Kiến thức sức khỏe
Kiến thức sức khỏe

Xét nghiệm công thức máu toàn bộ (CBC, FBC) và những điều cần biết

Xét nghiệm công thức máu toàn bộ (FBC, CBC) là một trong các xét nghiệm máu cơ bản và phổ biến nhất. Xét nghiệm này giúp cung cấp cho bạn các thông tin về loại cũng như số lượng tế bào máu trong cơ thể.
Biên tập bởi Bowtie Việt Nam
Ngày đăng 2023-06-26
Cập nhật ngày 2023-06-26
Nội dung chính
Xét nghiệm công thức máu toàn bộ là gì?Xét nghiệm công thức máu toàn bộ cho biết những thông tin nào?Kết quả xét nghiệm công thức máu toàn bộ bất thường cho bạn biết điều gì?Những rủi ro khi kết quả xét nghiệm công thức máu toàn bộ có bất thường? Làm cách nào để duy trì các chỉ số xét nghiệm công thức máu toàn bộ ở mức ổn định?
Xét nghiệm công thức máu toàn bộ (CBC, FBC) và những điều cần biết

Để tìm hiểu rõ hơn về xét nghiệm công thức máu toàn bộ, mời bạn cùng Bowtie theo dõi tiếp bài viết sau đây nhé.

Xét nghiệm công thức máu toàn bộ là gì?

Xét nghiệm công thức máu toàn bộ là một nhóm xét nghiệm cho bạn biết thêm thông tin về các tế bào máu, bao gồm hồng cầu, bạch cầu và tiểu cầu. Xét nghiệm này giúp các bác sĩ đánh giá sức khỏe tổng thể của bệnh nhân và xác định nhiều bệnh lý cũng như vấn đề khác nhau, chẳng hạn như nhiễm trùng, thiếu máu hay bệnh bạch cầu (ung thư các tế bào máu).

Xét nghiệm công thức máu toàn bộ cho biết những thông tin nào?

Một xét nghiệm công thức máu toàn bộ tiêu chuẩn sẽ bao gồm: 

Xét nghiệm hồng cầu (Red blood cell – RBC)

Xét nghiệm số lượng hồng cầu (RBC) cho biết số lượng tế bào hồng cầu thực tế có trong máu của bạn. 

Lượng huyết sắc tố (Hemoglobin, HGB) đo tổng lượng protein vận chuyển oxy trong máu, phản ánh tổng quát số lượng tế bào hồng cầu hiện có. Nếu nồng độ huyết sắc tố bất thường, đó có thể là dấu hiệu của một số tình trạng sức khỏe, phổ biến là thiếu máu, thiếu máu tán huyết di truyền hồng cầu nhỏ (thalassemia)…

Thể tích khối hồng cầu (Hematocrit – HCT) đo tỷ lệ phần trăm lượng tế bào hồng cầu có trong máu của bạn. Ngoài ra, các chỉ số khác giúp cung cấp thông tin về đặc điểm của hồng cầu là:

  • Thể tích trung bình của hồng cầu (Mean corpuscular volume – MCV) là chỉ số biểu hiện kích thước trung bình của các tế bào hồng cầu.
  • Lượng huyết sắc tố trung bình (Mean corpuscular haemoglobin – MCH) là chỉ số cho biết lượng huyết sắc tố trung bình bên trong các tế bào hồng cầu.
  • Nồng độ huyết sắc tố trung bình (Mean corpuscular haemoglobin concentration – MCHC) cho biết nồng độ huyết sắc tố/hemoglobin trung bình có bên trong các tế bào hồng cầu.
  • Dải phân bố kích thước hồng cầu (Red cell distribution width – RDW) thể hiện sự khác nhau về kích thước giữa các hồng cầu. 

Xét nghiệm công thức máu toàn bộ còn bao gồm chỉ số về số lượng hồng cầu lưới (Reticulocyte – RET), cho biết số lượng các tế bào hồng cầu lưới (hồng cầu non) trong mẫu máu của bạn.

Xét nghiệm bạch cầu (White blood cell – WBC)

Số lượng bạch cầu (White blood cell count – WBC) là chỉ số cho biết tổng số lượng tế bào bạch cầu có trong mẫu máu của bạn. 

