Bệnh về hệ thần kinh
Bệnh về hệ thần kinh

Rối loạn thần kinh thực vật và những điều bạn chưa biết

Rối loạn thần kinh thực vật xảy ra khi có sự mất cân bằng trong hoạt động của hệ thần kinh giao cảm và hệ thần kinh phó giao cảm. Bệnh có thể ảnh hưởng đến hầu như mọi cơ quan trong cơ thể và gây ra nhiều triệu chứng đa dạng.
Biên tập bởi Bowtie Việt Nam
Ngày đăng 2023-01-06
Cập nhật ngày 2023-05-18
Nội dung chính
Rối loạn thần kinh thực vật là bệnh gì?Triệu chứng rối loạn thần kinh thực vậtNguyên nhân gây rối loạn thần kinh thực vậtYếu tố làm tăng nguy cơ bị rối loạn hệ thần kinh thực vậtPhương pháp chẩn đoán rối loạn thần kinh thực vậtPhương pháp điều trị rối loạn thần kinh thực vậtCách phòng ngừa rối loạn thần kinh thực vật
Rối loạn thần kinh thực vật và những điều bạn chưa biết

Vậy rối loạn thần kinh thực vật là gì? Làm thế nào để nhận biết, chẩn đoán và điều trị bệnh? Mời bạn cùng Bowtie Việt Nam tìm hiểu rõ hơn về rối loạn thần kinh thực vật trong bài viết này nhé. 

Rối loạn thần kinh thực vật là bệnh gì?

Hệ thần kinh thực vật sẽ bao gồm hệ thần kinh giao cảm và hệ thần kinh phó giao cảm, có nhiệm vụ kiểm soát các chức năng tự động trong cơ thể như huyết áp, nhịp tim, đổ mồ hôi… Bình thường, hai hệ thống này hoạt động hài hòa, nhịp nhàng với nhau để duy trì các chức năng của cơ thể. 

Tuy nhiên, bệnh rối loạn thần kinh thực vật có thể xảy ra khi có sự mất cân bằng trong hoạt động của hệ thần kinh giao cảm và hệ thần kinh phó giao cảm, từ đó dẫn đến rối loạn hoạt động của các cơ quan do hệ thần kinh thực vật chi phối và gây ra nhiều triệu chứng đa dạng. Bệnh rối loạn thần kinh thực vật còn được biết đến với tên gọi là rối loạn thần kinh tự chủ hay rối loạn thần kinh tự trị. 

Bài viết liên quan:

Triệu chứng rối loạn thần kinh thực vật

Tùy thuộc vào chức năng và hệ cơ quan bị ảnh hưởng mà triệu chứng rối loạn thần kinh thực vật sẽ khác nhau. Người bệnh có thể gặp phải một hoặc nhiều triệu chứng sau đây: 

  • Hạ huyết áp tư thế đứng: Người bệnh có thể bị giảm huyết áp đột ngột, từ đó dẫn đến đau đầu, chóng mặt, ngất xỉu, dáng đi không vững… nếu đứng dậy sau khi ngồi lâu.
  • Rối loạn trên hệ thần kinh: Người bệnh có thể bị run tay chân, đau đầu, mất ngủ, giảm chú ý, lo âu… Các biểu hiện này thường sẽ rõ ràng hơn khi thời tiết thay đổi.
  • Rối loạn trên hệ tim mạch: Quá trình vận mạch bị rối loạn có thể gây ra các triệu chứng như hồi hộp, nhịp tim chậm, rối loạn nhịp tim, đau ngực, khó thở, chóng mặt…
  • Rối loạn trên hệ tiêu hóa: Bệnh rối loạn thần kinh thực vật có thể làm thay đổi chức năng tiêu hóa và khiến người bệnh gặp phải các triệu chứng như dễ no, chán ăn, tiêu chảy, táo bón, đầy hơi, khó tiêu, buồn nôn, nôn…
  • Rối loạn chức năng tiết niệu: Người bệnh cũng có thể gặp phải các vấn đề về tiết niệu như tăng tần suất đi tiểu vào ban đêm, khó bắt đầu đi tiểu, tiểu không tự chủ, bí tiểu, mất kiểm soát bàng quang, không thể làm rỗng bàng quang hoàn toàn… Việc không thể làm rỗng bàng quang hoàn toàn có thể dẫn đến nhiễm trùng đường tiết niệu.
  • Rối loạn chức năng tình dục: Rối loạn chức năng sinh lý, rối loạn cương dương, giảm ham muốn, khô âm đạo… là một số vấn đề về tình dục mà bệnh nhân rối loạn thần kinh thực vật có thể gặp phải.
  • Rối loạn tuyến mồ hôi: Người bệnh có thể bị đổ mồ hôi nhiều ở tay, chân, đầu… hoặc giảm tiết mồ hôi khiến da khô. 
  • Các triệu chứng khác: Có thể kể đến như tê bì tay chân, da khô, tóc gãy, xanh xao, sụt cân không rõ nguyên nhân…

