Các bệnh lý khác
Các bệnh lý khác

Kiểm tra ngay 8 triệu chứng cúm A ở trẻ em thường gặp, dễ phát hiện

Trẻ nhỏ rất dễ bị cúm A, nhất là các bé sơ sinh và dưới 5 tuổi. Trẻ em bị cúm A có khả năng phát triển nhiều biến chứng nặng hơn người lớn. Vì vậy, bố mẹ cần nằm lòng các triệu chứng cúm A ở trẻ em để kịp thời phát hiện và can thiệp, từ đó hạn chế tối đa rủi ro cho con.
Biên tập bởi Bowtie Việt Nam
Ngày đăng 2023-07-16
Cập nhật ngày 2023-07-16
Nội dung chính
Cúm A và những ảnh hưởng đến trẻ nhỏTriệu chứng, dấu hiệu cúm A thường gặp ở trẻ emLàm sao phân biệt giữa triệu chứng cảm lạnh và cúm A ở trẻ em?Những triệu chứng nguy hiểm bố mẹ cần cảnh giác
Kiểm tra ngay 8 triệu chứng cúm A ở trẻ em thường gặp, dễ phát hiện

Vậy triệu chứng của bệnh cúm A ở trẻ nhỏ là gì? Làm thế nào để phân biệt giữa những biểu hiện của cúm A ở trẻ em và cảm lạnh? Mời bạn dành vài phút cùng Bowtie theo dõi những chia sẻ bên dưới để có lời giải đáp cho những băn khoăn này nhé!

Cúm A và những ảnh hưởng đến trẻ nhỏ

Cúm A là bệnh lý nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính do các chủng virus cúm A gây ra như virus A/H1N1, A/H5N1, A/H7N9… Các chủng virus này lây lan rất nhanh nên dễ bùng phát thành dịch.

Virus cúm A là một trong những nguyên nhân gây ra dịch cúm hàng năm. Bệnh lý này rất hay xuất hiện vào thời điểm giao mùa và có các triệu chứng dễ gây nhầm lẫn với cảm lạnh. Tuy nhiên, nếu như cảm lạnh thường chỉ gây ra các biểu hiện nhẹ thì triệu chứng của cúm A lại khá nghiêm trọng và có nguy cơ dẫn đến các biến chứng nguy hiểm.

Trẻ nhỏ, nhất là các bé sơ sinh, là một trong những đối tượng dễ bị virus tấn công nhất do hệ miễn dịch vẫn còn non nớt. Không những vậy, với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, việc nhiễm cúm A có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm hơn người lớn, thậm chí tử vong. Trẻ càng nhỏ thì nguy cơ gặp biến chứng càng cao. Trẻ dưới 5 tuổi có nguy cơ biến chứng cao hơn so với trẻ lớn, trong đó trẻ dưới 2 tuổi có nguy cơ bị biến chứng cao nhất.

Nhiễm trùng xoang và viêm tai giữa là những biến chứng ở mức độ trung bình thường gặp do cúm A gây ra. Ngoài 2 biến chứng này, một biến chứng nguy hiểm khác mà trẻ có khả năng phải đối mặt là viêm phổi, thậm chí thiếu oxy và dẫn đến tử vong. Một số trường hợp, trẻ còn có nguy cơ gặp phải một số biến chứng nghiêm trọng khác như viêm cơ tim, viêm não, suy đa cơ quan… Ngoài ra, cúm A cũng có thể làm cho các bệnh lý khác trở nên nghiêm trọng hơn. Ví dụ, nếu trẻ mắc bệnh hen suyễn hoặc tim bẩm sinh thì cúm A có khả năng khiến các bệnh lý này trở nên nặng hơn. 

Chính vì vậy, bố mẹ cần cảnh giác và hiểu rõ về các triệu chứng cúm A ở trẻ em để kịp thời nhận biết và đưa trẻ đi khám nhằm giúp con được chẩn đoán và điều trị kịp thời, tránh tình trạng bệnh trở nặng và dẫn đến các biến chứng nguy hiểm.

Triệu chứng, dấu hiệu cúm A thường gặp ở trẻ em

Nếu bố mẹ đang tìm hiểu về dấu hiệu, biểu hiện nhận biết trẻ bị cúm A thì hãy xem ngay phần tiếp theo của bài viết nhé.  

Triệu chứng, biểu hiện của cúm A ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ

Các triệu chứng cúm A ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có thể có chút khác biệt so với triệu chứng của trẻ lớn bởi lúc này, trẻ chưa nói được hoặc thể hiện được cho bố mẹ biết. Dưới đây là 8 dấu hiệu của bệnh cúm A ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ mà bố mẹ cần cảnh giác:

1. Bú kém, bỏ bú

Như đã đề cập, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ không thể nói với bạn rằng bé đang cảm thấy mệt mỏi hay đau nhức. Thay vào đó, bé sẽ có các biểu hiện cho thấy điều này như bú ít hơn, gặp khó khăn khi bú… Vì vậy, bố mẹ sẽ cần chú ý theo dõi các thay đổi về việc bé bú mẹ hoặc bú bình bởi đây có thể là “manh mối” cho thấy bé không được khỏe.

