Bệnh tim mạch
Bệnh tim mạch

Tăng huyết áp tâm trương có nguy hiểm không? Làm sao để điều trị?

Tăng huyết áp tâm trương trên 90mmHg là một dạng của bệnh lý tăng huyết áp. Dựa theo mức độ tăng cao của chỉ số huyết áp mà bệnh nhân có thể đối mặt với sự ảnh hưởng từ nhẹ cho đến rất nghiêm trọng. Điều này khiến nhiều người thường lo lắng tìm kiếm một số biện pháp để điều trị tăng huyết áp tâm trương.
Biên tập bởi Bowtie Việt Nam
Ngày đăng 2023-04-21
Cập nhật ngày 2023-05-08
Nội dung chính
Huyết áp tâm trương tăng cao có nguy hiểm không?Huyết áp tâm trương cao bao nhiêu thì nguy hiểm?Vì sao huyết áp tâm trương lại tăng cao?Biểu hiện của tăng huyết áp tâm trươngPhương pháp kiểm soát, điều trị tăng huyết áp tâm trương hiệu quảCách ngăn ngừa tăng huyết áp tâm trương
Tăng huyết áp tâm trương có nguy hiểm không? Làm sao để điều trị?

Để biết thêm thông tin về tình trạng tăng huyết áp tâm trương (kết hợp hoặc đơn độc) là gì, cũng như huyết áp tâm trương cao bao nhiêu thì nguy hiểm và một số phương pháp điều trị có thể được áp dụng, mời bạn hãy cùng Website Bowtie theo dõi nội dung bài viết dưới đây nhé!

Huyết áp tâm trương tăng cao có nguy hiểm không?

Huyết áp không được kiểm soát tốt nói chung là một vấn đề tim mạch rất đáng lo ngại. Bởi vì tình trạng này có khả năng dẫn đến nhiều ảnh hưởng xấu đối với sức khỏe, thậm chí là đe dọa tính mạng người bệnh. Theo đó, người bị tăng huyết áp tâm trương thường có nhiều nguy cơ gặp phải một số biến chứng như:

  • Phình động mạch chủ bụng: Huyết áp tâm trương tăng cao được cho là yếu tố có thể dẫn đến tình trạng phình tách động mạch chủ bụng. Nếu không được xử lý thích hợp, khối phình có thể ngày càng to lên và vỡ ra, gây mất máu trầm trọng, đôi khi dẫn đến tử vong.
  • Sa sút trí tuệ: Một số nghiên cứu cho thấy, những người bị tăng huyết áp tâm trương, đặc biệt từ 45 tuổi trở lên, thường gặp phải các vấn đề về nhận thức bao gồm trí nhớ kém, thiếu phán đoán, giảm chú ý, rối loạn ngôn ngữ, khó nói, chậm suy nghĩ… 
  • Đột quỵ: Tăng huyết áp tâm trương cũng làm tăng khả năng đột quỵ ở người mắc bệnh. Nguyên nhân có thể đến từ sự tắc nghẽn hoặc vỡ động mạch. Hậu quả là tế bào não bị thiếu oxy và chết đi, từ đó gây ra các khuyết tật tạm thời hoặc vĩnh viễn. Trường hợp nguy hiểm nhất có thể dẫn đến tử vong.
  • Bệnh thận mạn tính: Người bị tăng huyết áp tâm trương có nguy cơ mắc bệnh thận mạn tính cao hơn người bình thường.
  • Bệnh tim mạch: Huyết áp tâm trương cao cũng làm tăng nguy cơ dẫn đến một số biến cố tim mạch khác, chẳng hạn như nhồi máu cơ tim, đau thắt ngực, suy tim, rung tâm nhĩ, hẹp động mạch cảnh, phì đại tâm thất trái…

Huyết áp tâm trương cao bao nhiêu thì nguy hiểm?

