Kiến thức sức khỏe
Kiến thức sức khỏe

Tìm hiểu về giời leo môi để kịp thời nhận biết và điều trị tận gốc

Bệnh giời leo ở môi có thể bị nhầm lẫn với bệnh lý khác trong giai đoạn đầu. Việc này khiến người bệnh bỏ lỡ cơ hội điều trị hiệu quả trong khoảng thời gian quan trọng, từ đó có thể dẫn đến nhiều khó chịu cũng như biến chứng.
Biên tập bởi Bowtie Việt Nam
Ngày đăng 2023-05-21
Cập nhật ngày 2023-05-30
Nội dung chính
Bệnh giời leo môi là gì?Bệnh giời leo trên môi có biểu hiện thế nào?Nguyên nhân khiến bạn bị giời leo ở môiBệnh giời leo môi được chẩn đoán bằng cách nào?Bị giời leo ở môi nên làm gì? Làm thế nào phòng ngừa bệnh giời leo môi?Giải đáp 4 thắc mắc về bệnh giời leo môi
Tìm hiểu về giời leo môi để kịp thời nhận biết và điều trị tận gốc

Bệnh giời leo có thể ảnh hưởng đến bất kỳ khu vực nào trên cơ thể, bao gồm cả miệng. Các triệu chứng giời leo đôi khi xuất hiện xung quanh môi, gây ra cảm giác khó chịu, đau nhức, bỏng rát, châm chích và khiến người bệnh gặp khó khăn khi ăn uống. Hãy cùng tìm hiểu kỹ hơn về giời leo môi để kịp thời nhận biết và điều trị qua bài viết sau đây của Bowtie nhé!

Bệnh giời leo môi là gì?

Bệnh giời leo môi thực chất là bệnh giời leo do virus gây thủy đậu varicella-zoster (VZV) tái hoạt động gây ra nhưng chỉ nói đến trường hợp xuất hiện triệu chứng ban đỏ, mụn nước ở môi, quanh miệng. Khi VZV gây tổn thương dọc theo nhánh của dây thần kinh sinh ba ở mặt sẽ bắt đầu làm xuất hiện các nốt ban đỏ, mụn rộp ở vùng miệng và gây ra cảm giác đau đớn, khó chịu trên mặt.

Thực tế, bệnh giời leo có thể gây ảnh hưởng đến bất kỳ dây thần kinh nào và biểu hiện ra triệu chứng ở vùng da tương ứng nhưng thường chỉ ở một bên cơ thể. Các dải ban đỏ, mụn nước có thể xuất hiện ở một bên mặt, xung quanh mắt, lưng, đùi. Cùng với đó, người bệnh sẽ cảm thấy đau nhức, bỏng rát, châm chích và ngứa ngáy khó chịu. Cơn đau thường xuất hiện ở vùng da bị tổn thương từ trước khi bắt đầu phát ban vài ngày và có thể kéo dài cho đến sau khi bệnh đã khỏi.

Bệnh giời leo trên môi có biểu hiện thế nào?

Bệnh giời leo trên môi thường gây ra các triệu chứng như sau:

  • Cảm giác ngứa, châm chích hoặc nóng rát ở môi, trong miệng
  • Cảm thấy đau ở mặt
  • Xuất hiện ban đỏ, mụn nước ở trên môi, xung quanh miệng
  • Các triệu chứng toàn thân như sốt, mệt mỏi, đau đầu, đau nhức người…

Triệu chứng giời leo ở môi có thể thay đổi theo từng giai đoạn tiến triển, thường được chia thành 3 giai đoạn là:

