Ung thư
Ung thư

Tầm soát ung thư vòm họng định kỳ để phát hiện bệnh sớm

Việc phát hiện ung thư vòm họng sớm, khi khối u còn nhỏ và chưa lây lan sẽ giúp người bệnh có cơ hội điều trị thành công và tiên lượng sống tốt hơn. Vì vậy, nếu thuộc nhóm đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao, bạn hãy chủ động tầm soát ung thư vòm họng định kỳ để kịp thời phát hiện và có biện pháp can thiệp phù hợp.
Biên tập bởi Bowtie Việt Nam
Tham vấn y khoa/chuyên môn bởi Bác sĩ CKI Trần Kiến Bình
Ngày đăng 2023-03-30
Cập nhật ngày 2023-05-12
Nội dung chính
Vì sao cần tầm soát ung thư vòm họng?Đối tượng cần tầm soát ung thư vòm họng định kỳQuy trình tầm soát ung thư vòm họngTầm soát ung thư vòm họng ở đâu tốt?Chi phí tầm soát ung thư vòm họng là bao nhiêu tiền?
Tầm soát ung thư vòm họng định kỳ để phát hiện bệnh sớm

Vậy đâu là những đối tượng có nguy cơ cao bị ung thư vòm họng cần tiến hành sàng lọc định kỳ? Quy trình tầm soát ung thư vòm họng như thế nào? Khám tầm soát ung thư vòm họng ở đâu tốt? Gói tầm soát ung thư vòm họng bao nhiêu tiền? Trong bài viết này, Website Bowtie sẽ giải đáp tất cả những câu hỏi kể trên. Bạn hãy dành vài phút theo dõi để “bỏ túi” cho mình một vài thông tin hữu ích nhé! 

Vì sao cần tầm soát ung thư vòm họng?

Tầm soát, sàng lọc ung thư vòm họng được hiểu là việc thực hiện các xét nghiệm, thăm khám chuyên sâu để phát hiện sớm bệnh ngay khi chưa có triệu chứng. 

Ung thư vòm họng là loại ung thư khá phổ biến ở các nước Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng. Ở giai đoạn đầu, bệnh thường không gây ra triệu chứng hoặc nếu có thì cũng là những triệu chứng không điển hình, dễ bị nhầm lẫn với các bệnh lý thông thường khác như nghẹt mũi, ù tai, nhức đầu, đau họng, có khối u ở cổ, nước bọt có máu, chảy máu cam… Do đó, nhiều trường hợp chỉ phát hiện bệnh khi ở giai đoạn muộn. Lúc này, việc điều trị đã trở nên khó khăn hơn. 

Chính vì vậy, việc tầm soát ung thư vòm họng định kỳ để phát hiện sớm bệnh đóng vai trò rất quan trọng. Nếu phát hiện sớm, khi khối u còn khu trú ở vòm họng, bệnh nhân có thể được điều trị dễ dàng, tỷ lệ sống sót tương đối sau 5 năm lên đến 82% (theo Hiệp hội Ung thư Mỹ). Ngoài ra, việc phát hiện bệnh sớm còn giúp ngăn ngừa biến chứng và làm giảm khả năng tái phát.

Đối tượng cần tầm soát ung thư vòm họng định kỳ

Trên thực tế, ung thư vòm họng có thể xảy ra ở bất kỳ ai và ai cũng nên tiến hành tầm soát căn bệnh này. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, những đối tượng có nguy cơ cao bị ung thư vòm họng sau đây nên tiến hành tầm soát ung thư vòm họng định kỳ ít nhất một lần mỗi năm:

  • Người nhiễm virus Epstein – Barr (EBV) hoặc virus gây u nhú ở người (Human papillomavirus – HPV)
  • Người mắc các bệnh mạn tính đường mũi họng như viêm họng mạn tính, viêm xoang mạn tính… 
  • Người hay tiếp xúc với bụi gỗ, khói, formaldehyde, hóa chất độc hại… 
  • Người hút nhiều thuốc lá, lạm dụng rượu bia, có chế độ ăn nhiều thịt cá ướp muối, đồ lên men, thiếu trái cây và rau xanh
  • Người có tiền sử ung thư hoặc tiền sử gia đình mắc ung thư vòm họng
  • Người mắc các hội chứng suy giảm miễn dịch như người cấy ghép nội tạng, bệnh nhân mắc HIV/AIDS…

Quy trình tầm soát ung thư vòm họng

Quy trình khám tầm soát ung thư vòm họng sẽ bao gồm các kiểm tra, xét nghiệm sau:

1. Khám lâm sàng

Thông thường, quá trình tầm soát ung thư vòm họng sẽ bắt đầu từ việc khám lâm sàng. Theo đó, bác sĩ thường hỏi bạn về bệnh sử, tiền sử cũng như các thói quen sinh hoạt hằng ngày. Tiếp theo, bác sĩ sẽ tiến hành khám lâm sàng cho bạn. 

