Ung thư
Ung thư

Ung thư vú giai đoạn II (giai đoạn 2) có nguy hiểm không?

Tế bào ung thư vú giai đoạn II (giai đoạn 2) có thể còn khu trú tại vú hoặc lan đến một vài hạch bạch huyết lân cận nhưng chưa di căn đến các bộ phận ở xa. Do đó, nếu phát hiện sớm và điều trị tại giai đoạn này thì bệnh nhân vẫn có cơ hội chữa khỏi và sống được lâu hơn.
Biên tập bởi Bowtie Việt Nam
Tham vấn y khoa/chuyên môn bởi Bác sĩ CKI Trần Kiến Bình
Ngày đăng 2023-04-16
Cập nhật ngày 2023-05-17
Nội dung chính
Ung thư vú giai đoạn II (giai đoạn 2) là gì?Ung thư vú giai đoạn II (giai đoạn 2) có nguy hiểm không?Biểu hiện của người bị ung thư vú giai đoạn II (giai đoạn 2)Kỹ thuật y tế giúp chẩn đoán ung thư vú giai đoạn IIUng thư vú giai đoạn II (giai đoạn 2) có chữa được không?Phương pháp điều trị ung thư vú giai đoạn II (giai đoạn 2)Bệnh nhân ung thư vú giai đoạn II (giai đoạn 2) sống được bao lâu?
Ung thư vú giai đoạn 2 có nguy hiểm không?

Ung thư vú là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu do ung thư ở phụ nữ trên toàn thế giới. Nhờ sự phát triển của y học mà các phương pháp điều trị căn bệnh này đã trở nên tốt hơn, tiên lượng sống của bệnh nhân ngày càng khả quan. 

Tương tư như những loại ung thư khác, quá trình phát triển của ung thư vú cũng được chia thành các giai đoạn dựa theo mức độ phát triển của khối u, từ giai đoạn I (1) đến IV (4). Ung thư vú giai đoạn II (giai đoạn 2) vẫn được xem là giai đoạn sớm nhưng cần thận trọng vì khối u đã bắt đầu xâm lấn đến các hạch bạch huyết.

Ung thư vú giai đoạn II (giai đoạn 2) là gì?

Ung thư vú giai đoạn II (giai đoạn 2) cho thấy bệnh đã bắt đầu tiến triển nhưng tế bào ung thư lúc này vẫn còn khu trú tại vú hoặc chỉ mới lây lan đến các hạch bạch huyết lân cận. Với giai đoạn II, ung thư vú tiếp tục được chia thành 2 phân nhóm nhỏ hơn là:

  • Giai đoạn IIA (giai đoạn 2A) tương ứng với một trong các trường hợp sau:
    • Không có khối u thực thể nào hoặc khối u ≤ 2cm ở vú và tìm thấy các tế bào ung thư trong 1 – 3 hạch bạch huyết ở nách/ gần xương ức (hạch nách/hạch vú trong). 
    • Khối u ở vú từ 2 – 5cm và không có tế bào ung thư trong các hạch bạch huyết.
  • Giai đoạn IIB (giai đoạn 2B) thuộc một trong các trường hợp sau:
    • Khối u từ 2 – 5cm và trong các hạch bạch huyết xuất hiện những cụm tế bào ung thư nhỏ
    • Khối u từ 2 – 5cm và tế bào ác tính đã lan đến ít hơn 4 hạch ở nách hoặc gần xương ức (hạch nách/hạch vú trong).
    • Khối u > 5cm và tế bào ung thư chưa lan đến các hạch bạch huyết.

Nhìn chung, giai đoạn II (giai đoạn 2) vẫn là giai đoạn sớm. Lúc này, tế bào ác tính chưa di căn đến các bộ phận ở xa hơn trong cơ thể. Tuy nhiên, việc xác định giai đoạn ung thư vú khá phức tạp, nhiều yếu tố khác có thể được xem xét thêm trước khi đưa ra chẩn đoán cho tình trạng bệnh, bao gồm:

  • Thụ thể nội tiết tố nữ (thụ thể estrogen và progesteron)
  • Tình trạng thụ thể yếu tố tăng trưởng biểu bì người số 2 (HER2)
  • Mức độ biệt hóa của tế bào ung thư
  • Mức độ xâm lấn của khối u

Ung thư vú giai đoạn II (giai đoạn 2) có nguy hiểm không?