  • Giai đoạn tiền triệu: Đây là giai đoạn tiền phát ban, xảy ra khoảng 2 ngày trước khi bắt đầu xuất hiện các thương tổn đáng chú ý trên da. Người bệnh có thể cảm thấy đau ở môi, quanh miệng cùng với mệt mỏi, đau đầu.
  • Giai đoạn bùng phát cấp tính: Ở giai đoạn này, người bệnh có những thương tổn rõ ở môi hoặc da xung quanh môi, gây đau nhức. Thời gian bùng phát triệu chứng có thể kéo dài từ 2 – 4 tuần. Ban đầu, vùng môi hoặc quanh miệng sẽ xuất hiện các ban đỏ. Các ban này sau đó phát triển thành mụn nước trong, rồi chuyển thành mụn nước chứa dịch trắng đục. Các mụn nước mọc thành từng đám hoặc đôi khi tụ dính thành một mụn lớn. Nếu vỡ, mụn nước sẽ rò rỉ dịch và có thể làm lây lan virus ra các vùng da xung quanh. Những triệu chứng này sẽ khiến người bệnh gặp nhiều vấn đề như khó nhai, chán ăn, thay đổi vị giác, nhạy cảm ở miệng. 
  • Giai đoạn đau dây thần kinh sau zona: Lúc này, người bệnh có thể cảm thấy đau kéo dài khoảng 4 tuần hoặc lâu hơn. Khi đó, các triệu chứng thường liên quan đến cảm giác khác lạ trên vùng môi và quanh miệng, chẳng hạn như ngứa ran, nóng rát hoặc cảm thấy châm chích, râm ran. Nếu dây thần kinh bị tổn thương nặng, cơn đau sau khi đã hết bệnh có thể kéo dài rất lâu, thậm chí là trở thành mạn tính và gây mất chức năng của dây thần kinh đó. Tuy nhiên, không phải bệnh nhân nào cũng trải qua giai đoạn này.
Bệnh giời leo trên môi có biểu hiện thế nào?
Bệnh giời leo môi gây ra các cụm ban đỏ, mụn nước ở môi, thường xuất hiện ở một bên.

Nguyên nhân khiến bạn bị giời leo ở môi

Giời leo ở môi hay giời leo nói chung xảy ra ở những người đã từng bị thủy đậu. Sau khi điều trị khỏi thủy đậu, virus varicella-zoster gây bệnh vẫn nằm trong các hạch của rễ dây thần kinh ở trạng thái bất hoạt trong nhiều năm. Khi hệ miễn dịch suy yếu hoặc có yếu tố nào đó kích hoạt virus sẽ khiến chúng tái hoạt động và tấn công dọc theo dây thần kinh, gây ra bệnh giời leo. Virus thường dễ lây lan nhất trong giai đoạn bùng phát cấp tính, thông qua tiếp xúc da tại nơi phát ban, mụn rộp.

Khi virus gây ảnh hưởng đến dây thần kinh sinh ba sẽ làm phát triển bệnh giời leo ở môi. Dây thần kinh sinh ba bình thường sẽ có vai trò dẫn truyền cảm giác trên mặt và điều khiển chức năng vận động như cắn và nhai.

Những tác nhân có thể tạo điều kiện cho VZV tái hoạt động bao gồm:

  • Lão hóa (tuổi càng cao thì chức năng của hệ miễn dịch càng suy giảm)
  • Một số bệnh lý cấp tính hoặc mạn tính
  • Căng thẳng tâm lý
  • Sử dụng các thuốc ức chế miễn dịch
  • Hệ miễn dịch bị suy yếu, như người bị HIV/AIDS hoặc ung thư
  • Tiếp xúc với nhiệt độ quá lạnh
  • Tiếp xúc nhiều với ánh sáng mặt trời

Bệnh giời leo môi được chẩn đoán bằng cách nào?

Bác sĩ có thể chẩn đoán một người mắc bệnh giời leo môi thông qua việc thăm khám sức khỏe, xem xét tiền sử, bệnh sử và quan sát triệu chứng mụn rộp, mụn nước xuất hiện thành cụm ở một bên môi. Nếu còn nghi ngờ và muốn xác định rõ nguyên nhân gây bệnh, bác sĩ có thể lấy mẫu bệnh phẩm từ các nốt mụn nước để làm xét nghiệm.

Bị giời leo ở môi nên làm gì?

Điều trị giời leo môi càng sớm thì mức độ nghiêm trọng của bệnh và thời gian bùng phát triệu chứng càng giảm xuống. Người bệnh giời leo môi nên điều trị tích cực hơn do có nguy cơ đau dây thần kinh sau zona và gặp nhiều biến chứng khác.