Với ung thư vòm họng, bác sĩ tập trung kiểm tra khu vực họng cũng như đầu – cổ, bao gồm mũi, miệng, cổ họng, lưỡi, tai, cơ mặt và cả các hạch bạch huyết ở cổ. Việc thăm khám này sẽ giúp phát hiện ra một số triệu chứng bất thường cảnh báo ung thư vòm họng, đặc biệt là tình trạng sưng hạch bạch huyết hoặc xuất hiện các khối u bất thường ở vùng họng. 

2. Xét nghiệm máu

Sau khi khám lâm sàng, bạn thường sẽ được thực hiện xét nghiệm máu. Xét nghiệm máu giúp phát hiện ra một số bất thường trong hoạt động của cơ thể. Ngoài ra, xét nghiệm tầm soát ung thư vòm họng này cũng giúp bác sĩ xác định các kháng nguyên hay kháng thể của EBV, HPV, từ đó biết được bạn có đang nhiễm các loại virus này hay không. Thêm vào đó, bác sĩ cũng có thể thực hiện các phản ứng huyết thanh như IgA/EA, IgA/EBNA, IgA/VCA.

3. Xét nghiệm hình ảnh

Các xét nghiệm hình ảnh như X-quang, siêu âm, chụp cắt lớp vi tính (CT), chụp cộng hưởng từ (MRI), chụp cắt lớp phát xạ positron (PET), xạ hình xương… sẽ được thực hiện để giúp bác sĩ quan sát hình ảnh bên trong vòm họng cũng như các khu vực khác nhằm tìm kiếm khối u. Phương pháp này không chỉ giúp phát hiện ung thư vòm họng mà còn cho biết bệnh đã xâm lấn, di căn hay chưa.  

4. Nội soi tai mũi họng

Nội soi tai mũi họng là kiểm tra tiếp theo mà bạn có thể được chỉ định. Với phương pháp này, bác sĩ sẽ đưa một ống mỏng, nhẹ, linh hoạt có gắn máy quay và đèn thông qua mũi hoặc miệng để vào vòm họng. Hình ảnh từ máy quay sẽ được đưa lên màn hình để giúp bác sĩ quan sát bên trong vòm họng và tìm kiếm những biểu hiện bất thường. Trong quá trình nội soi, nếu nhận thấy những vị trí nghi ngờ có khối u, bác sĩ có thể loại bỏ một mẫu mô nhỏ tại vị trí này để tiến hành sinh thiết. 

5. Sinh thiết

Trong quá trình nội soi, nếu nhận thấy những vị trí nghi ngờ, bác sĩ sẽ loại bỏ một mẫu mô nhỏ tại đây. Sau đó, mẫu mô này được đưa đến phòng thí nghiệm để tiến hành quan sát dưới kính hiển vi nhằm tìm kiếm tế bào ung thư cũng như thực hiện thêm các kiểm tra tế bào học, di truyền khác nếu cần thiết. Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể chọc hút hạch làm tế bào học hoặc sinh thiết hạch ở cổ nếu các kiểm tra, xét nghiệm khác cho kết quả bất thường hoặc không rõ ràng.

Xét nghiệm tầm soát ung thư vòm họng
Xét nghiệm máu giúp tầm soát ung thư vòm họng.

Tầm soát ung thư vòm họng ở đâu tốt?

Hiện có rất nhiều bệnh viện trên toàn quốc triển khai các chương trình sàng lọc ung thư vòm họng. Trong đó, một số địa chỉ tốt, uy tín mà bạn có thể tham khảo là:

