Ung thư
Ung thư

Xạ trị ung thư cổ tử cung: Phương pháp, thời gian, chi phí

Xạ trị ung thư cổ tử cung là một trong những phương pháp quan trọng thuộc phác đồ điều trị bệnh ung thư cổ tử cung. Theo đó, xạ trị có thể được chỉ định như phương pháp điều trị chính hoặc kết hợp cùng với một số phương pháp khác để tăng thêm hiệu quả kiểm soát bệnh ung thư cũng như góp phần duy trì chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân.
Biên tập bởi Bowtie Việt Nam
Ngày đăng 2023-08-21
Cập nhật ngày 2023-08-21
Nội dung chính
Xạ trị ung thư cổ tử cung là gì?Các phương pháp xạ trị được dùng trong ung thư cổ tử cungPhương pháp xạ trị được chỉ định khi nào?Xạ trị ung thư cổ tử cung bao nhiêu lần, thời gian mỗi lần kéo dài bao lâu?Xạ trị ung thư cổ tử cung có đau không?Tác dụng phụ của phương pháp xạ trị ung thư cổ tử cungCách chăm sóc bệnh nhân sau xạ trị ung thư cổ tử cungBạn nên xạ trị ung thư cổ tử cung ở đâu?Xạ trị ung thư cổ tử cung bao nhiêu tiền?
Xạ trị ung thư cổ tử cung: Phương pháp, thời gian, chi phí

Để tìm hiểu sâu hơn các thông tin xoay quanh phương pháp xạ trị ung thư cổ tử cung, bao gồm thời gian điều trị và cả chi phí thực hiện, mời bạn hãy dành chút ít thời gian để cùng Bowtie Việt Nam theo dõi nội dung bài viết dưới đây nhé!

Xạ trị ung thư cổ tử cung là gì?

Xạ trị ung thư cổ tử cung là phương pháp điều trị tại chỗ bằng cách sử dụng bức xạ năng lượng cao với liều được kiểm soát vừa đủ để tiêu diệt hoặc kìm hãm sự phát triển của các tế bào ung thư trong cơ thể người bệnh. Thường gặp nhất là bức xạ chùm tia X.

Nhìn chung, bức xạ khi vào cơ thể sẽ ảnh hưởng đến hầu hết mọi loại tế bào, kể cả những tế bào khỏe mạnh và không bị bệnh. Vì vậy, phương pháp xạ trị ung thư cổ tử cung đòi hỏi rất cao về mặt kỹ thuật. Toàn bộ quá trình điều trị phải được lên kế hoạch và thực hiện một cách chính xác để đảm bảo mục tiêu tiêu diệt các tế bào ung thư, đồng thời giảm thiểu tối đa những ảnh hưởng bất lợi đối với sức khỏe của người bệnh.

Các phương pháp xạ trị được dùng trong ung thư cổ tử cung

Một số phương pháp xạ trị hiện nay đang được áp dụng trong điều trị ung thư cổ tử cung là:

Xạ trị chùm tia bên ngoài

Phương pháp xạ trị chùm tia bên ngoài (External beam radiation – EBRT) sử dụng chùm tia xạ được phát ra từ một thiết bị lớn đặt ở bên ngoài cơ thể người bệnh để nhắm đến các tế bào ung thư và tiêu diệt chúng. Trong phần lớn các trường hợp, thiết bị cung cấp tia xạ là máy gia tốc tuyến tính với kỹ thuật chiếu xạ 3D theo nhiều mức năng lượng khác nhau, giúp bức xạ tác động chính xác vào khối u mà vẫn an toàn cho các mô khỏe mạnh xung quanh. 

Trước khi bắt đầu xạ trị, đội ngũ nhân viên y tế sẽ hướng dẫn bạn thực hiện một số yêu cầu cần thiết, trong đó bao gồm việc chụp mô phỏng tìm vị trí ung thư và đánh dấu lại khu vực cần xạ trị trên da. Các bước chuẩn bị có thể phức tạp và mất khá nhiều thời gian, ngược lại mỗi lần chiếu xạ thường rất nhanh và người bệnh không có nguy cơ bị nhiễm phóng xạ. 

Các phương pháp xạ trị được dùng trong ung thư cổ tử cung
Phương pháp xạ trị chùm tia bên ngoài.

Xạ trị áp sát

Xạ trị áp sát hay còn gọi là phương pháp xạ trị bên trong. Đây là kỹ thuật đưa năng lượng bức xạ đến gần tế bào ung thư bằng cách đặt một dụng cụ chứa chất phóng xạ vào bên trong âm đạo hoặc cổ tử cung của người bệnh. Nguồn bức xạ sử dụng trong điều trị áp sát thường có khả năng di chuyển rất hạn chế, do đó có thể làm giảm được sự ảnh hưởng lên các cơ quan khác. 