Xét nghiệm phân biệt bạch cầu có thể được thêm vào như một phần của xét nghiệm công thức máu toàn bộ hoặc thực hiện sau khi bác sĩ nhận thấy những bất thường trong kết quả xét nghiệm số lượng bạch cầu. Xét nghiệm phân biệt bạch cầu sẽ xác định và đếm số lượng của 5 loại tế bào bạch cầu thường gặp là bạch cầu trung tính, bạch cầu lympho, bạch cầu đơn nhân, bạch cầu ưa acid, bạch cầu ưa kiềm. Giá trị này có thể được thể hiện dưới dạng số tuyệt đối và/hoặc dưới dạng phần trăm.  

Xét nghiệm tiểu cầu (Platelet – PLT)

Số lượng tiểu cầu (Platelet – PLT) là chỉ số cho biết tổng lượng tế bào tiểu cầu có trong máu của bạn.

Thể tích trung bình tiểu cầu (Mean platelet volume – MPV) có thể là một phần của xét nghiệm công thức máu toàn bộ và là phép đo kích thước trung bình của tiểu cầu. Dải phân bố kích thước tiểu cầu (Platelet distribution width – PDW) cũng là một chỉ số có trong xét nghiệm công thức máu toàn bộ, phản ánh mức độ khác biệt về kích thước giữa các tế bào tiểu cầu.

Dưới đây là giá trị bình thường của các chỉ số xét nghiệm công thức máu toàn bộ ở một người trưởng thành:

Chỉ số Nam giới Nữ giới
Hemoglobin (g/L) 135 – 180 115 – 160
WBC (x109/L) 4 – 11 4 – 11
PLT (x109/L) 150 – 400 150 – 400
MCV (fL) 78 – 100 78 – 100
PCV 0,4 – 0,52 0,37 – 0,47
RBC (x1012/L) 4,5 – 6,5 3,8 – 5,8
MCH (pg) 27 – 32 27 – 32
MCHC (g/L) 310 – 370 310 – 370
RDW 11,5 – 15 11,5 – 15
Bạch cầu trung tính 2,0 – 7,5 2,0 – 7,5
Bạch cầu lympho 1,0 – 4,5 1,0 – 4,5
Bạch cầu đơn nhân 0,2 – 0,8 0,2 – 0,8
Bạch cầu ái toan 0,04 – 0,4 0,04 – 0,4
Bạch cầu ái kiềm < 0,1 < 0,1

Kết quả xét nghiệm công thức máu toàn bộ bất thường cho bạn biết điều gì?

Sự bất thường trong kết quả xét nghiệm công thức máu toàn bộ có thể do nhiều nguyên nhân gây ra, tùy thuộc vào tế bào máu có liên quan. Xét nghiệm công thức máu toàn bộ không phải là một xét nghiệm giúp chẩn đoán chính xác và cụ thể tình trạng bệnh. Dù vậy, số lượng tế bào máu quá cao hoặc quá thấp có thể báo hiệu nhiều tình trạng sức khỏe khác nhau. Một số vấn đề sức khỏe có thể khiến kết quả CBC, FBC bất thường là:

  • Thiếu sắt, thiếu vitamin hoặc khoáng chất
  • Rối loạn chảy máu
  • Rối loạn tự miễn 
  • Các vấn đề về tủy xương
  • Bệnh ung thư
  • Nhiễm trùng hoặc viêm
  • Phản ứng với thuốc

Nếu kết quả xét nghiệm công thức máu toàn bộ bất thường, bác sĩ sẽ yêu cầu bạn thực hiện các xét nghiệm khác để đánh giá thêm về tình trạng sức khỏe và xác nhận chẩn đoán.

Kết quả xét nghiệm công thức máu toàn bộ bất thường cho bạn biết điều gì?
Kết quả xét nghiệm máu cho bạn biết nhiều thông tin về sức khỏe.

Những rủi ro khi kết quả xét nghiệm công thức máu toàn bộ có bất thường?

Kết quả xét nghiệm công thức máu toàn bộ bất thường đi kèm với rất nhiều rủi ro sức khỏe. Chỉ số bất thường khác nhau thì rủi ro mang lại cũng khác nhau. Ví dụ, số lượng hồng cầu bất thường cho thấy tình trạng thiếu máu, thiếu sắt và có thể tiềm ẩn nguy cơ mắc bệnh tim mạch, bệnh thận mạn tính hoặc bệnh phổi mạn tính. Tỷ lệ hồng cầu so với huyết tương thấp sẽ gợi ý tình trạng mất nước.