Để đánh giá tình trạng huyết áp của một người cần căn cứ vào cả 2 chỉ số là huyết áp tâm thu và huyết áp tâm trương. Trong đó, chỉ số huyết áp tâm thu và tâm trương bình thường được mô tả như sau:

  • Huyết áp tâm thu: 120 – 129mmHg; đạt tối ưu khi < 120mmHg
  • Huyết áp tâm trương: 80 – 84mmHg; đạt tối ưu khi < 80mmHg

Huyết áp tâm trương được xem là cao và có nhiều nguy cơ gây ảnh hưởng đến sức khỏe nếu đạt đến mức được chẩn đoán là tăng huyết áp. Bệnh nhân tăng huyết áp sẽ có chỉ số huyết áp tâm trương nằm ở mức ≥ 90 mmHg sau khi thực hiện đo theo đúng quy trình. 

Tình trạng tăng huyết áp tâm trương có thể đi kèm hoặc không đi kèm với tăng huyết áp tâm thu. Nếu huyết áp tâm trương tăng mà huyết áp tâm thu vẫn ở mức cho phép thì tình trạng này được gọi là tăng huyết áp tâm trương đơn độc.

Bên cạnh đó, hầu hết các bác sĩ đều cảnh báo về mức độ nguy hiểm của tình trạng tăng huyết áp kịch phát, xảy ra khi huyết áp tâm trương vượt quá 120mmHg. Mặc dù vậy, đến hiện nay, các chuyên gia y tế vẫn chưa có đầy đủ thông tin để khẳng định huyết áp tâm trương cao nhất là bao nhiêu. 

Tăng huyết áp tâm trương bao nhiêu thì nguy hiểm?
Đột quỵ ở người lớn tuổi là một biến chứng nguy hiểm của tình trạng tăng huyết áp tâm trương.

Vì sao huyết áp tâm trương lại tăng cao?

Trong phần lớn các trường hợp, nguyên nhân tăng huyết áp tâm trương thường không được chẩn đoán rõ ràng. Ở những bệnh nhân còn lại, cơ chế dẫn đến tăng huyết áp tâm trương có thể bao gồm sự kết hợp của nhiều yếu tố khác nhau, phổ biến trong đó là do:

  • Bệnh lý của cơ thể: Bệnh thận cấp hoặc mạn tính, hẹp động mạch thận, u tủy thượng thận, hội chứng Conn, hội chứng Cushing, bệnh lý ở tuyến giáp/tuyến cận giáp/tuyến yên, hẹp eo động mạch chủ, bệnh Takayasu, chứng ngưng thở khi ngủ, nhiễm độc thai nghén, đái tháo đường… có thể là nguyên nhân gây tăng huyết áp tâm trương. 
  • Sử dụng thuốc: Một số loại thuốc có liên quan đến tăng huyết áp tâm trương có thể kể đến như thuốc kháng viêm không steroid (NSAID), corticoid, thuốc tránh thai, thuốc nhỏ mũi, thuốc chống trầm cảm, thuốc điều trị chứng loạn thần…
  • Các yếu tố nguy cơ: Tăng huyết áp tâm trương dễ dàng gặp phải ở những người thường xuyên có chế độ ăn uống nhiều muối, béo phì, ít hoạt động thể chất, nghiện rượu, hút thuốc lá, stress, lo lắng, căng thẳng tâm lý…

Bài viết liên quan:

Biểu hiện của tăng huyết áp tâm trương

Đôi khi, một số bệnh nhân có huyết áp tâm trương tăng cao (thậm chí trên 100mmHg) nhưng lại không phát triển bất kỳ triệu chứng nào đáng kể. Trong khi một số trường hợp khác có khả năng gặp phải các biểu hiện của tăng huyết áp, bao gồm:

  • Đau nhức đầu
  • Chóng mặt, ù tai
  • Xuất hiện tia máu, vệt máu trong mắt
  • Tim đập bất thường
  • Cảm giác nhói ngực
  • Chảy máu cam
  • Mệt mỏi, buồn nôn
  • Toát mồ hôi
  • Mặt đỏ bừng
  • Run cơ
  • Thay đổi tâm trạng, hay lo lắng

Phương pháp kiểm soát, điều trị tăng huyết áp tâm trương hiệu quả

Tăng huyết áp là bệnh lý mạn tính cần theo dõi lâu dài. Do đó, mục đích chính của việc điều trị là tìm cách để kiểm soát và duy trì chỉ số huyết áp tâm trương ở giới hạn < 90mmHg. Đối với bệnh nhân có nhiều nguy cơ xuất hiện biến chứng, huyết áp tâm trương mục tiêu cần đạt là < 80mmHg để dự phòng tối đa các tình huống nguy hiểm.

