Kiến thức sức khỏe
Kiến thức sức khỏe

Trời lạnh bị nghẹt mũi thường xuyên: Xử lý ngay với 6 mẹo đơn giản

Nhiều người cho biết rằng, cứ hễ trời lạnh là họ lại bị nghẹt mũi. Tình trạng trời lạnh bị nghẹt mũi thường không quá đáng ngại và có thể thuyên giảm khi bạn áp dụng một số cách chăm sóc tại nhà.
Biên tập bởi Bowtie Việt Nam
Ngày đăng 2023-05-21
Cập nhật ngày 2023-06-01
Nội dung chính
Tại sao trời lạnh lại khiến bạn bị nghẹt mũi?6 mẹo giúp giảm nghẹt mũi khi trời lạnh
Trời lạnh bị nghẹt mũi thường xuyên: Xử lý ngay với 6 mẹo đơn giản

Vậy tại sao trời lạnh lại khiến bạn dễ bị nghẹt mũi? Nếu bị ngạt mũi khi trời lạnh thì bạn có thể làm gì để giảm cảm giác khó chịu? Nếu cũng đang loay hoay tìm lời giải đáp cho những băn khoăn này, vậy thì bạn hãy xem ngay bài viết bên dưới của Bảo hiểm Bowtie nhé.

Tại sao trời lạnh lại khiến bạn bị nghẹt mũi?

Nếu thường xuyên bị nghẹt mũi khi trời lạnh, bạn không hề cô đơn. Bất kỳ ai cũng đều có thể bị ngứa mũi, nghẹt mũi khi trời lạnh, từ trẻ em, thanh thiếu niên cho đến người lớn tuổi. Tuy nhiên, thời tiết lạnh chỉ chiếm một phần nhỏ nguyên nhân gây nghẹt mũi. 

Thay vào đó, các điều kiện và yếu tố “đi đôi” với nó mới góp phần lớn vào việc khiến mũi bị tắc nghẽn. Dưới đây là một số nguyên nhân khiến nhiều người cứ trời lạnh là hay bị nhức mũi, nghẹt mũi:

  • Không khí khô khiến chất nhầy đặc lại: Khi trời trở lạnh, không khí cũng trở nên khô hơn. Điều này sẽ khiến cho lớp chất nhầy trong mũi bị khô và đặc lại, từ đó làm tăng khả năng tắc nghẽn và nhiễm trùng đường hô hấp. Ngoài ra, không khí lạnh, khô cũng có thể kích thích và làm các mạch máu trong mũi sưng lên. Điều này sẽ khiến bạn dễ bị nghẹt mũi hơn.
  • Dễ bị cảm lạnh và cúm hơn: Vào mùa lạnh, sức đề kháng có xu hướng giảm sút và bạn có nguy cơ bị nhiễm trùng nhiều hơn, nhất là các loại virus gây cảm lạnh và cúm. Đặc biệt, khi mắc phải, bệnh cũng thường kéo dài lâu hơn. Các tình trạng như cảm lạnh và cúm đều có thể gây tắc nghẽn, sưng và viêm ở đường hô hấp, từ đó dẫn đến nghẹt mũi.  
  • Nguy cơ tiếp xúc với các chất gây dị ứng trong nhà: Khi thời tiết lạnh, chúng ta có xu hướng dành nhiều thời gian ở trong nhà hơn là ngoài trời. Tuy nhiên, việc này vô tình tạo cơ hội để bạn tiếp xúc nhiều hơn với các chất gây dị ứng trong nhà như bụi bẩn, vảy da thú cưng, nấm mốc, mạt bụi… Các tác nhân gây dị ứng có thể tồn tại ở bất cứ đâu trong nhà và có khả năng kích hoạt phản ứng dị ứng, gây viêm mũi dị ứng và dẫn đến nghẹt mũi. Đặc biệt, nguy cơ nghẹt mũi có xu hướng tăng lên khi trời lạnh vì lúc này, chúng ta thường đóng kín cửa nên không khí khó lưu thông trong nhà. 
  • Do hệ thống sưởi trong nhà: Việc sử dụng máy sưởi, lò sưởi để làm ấm cũng có thể là nguyên nhân gây nghẹt mũi khi trời chuyển lạnh. Trong khi máy sưởi có thể làm khô không khí thì lò sưởi lại gây kích ứng đường thở. Điều này sẽ gây ra hoặc làm trầm trọng thêm các vấn đề ở mũi họng, trong đó có nghẹt mũi.
Tại sao trời lạnh lại khiến bạn bị nghẹt mũi?
Máy sưởi có thể làm khô không khí và khiến bạn bị nghẹt mũi khi trời lạnh.