Nguyên nhân gây rối loạn thần kinh thực vật

Nhiều nguyên nhân khác nhau có thể gây rối loạn thần kinh thực vật. Trong đó, một số nguyên nhân thường gặp là: 

  • Bệnh đái tháo đường: Bệnh đái tháo đường, đặc biệt khi không được kiểm soát hiệu quả là nguyên nhân phổ biến nhất gây rối loạn thần kinh thực vật.
  • Sự tích tụ protein bất thường: Sự tích tụ protein quá nhiều trong các cơ quan ở người mắc bệnh thoái hóa tinh bột có thể làm ảnh hưởng đến hệ thần kinh thực vật. 
  • Bệnh tự miễn dịch: Khi mắc các bệnh lý này, hệ miễn dịch của bệnh nhân sẽ tấn công và làm tổn thương các bộ phận trong cơ thể, bao gồm cả dây thần kinh. Một số bệnh tự miễn có thể kể đến như hội chứng Sjogren, bệnh lupus ban đỏ hệ thống, viêm khớp dạng thấp, bệnh Celiac…
  • Tác dụng phụ của thuốc: Một số loại thuốc như thuốc điều trị ung thư có thể gây ảnh hưởng đến hệ thần kinh thực vật.
  • Bệnh truyền nhiễm: Một số loại virus, vi khuẩn như HIV, xoắn khuẩn gây bệnh Lyme có thể gây rối loạn hệ thần kinh tự chủ. 
  • Rối loạn di truyền: Đây cũng là một trong những nguyên nhân gây bệnh thường gặp.
  • Các nguyên nhân khác: Có thể kể đến như thiếu hụt dinh dưỡng, căng thẳng thần kinh, chấn thương thể chất, phẫu thuật, mang thai, rối loạn chuyển hóa porphyrin, nghiện rượu, ngộ độc kim loại nặng…
Nguyên nhân gây rối loạn thần kinh thực vật
Các thuốc hóa trị ung thư có thể gây tổn thương hệ thần kinh thực vật.

Yếu tố làm tăng nguy cơ bị rối loạn hệ thần kinh thực vật

Một số đối tượng có nhiều nguy cơ sau đây cần đặc biệt lưu ý vì tỷ lệ mắc bệnh khá cao: 

  • Người mắc đái tháo đường: Bệnh nhân kiểm soát đái tháo đường kém có nguy cơ gặp phải biến chứng rối loạn thần kinh thực vật rất cao. 
  • Người mắc các bệnh lý khác: Một số tình trạng sức khỏe có thể làm tăng nguy cơ bị rối loạn hệ thần kinh tự chủ là thoái hóa tinh bột, rối loạn chuyển hóa porphyrin, suy giáp… Ngoài ra, bệnh nhân ung thư cũng có nhiều khả năng mắc bệnh do tác dụng phụ của quá trình điều trị

Phương pháp chẩn đoán rối loạn thần kinh thực vật

Bệnh rối loạn thần kinh thực vật thường là biến chứng của một số bệnh lý về hệ thần kinh khác. Vì vậy, việc chẩn đoán bệnh sẽ tùy thuộc vào triệu chứng và các yếu tố nguy cơ mà bệnh nhân hiện có. Nếu xác định được rõ ràng các yếu tố nguy cơ, bác sĩ thường sẽ hỏi về triệu chứng mà bệnh nhân gặp phải cũng như tiến hành khám sức khỏe lâm sàng. 