Ở giai đoạn II (giai đoạn 2), khối u ung thư vú đã phát triển lớn hơn so với ung thư vú giai đoạn I (giai đoạn 1) và/ hoặc tế bào ác tính đã lan đến một vài hạch bạch huyết gần đó. Tuy nguy cơ gây đe dọa đến tính mạng của ung thư vú giai đoạn II (giai đoạn 2) cao hơn giai đoạn I (giai đoạn 1) nhưng đây vẫn thuộc giai đoạn sớm của bệnh nên khả năng điều trị thành công vẫn khá cao và tỷ lệ tái phát thấp.

Có thể nói, ung thư vú giai đoạn II (giai đoạn 2) không gây nguy hiểm nhiều đến tính mạng. Tuy nhiên, bạn vẫn cần điều trị tích cực theo đúng phác đồ của bác sĩ đưa ra và thường xuyên theo dõi tình trạng sức khỏe.

Bài viết liên quan:

Biểu hiện của người bị ung thư vú giai đoạn II (giai đoạn 2)

Dấu hiệu đầu tiên giúp hầu hết phụ nữ phát hiện mình bị ung thư vú là sờ thấy một khối u hoặc một vùng mô dày lên ở vú. Ngoài ra, một số biểu hiện khác có thể gặp ở người bệnh ung thư vú giai đoạn II (giai đoạn 2) là:

  • Thay đổi kích thước/ hình dạng của vú
  • Thay đổi hình dạng núm vú, chảy dịch từ núm vú (không phải sữa)
  • Có khối u hoặc nốt sưng ở một bên nách
  • Có thay đổi bất thường trên da vùng vú như da nhăn nheo, bị lún/ lõm xuống, phát ban hoặc nổi mẩn đỏ

Nếu nhận thấy có vấn đề gì bất thường xảy ra ở vú, bạn nên đến gặp bác sĩ để được thăm khám và chẩn đoán chính xác tình trạng đang gặp phải, từ đó điều trị nhanh chóng.

Kiểm tra ung thư vú giai đoạn 2
Bạn nên thường xuyên kiểm tra hai bên vú của mình và đến gặp bác sĩ ngay khi thấy có dấu hiệu bất thường.

Kỹ thuật y tế giúp chẩn đoán ung thư vú giai đoạn II

Nếu nghi ngờ bạn có khả năng bị ung thư vú, bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám và làm một số xét nghiệm cần thiết để có thể đưa ra chẩn đoán chính xác, bao gồm:

  • Khám vú lâm sàng: Bác sĩ sẽ kiểm tra hai bên vú và các hạch bạch huyết ở nách để xem có dấu hiệu bất thường nào không.
  • Chụp nhũ ảnh: Phương pháp này sử dụng tia X để phát hiện các bất thường trong tuyến vú. Đây cũng là cách thường dùng để sàng lọc ung thư vú.
  • Siêu âm vú: Siêu âm được dùng để xác định xem khối u hiện có là khối u rắn hay u nang chứa dịch bên trong.
  • Sinh thiết và/hoặc chọc hút (lấy mẫu tế bào vú để làm các xét nghiệm trong phòng thí nghiệm): Đây là phương pháp giúp bác sĩ đưa ra chẩn đoán ung thư vú. Mẫu sinh thiết/chọc hút sẽ được kiểm tra để xác định loại ung thư vú, mức độ lây lan của ung thư và tình trạng các thụ thể liên quan.

Một số xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh khác có thể được thực hiện để cung cấp thêm thông tin về tính chất của khối u. Bác sĩ sẽ đề nghị các xét nghiệm cho từng bệnh nhân cụ thể.

Sau khi đã chẩn đoán được ung thư vú, bác sĩ tiếp tục yêu cầu bệnh nhân làm thêm một vài xét nghiệm cần thiết để xác định rõ giai đoạn bệnh và đưa ra hướng điều trị phù hợp nhất. Các xét nghiệm bổ sung có thể là:

  • Xét nghiệm máu, đặc biệt là chỉ dấu ung thư hướng vú (CA 15-3)
  • Chụp MRI vú

Ung thư vú giai đoạn II (giai đoạn 2) có chữa được không?