2. Quấy khóc

Các triệu chứng do cúm A gây ra có thể khiến bé mệt mỏi và cảm thấy khó chịu trong người. Lúc này, bé sẽ thể hiện cho bố mẹ biết bằng cách quấy khóc nhiều hơn bình thường. Do đó, khi chăm sóc bé, bố mẹ cũng cần lưu ý biểu hiện này nhé!

Triệu chứng, dấu hiệu cúm A thường gặp ở trẻ em
Quấy khóc thường xuyên có thể là dấu hiệu cho thấy bé nhiễm cúm A mà bố mẹ cần cảnh giác.

3. Nôn ói hoặc tiêu chảy

Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có xu hướng bị nôn ói hoặc tiêu chảy khi mắc cúm A. Điều này khiến bé có nguy cơ mất nước rất cao. Ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, tình trạng mất nước có thể diễn ra nhanh chóng và dẫn đến nhiều ảnh hưởng nặng nề. Vì vậy, nếu bạn thấy trẻ tiểu ướt tã ít hơn bình thường, thóp mềm, khô miệng, mắt trũng sâu, tay chân lạnh hoặc đổi màu, da nhăn… thì hãy đưa trẻ đi khám sớm.

4. Sốt

Sốt cao là một triệu chứng cúm A phổ biến ở trẻ dưới 24 tháng tuổi. Trẻ có thể bị sốt cao đột ngột trên 38°C. Tuy nhiên, cũng có trường hợp trẻ không sốt nhưng vẫn bị cúm A.

5. Ho khan

Giống như người lớn, trẻ nhỏ mắc cúm A cũng có thể bị ho khan. Tình trạng ho thường nặng hơn vào ban đêm. Do đó, khi thấy bé có biểu hiện này thì bố mẹ cũng cần lưu ý và nên nghĩ đến nguyên nhân là do cúm A.

6. Chảy mũi, nghẹt mũi, khò khè

Bố mẹ cũng có thể nghi ngờ bé bị nhiễm cúm A nếu thấy con có các biểu hiện như chảy nước mũi, nghẹt mũi và hắt hơi. Đây cũng là những triệu chứng rất phổ biến của bệnh lý này do virus cúm A thường gây ảnh hưởng đến đường hô hấp trên.

7. Ớn lạnh, run người

Nếu bố mẹ tự hỏi “Trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ bị cúm A có triệu chứng gì?” thì ngoài các dấu hiệu kể trên, trẻ nhỏ bị nhiễm cúm A còn có biểu hiện ớn lạnh, run người (rét run), thường đi kèm với sốt. Khi chăm sóc bé, nếu thấy con có tình trạng này thì bố mẹ cần chú ý theo dõi nhé!

8. Lừ đừ, mệt mỏi, li bì

Cúm A không chỉ làm bé bú kém, bỏ bú, quấy khóc… mà các triệu chứng khó chịu của bệnh còn khiến trẻ mệt mỏi, ngủ nhiều, ít hoạt động. Bạn có thể thấy bé lừ đừ, mệt mỏi, khó chịu hơn so với bình thường. Lúc này, bố mẹ nên để trẻ nghỉ ngơi, ngủ nhiều hơn vì như vậy sẽ giúp cơ thể có thời gian “chữa lành”, hỗ trợ quá trình chống chọi với bệnh và phục hồi sức khỏe.

Dấu hiệu cúm A ở trẻ lớn

Ở trẻ lớn, bé đã có thể trò chuyện và cho bạn biết mình đang không khỏe ở đâu. Vì vậy, triệu chứng cúm A được ghi nhận ở trẻ lớn cũng có thể đa dạng hơn trẻ nhỏ, bao gồm:

  • Sốt cao đột ngột, kéo dài dù đã dùng thuốc hạ sốt
  • Cảm thấy mệt mỏi hơn bình thường, ngủ nhiều hơn và ít hoạt động hơn
  • Đau họng, ho khan
  • Hắt hơi, nghẹt mũi hoặc chảy nước mũi
  • Cảm thấy đau nhức cơ thể hoặc ớn lạnh, run rẩy
  • Nôn ói hoặc bị tiêu chảy
  • Thở nhanh, khó thở, thở khò khè
  • Đau đầu, đau tai hoặc cảm thấy đau ở vùng mặt
  • Chóng mặt, đi lại khó khăn
  • Chán ăn, ăn ít, bỏ bữa

Làm sao phân biệt giữa triệu chứng cảm lạnh và cúm A ở trẻ em?