Trong trường hợp bệnh nhân có các triệu chứng của bệnh nhưng không có yếu tố nguy cơ nào, quá trình chẩn đoán thường sẽ phức tạp hơn. Theo đó, bác sĩ thường bắt đầu từ việc khai thác tiền sử bệnh của bệnh nhân và gia đình, triệu chứng mà bệnh nhân gặp phải cũng như khám sức khỏe lâm sàng. Bác sĩ cũng sẽ đề nghị bệnh nhân thực hiện thêm một số kiểm tra, xét nghiệm để đánh giá chức năng của hệ thần kinh thực vật như:

  • Kiểm tra các chức năng tự chủ
  • Nghiệm pháp bàn nghiêng
  • Kiểm tra chức năng đường tiêu hóa
  • Kiểm tra phản xạ sợi trục tiết mồ hôi định tính
  • Kiểm tra mồ hôi điều nhiệt
  • Xét nghiệm nước tiểu và kiểm tra chức năng bàng quang
  • Siêu âm

Phương pháp điều trị rối loạn thần kinh thực vật

Tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh cụ thể mà các bác sĩ sẽ xây dựng phác đồ điều trị cho bệnh nhân. Theo đó, việc điều trị bao gồm: 

  • Điều trị nguyên nhân: Mục tiêu đầu tiên trong việc điều trị bệnh rối loạn thần kinh thực vật là kiểm soát các vấn đề sức khỏe gây tổn thương hệ thần kinh thực vật. Nếu nguyên nhân xuất phát từ bệnh đái tháo đường thì bác sĩ cần giúp bệnh nhân kiểm soát hiệu quả lượng đường trong máu để ngăn tổn thương tiến triển.
  • Kiểm soát, giảm nhẹ các triệu chứng cụ thể: Một số phương pháp điều trị có thể giúp người bệnh giảm nhẹ các triệu chứng của rối loạn thần kinh tự chủ. Các bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp phù hợp cho bệnh nhân dựa trên phần cơ thể bị ảnh hưởng.

Cách phòng ngừa rối loạn thần kinh thực vật

Để phòng ngừa rối loạn thần kinh thực vật, điều quan trọng nhất bạn cần làm là kiểm soát tốt các tình trạng và vấn đề sức khỏe có thể gây tổn thương hệ thần kinh thực vật. Theo đó, bạn nên: 

  • Kiểm soát tốt lượng đường trong máu nếu bạn bị đái tháo đường
  • Không uống rượu bia, sử dụng chất kích thích và hút thuốc lá
  • Điều trị các bệnh tự miễn theo đúng hướng dẫn của bác sĩ 
  • Kiểm soát hoặc ngăn ngừa huyết áp cao
  • Tránh tình trạng béo phì, luôn duy trì cân nặng khỏe mạnh
  • Thường xuyên tập thể dục, tăng cường sức đề kháng 

Bệnh rối loạn thần kinh thực vật có thể gây ảnh hưởng đến hầu như mọi cơ quan trong cơ thể. Vì vậy, nếu thuộc nhóm đối tượng có nhiều nguy cơ, bạn nên cố gắng kiểm soát tốt các nguy cơ này để ngăn ngừa bệnh nhé.

Chia sẻ
Các thông tin trên được chia sẻ bởi Bowtie Việt Nam. Các nội dung này chỉ mang tính chất tham khảo. Trong mọi trường hợp, Bowtie không chịu trách nhiệm về bất kỳ tổn thất hoặc thiệt hại nào, dù là trực tiếp hay gián tiếp, liên quan đến việc truy cập và sử dụng nội dung của Bowtie.

Bài viết liên quan

Nhận biết sớm các dấu hiệu đột quỵ để xử trí kịp thời Nhận biết sớm các dấu hiệu đột quỵ để xử trí kịp thời
Bệnh về hệ thần kinh

Nhận biết sớm các dấu hiệu đột quỵ để xử trí kịp thời

Các dấu hiệu bệnh đa xơ cứng bạn cần cảnh giác Các dấu hiệu bệnh đa xơ cứng bạn cần cảnh giác
Bệnh về hệ thần kinh

Các dấu hiệu bệnh đa xơ cứng bạn cần cảnh giác

Bệnh đa xơ cứng có chữa được không và điều trị thế nào? Bệnh đa xơ cứng có chữa được không và điều trị thế nào?
Bệnh về hệ thần kinh

Bệnh đa xơ cứng có chữa được không và điều trị thế nào?

Các chuyên mục khác

Email

Liên hệ chung
hello@bowtie.com.vn
Liên hệ về truyền thông
media@bowtie.com.vn
Liên hệ hợp tác
partners@bowtie.com.vn

© 2024 Bản quyền thuộc Bowtie Vietnam Company Limited.

Trình duyệt của bạn đã xảy ra lỗi. Để trải nghiệm tốt hơn, vui lòng nâng cấp hoặc thay đổi trình duyệt khác. OK