tuần. Cơn đau do táo bón thường xuất hiện đột ngột. Bạn có thể thấy đau nhói ở vùng rốn và bụng dưới.
  • Viêm dạ dày – ruột: Viêm dạ dày – ruột hoặc cúm dạ dày xảy ra do một số virus hoặc vi khuẩn có trong các loại thực phẩm chưa nấu chín kỹ. Nếu bị đau bụng quanh rốn do nguyên nhân này, bạn có thể thấy đau quặn, đau từng cơn. Ngoài ra, bạn cũng có thể gặp phải một số triệu chứng khác như buồn nôn, nôn, tiêu chảy nghiêm trọng.
  • Viêm ruột thừa: Tình trạng này xảy ra khi ruột thừa bị viêm, sưng và đôi khi chứa mủ. Bạn có thể bị đau âm ỉ quanh rốn ở giai đoạn đầu. Sau đó, cơn đau sẽ lan xuống vùng bụng dưới bên phải và ngày càng dữ dội. Một số triệu chứng khác có thể đi kèm là sốt, buồn nôn, nôn, đầy hơi…
  • Hội chứng ruột kích thích: Nếu bạn tự hỏi “Đau bụng quanh rốn ở nữ là do đâu?” thì hội chứng ruột kích thích cũng là nguyên nhân rất phổ biến. Cơn đau do tình trạng này thường xuất hiện ở vùng bụng dưới nhưng cũng có thể lan đến vùng khác, bao gồm cả vùng bụng quanh rốn. Tình trạng này cũng thường liên quan đến các triệu chứng như đầy hơi, táo bón và tiêu chảy xen kẽ.
  • Bệnh lý dạ dày – tá tràng: Đây cũng là một trong những nguyên nhân gây đau bụng quanh rốn rất phổ biến. Các bệnh lý này do chế độ và thói quen ăn uống không phù hợp gây ra. Cơn đau bụng thường xuất hiện về đêm, có thể đi kèm ợ hơi, ợ chua, ăn không tiêu, chướng bụng, đầy hơi.
  • Thoát vị rốn: Đây là tình trạng một phần nội tạng bị lồi ra do cơ bụng đóng không kín. Nếu gặp phải tình trạng này, vùng rốn có thể sưng hoặc phình to. Bạn sẽ cảm thấy các cơn đau kéo dài từ rốn đến bụng dưới. Ngoài ra, cơn đau cũng thường dữ dội hơn khi bạn ho, hắt hơi, tập thể dục hoặc duỗi người.
  • Viêm tụy cấp: Tụy là cơ quan nằm ngay bên dưới và phía sau dạ dày, có tác dụng sản xuất các enzyme tiêu hóa và insulin. Khi bị viêm tụy cấp, bạn có thể gặp phải những cơn đau dữ dội, dai dẳng xung quanh vùng bụng quanh rốn. Ngoài ra, bạn cũng có khả năng gặp phải một số triệu chứng khác là tiêu chảy, buồn nôn, nôn, chướng bụng.
  • Tắc ruột: Tắc ruột là tình trạng ruột bị tắc nghẽn khiến phân không di chuyển qua được, dẫn đến tích tụ lại trong cơ thể. Cơn đau do tình trạng này thường khá dữ dội, có thể kéo dài từ rốn đến vùng bụng dưới. Bên cạnh đó, cơn đau cũng thường xuất hiện theo từng đợt với cường độ tăng dần. 

Bên cạnh những nguyên nhân này, đau bụng quanh rốn ở nữ cũng có thể là do một số nguyên nhân khác ít gặp hơn như bệnh viêm ruột, viêm túi mật, nhiễm ký sinh trùng, có khối u trong bụng, nhiễm trùng đường tiết niệu, viêm túi thừa, phình động mạch chủ…

Cách giảm tình trạng đau bụng quanh rốn ở phụ nữ

Đau bụng quanh rốn ở phụ nữ là triệu chứng khá thường gặp. Do đó, khi gặp triệu chứng này, nếu cơn đau chỉ mới xuất hiện, không dữ dội, không bị đau quá thường xuyên và không có bất cứ triệu chứng bất thường nào khác đi cùng, bạn hãy theo dõi, đồng thời thực hiện một số biện pháp giảm đau sau: 