Hầu hết người bệnh ung thư vú ở giai đoạn sớm, bao gồm giai đoạn I và giai đoạn II có thể được chữa trị thành công. Nhờ nỗ lực nâng cao nhận thức về căn bệnh này và các tiến bộ trong điều trị mà nhiều bệnh nhân đã được chẩn đoán bệnh từ sớm cũng như điều trị hiệu quả. 

Tuy nhiên, dù được chẩn đoán cùng một giai đoạn nhưng tiên lượng của mỗi người bệnh sẽ khác nhau. Một vài yếu tố có khả năng ảnh hưởng đến thời gian sống của từng người bệnh là:

  • Khả năng đáp ứng điều trị
  • Loại ung thư vú mắc phải (phân loại theo mô bệnh học)
  • Tốc độ phát triển của khối u
  • Các yếu tố khác như tuổi tác, tiền sử bệnh, sức khỏe tổng thể

Phương pháp điều trị ung thư vú giai đoạn II (giai đoạn 2)

Việc điều trị ung thư vú giai đoạn II (giai đoạn 2) ngoài dựa trên tình trạng khối u theo giai đoạn thì còn phải xem xét đến các đặc điểm bệnh học của chúng, tốc độ phát triển bệnh và mong muốn của bệnh nhân. Để điều trị cho bệnh nhân ung thư vú giai đoạn II (giai đoạn 2), bác sĩ có thể cân nhắc phác đồ như sau: 

Phẫu thuật

Nếu không có chống chỉ định và người bệnh đồng ý thì bác sĩ sẽ tiến hành phẫu thuật bảo tồn vú hoặc cắt bỏ toàn bộ vú để loại bỏ tế bào ác tính tại đây. Ngoài ra, phẫu thuật nạo vét hạch bạch huyết cũng sẽ được thực hiện.

Nếu phải cắt bỏ toàn bộ tuyến vú, bác sĩ thường xem xét thực hiện tái tạo tuyến vú nếu người bệnh có nhu cầu và không có nguy cơ liên quan đến tái phát bệnh ung thư. Quá trình tái tạo có thể sử dụng vạt da cơ của người bệnh, các chất liệu nhân tạo hoặc kết hợp cả hai.

Điều trị tân bổ trợ

Trước khi phẫu thuật bảo tồn, người bệnh cần được điều trị toàn thân với các phác đồ hóa trị được xem là điều trị tân bổ trợ. Nếu khối u đáp ứng tốt, bác sĩ sẽ tiến hành điều trị bảo tồn khi đủ tiêu chuẩn. Ngược lại, khối u không đáp ứng hoặc tiến triển thêm sau khi đã hóa trị thì cần phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ vú, vét hạch nách. Những bệnh nhân dương tính với thụ thể HER2, bác sĩ có thể kết hợp hóa trị với liệu pháp nhắm trúng đích (trastuzumab và có thể kèm theo pertuzumab) trước khi mổ. 

Lưu ý, hóa trị ung thư vú giai đoạn II (giai đoạn 2) không được sử dụng ở người bệnh đang mang thai 3 tháng đầu (nếu giữ thai), chỉ tiến hành hóa trị từ tam cá nguyệt thứ hai trở đi với các thuốc ít độc tính trên thai nhi. Liệu pháp nhắm trúng đích kháng HER2 và liệu pháp nội tiết cũng không được dùng trong suốt thời gian mang thai.

Điều trị ung thư vú giai đoạn 2
Hóa trị là phương pháp điều trị tân bổ trợ cho bệnh nhân ung thư vú.

Hóa trị và điều trị đích bổ trợ

Sau phẫu thuật, người bệnh sẽ được bác sĩ đề nghị điều trị bổ trợ toàn thân sau khi cân nhắc giữa lợi ích và nguy cơ. Tùy theo đặc điểm thụ thể phân tử của bệnh mà bệnh nhân sẽ được điều trị bổ trợ bằng hóa trị, liệu pháp nội tiết, liệu pháp nhắm trúng đích (kháng HER2) hoặc kết hợp các liệu pháp này với nhau. 

Xạ trị bổ trợ

Người bệnh cần phải xạ trị sau khi phẫu thuật bảo tồn vú. Kế hoạch xạ trị sẽ khác nhau ở từng bệnh nhân. Theo đó, người bệnh sẽ được xạ trị vào vú và các hạch bạch huyết liên quan.