Thông thường, bệnh nhân tăng huyết áp sẽ được bác sĩ yêu cầu phải thay đổi lối sống. Việc này sẽ giúp quá trình kiểm soát và điều trị tăng huyết áp tâm trương đạt hiệu quả tốt hơn, góp phần ngăn chặn các biến chứng xấu có thể xảy ra. Một số biện pháp nên thực hiện để xây dựng lối sống lành mạnh, giúp cải thiện huyết áp là:

  • Giảm bớt lượng muối trong khẩu phần ăn hằng ngày, bổ sung các loại thực phẩm chứa kali, tránh ăn đồ nhiều dầu mỡ…
  • Lên kế hoạch giảm cân nếu cần thiết, tốt nhất hãy kiểm soát chỉ số khối cơ thể trong khoảng 18,5 đến 22,9kg/m2. Đặc biệt, số đo vòng bụng của nam giới nên nhỏ hơn 90cm và ở nữ là 80cm.
  • Nếu không thể hạn chế hoàn toàn bia rượu, hãy cố gắng sử dụng ở mức độ cho phép. Cụ thể, nam giới không nên uống nhiều hơn 3 ly chuẩn mỗi ngày và giới hạn này đối với phụ nữ là 2 ly. Trong đó, một ly chuẩn sẽ bằng 330ml bia, 120ml rượu vang hoặc 30ml rượu mạnh.
  • Ngừng hút thuốc
  • Tích cực vận động khoảng 30 – 60 phút mỗi ngày để tăng cường hoạt động thể chất
  • Kiểm soát tâm trạng, tránh tình trạng lo âu kéo dài

Nếu huyết áp vẫn tiếp tục tăng, bác sĩ sẽ bắt đầu sử dụng thuốc kê đơn để điều trị cho bệnh nhân. Vậy huyết áp tâm trương cao cần uống thuốc gì? Tùy theo tình trạng thực tế của người bệnh mà bác sĩ có thể chỉ định một thuốc duy nhất hoặc phối hợp nhiều loại thuốc dưới đây với nhau:

  • Thuốc lợi tiểu như hydrochlorothiazide, indapamide, furosemide, spironolactone…
  • Thuốc ức chế men chuyển (ACE) như captopril, enalapril, imidapril, lisinopril, perindopril, quinapril, ramipril…
  • Thuốc ức chế thụ thể của angiotensin II (ARB) như candesartan, irbesartan, losartan, telmisartan, valsartan…
  • Thuốc chẹn kênh canxi (CCB) như amlodipine, felodipine, diltiazem, verapamil…
  • Thuốc chẹn beta, chẳng hạn như propranolol, atenolol, bisoprolol, metoprolol, labetalol, carvedilol…
  • Thuốc chẹn alpha như doxazosin, prazosin 
  • Thuốc tác động lên hệ thần kinh trung ương như clonidine, methyldopa
  • Thuốc giãn mạch trực tiếp, chẳng hạn như hydralazine

Các thuốc điều trị tăng huyết áp tâm trương đa phần được sử dụng theo đường uống mỗi ngày. Tiêm thuốc qua đường tĩnh mạch chỉ thực hiện đối với trường hợp khẩn cấp, cần nhanh chóng đưa huyết áp trở về mức bình thường để cứu sống bệnh nhân.

Phương pháp kiểm soát, điều trị tăng huyết áp tâm trương hiệu quả
Điều trị tăng huyết áp tâm trương bằng phương pháp dùng thuốc.