Bác sĩ có thể chỉ định bạn dùng thuốc kháng virus đường uống như acyclovir, valacyclovir, famciclovir. Thời điểm điều trị tốt nhất là trong vòng 72 giờ sau khi bùng phát triệu chứng phát ban, mụn rộp. Sau 72 giờ, hiệu quả của thuốc sẽ giảm xuống.

Ngoài ra, một số thuốc bổ trợ khác có thể được sử dụng như thuốc giảm đau tùy vào mức độ đau của người bệnh. Một số thuốc bôi tại chỗ cũng được dùng để giảm nhẹ triệu chứng và ngăn chặn sự phát triển của virus hoặc tránh để nhiễm trùng da. Vậy bị giời leo ở môi bôi thuốc gì? Các thuốc bôi trị giời leo ở môi thường được dùng là kẽm oxit, xanh methylene, thuốc mỡ kháng sinh…

Bên cạnh việc điều trị bằng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, người bệnh cũng nên tự chăm sóc tại nhà để giúp giời leo trên môi nhanh lành, tránh gặp các biến chứng nguy hiểm:

  • Súc miệng bằng nước súc miệng kháng khuẩn không chứa cồn
  • Vệ sinh răng miệng sạch sẽ
  • Thay đổi chế độ ăn với các thực phẩm mềm, lỏng, dễ nuốt
  • Bỏ hút thuốc
  • Tránh cọ sát, gãi vùng da bị tổn thương vì có thể làm mụn nước vỡ và khiến bệnh lây lan nhiều hơn
  • Có thể chườm mát lên vùng bị tổn thương để giảm cảm giác đau, ngứa ngáy
  • Tránh tô son hoặc trang điểm trên khu vực bị tổn thương
  • Khi mụn nước đóng vảy thì có thể dùng vaseline để làm mềm vảy, đồng thời giảm tình trạng nứt nẻ môi

Bạn cũng có thể tìm hiểu thêm cách điều trị giời leo bằng các phương pháp dân gian để hỗ trợ thêm quá trình điều trị bệnh.

Bị giời leo ở môi nên làm gì?
Người bị giời leo ở môi có thể uống thuốc và dùng thêm các thuốc bôi ngoài để điều trị các triệu chứng của bệnh.

Làm thế nào phòng ngừa bệnh giời leo môi?

Tất cả mọi người, đặc biệt là người lớn tuổi (trên 50 tuổi) và người có hệ miễn dịch suy yếu do dùng thuốc hoặc bệnh lý được khuyến nghị tiêm vaccine phòng ngừa virus varicella-zoster. Việc tiêm phòng sẽ giúp giảm bớt nguy cơ bị nhiễm VZV và hạn chế gặp phải các biến chứng như đau dây thần kinh sau zona.

Đồng thời, bạn cũng cần duy trì hệ miễn dịch khỏe mạnh để tránh bị lây nhiễm virus gây bệnh giời leo bằng cách:

  • Tập thể dục thường xuyên
  • Tránh uống rượu bia
  • Nâng cao chất lượng giấc ngủ
  • Quản lý căng thẳng
  • Xây dựng chế độ ăn uống cân bằng, khỏe mạnh
  • Bỏ hút thuốc
  • Tránh tiếp xúc với ánh nắng mặt trời quá nhiều

Giải đáp 4 thắc mắc về bệnh giời leo môi

1. Bệnh giời leo ở môi có lây không?

Bệnh giời leo không lây truyền nhưng virus varicella-zoster gây bệnh có thể lây từ người sang người khi có tiếp xúc trực tiếp với dịch từ các nốt mụn nước của người bệnh. Nếu người chưa từng bị thủy đậu hoặc chưa từng tiêm vaccine thủy đậu khi bị nhiễm virus có thể phát triển thành bệnh thủy đậu chứ không phải giời leo.

Sau khi khỏi bệnh thủy đậu, virus vẫn tồn tại trong cơ thể ở dạng bất hoạt và khi có yếu tố kích hoạt, chúng sẽ gây ra bệnh giời leo. Bệnh có thể tái phát nhiều lần ở một người.

Nhìn chung, nguy cơ lây nhiễm virus gây bệnh cho người khác tương đối thấp nếu người bệnh chú ý che vùng da nổi ban, mụn nước lại. Virus sẽ không lây truyền trong thời gian trước khi xuất hiện mụn nước hoặc sau khi các mụn nước đã vỡ và đóng vảy trên da.

