Bảo hiểm Nhà nước
Bảo hiểm Nhà nước

Thời gian hưởng chế độ thai sản là bao lâu?

Thời gian hưởng chế độ thai sản cho từng trường hợp khác nhau sẽ không giống nhau. Hiểu rõ cách tính thời gian nghỉ thai sản sẽ giúp bạn nhận được quyền lợi tối đa từ chế độ này.
Biên tập bởi Bowtie Việt Nam
Ngày đăng 2022-10-13
Cập nhật ngày 2023-05-15
Nội dung chính
Thời gian hưởng chế độ thai sản khi khám thaiThời gian hưởng chế độ thai sản khi sẩy thai, hút thai, thai chết lưu hoặc phá thai bệnh lýThời gian hưởng chế độ khi sinh conThời gian hưởng chế độ thai sản của lao động nữ mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộThời gian hưởng chế độ khi nhận con nuôiThời gian hưởng chế độ khi thực hiện các biện pháp tránh thai

Thời gian hưởng chế độ thai sản là bao lâu?

Vậy thời gian hưởng chế độ thai sản là bao lâu? Người lao động sẽ được nghỉ bao nhiêu ngày trong từng trường hợp cụ thể? Mời bạn cùng Bowtie tìm hiểu thêm trong bài viết này nhé.

Thời gian hưởng chế độ thai sản khi khám thai

Theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội, trong thời gian mang thai, lao động nữ sẽ được nghỉ việc để đi khám thai 5 lần, mỗi lần 1 ngày. Trong trường hợp ở xa cơ sở khám chữa bệnh hoặc người mang thai có bệnh lý, thai không bình thường thì sẽ được nghỉ 2 ngày cho mỗi lần khám thai. Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản lúc này được tính theo ngày làm việc không kể ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần.

Thời gian hưởng chế độ thai sản khi sẩy thai, hút thai, thai chết lưu hoặc phá thai bệnh lý

Khi sẩy thai, nạo thai, hút thai, thai chết lưu hoặc phá thai bệnh lý thì lao động nữ sẽ được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản theo chỉ định của cơ sở khám chữa bệnh có thẩm quyền. Tuy nhiên, thời gian nghỉ việc tối đa không quá thời gian được quy định, bao gồm:

  • 10 ngày nếu thai dưới 5 tuần tuổi
  • 20 ngày nếu thai từ 5 tuần tuổi đến dưới 13 tuần tuổi
  • 40 ngày nếu thai từ 13 tuần tuổi đến dưới 25 tuần tuổi
  • 50 ngày nếu thai từ 25 tuần tuổi trở lên

Khác với khi khám thai, thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản khi sẩy thai, hút thai, thai chết lưu hoặc phá thai bệnh lý có tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần.

Bài viết liên quan:

Thời gian hưởng chế độ khi sinh con

Lao động nữ khi sinh con sẽ được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản 6 tháng. Trong đó, bạn có thể phân bố thời gian để nghỉ trước hoặc sau khi sinh, tuy nhiên thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản trước khi sinh tối đa không quá 2 tháng. Trường hợp sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ hai trở đi, cứ mỗi con, người mẹ được nghỉ thêm 1 tháng. 

Không chỉ lao động nữ, lao động nam đang đóng bảo hiểm xã hội cũng được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản khi vợ sinh con như sau:

  • 5 ngày làm việc với các trường hợp thông thường
  • 7 ngày làm việc khi vợ sinh con phải phẫu thuật, sinh con dưới 32 tuần tuổi
  • Trường hợp vợ sinh đôi thì được nghỉ 10 ngày làm việc, từ sinh ba trở lên thì cứ thêm mỗi con được nghỉ thêm 3 ngày làm việc
  • Trường hợp vợ sinh đôi trở lên mà phải phẫu thuật thì được nghỉ 14 ngày làm việc
  • Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản của lao động nam sẽ được tính trong khoảng thời gian 30 ngày đầu kể từ ngày vợ sinh con.
Thời gian hưởng chế độ thai sản khi sinh con
Lao động nam đang tham gia bảo hiểm xã hội cũng sẽ được hưởng chế độ thai sản khi vợ sinh con.

Trường hợp sau khi sinh con, nếu con dưới 2 tháng tuổi bị chết thì mẹ được nghỉ việc 4 tháng tính từ ngày sinh con. Nếu con từ 2 tháng tuổi trở lên bị chết thì mẹ được nghỉ việc 2 tháng tính từ ngày con chết nhưng thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản không vượt quá 6 tháng (hoặc hơn nếu sinh đôi trở lên). Thời gian này không tính vào thời gian nghỉ việc riêng theo quy định của pháp luật về lao động.