Trong bệnh ung thư cổ tử cung, phương pháp xạ trị áp sát thường được chỉ định bổ trợ sau khi kết thúc phác đồ xạ trị chiếu ngoài và gồm có hai loại là:

  • Xạ trị áp sát liều thấp (Low-dose rate brachytherapy – LDR): Dụng cụ chứa chất phóng xạ được đặt vào vị trí gần cổ tử cung và giữ cố định tại chỗ trong vòng vài ngày. Bệnh nhân cần nhập viện khi có chỉ định xạ trị áp sát liều thấp, toàn bộ quá trình sẽ được tiến hành trên giường bệnh dưới sự theo dõi và chăm sóc của nhân viên y tế.
  • Xạ trị áp sát liều cao (High-dose rate brachytherapy – HDR): So với xạ trị áp sát liều thấp, đây là phương pháp được chỉ định phổ biến hơn và có thể điều trị dưới hình thức ngoại trú. Thông thường, quá trình xạ trị áp sát liều cao trong ung thư cổ tử cung sẽ tiến hành theo nhiều đợt, cách nhau một khoảng thời gian nhất định. Với mỗi đợt xạ trị, chất phóng xạ liều cao sẽ được đưa vào cơ thể và tác động liên tục trong vài phút, sau đó được đưa ra ngoài hoàn toàn. 

Phương pháp xạ trị được chỉ định khi nào?

Phương pháp xạ trị có thể được ứng dụng rộng rãi trong các giai đoạn của bệnh ung thư cổ tử cung với nhiều mục đích khác nhau, chủ yếu là trong những trường hợp dưới đây: 

  • Khi cần triển khai phương pháp hóa xạ trị kết hợp để điều trị chính cho bệnh nhân ung thư cổ tử cung 
  • Thực hiện bổ trợ sau quá trình phẫu thuật để góp phần loại bỏ hoàn toàn các tế bào ung thư, giúp ngăn chặn nguy cơ tái phát (xạ trị bổ trợ)
  • Điều trị ung thư cổ tử cung tái phát hoặc đã tiến triển, lan rộng đến các hạch bạch huyết, mạch máu và một số vị trí khác nằm ngoài cổ tử cung
  • Giảm nhẹ mức độ của các triệu chứng có liên quan, chẳng hạn như hiện tượng chảy máu bất thường

Xạ trị ung thư cổ tử cung bao nhiêu lần, thời gian mỗi lần kéo dài bao lâu?

Mỗi loại xạ trị thường có những hướng dẫn riêng về tiến độ và thời gian thực hiện để đảm bảo hiệu quả cũng như an toàn cho bệnh nhân. Ngoài ra, tùy thuộc vào tình trạng bệnh cụ thể của mỗi người bệnh mà bác sĩ sẽ xây dựng phác đồ xạ trị phù hợp. Tuy nhiên nhìn chung, thời gian xạ trị ung thư cổ tử cung theo từng phương pháp sẽ như sau:

  • Xạ trị chùm tia bên ngoài: Phương pháp xạ trị chùm tia bên ngoài được thực hiện mỗi ngày, liên tục từ thứ hai đến thứ sáu (5 ngày/tuần) trong vòng 4 – 6 tuần và thời gian của mỗi lần chiếu xạ chỉ mất vài phút. 
  • Xạ trị áp sát liều thấp: Quá trình điều trị áp sát bằng chất phóng xạ liều thấp thường kéo dài từ 3 – 4 ngày.
  • Xạ trị áp sát liều cao: Bệnh nhân có thể trải qua 3 hoặc 4 buổi xạ trị áp sát liều cao với mỗi buổi khoảng 10 – 15 phút và phải cách nhau tối thiểu là 1 tuần. 

Xạ trị ung thư cổ tử cung có đau không?

Mặc dù bức xạ chùm tia bên ngoài có thể gây kích ứng da ở vùng điều trị nhưng vì thời gian chiếu xạ rất ngắn nên hầu hết bệnh nhân sẽ không cảm thấy đau. Ngoại trừ một số trường hợp có thể xuất hiện cảm giác khó chịu liên quan đến yếu tố cơ địa. 

Riêng phương pháp xạ trị áp sát, bác sĩ thường chỉ định việc dùng thuốc hỗ trợ kết hợp với gây tê tại chỗ hoặc toàn thân trước khi thực hiện để giúp bệnh thoải mái và tránh cảm giác đau trong suốt quá trình điều trị.