Cách ngăn ngừa tăng huyết áp tâm trương

Ngoại trừ các trường hợp tăng huyết áp vì những lý do không thể kiểm soát được, bạn có thể lên kế hoạch để phòng ngừa huyết áp tâm trương tăng cao bằng những cách sau đây:

  • Xây dựng chế độ ăn uống cân đối: Tránh sử dụng thức ăn quá mặn, ưu tiên nhiều loại rau củ xanh và hoa quả tươi để bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng cho cơ thể.
  • Duy trì cân nặng lý tưởng, tránh thừa cân hoặc béo phì
  • Vận động thường xuyên: Dành ít nhất 30 phút mỗi ngày để tham gia các hoạt động luyện tập thể dục nhẹ nhàng như đi bộ, đạp xe đạp, đánh cầu lông…
  • Kiểm soát các loại thức uống đưa vào cơ thể: Tiêu thụ quá nhiều bia rượu hoặc caffeine (trà, cà phê…) có thể thúc đẩy nguy cơ tăng huyết áp tâm trương.
  • Tránh xa thuốc lá: Hút thuốc lá làm tăng rủi ro xảy ra các biến chứng tim mạch nghiêm trọng liên quan đến tăng huyết áp, đặc biệt là cơn nhồi máu cơ tim và đột quỵ.
  • Cân bằng sức khỏe thể chất và tinh thần để tránh áp lực lên tim: Chú ý giữ ấm cơ thể, tránh để bị lạnh đột ngột, đảm bảo cơ thể được nghỉ ngơi và thư giãn, ngủ đủ giấc, giải tỏa cảm xúc tiêu cực, loại bỏ căng thẳng để tránh gây áp lực lên tim và mạch máu.

Như vậy, bài viết đã phần nào giúp bạn hiểu được tăng huyết áp tâm trương là gì và có nguy hiểm không, cũng như cách điều trị như thế nào. Qua đó, hy vọng các thông tin này có thể góp phần vào công cuộc bảo vệ sức khỏe của bạn. Trường hợp có bất kỳ dấu hiệu nào của bệnh tăng huyết áp, bạn đừng ngần ngại mà hãy đến gặp bác sĩ càng sớm càng tốt nhé!

Chia sẻ
Các thông tin trên được chia sẻ bởi Bowtie Việt Nam. Các nội dung này chỉ mang tính chất tham khảo. Trong mọi trường hợp, Bowtie không chịu trách nhiệm về bất kỳ tổn thất hoặc thiệt hại nào, dù là trực tiếp hay gián tiếp, liên quan đến việc truy cập và sử dụng nội dung của Bowtie.

Bài viết liên quan

Những điều bạn cần biết về viêm cơ tim Những điều bạn cần biết về viêm cơ tim
Bệnh tim mạch

Những điều bạn cần biết về viêm cơ tim

Bệnh nhồi máu cơ tim là gì mà nguy hiểm đến vậy? Bệnh nhồi máu cơ tim là gì mà nguy hiểm đến vậy?
Bệnh tim mạch

Bệnh nhồi máu cơ tim là gì mà nguy hiểm đến vậy?

Rối loạn nhịp tim: Nhịp tim bất thường ảnh hưởng đến sức khỏe Rối loạn nhịp tim: Nhịp tim bất thường ảnh hưởng đến sức khỏe
Bệnh tim mạch

Rối loạn nhịp tim: Nhịp tim bất thường ảnh hưởng đến sức khỏe

Các chuyên mục khác

Email

Liên hệ chung
hello@bowtie.com.vn
Liên hệ về truyền thông
media@bowtie.com.vn
Liên hệ hợp tác
partners@bowtie.com.vn

© 2024 Bản quyền thuộc Bowtie Vietnam Company Limited.

Trình duyệt của bạn đã xảy ra lỗi. Để trải nghiệm tốt hơn, vui lòng nâng cấp hoặc thay đổi trình duyệt khác. OK