6 mẹo giúp giảm nghẹt mũi khi trời lạnh

Tình trạng cứ khi thời tiết trở lạnh là bị nghẹt mũi có thể gây nhiều khó chịu, mệt mỏi và ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe cũng như sinh hoạt hằng ngày của bệnh nhân. Nếu cũng thuộc nhóm đối tượng hay bị nghẹt mũi khi trời lạnh, bạn có thể thử 6 cách giúp giảm nhẹ tình trạng thời tiết lạnh bị nghẹt mũi sau đây:

Uống nhiều nước

Nước có khả năng làm loãng dịch nhầy trong mũi và từ đó giúp làm giảm tình trạng nghẹt mũi cũng như những khó chịu mà tình trạng này mang lại. Khi trời lạnh, bạn nên ưu tiên uống nước ấm. Bởi ngoài việc làm ẩm đường thở và làm loãng dịch nhầy, nước ấm còn giúp làm ấm cơ thể, đồng thời ngăn ngừa hoặc giảm nhẹ thêm các triệu chứng cảm lạnh, cúm khác đi kèm với nghẹt mũi, chẳng hạn như ho, đau họng, buồn nôn. 

Ngoài ra, việc cung cấp đủ nước cũng giúp đảm bảo hoạt động của các cơ quan trong cơ thể. Theo đó, các chuyên gia y tế khuyến nghị bạn nên uống ít nhất 2 lít nước mỗi ngày. 

Dùng tinh dầu

Một số loại tinh dầu có khả năng làm sạch dịch nhầy, từ đó giúp đường thở thông thoáng và làm giảm tình trạng tắc nghẽn mũi họng. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, tinh dầu có khả năng giảm đau, giảm viêm cũng như chống lại các vi khuẩn gây hại. Một số loại tinh dầu mà bạn có thể sử dụng là tinh dầu bạc hà, khuynh diệp, tràm trà, kinh giới, oải hương, hương thảo…

Để giảm nghẹt mũi khi trời lạnh, bạn hãy nhỏ vài giọt tinh dầu vào một tô nước nóng, sau đó tiến hành xông phần mặt và mũi. Ngoài ra, bạn cũng có thể sử dụng máy khuếch tán để giúp tinh dầu lan tỏa khắp phòng.

Hút bụi và vệ sinh nhà cửa thường xuyên

Như đã đề cập, các tác nhân gây dị ứng trong nhà như bụi bẩn, nấm mốc, vảy da thú cưng… là một trong những nguyên nhân khiến bạn bị nghẹt mũi khi trời chuyển lạnh. Các tác nhân này có thể tích tụ trên thảm, chăn, đồ nội thất, giường ngủ và làm tình trạng nghẹt mũi trở nên trầm trọng hơn.  

Vì vậy, một trong những cách giúp hạn chế tình trạng nghẹt mũi khi trời lạnh chính là tiến hành hút bụi và vệ sinh nhà cửa thường xuyên. Khi dọn dẹp, bạn hãy cố gắng không bỏ qua bất kỳ ngóc ngách nào, đặc biệt là ở góc tường, trên nóc tủ và sô-pha. Ngoài ra, drap giường và vỏ gối cũng là “nơi trú ngụ” của mạt bụi, nấm mốc cũng như có khả năng tích tụ nhiều bụi bẩn. Vì vậy, bạn nên thay và giặt sạch drap giường, vỏ gối thường xuyên. 

Cải thiện chất lượng không khí trong nhà

Một trong những bước quan trọng nhất bạn có thể thực hiện để ngăn ngừa cũng như giảm thiểu tình trạng thời tiết lạnh bị nghẹt mũi chính là đảm bảo chất lượng không khí trong nhà, đặc biệt là trong phòng ngủ. Như đã đề cập, không khí khô là một trong những nguyên nhân có thể gây nghẹt mũi và khi trời lạnh thì không khí có xu hướng càng trở nên khô hơn. 

Theo đó, bạn nên sắm ngay cho gia đình mình một chiếc máy tạo độ ẩm. Máy tạo độ ẩm sẽ hạn chế tình trạng không khí bị khô do hệ thống sưởi cũng như giúp làm ẩm cho mũi của bạn, từ đó bạn có thể ngăn ngừa và giảm thiểu phần nào tình trạng hay bị nghẹt mũi khi trời lạnh.