  • Nằm nghỉ ngơi kết hợp với massage bụng hoặc chườm nóng
  • Uống nước ấm, trà gừng, trà hoa cúc hoặc nước mật ong 
  • Hạn chế dùng các món chiên xào, nhiều dầu mỡ, uống nhiều rượu bia, thức uống chứa caffeine…
  • Uống nhiều nước, ăn nhiều thực phẩm giàu chất xơ nếu bạn bị đau bụng quanh rốn có biểu hiện của táo bón

Trong trường hợp có các biểu hiện sau, bạn nên đi khám:

  • Nghi ngờ tình trạng đau bụng quanh rốn có liên quan đến các bệnh như viêm tụy cấp, tắc ruột, viêm ruột thừa, thoát vị rốn…
  • Nôn mửa và/hoặc tiêu chảy liên tục mà không có dấu hiệu thuyên giảm
  • Có máu trong chất nôn
  • Có máu trong phân
  • Chóng mặt dẫn đến ngất xỉu
  • Sốt cao không hạ kèm theo khó thở, tim đập nhanh, ù tai…
  • Đau bụng dữ dội, nghiêm trọng hoặc kéo dài nhiều ngày mà không thuyên giảm

Bài viết liên quan:

Tình trạng đau bụng quanh rốn ở phụ nữ mang thai

Phụ nữ mang thai là một trong những đối tượng rất hay gặp phải tình trạng đau bụng quanh rốn. Tình trạng đau bụng quanh rốn ở phụ nữ mang thai thường xuất hiện khi bụng bầu bắt đầu to hơn, thường là vào khoảng tam cá nguyệt thứ 2 hoặc thứ 3.

Tình trạng đau bụng quanh rốn ở phụ nữ mang thai
Đau bụng quanh rốn là tình trạng rất thường gặp ở phụ nữ mang thai.

Nguyên nhân gây đau bụng quanh rốn ở phụ nữ mang thai

Ngoài các nguyên nhân chung kể trên, một số nguyên nhân khác có thể khiến bà bầu bị đau bụng quanh rốn khi mang thai là:

1. Căng cơ

Trong quá trình mang thai, da và cơ bắp ở vùng bụng sẽ bị “kéo căng” hết mức để phù hợp với sự phát triển của em bé, nhất là vào những tháng cuối thai kỳ. Điều này có thể khiến bạn bị rạn da, ngứa và đau. Vùng bụng quanh rốn “tọa lạc” ngay vị trí trung tâm của quá trình kéo căng. Do đó, khu vực này sẽ rất dễ bị đau, kích ứng trong suốt thai kỳ.

2. Rốn lồi

Nguyên nhân gây đau bụng quanh rốn ở phụ nữ mang thai cũng có thể là do rốn lồi. Một số phụ nữ sẽ có phần rốn nhô ra. Khi mang thai, phần rốn này có thể ma sát với quần áo, gây kích ứng da và đau ở khu vực này. Nếu bạn thuộc trường hợp tương tự, hãy chọn những bộ trang phục thoải mái, mềm mại để không gây kích ứng da. 

3. Áp lực từ tử cung

Trong tam cá nguyệt đầu tiên, tử cung vẫn còn tương đối nhỏ. Tuy nhiên, theo sự phát triển của thai kỳ, tử cung sẽ bắt đầu to dần và gây áp lực lên vùng bụng, rốn. Tình trạng này có thể khiến vùng bụng quanh rốn cảm thấy khó chịu hoặc thậm chí khiến bà bầu bị đau bụng quanh rốn. 

4. Thoát vị rốn

Bất cứ phụ nữ nào cũng đều có thể bị thoát bị rốn. Tuy nhiên, phụ nữ mang thai sẽ dễ bị hơn, nhất là nếu đang mang đa thai hoặc nếu bà bầu bị béo phì. Bạn có thể nghi ngờ mình bị thoát vị rốn nếu bị đau bụng quanh rốn cùng với các triệu chứng như vùng gần rốn bị phình, rốn sưng tấy hoặc nôn mửa. Đây là một tình trạng nguy hiểm cần được điều trị kịp thời bởi nếu không sẽ có thể dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng.

