Kiến thức sức khỏe
Kiến thức sức khỏe

Đau họng nổi hạch có nguy hiểm không? Nguyên nhân và cách xử lý

Đau họng, nổi hạch hầu hết thường liên quan đến các vấn đề nhiễm trùng bên trong cơ thể. Tùy theo nguyên nhân gây bệnh cũng như diễn biến ở mỗi người mà tình trạng đau họng, sưng hạch có thể đáng lo ngại hoặc không. Bên cạnh đó, việc điều trị cũng là một yếu tố quan trọng quyết định khả năng gặp phải các nguy cơ bất lợi của người bệnh.
Biên tập bởi Bowtie Việt Nam
Ngày đăng 2023-05-18
Cập nhật ngày 2023-06-01
Nội dung chính
Đau họng, nổi hạch là do đâu? Tình trạng đau cổ họng, nổi hạch có nguy hiểm không?Tình trạng đau rát họng, sưng hạch được điều trị thế nào?
Đau họng nổi hạch có nguy hiểm không? Nguyên nhân và cách xử lý

Vậy đau họng, nổi hạch là do bệnh gì? Những người có biểu hiện đau họng, bị nổi hạch thường được can thiệp, xử lý bằng cách nào? Nội dung bài viết dưới đây sẽ giúp bạn nhận định rõ hơn về các vấn đề này, mời bạn hãy cùng Bowtie Việt Nam theo dõi nhé!

Đau họng, nổi hạch là do đâu?

Hạch bạch huyết là bộ phận thuộc hệ miễn dịch của cơ thể với chức năng chính là chống lại các bệnh nhiễm trùng và giúp đào thải tác nhân gây bệnh ra ngoài. Mạng lưới hạch bạch huyết phân bố ở khắp nơi trên cơ thể, trong đó vùng cổ là khu vực tập trung rất nhiều hạch. 

Đau rát họng, nổi hạch ở quanh cổ thường là dấu hiệu cho thấy một tình trạng nhiễm trùng nào đó đang xảy ra, có thể là ở hệ hô hấp hoặc những cơ quan lân cận. Chẳng hạn như một số tình trạng dưới đây:

1. Cảm lạnh hoặc cúm

Cảm lạnh thông thường và cảm cúm là các bệnh lý rất phổ biến ở đường hô hấp. Nguyên nhân gây bệnh là do sự xâm nhập của virus qua đường mắt, mũi hoặc miệng. Bệnh có thể xảy ra ở bất kỳ đối tượng nào, trong đó nguy cơ gặp phải nhiều nhất thường là trẻ nhỏ, người lớn tuổi và người có hệ miễn dịch suy yếu. 

Mặc dù tác nhân gây bệnh là những chủng virus khác nhau nhưng nhìn chung các triệu chứng chính của bệnh cảm lạnh và cảm cúm thường có sự tương đồng, chúng bao gồm đau họng, nổi hạch, sốt, ho, chảy nước mắt, chảy nước mũi, nghẹt mũi… 

2. Viêm họng

Nếu bạn tự hỏi “Đau họng nổi hạch ở cổ là bệnh gì?” thì phần lớn nguyên nhân xuất phát từ bệnh viêm họng do tình trạng nhiễm trùng ở cổ họng. Theo đó, nhiều bệnh nhân viêm họng bị nổi hạch dưới cằm, góc cằm hoặc thậm chí sau tai.

Các chủng vi sinh vật gây bệnh viêm họng rất đa dạng nhưng được biết đến phổ biến là Streptococcus (liên cầu khuẩn nhóm A). Viêm họng do liên cầu khuẩn chiếm khoảng 20 – 30% các trường hợp bệnh ở trẻ em và 5 – 15% các trường hợp ở người lớn. 

Bên cạnh việc bị đau họng, nổi hạch ở cổ, người bệnh viêm họng có thể trải qua một số triệu chứng khác kèm theo, chẳng hạn như sốt, sưng họng, nuốt đau, ho khan hoặc ho có đờm. Điều trị kháng sinh kết hợp với một số biện pháp chăm sóc tại nhà có thể góp phần cải thiện bệnh viêm họng, giúp giảm nhẹ cảm giác đau rát họng và các triệu chứng liên quan.

3. Viêm nắp thanh quản

Nguyên nhân gây đau họng, nổi hạch cổ đôi khi có thể do tình trạng viêm nhiễm nắp thanh quản (hay nắp thanh môn) gây ra, đặc biệt là ở trẻ em. Ngoài ra, hơi thở yếu ớt, khò khè và/hoặc khàn giọng, mất giọng cũng là một số dấu hiệu cho thấy nắp thanh quản đang bị vi khuẩn tấn công.