Số lượng bạch cầu cao hơn bình thường gọi là tăng bạch cầu còn nếu số lượng bạch cầu thấp thì gọi là giảm bạch cầu. Cả hai tình trạng này đều tiềm ẩn những rủi ro nghiêm trọng nếu không được điều trị trong thời gian dài. Tăng bạch cầu có khả năng là dấu hiệu cảnh báo tình trạng nhiễm trùng xảy ra trong cơ thể. Trong khi đó, giảm tiểu cầu là một báo động gợi ý tình trạng thiếu hụt bạch cầu. Điều này dẫn đến hệ miễn dịch dần suy yếu và thậm chí có khả năng gây tử vong nếu nhiễm trùng nghiêm trọng.

Làm cách nào để duy trì các chỉ số xét nghiệm công thức máu toàn bộ ở mức ổn định?

Việc duy trì các chỉ số, số lượng tế bào máu bình thường không khó chút nào, trừ trường hợp bạn đang gặp phải các bệnh lý nghiêm trọng. Một số người bình thường có chỉ số xét nghiệm công thức máu bất thường có khả năng điều chỉnh các chỉ số này trong một thời gian ngắn chỉ bằng cách thay đổi chế độ ăn uống và lối sống.

Các loại rau lá xanh giàu chất sắt rất tốt cho người có số lượng hồng cầu thấp. Trái cây có múi giàu vitamin C rất quan trọng đối với người có lượng bạch cầu thấp. Tiêu thụ các loại thực phẩm giàu dưỡng chất mà cơ thể đang thiếu hụt là một giải pháp đơn giản giúp bạn duy trì số lượng tế bào máu bình thường. Đồng thời, hạn chế hút thuốc, uống rượu bia và tiêu thụ quá nhiều thức ăn nhanh cũng hỗ trợ rất nhiều trong quá trình này.

Hy vọng bài viết trên đã giúp bạn hiểu hơn về xét nghiệm công thức máu toàn bộ cũng như những chỉ số liên quan. Nếu nhận thấy kết quả xét nghiệm có những bất thường, hãy trao đổi với bác sĩ để tìm ra nguyên nhân cụ thể, đồng thời nên thực hiện thay đổi lối sống để giúp đưa các chỉ số này về mức bình thường nhé.

Chia sẻ
Các thông tin trên được chia sẻ bởi Bowtie Việt Nam. Các nội dung này chỉ mang tính chất tham khảo. Trong mọi trường hợp, Bowtie không chịu trách nhiệm về bất kỳ tổn thất hoặc thiệt hại nào, dù là trực tiếp hay gián tiếp, liên quan đến việc truy cập và sử dụng nội dung của Bowtie.

Bài viết liên quan

Tác dụng của dầu cá cho mắt: Những hiểu lầm nhiều người gặp phải Tác dụng của dầu cá cho mắt: Những hiểu lầm nhiều người gặp phải
Kiến thức sức khỏe

Tác dụng của dầu cá cho mắt: Những hiểu lầm nhiều người gặp phải

Gập bụng giảm bao nhiêu calo? Hiệu quả không ngờ từ gập bụng Gập bụng giảm bao nhiêu calo? Hiệu quả không ngờ từ gập bụng
Kiến thức sức khỏe

Gập bụng giảm bao nhiêu calo? Hiệu quả không ngờ từ gập bụng

Đau bụng dưới rốn ở nam là bệnh gì? Cẩn trọng 18 bệnh lý tiềm ẩn Đau bụng dưới rốn ở nam là bệnh gì? Cẩn trọng 18 bệnh lý tiềm ẩn
Kiến thức sức khỏe

Đau bụng dưới rốn ở nam là bệnh gì? Cẩn trọng 18 bệnh lý tiềm ẩn

Các chuyên mục khác

Email

Liên hệ chung
hello@bowtie.com.vn
Liên hệ về truyền thông
media@bowtie.com.vn
Liên hệ hợp tác
partners@bowtie.com.vn

© 2024 Bản quyền thuộc Bowtie Vietnam Company Limited.

Trình duyệt của bạn đã xảy ra lỗi. Để trải nghiệm tốt hơn, vui lòng nâng cấp hoặc thay đổi trình duyệt khác. OK