Tác dụng phụ của phương pháp xạ trị ung thư cổ tử cung

Quá trình xạ trị ung thư cổ tử cung có thể khiến người bệnh đối mặt với một số tác dụng phụ không mong muốn. Trong đó, không chỉ bao gồm các tác dụng phụ tạm thời mà đôi khi còn là những ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống sau này của bệnh nhân. Tùy theo điều kiện sức khỏe, tình hình diễn biến bệnh cũng như khả năng đáp ứng điều trị mà người bệnh có thể gặp phải những tác dụng phụ khác nhau, thường gặp như là:

Tác dụng phụ ngắn hạn:

  • Suy nhược, mệt mỏi 
  • Đau bụng, tiêu chảy
  • Buồn nôn và ói mửa
  • Kích ứng, đỏ rát và bong tróc da ở vùng điều trị
  • Viêm bàng quang dẫn đến tiểu khó, tiểu buốt và đôi khi có lẫn máu trong nước tiểu
  • Chảy máu, tiết dịch bất thường kèm theo cảm giác đau ở âm đạo và âm hộ
Tác dụng phụ của phương pháp xạ trị ung thư cổ tử cung
Suy nhược, mệt mỏi có thể là tác dụng phụ sau khi xạ trị ung thư cổ tử cung.

Tác dụng phụ dài hạn:

  • Sẹo âm đạo, hẹp âm đạo
  • Khô âm đạo
  • Bất thường ở trực tràng như chảy máu trực tràng, lỗ rò qua âm đạo, viêm mạn tính…
  • Viêm bàng quang mạn tính
  • Tổn thương buồng trứng làm thay đổi kinh nguyệt và có thể mãn kinh sớm
  • Xương yếu, tăng nguy cơ gãy xương, đặc biệt là xương hông
  • Sưng phù nặng ở chân 
  • Rụng lông mu vĩnh viễn
  • Giảm khả năng sinh sản, thậm chí là vô sinh
  • Thiếu máu do giảm hồng cầu và bạch cầu

Cách chăm sóc bệnh nhân sau xạ trị ung thư cổ tử cung

Trạng thái sức khỏe và tâm lý chung của bệnh nhân là những yếu tố có ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả xạ trị ung thư cổ tử cung. Do đó, gia đình, người thân cần có kế hoạch chăm sóc phù hợp cho bệnh nhân để giúp nâng cao thể trạng, cải thiện sức khỏe tinh thần đồng thời giảm nhẹ một số tác dụng phụ của bệnh và phương pháp điều trị.  

Cách chăm sóc bệnh nhân sau khi tiến hành xạ trị ung thư cổ tử cung được khuyến nghị như sau:

  • Vệ sinh vùng da được điều trị mỗi ngày bằng cách rửa nhẹ nhàng với nước ấm
  • Sử dụng thuốc bôi và/hoặc kem dưỡng ẩm theo sự chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ. Tuyệt đối không được tự ý dùng bất kỳ sản phẩm nào trên vùng da điều trị, kể cả phấn rôm
  • Mặc quần áo sạch sẽ, ưu tiên chất liệu mềm mại và thoải mái. Tránh sử dụng quần áo quá chật, bó sát hoặc các trang phục thô cứng, dễ gây ma sát
  • Không để vùng da được điều trị tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời, tốt nhất dành nhiều thời gian ở trong nhà
  • Xây dựng chế độ ăn uống khoa học, cung cấp đầy đủ dinh dưỡng giúp cơ thể nhanh chóng phục hồi. Đặc biệt ưu tiên các loại thực phẩm có lợi trong việc ngăn ngừa bệnh ung thư
  • Uống đủ lượng nước cần thiết cho cơ thể mỗi ngày
  • Điều chỉnh thực đơn phù hợp, tránh uống sữa và các sản phẩm làm từ sữa khi có xuất hiện tác dụng phụ tiêu chảy
  • Thường xuyên trò chuyện, quan tâm và động viên tinh thần để người bệnh luôn giữ được trạng thái lạc quan, vui vẻ trong cuộc sống
  • Khuyến khích và dành thời gian cùng bệnh nhân tham gia các hoạt động thể chất nhẹ nhàng, giúp cơ thể bền bỉ và có sức đề kháng tốt hơn
  • Duy trì lối sống lành mạnh, cân bằng thời gian sinh hoạt và nghỉ ngơi hợp lý. Quan trọng là luyện tập thói quen ngủ đúng giờ và không thức khuya
  • Kiêng việc quan hệ tình dục trong vài tháng đầu sau khi thực hiện xạ trị 
  • Theo dõi chặt chẽ tình trạng sức khỏe và đúng hẹn tái khám định kỳ. Nhanh chóng liên hệ với bác sĩ khi nhận thấy bất kỳ vấn đề nào bất thường.
Cách chăm sóc bệnh nhân sau xạ trị ung thư cổ tử cung
Hành động quan tâm, chăm sóc phù hợp có thể góp phần giúp bệnh nhân ung thư nhanh chóng hồi phục.