Nắp thanh quản là một cấu trúc nhỏ nằm trong cổ họng, ngay bên dưới gốc lưỡi. Bình thường, khi bạn nuốt thức ăn, nước uống hoặc bất kỳ thứ gì, cơ thể sẽ kích thích nắp thanh quản đóng lại để ngăn chúng rớt vào khí quản. Ngược lại, nắp thanh quản bị sưng viêm do nhiễm trùng và không thể hoạt động hiệu quả có thể gây rò rỉ thức ăn, chất lỏng hoặc mắc kẹt dị vật vào đường thở. 

Chính vì vậy, nếu tình trạng đau họng, nổi hạch do viêm nắp thanh quản gây ra thì bệnh nhân cần được chẩn đoán và can thiệp y tế kịp thời để tránh nguy cơ bị tắc nghẽn hô hấp dẫn đến đe dọa tính mạng. 

Bài viết liên quan:

Cảm lạnh hoặc cúm gây đau họng nổi hạch
Đau họng nổi hạch thường xảy ra khi cơ thể mắc bệnh cảm lạnh hoặc cảm cúm do virus.

4. Viêm amidan

Sốt, đau họng và nổi hạch cổ cũng thường liên quan đến bệnh viêm amidan do virus hoặc vi khuẩn gây ra. Hầu hết các bệnh nhiễm trùng hô hấp rất dễ xảy ra ở trẻ nhỏ và bệnh viêm amidan cũng không ngoại lệ. Chủ yếu nguyên nhân là do hệ miễn dịch của trẻ vẫn còn non yếu, khả năng chống lại mầm bệnh thường rất kém. Thêm vào đó, amidan là một phần của hệ miễn dịch nên đây luôn là “nơi tấn công yêu thích” của vi khuẩn và virus.

Mặc dù amidan hiện diện ở hai bên thành họng, nhưng đôi khi nhiễm trùng chỉ xuất hiện và gây tổn thương ở một bên amidan. Khi đó, người bệnh có thể cảm thấy sưng và đau họng bên trái hoặc bên phải cùng với biểu hiện nổi hạch cổ, khó nuốt trong một số trường hợp. 

5. Nhiễm trùng tai

Tai, mũi, họng là các tổ chức có mối liên hệ mật thiết với nhau và cùng chịu sự chi phối của dây thần kinh số IX. Bất kỳ tình trạng nào xảy ra ở tai cũng có thể ảnh hưởng đến hai cơ quan còn lại. Điều này giúp giải thích vì sao khi vi khuẩn, virus xâm nhập và gây nhiễm trùng tai lại khiến bạn bị viêm họng nổi hạch ở cổ. 

Đặc điểm để phân biệt tình trạng đau cổ họng, nổi hạch do nhiễm trùng tai với các nguyên nhân khác đó là ban đầu người bệnh chỉ sưng đau ở tai, sau đó cảm giác mới lan dần đến cổ họng. Đồng thời, ngoài các hạch ở cổ, bạn còn có thể phát hiện thấy đau họng, viêm họng kèm với nổi hạch sau tai.

6. Nhiễm trùng răng

Một số trường hợp nhiễm trùng răng miệng hoặc mọc răng khôn cũng làm phát triển các triệu chứng đau họng, nổi hạch tương tự như nhiễm trùng tai. Tùy theo vị trí của răng nhiễm trùng mà bạn có thể bị viêm đau họng và nổi hạch ở cổ, dưới cằm hay góc hàm. 

Thỉnh thoảng, cảm giác đau do nhiễm trùng răng có thể hiện diện ở khắp khoang miệng và cổ họng khiến người bệnh không thể duy trì được việc ăn uống bình thường. Lúc này, cần nhanh chóng liên hệ với nha sĩ để có biện pháp khắc phục phù hợp, ngăn ngừa những ảnh hưởng có thể xảy ra đối với sức khỏe răng miệng.

7. Sởi

Đau họng, nổi hạch ở trẻ em có nhiều khả năng liên quan đến bệnh sởi hơn là người lớn. Sởi là một bệnh truyền nhiễm do virus gây ra với các triệu chứng phổ biến bao gồm sốt, đau họng, nổi hạch, phát ban, chảy nước mũi, ho khan và xuất hiện các mảng đỏ đặc trưng khi nhiễm virus sởi. Mặc dù bệnh ít gây tử vong nhưng các biến chứng do không điều trị sởi có nguy cơ đe dọa tính mạng của người bệnh, đặc biệt là ở trẻ nhỏ.