Bên cạnh đó, nếu có điều kiện, bạn cũng nên trang bị thêm cả máy lọc không khí có bộ lọc HEPA trong nhà. Bộ lọc HEPA sẽ giúp loại bỏ bụi bẩn và các tác nhân gây dị ứng trong không khí, từ đó giúp hệ hô hấp của bạn hoạt động tốt hơn. 

Bài viết liên quan:

Cách giảm tình trạng trời lạnh bị nghẹt mũi
Máy tạo độ ẩm sẽ giúp không khí không bị khô, từ đó cải thiện tình trạng nghẹt mũi hiệu quả.

Tắm nước nóng

Nếu trời lạnh khiến bạn bị nhức mũi, nghẹt mũi, hãy thử cách tắm nước nóng hoặc ngâm mình trong bồn nước nóng để giảm nhẹ tình trạng này. Hơi nóng từ nước có thể làm loãng chất nhầy, giúp nước mũi thoát ra ngoài dễ dàng hơn và từ đó giảm bớt tình trạng tắc nghẽn trong mũi. Sự kết hợp giữa độ ẩm và hơi ấm cũng làm dịu tình trạng kích ứng ở đường mũi và trong một số trường hợp, có thể giúp làm thông mũi, dù chỉ là tạm thời.    

Giữ sạch mũi

Để giúp giảm tình trạng nghẹt mũi khi trời lạnh, một điều bạn cần làm chính là loại bỏ dịch nhầy khỏi mũi. Để loại bỏ dịch nhầy và “trả lại” đường thở thông thoáng, bạn có thể tiến hành rửa mũi hoặc xịt mũi bằng dung dịch nước muối sinh lý. Dung dịch nước muối sẽ giúp lấy đi dịch nhầy cũng như vi khuẩn và các chất kích thích trong đường hô hấp, từ đó giữ cho mũi và xoang được sạch sẽ. 

Nhiều nguyên nhân khác nhau có thể khiến bạn bị nghẹt mũi khi trời chuyển lạnh. Nếu gặp phải tình trạng này, bạn hãy thử áp dụng một số mẹo mà Bowtie vừa giới thiệu để giảm nhẹ cảm giác khó chịu do tình trạng trời lạnh bị nghẹt mũi gây ra. 

Chia sẻ
Các thông tin trên được chia sẻ bởi Bowtie Việt Nam. Các nội dung này chỉ mang tính chất tham khảo. Trong mọi trường hợp, Bowtie không chịu trách nhiệm về bất kỳ tổn thất hoặc thiệt hại nào, dù là trực tiếp hay gián tiếp, liên quan đến việc truy cập và sử dụng nội dung của Bowtie.

Bài viết liên quan

Mách bạn 11 mẹo trị giời leo tại nhà theo dân gian không để lại sẹo Mách bạn 11 mẹo trị giời leo tại nhà theo dân gian không để lại sẹo
Kiến thức sức khỏe

Mách bạn 11 mẹo trị giời leo tại nhà theo dân gian không để lại sẹo

Đau bụng xung quanh rốn là dấu hiệu gì? Mẹo giúp giảm đau hiệu quả Đau bụng xung quanh rốn là dấu hiệu gì? Mẹo giúp giảm đau hiệu quả
Kiến thức sức khỏe

Đau bụng xung quanh rốn là dấu hiệu gì? Mẹo giúp giảm đau hiệu quả

Ngủ dậy đau vai: Do tư thế ngủ hay bệnh lý tiềm ẩn? Ngủ dậy đau vai: Do tư thế ngủ hay bệnh lý tiềm ẩn?
Kiến thức sức khỏe

Ngủ dậy đau vai: Do tư thế ngủ hay bệnh lý tiềm ẩn?

Các chuyên mục khác

Email

Liên hệ chung
hello@bowtie.com.vn
Liên hệ về truyền thông
media@bowtie.com.vn
Liên hệ hợp tác
partners@bowtie.com.vn

© 2024 Bản quyền thuộc Bowtie Vietnam Company Limited.

Trình duyệt của bạn đã xảy ra lỗi. Để trải nghiệm tốt hơn, vui lòng nâng cấp hoặc thay đổi trình duyệt khác. OK