Cảm lạnh và cúm A đều là những bệnh lý đường hô hấp phổ biến ở trẻ em. Cả 2 bệnh lý này có những biểu hiện khá giống nhau nên đôi lúc bố mẹ sẽ gặp khó khăn trong việc nhận biết bé đang mắc bệnh lý nào. Dưới đây là một số điểm khác biệt giữa triệu chứng của cúm A và cảm lạnh ở trẻ em mà bố mẹ cần lưu ý:

Triệu chứng Cảm lạnh

Cúm 

Mức độ khởi phát triệu chứng Từ từ Đột ngột
Sốt Hiếm gặp Phổ biến, kéo dài 3 – 4 ngày
Đau nhức cơ thể Nhẹ Phổ biến và thường nghiêm trọng
Ớn lạnh Không phổ biến Khá phổ biến
Mệt mỏi Thỉnh thoảng Luôn luôn
Hắt hơi Thường gặp Thỉnh thoảng
Khó chịu ở ngực, ho Nhẹ đến trung bình, thường là ho khan Phổ biến và thường nghiêm trọng
Chảy mũi Thường gặp Thỉnh thoảng
Đau họng Thường gặp Thỉnh thoảng
Đau đầu Hiếm gặp Phổ biến

Những triệu chứng nguy hiểm bố mẹ cần cảnh giác

Như đã đề cập ở trên, trẻ nhỏ bị cúm A có thể gặp phải nhiều biến chứng nguy hiểm, nhất là các bé dưới 5 tuổi. Do đó, trong quá trình chăm sóc, bố mẹ cần chú ý theo dõi sát sao các triệu chứng của con. Khi thấy bé có các biểu hiện nghiêm trọng sau thì cần đưa con đến bệnh viện ngay:

  • Thở nhanh hoặc khó thở
  • Môi hoặc mặt xanh, tím tái
  • Đau ngực, lồng ngực rút lõm vào sâu theo mỗi nhịp thở của trẻ
  • Đau cơ nghiêm trọng (trẻ không chịu đi)
  • Biểu hiện mất nước như không đi tiểu trong 8 giờ, khô miệng, không có nước mắt khi khóc, mắt trũng sâu…
  • Không tỉnh táo hoặc không có tương tác với bố mẹ, các vật xung quanh khi thức
  • Co giật
  • Trẻ mệt mỏi, ngủ li bì, khó đánh thức
  • Sốt trên 40°C mà không thể kiểm soát bằng thuốc hạ sốt
  • Trẻ dưới 12 tuần bị sốt
  • Tình trạng sốt hoặc ho có cải thiện nhưng sau đó trở lại hoặc trầm trọng hơn
  • Các bệnh lý trẻ mắc phải như hen suyễn trở nên nghiêm trọng hơn
  • Nôn ói nhiều, dai dẳng

Trên đây là một số triệu chứng cúm A ở trẻ em phổ biến mà bố mẹ cần lưu ý. Khi con có các biểu hiện nghi ngờ nhiễm cúm A, bố mẹ cần hạ sốt cho bé, đồng thời chú ý thực hiện các biện pháp giúp giảm triệu chứng ho, sổ mũi… Nếu bé bị nôn ói, tiêu chảy, cần chú ý bổ sung nước. Trường hợp các triệu chứng cúm A ở bé ngày một nghiêm trọng, không thuyên giảm hoặc bé còn quá nhỏ thì tốt nhất bạn nên đưa con đi khám. 

Chia sẻ
Các thông tin trên được chia sẻ bởi Bowtie Việt Nam. Các nội dung này chỉ mang tính chất tham khảo. Trong mọi trường hợp, Bowtie không chịu trách nhiệm về bất kỳ tổn thất hoặc thiệt hại nào, dù là trực tiếp hay gián tiếp, liên quan đến việc truy cập và sử dụng nội dung của Bowtie.

Bài viết liên quan

Viêm gan B có lây không và lây qua đường nào? Viêm gan B có lây không và lây qua đường nào?
Các bệnh lý khác

Viêm gan B có lây không và lây qua đường nào?

Mách bạn 9 cách giảm ngứa khi bị sốt xuất huyết hiệu quả ngay Mách bạn 9 cách giảm ngứa khi bị sốt xuất huyết hiệu quả ngay
Các bệnh lý khác

Mách bạn 9 cách giảm ngứa khi bị sốt xuất huyết hiệu quả ngay

Bệnh giang mai là gì? Dấu hiệu, phòng ngừa và cách điều trị Bệnh giang mai là gì? Dấu hiệu, phòng ngừa và cách điều trị
Các bệnh lý khác

Bệnh giang mai là gì? Dấu hiệu, phòng ngừa và cách điều trị

Các chuyên mục khác

Email

Liên hệ chung
hello@bowtie.com.vn
Liên hệ về truyền thông
media@bowtie.com.vn
Liên hệ hợp tác
partners@bowtie.com.vn

© 2024 Bản quyền thuộc Bowtie Vietnam Company Limited.

Trình duyệt của bạn đã xảy ra lỗi. Để trải nghiệm tốt hơn, vui lòng nâng cấp hoặc thay đổi trình duyệt khác. OK