Bệnh sởi có tỷ lệ lây truyền trực tiếp rất cao thông qua các hoạt động thường ngày như ho, hắt hơi hay nói chuyện. Tuy nhiên, vấn đề này có thể phòng ngừa được bằng cách tiêm vaccine để tạo miễn dịch cho cơ thể. Ngoài ra, những trường hợp đã mắc bệnh sởi trước đó rất hiếm khi tái nhiễm lại do miễn dịch đã có sẵn sau khỏi bệnh.

8. Bệnh bạch cầu đơn nhân

Một nguyên nhân khác của tình trạng đau họng, nổi hạch đó là bệnh bạch cầu đơn nhân, chủ yếu do nhiễm virus Epstein-Barr (EBV). Bệnh thường phát triển trong vòng 4 – 6 tuần và đối tượng bệnh thường được ghi nhận nhất là thanh thiếu niên.

Giống với biểu hiện của tình trạng cảm lạnh thông thường, bệnh bạch cầu đơn nhân cũng khiến người bệnh mệt mỏi, đau họng, sưng hạch to, nhức đầu, nổi ban da… Điểm khác biệt là bệnh bạch cầu đơn nhân có nhiều rủi ro liên quan đến các biến chứng nghiêm trọng ở lá lách hoặc gan, mặc dù khả năng lây nhiễm của virus gây bệnh thường hạn chế hơn. 

9. Áp xe quanh amidan

Bệnh viêm amidan không được điều trị đúng cách có thể khiến nhiễm trùng lây lan đến các khu vực xung quanh, tạo thành một hoặc nhiều ổ áp xe bưng bít mủ và gây ra đau họng, nổi hạch dưới hàm kéo dài không khỏi. 

Áp xe quanh amidan có thể phát triển với kích thước ngày càng lớn hơn do vi khuẩn/virus tiếp tục sinh sôi bên trong ổ mủ, hậu quả là gây chèn ép dẫn đến khó thở và khó nuốt. Đồng thời, áp xe cũng có khả năng vỡ ra làm nhiễm trùng tiếp tục lan rộng đến nơi khác. 

10. U lympho

Mặc dù hiếm gặp nhưng biểu hiện đau họng, bị nổi hạch cũng có thể là dấu hiệu của một loại ung thư bắt nguồn từ hạch bạch huyết, được gọi chung là ung thư hạch hay u lympho. Đây là tình trạng bệnh hình thành do sự tăng sinh bất thường của các tế bào ác tính tại hạch bạch huyết, với hai dạng chính là u lympho Hodgkin và u lympho không Hodgkin.

Tình trạng đau cổ họng, nổi hạch có nguy hiểm không?

Đau họng, nổi hạch là một vấn đề khá phổ biến, gần như mọi người đều có khả năng gặp phải. Tuy nhiên để biết tình trạng này có nguy hiểm không cần xác định được nguyên nhân rõ ràng của bệnh. Bởi vì có những trường hợp đau rát họng, nổi hạch cổ nhưng mức độ ảnh hưởng thường không đáng kể. Trong khi đó, một số trường hợp là “báo động đỏ” vì có khả năng dẫn tới các biến chứng nguy hiểm đối với sức khỏe và tính mạng của người bệnh.

Do đó, bạn nên sắp xếp thời gian đến gặp bác sĩ sớm nhất có thể nếu như triệu chứng đau họng, bị nổi hạch không thuyên giảm sau nhiều ngày liên tục hoặc khi nhận thấy cơ thể có một trong các biểu hiện sau đây: 

  • Sốt cao kéo dài, đo thân nhiệt ≥ 38°C
  • Nốt hạch không lặn sau 2 tuần và/hoặc ngày càng sưng to hơn
  • Sờ thấy hạch cứng và cảm giác dính chắc vào da, không di chuyển
  • Toát nhiều mồ hôi trong khi ngủ (đổ mồ hôi trộm)
  • Sụt giảm cân nặng không rõ lý do
  • Toàn thân hay có vết bầm tím hoặc dễ bị chảy máu
  • Họng đau rát dữ dội
  • Hô hấp kém, khó hít thở
  • Nuốt đau hoặc không thể nuốt
Tình trạng đau họng nổi hạch có nguy hiểm không
Đau họng, nổi hạch kèm sốt cao liên tục có thể là một dấu hiệu nguy hiểm cần điều trị sớm.

Tình trạng đau rát họng, sưng hạch được điều trị thế nào?