2. Bị giời leo ở môi có để lại sẹo không?

Các nốt mụn nước do giời leo môi sau khi khô lại và đóng vảy có thể để lại những vết sẹo trên da. Bạn cần chú ý điều trị sớm và tuân thủ đúng chỉ định của bác sĩ nhằm hạn chế để lại những “dấu vết” của bệnh trên môi gây mất thẩm mỹ và ảnh hưởng đến sự tự tin.

3. Vì sao xăm môi xong bị giời leo?

Một số trường hợp hiếm gặp có thể bị nhiễm virus herpes khi xăm môi. Virus varicella-zoster cũng là loại virus thuộc họ herpes nên cũng có khả năng bị nhiễm và kích hoạt virus tiềm ẩn trong cơ thể gây bệnh giời leo môi sau khi phun xăm. Nguyên do dẫn đến tình trạng này khả năng lớn là vì các cơ sở xăm không đảm bảo quy trình vệ sinh các dụng cụ phun xăm, dẫn đến nhiễm virus trong lúc thực hiện.

4. Bị giời leo ở môi nên kiêng ăn gì?

Khi bị giời leo trên môi, bạn cần chú ý kiêng ăn một số nhóm thực phẩm có thể khiến triệu chứng bệnh trở nên trầm trọng hơn, bao gồm:

  • Thực phẩm giàu arginine như thịt gà, sườn heo, đậu nành, sô cô la, các loại hạt…
  • Thực phẩm chứa carbohydrate tinh chế, có hàm lượng đường cao như bánh mì trắng, cơm trắng, bánh quy…
  • Thực phẩm chế biến sẵn như xúc xích, đồ hộp, mì gói…
  • Các thức uống có cồn vì có thể gây suy giảm chức năng hệ miễn dịch

Người bệnh giời leo môi cần chăm sóc kỹ hơn so với các trường hợp giời leo ở vị trí khác vì có thể lan sang các bộ phận trên mặt gây ra nhiều vấn đề sức khỏe đáng lo ngại. Nếu trong quá trình điều trị và chăm sóc tại nhà vẫn thấy các triệu chứng không thuyên giảm hoặc vùng da phát ban lan rộng thì bạn nên đến gặp bác sĩ ngay lập tức.

Chia sẻ
Các thông tin trên được chia sẻ bởi Bowtie Việt Nam. Các nội dung này chỉ mang tính chất tham khảo. Trong mọi trường hợp, Bowtie không chịu trách nhiệm về bất kỳ tổn thất hoặc thiệt hại nào, dù là trực tiếp hay gián tiếp, liên quan đến việc truy cập và sử dụng nội dung của Bowtie.

Bài viết liên quan

Một lần quan hệ tốn bao nhiêu calo? 5 tư thế yêu đốt nhiều calo nhất Một lần quan hệ tốn bao nhiêu calo? 5 tư thế yêu đốt nhiều calo nhất
Kiến thức sức khỏe

Một lần quan hệ tốn bao nhiêu calo? 5 tư thế yêu đốt nhiều calo nhất

Đau bụng dưới nhưng không có kinh nguyệt: Chị em cần cẩn trọng Đau bụng dưới nhưng không có kinh nguyệt: Chị em cần cẩn trọng
Kiến thức sức khỏe

Đau bụng dưới nhưng không có kinh nguyệt: Chị em cần cẩn trọng

Cà chua chứa bao nhiêu calo? 4 phương pháp giảm cân bằng cà chua Cà chua chứa bao nhiêu calo? 4 phương pháp giảm cân bằng cà chua
Kiến thức sức khỏe

Cà chua chứa bao nhiêu calo? 4 phương pháp giảm cân bằng cà chua

Các chuyên mục khác

Email

Liên hệ chung
hello@bowtie.com.vn
Liên hệ về truyền thông
media@bowtie.com.vn
Liên hệ hợp tác
partners@bowtie.com.vn

© 2024 Bản quyền thuộc Bowtie Vietnam Company Limited.

Trình duyệt của bạn đã xảy ra lỗi. Để trải nghiệm tốt hơn, vui lòng nâng cấp hoặc thay đổi trình duyệt khác. OK