Trường hợp chỉ có mẹ tham gia bảo hiểm xã hội hoặc cả bố và mẹ đều tham gia bảo hiểm xã hội mà mẹ chết sau khi sinh con thì bố hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng em bé sẽ được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản đối với thời gian còn lại của người mẹ. Trường hợp mẹ tham gia bảo hiểm xã hội nhưng chưa đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản (đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc chưa đủ 6 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc chưa đủ 3 tháng đối với người phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám chữa bệnh có thẩm quyền) mà chết thì bố hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng em bé sẽ được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản cho đến khi bé đủ 6 tháng tuổi.

Trường hợp bố hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng em bé tham gia bảo hiểm xã hội mà không nghỉ việc theo quy định như trên thì ngoài tiền lương còn được hưởng chế độ thai sản đối với thời gian còn lại của mẹ. Trường hợp chỉ có bố tham gia bảo hiểm xã hội mà mẹ chết sau khi sinh con hoặc gặp rủi ro sau khi sinh dẫn đến không còn đủ sức khỏe để chăm sóc con theo xác nhận của cơ sở khám chữa bệnh có thẩm quyền thì bố được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản cho đến khi con đủ 6 tháng tuổi.

Thời gian hưởng chế độ thai sản khi sinh con sẽ tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần.

Thời gian hưởng chế độ thai sản của lao động nữ mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ

Lao động nữ mang thai hộ được hưởng chế độ khi khám thai, sẩy thai, nạo thai, hút thai, thai chết lưu hoặc phá thai bệnh lý và chế độ khi sinh con cho đến thời điểm giao đứa trẻ cho người mẹ nhờ mang thai hộ nhưng không vượt quá 6 tháng (hoặc hơn nếu sinh đôi trở lên). Trong trường hợp kể từ ngày sinh đến thời điểm giao đứa trẻ mà thời gian hưởng chế độ thai sản chưa đủ 60 ngày thì người mang thai hộ vẫn được hưởng chế độ thai sản cho đến khi đủ 60 ngày tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần. Đối với người mẹ nhờ mang thai hộ, bạn sẽ được hưởng chế độ thai sản từ thời điểm nhận con cho đến khi con đủ 6 tháng tuổi.

Thời gian hưởng chế độ khi nhận con nuôi

Người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 6 tháng tuổi thì được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản cho đến khi con đủ 6 tháng tuổi. Trường hợp cả bố và mẹ cùng tham gia bảo hiểm xã hội đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản thì chỉ bố hoặc mẹ được nghỉ việc hưởng chế độ.

Thời gian hưởng chế độ khi thực hiện các biện pháp tránh thai

Khi thực hiện các biện pháp tránh thai thì người lao động được hưởng chế độ thai sản theo chỉ định của cơ sở khám chữa bệnh có thẩm quyền. Tuy nhiên, thời gian nghỉ việc tối đa không quá:

  • 7 ngày đối với lao động nữ đặt vòng tránh thai
  • 15 ngày đối với người lao động thực hiện biện pháp triệt sản

Thời gian hưởng chế độ thai sản khi thực hiện các biện pháp tránh thai sẽ tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần.

Hy vọng bài viết này Website Bowtie đã giúp bạn hiểu hơn về thời gian hưởng chế độ thai sản cũng như cách tính thời gian nghỉ thai sản. Bảo hiểm xã hội luôn tạo điều kiện để người lao động được hưởng chế độ tốt nhất, đặc biệt là khi mang thai, sinh nở và chăm sóc con. Vì vậy, bạn hãy lưu ý những quy định về thời gian hưởng chế độ thai sản để nhận được quyền lợi tốt nhất từ chế độ này nhé.

Chia sẻ
Các thông tin trên được chia sẻ bởi Bowtie Việt Nam. Các nội dung này chỉ mang tính chất tham khảo. Trong mọi trường hợp, Bowtie không chịu trách nhiệm về bất kỳ tổn thất hoặc thiệt hại nào, dù là trực tiếp hay gián tiếp, liên quan đến việc truy cập và sử dụng nội dung của Bowtie.

Bài viết liên quan

Chế độ thai sản là gì? Đối tượng áp dụng và điều kiện hưởng Chế độ thai sản là gì? Đối tượng áp dụng và điều kiện hưởng
Bảo hiểm Nhà nước

Chế độ thai sản là gì? Đối tượng áp dụng và điều kiện hưởng

Thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp có được cộng dồn không? Thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp có được cộng dồn không?
Bảo hiểm Nhà nước

Thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp có được cộng dồn không?

Mức hưởng chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp Mức hưởng chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp
Bảo hiểm Nhà nước

Mức hưởng chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp

Các chuyên mục khác

Email

Liên hệ chung
hello@bowtie.com.vn
Liên hệ về truyền thông
media@bowtie.com.vn
Liên hệ hợp tác
partners@bowtie.com.vn

© 2024 Bản quyền thuộc Bowtie Vietnam Company Limited.

Trình duyệt của bạn đã xảy ra lỗi. Để trải nghiệm tốt hơn, vui lòng nâng cấp hoặc thay đổi trình duyệt khác. OK