Bạn nên xạ trị ung thư cổ tử cung ở đâu?

Xạ trị ung thư cổ tử cung nói riêng và điều trị ung thư cổ tử cung nói chung nên được tiến hành tại các bệnh viện lớn, có đội ngũ bác sĩ chuyên khoa giàu kinh nghiệm và uy tín nhiều năm trong việc tiếp nhận thăm khám cũng như điều trị các bệnh lý ung thư. Một số bệnh viện lớn có đội ngũ y bác sĩ chuyên môn cao và đầy đủ các trang thiết bị hiện đại đáp ứng cho nhu cầu xạ trị ung thư cổ tử cung mà bạn có thể tham khảo là:

Khu vực miền Bắc

  • Bệnh viện K
  • Bệnh viện Ung bướu Hà Nội
  • Bệnh viện Bạch Mai
  • Bệnh viện Phụ sản Trung ương 
  • Bệnh viện Trung ương Quân đội 108

Khu vực miền Trung

  • Bệnh viện Trung ương Huế
  • Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng

Khu vực miền Nam

  • Bệnh viện Ung bướu TP. HCM
  • Bệnh viện Chợ Rẫy
  • Bệnh viện Nhân dân 115
  • Bệnh viện Đại học Y Dược TP. HCM

Xạ trị ung thư cổ tử cung bao nhiêu tiền?

Chi phí xạ trị ung thư cổ tử cung còn tùy thuộc vào giai đoạn tiến triển của bệnh và loại phương pháp được chỉ định. Hơn nữa, mỗi bệnh viện sẽ có những quy định khác nhau về giá tiền của dịch vụ xạ trị, trong đó có thể bao gồm sự chi trả của bảo hiểm y tế hoặc không. 

Mặc dù không thể đưa ra con số chính xác nhưng bạn có thể ước tính khoảng tiền cần thiết cho việc xạ trị ung thư cổ tử cung thông qua bảng giá tham khảo của một số bệnh viện, ví dụ như:

Tên cơ sở y tế

Chi phí cho mỗi lần xạ trị

Bệnh viện Ung bướu TP. HCM 5.000.000 – 10.000.000 đồng
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec 5.000.000 – 6.000.000 đồng
Bệnh viện Bạch Mai 1.300.000 – 5.000.000 đồng
Bệnh viện K 500.000 – 5.000.000 đồng

Như vậy, bài viết đã chia sẻ những thông tin hữu ích để giúp bạn hiểu hơn về phương pháp xạ trị ung thư cổ tử cung. Trường hợp có bất kỳ thắc mắc nào liên quan đến vấn đề điều trị hoặc gặp phải các dấu hiệu bất thường, bạn đừng ngần ngại mà hãy nhanh chóng liên hệ với bác sĩ điều trị để kịp thời tìm được giải pháp xử lý phù hợp. 

Chia sẻ
Các thông tin trên được chia sẻ bởi Bowtie Việt Nam. Các nội dung này chỉ mang tính chất tham khảo. Trong mọi trường hợp, Bowtie không chịu trách nhiệm về bất kỳ tổn thất hoặc thiệt hại nào, dù là trực tiếp hay gián tiếp, liên quan đến việc truy cập và sử dụng nội dung của Bowtie.

Bài viết liên quan

Tổng hợp đầy đủ các loại ung thư vú mà bệnh nhân có thể gặp phải Tổng hợp đầy đủ các loại ung thư vú mà bệnh nhân có thể gặp phải
Ung thư

Tổng hợp đầy đủ các loại ung thư vú mà bệnh nhân có thể gặp phải

Ung thư phổi - Nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ gây ung thư phổi Ung thư phổi - Nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ gây ung thư phổi
Ung thư

Ung thư phổi - Nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ gây ung thư phổi

Thận trọng với nguy cơ ung thư vòm họng tái phát sau điều trị Thận trọng với nguy cơ ung thư vòm họng tái phát sau điều trị
Ung thư

Thận trọng với nguy cơ ung thư vòm họng tái phát sau điều trị

Các chuyên mục khác

Email

Liên hệ chung
hello@bowtie.com.vn
Liên hệ về truyền thông
media@bowtie.com.vn
Liên hệ hợp tác
partners@bowtie.com.vn

© 2024 Bản quyền thuộc Bowtie Vietnam Company Limited.

Trình duyệt của bạn đã xảy ra lỗi. Để trải nghiệm tốt hơn, vui lòng nâng cấp hoặc thay đổi trình duyệt khác. OK