Sau khi thăm khám, tình trạng đau họng, nổi hạch ở cổ sẽ được điều trị bằng nhiều phương pháp khác nhau dựa vào nguyên nhân gây bệnh đã chẩn đoán. Cụ thể, các lựa chọn phù hợp đối với từng nguyên nhân đó là:

  • Viêm nhiễm virus: Đa số trường hợp đau cổ họng, nổi hạch do virus thường tự khỏi sau vài ngày cho đến vài tuần mà không cần điều trị. Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc kháng virus đôi khi có thể được chỉ định để ức chế khả năng hoạt động của virus ở một số bệnh nhân. 
  • Nhiễm trùng do vi khuẩn: Uống thuốc kháng sinh là cách tốt nhất để đánh bại vi khuẩn ra khỏi cơ thể, giúp loại bỏ triệt để tình trạng đau rát họng, nổi hạch cổ. Lưu ý là khi điều trị bằng thuốc kháng sinh, bạn phải tuân thủ chặt chẽ theo sự hướng dẫn của bác sĩ, dùng đúng thuốc và đủ liều lượng cần thiết để đảm bảo hiệu quả tiêu diệt vi khuẩn. 
  • Bệnh ung thư: Trường hợp ung thư được phát hiện, bác sĩ sẽ căn cứ vào tình trạng bệnh thực tế cũng như khả năng và nhu cầu của người bệnh để đưa ra phác đồ điều trị phù hợp. Các phương pháp điều trị ung thư chủ yếu thường là phẫu thuật, hóa trị và/hoặc xạ trị.

Song song đó, bạn có thể áp dụng các biện pháp chăm sóc tại nhà để giúp tình trạng đau họng, nổi hạch nhanh chóng được cải thiện và biến mất. Một số cách giảm nhẹ triệu chứng mà bạn nên cân nhắc thực hiện tại nhà bao gồm:

  • Chườm ấm để làm dịu cơn đau tại khu vực bị ảnh hưởng
  • Sử dụng một số loại thuốc giảm đau không kê đơn như paracetamol, aspirin, ibuprofen… nhưng cần thận trọng và tham khảo ý kiến chuyên môn trước khi sử dụng thuốc cho trẻ nhỏ, người lớn tuổi hoặc trường hợp có mắc các bệnh lý khác 
  • Uống nhiều nước giúp cơ thể duy trì hoạt động trao đổi chất, thúc đẩy quá trình loại bỏ chất thải và các tác nhân gây bệnh, đặc biệt bạn nên ưu tiên uống nước ấm hoặc các loại trà thảo mộc ấm
  • Nghỉ ngơi đầy đủ để tăng cường khả năng hồi phục sức khỏe của cơ thể 

Như vậy, bài viết đã chỉ ra các nguyên nhân gây đau họng, nổi hạch thường gặp cũng như một số vấn đề nguy hiểm mà người bệnh có thể đối mặt. Hy vọng những chia sẻ này sẽ giúp bạn biết thêm nhiều kiến thức để chăm sóc và bảo vệ sức khỏe tốt hơn. Bất kỳ khi nào nhận thấy triệu chứng đau họng, nổi hạch kéo dài và có xu hướng tồi tệ theo thời gian, bạn hãy lập tức liên hệ với bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị sớm nhé!

Chia sẻ
Các thông tin trên được chia sẻ bởi Bowtie Việt Nam. Các nội dung này chỉ mang tính chất tham khảo. Trong mọi trường hợp, Bowtie không chịu trách nhiệm về bất kỳ tổn thất hoặc thiệt hại nào, dù là trực tiếp hay gián tiếp, liên quan đến việc truy cập và sử dụng nội dung của Bowtie.

Bài viết liên quan

Mách bạn 9 lợi ích cho cơ thể khi uống sữa tươi trước khi đi ngủ Mách bạn 9 lợi ích cho cơ thể khi uống sữa tươi trước khi đi ngủ
Kiến thức sức khỏe

Mách bạn 9 lợi ích cho cơ thể khi uống sữa tươi trước khi đi ngủ

Tiết nước bọt nhiều khi ngủ nói cho bạn điều gì về sức khỏe? Tiết nước bọt nhiều khi ngủ nói cho bạn điều gì về sức khỏe?
Kiến thức sức khỏe

Tiết nước bọt nhiều khi ngủ nói cho bạn điều gì về sức khỏe?

Giải mã tình trạng buồn ngủ trước kỳ kinh và 6 cách cải thiện Giải mã tình trạng buồn ngủ trước kỳ kinh và 6 cách cải thiện
Kiến thức sức khỏe

Giải mã tình trạng buồn ngủ trước kỳ kinh và 6 cách cải thiện

Các chuyên mục khác

Email

Liên hệ chung
hello@bowtie.com.vn
Liên hệ về truyền thông
media@bowtie.com.vn
Liên hệ hợp tác
partners@bowtie.com.vn

© 2024 Bản quyền thuộc Bowtie Vietnam Company Limited.

Trình duyệt của bạn đã xảy ra lỗi. Để trải nghiệm tốt hơn, vui lòng nâng cấp hoặc thay đổi trình duyệt khác. OK