  • Bệnh viện Bạch Mai: Số 78 Giải Phóng, Phường Phương Mai, Quận Đống Đa, Hà Nội
  • Bệnh viện K: 
    • Cơ sở 1: Số 43 Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội (đang sửa chữa) và số 9A – 9B Phan Chu Trinh, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội 
    • Cơ sở 2: Tựu Liệt, Phường Tam Hiệp, Quận Thanh Trì, Hà Nội
    • Cơ sở 3: Số 30 Cầu Bươu, Phường Tân Triều, Quận Thanh Trì, Hà Nội
  • Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương: Số 78 Giải Phóng, Phường Phương Mai, Quận Đống Đa, Hà Nội
  • Bệnh viện Trung ương Quân đội 108: Số 1 Trần Hưng Đạo, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
  • Bệnh viện Ung bướu TP. HCM: 
    • Cơ sở 1: Số 3 Nơ Trang Long, Phường 7, Quận Bình Thạnh, TP. HCM hoặc số 6 (số 47) Nguyễn Huy Lượng, Phường 14, Quận Bình Thạnh, TP. HCM
    • Cơ sở 2: Đường 400, Ấp Cây Dầu, Phường Tân Phú, Quận 9, TP. HCM
  • Bệnh viện Đại học Y Dược TP. HCM: 
    • Cơ sở 1: 215 Hồng Bàng, Phường 11, Quận 5, TP. HCM
    • Cơ sở 2: 201 Nguyễn Chí Thanh, Phường 12, Quận 5, TP. HCM
    • Cơ sở 3: 221B Hoàng Văn Thụ, Phường 8, Quận Phú Nhuận, TP. HCM
  • Bệnh viện Tai Mũi Họng Sài Gòn: Số 1 – 3 Trịnh Văn Cấn, Phường Cầu Ông Lãnh, Quận 1, TP. HCM

Chi phí tầm soát ung thư vòm họng là bao nhiêu tiền?

“Gói tầm soát ung thư vòm họng giá bao nhiêu tiền?” là thắc mắc thường gặp của nhiều người khi cân nhắc về việc thực hiện quy trình này. Chi phí tầm soát ung thư vòm họng ở mỗi bệnh viện là khác nhau. Dưới đây là bảng giá gói tầm soát ung thư vòm họng ở một số bệnh viện mà bạn có thể tham khảo:

  • Bệnh viện K: Mức phí sàng lọc ung thư vòm họng là 1.850.000 đồng
  • Bệnh viện Bạch Mai: Mức phí tầm soát các loại ung thư đầu cổ là 1.500.000 đồng
  • Bệnh viện Tai Mũi Họng Sài Gòn: Mức phí là 1.950.000 đồng
  • Bệnh viện Đại học Y Dược TP. HCM: Mức phí tầm soát cho cả nam và nữ là 850.000 đồng

Tuy nhiên, bạn cần lưu ý rằng giá tiền tầm soát ung thư vòm họng kể trên chỉ mang tính chất tham khảo. Đồng thời, mỗi gói tầm soát của từng bệnh viện sẽ bao gồm các kiểm tra, xét nghiệm khác nhau. Để biết thêm thông tin chính xác, bạn cần liên hệ trực tiếp đến bệnh viện.

Trên đây là một số chia sẻ của Bowtie về việc tầm soát ung thư vòm họng. Nếu bạn thuộc nhóm đối tượng có nguy cơ bị ung thư vòm họng cao, hãy tiến hành tầm soát ngay hôm nay để ngăn ngừa ung thư vòm họng cũng như kịp thời phát hiện bệnh và có biện pháp can thiệp phù hợp.

Chia sẻ
Các thông tin trên được chia sẻ bởi Bowtie Việt Nam. Các nội dung này chỉ mang tính chất tham khảo. Trong mọi trường hợp, Bowtie không chịu trách nhiệm về bất kỳ tổn thất hoặc thiệt hại nào, dù là trực tiếp hay gián tiếp, liên quan đến việc truy cập và sử dụng nội dung của Bowtie.

Bài viết liên quan

Trước và sau tiêm phòng ung thư cổ tử cung cần kiêng gì? Trước và sau tiêm phòng ung thư cổ tử cung cần kiêng gì?
Ung thư

Trước và sau tiêm phòng ung thư cổ tử cung cần kiêng gì?

8 dấu hiệu cảnh báo sớm ung thư đại tràng mà bạn nên biết 8 dấu hiệu cảnh báo sớm ung thư đại tràng mà bạn nên biết
Ung thư

8 dấu hiệu cảnh báo sớm ung thư đại tràng mà bạn nên biết

Ung thư tinh hoàn - căn bệnh nguy hiểm của Ung thư tinh hoàn - căn bệnh nguy hiểm của
Ung thư

Ung thư tinh hoàn - căn bệnh nguy hiểm của "phái mạnh"

Các chuyên mục khác

Email

Liên hệ chung
hello@bowtie.com.vn
Liên hệ về truyền thông
media@bowtie.com.vn
Liên hệ hợp tác
partners@bowtie.com.vn

© 2024 Bản quyền thuộc Bowtie Vietnam Company Limited.

Trình duyệt của bạn đã xảy ra lỗi. Để trải nghiệm tốt hơn, vui lòng nâng cấp hoặc thay đổi trình duyệt khác. OK