5. Nhiễm trùng đường ruột

Nhiễm trùng đường ruột có thể gây đau bụng dữ dội gần vùng rốn. Tình trạng này cũng có khả năng gây ra các triệu chứng khác như buồn nôn, nôn, tiêu chảy và sốt. 

Nhiễm trùng đường ruột khi mang thai nếu không được điều trị có thể dẫn đến các vấn đề nghiêm trọng hơn. Do đó, nếu có các biểu hiện kể trên, bạn nên đi khám. Bạn có thể được kê đơn thuốc để giảm nôn và giảm đau, hoặc thuốc kháng sinh.

Cách cải thiện tình trạng đau bụng quanh rốn ở bà bầu

Khi mang thai, các cơn đau bụng quanh rốn có thể “ghé thăm” và “rời đi” thường xuyên, nhất là trong những giai đoạn thai nhi phát triển nhanh. Một số bà bầu có thể đã quen với tình trạng này từ sớm nhưng cũng có bà bầu bị nặng vào những tuần cuối của thai kỳ, khi bụng bầu to nhất. Để cải thiện các cơn đau, bạn có thể thử một số bí quyết sau:

  • Nằm nghiêng khi ngủ hoặc kê một chiếc gối phía dưới bụng bầu để hỗ trợ
  • Sử dụng đai đỡ bụng bầu để giảm đau lưng và đau bụng khi đứng
  • Sử dụng kem dưỡng da an toàn cho bà bầu để giảm ngứa và kích ứng
  • Mặc quần áo cotton nhẹ, thoải mái
  • Chườm ấm lên bụng để giảm đau

Trong thời gian mang thai, bạn nên đi khám ngay lập tức nếu cơn đau bụng quanh rốn của mình nghiêm trọng, dữ dội hoặc có đi cùng với các triệu chứng khác như:

  • Sốt
  • Nôn mửa
  • Sưng tấy
  • Chảy máu

Trên đây là một số nguyên nhân gây đau bụng quanh rốn thường gặp ở phụ nữ nói chung và bà bầu nói riêng. Nhìn chung, nếu cơn đau bụng quanh rốn chỉ mới xuất hiện, không quá dữ dội, không có đi cùng các triệu chứng bất thường thì bạn có thể theo dõi thêm. Còn nếu cơn đau nghiêm trọng hoặc có các triệu chứng bất thường khác, tốt nhất bạn nên đi khám.

Chia sẻ
Các thông tin trên được chia sẻ bởi Bowtie Việt Nam. Các nội dung này chỉ mang tính chất tham khảo. Trong mọi trường hợp, Bowtie không chịu trách nhiệm về bất kỳ tổn thất hoặc thiệt hại nào, dù là trực tiếp hay gián tiếp, liên quan đến việc truy cập và sử dụng nội dung của Bowtie.

Bài viết liên quan

Mật ong bao nhiêu calo? Những lưu ý khi sử dụng mật ong Mật ong bao nhiêu calo? Những lưu ý khi sử dụng mật ong
Kiến thức sức khỏe

Mật ong bao nhiêu calo? Những lưu ý khi sử dụng mật ong

Củ đậu (củ sắn) bao nhiêu calo? Gợi ý 6 món ăn hấp dẫn từ củ đậu Củ đậu (củ sắn) bao nhiêu calo? Gợi ý 6 món ăn hấp dẫn từ củ đậu
Kiến thức sức khỏe

Củ đậu (củ sắn) bao nhiêu calo? Gợi ý 6 món ăn hấp dẫn từ củ đậu

Bỏ túi 20 thực phẩm chứa nhiều calo hỗ trợ tăng cân cho người gầy Bỏ túi 20 thực phẩm chứa nhiều calo hỗ trợ tăng cân cho người gầy
Kiến thức sức khỏe

Bỏ túi 20 thực phẩm chứa nhiều calo hỗ trợ tăng cân cho người gầy

Các chuyên mục khác

Email

Liên hệ chung
hello@bowtie.com.vn
Liên hệ về truyền thông
media@bowtie.com.vn
Liên hệ hợp tác
partners@bowtie.com.vn

© 2024 Bản quyền thuộc Bowtie Vietnam Company Limited.

Trình duyệt của bạn đã xảy ra lỗi. Để trải nghiệm tốt hơn, vui lòng nâng cấp hoặc thay đổi trình duyệt khác. OK