Trường hợp người bệnh hóa trị tân bổ trợ, việc xạ trị cần dựa vào giai đoạn trước và sau khi hóa trị cùng với giai đoạn mô bệnh học sau phẫu thuật. Chú ý, chống chỉ định xạ trị cho phụ nữ mang thai, chỉ thực hiện sau khi sinh xong hoặc quyết định chấm dứt thai kỳ.

Điều trị nội tiết bổ trợ

Phương pháp này áp dụng cho người bệnh ung thư vú dương tính với thụ thể nội tiết hoặc không rõ. Các lựa chọn điều trị nội tiết bổ trợ được chia theo từng nhóm đối tượng cụ thể là người bệnh còn kinh nguyệt, người bệnh đã mãn kinh, nam giới và phụ nữ mang thai.

Bệnh nhân ung thư vú giai đoạn II (giai đoạn 2) sống được bao lâu?

Tỷ lệ sống sót sau 5 năm ở những phụ nữ mắc bệnh ung thư vú giai đoạn II (giai đoạn 2) tại Anh được chẩn đoán, theo dõi từ năm 2013 – 2018 là 90%. Điều đó có nghĩa là khoảng 90 trong số 100 phụ nữ mắc bệnh sống sót sau 5 năm trở lên kể từ khi được chẩn đoán.

Ung thư vú giai đoạn II (giai đoạn 2) vẫn là giai đoạn sớm nên nếu được phát hiện và điều trị tích cực thì tiên lượng sống của người bệnh khá tốt. Số liệu thống kê chỉ phản ánh con số trung bình trên một số lượng lớn bệnh nhân. Thời gian sống thực tế ở mỗi người bệnh sẽ khác nhau và phụ thuộc rất nhiều vào chế độ điều trị, chăm sóc.

Nhìn chung, ung thư vú giai đoạn II (giai đoạn 2) chưa phải là giai đoạn nguy hiểm, có khả năng chữa khỏi và nguy cơ tái phát thấp. Đồng thời, chi phí điều trị ung thư vú giai đoạn II (giai đoạn 2) cũng sẽ ít hơn đáng kể so với các giai đoạn muộn. Vì vậy, bạn cần chú ý đến các dấu hiệu bất thường ở vú và thăm khám kịp thời để phát hiện bệnh ngay từ những giai đoạn sớm và điều trị hiệu quả. 

Chia sẻ
Các thông tin trên được chia sẻ bởi Bowtie Việt Nam. Các nội dung này chỉ mang tính chất tham khảo. Trong mọi trường hợp, Bowtie không chịu trách nhiệm về bất kỳ tổn thất hoặc thiệt hại nào, dù là trực tiếp hay gián tiếp, liên quan đến việc truy cập và sử dụng nội dung của Bowtie.

Bài viết liên quan

Ung thư vú giai đoạn đầu: Tăng khả năng khỏi bệnh nếu phát hiện sớm Ung thư vú giai đoạn đầu: Tăng khả năng khỏi bệnh nếu phát hiện sớm
Ung thư

Ung thư vú giai đoạn đầu: Tăng khả năng khỏi bệnh nếu phát hiện sớm

Bệnh ung thư là gì? Những điều cơ bản cần biết về ung thư Bệnh ung thư là gì? Những điều cơ bản cần biết về ung thư
Ung thư

Bệnh ung thư là gì? Những điều cơ bản cần biết về ung thư

Liệu pháp miễn dịch - Bước tiến trong điều trị ung thư phổi Liệu pháp miễn dịch - Bước tiến trong điều trị ung thư phổi
Ung thư

Liệu pháp miễn dịch - Bước tiến trong điều trị ung thư phổi

Các chuyên mục khác

Email

Liên hệ chung
hello@bowtie.com.vn
Liên hệ về truyền thông
media@bowtie.com.vn
Liên hệ hợp tác
partners@bowtie.com.vn

© 2024 Bản quyền thuộc Bowtie Vietnam Company Limited.

Trình duyệt của bạn đã xảy ra lỗi. Để trải nghiệm tốt hơn, vui lòng nâng cấp hoặc thay đổi trình duyệt khác. OK