Kiến thức sức khỏe
Kiến thức sức khỏe

Đau bụng dưới nhưng không có kinh nguyệt: Chị em cần cẩn trọng

Một số chị em phụ nữ gặp phải tình trạng tới tháng bị đau tức bụng dưới nhưng không có kinh nguyệt, trong khi một số khác lại bị đau bụng dưới khi chưa đến kỳ kinh. Cả hai tình trạng này đều khiến chị em lo lắng. Trên thực tế, nhiều vấn đề khác nhau có thể gây ra các hiện tượng trên. Chị em cần chú ý theo dõi để thăm khám kịp thời.
Biên tập bởi Bowtie Việt Nam
Ngày đăng 2023-05-18
Cập nhật ngày 2023-06-01
Nội dung chính
Tại sao tới tháng bị đau bụng dưới mà không có kinh nguyệt?Nguyên nhân gây đau bụng dưới dù chưa tới thángBạn cần làm gì khi bị đau bụng dưới mà không có kinh nguyệt?Một số mẹo giúp giảm tình trạng đau bụng dưới âm ỉ
Đau bụng dưới nhưng không có kinh nguyệt: Chị em cần cẩn trọng

Đôi khi, bạn có thể gặp phải các cơn đau bụng dưới giống với cơn đau thường xảy ra trong kỳ kinh nguyệt nhưng lại không thấy máu kinh. Nguyên nhân gây nên tình trạng này có rất nhiều, khó tự xác định chính xác ngay được. Bài viết sau đây sẽ giúp bạn tìm hiểu về những lý do có khả năng gây đau bụng dưới nhưng không có kinh nguyệt dù đã tới tháng cũng như nguyên nhân chưa đến kỳ kinh nhưng lại bị đau bụng dưới.

Tại sao tới tháng bị đau bụng dưới mà không có kinh nguyệt?

Chúng ta thường nghĩ, những cơn đau bụng dưới giống với đau bụng kinh sẽ chỉ liên quan đến các vấn đề ở cơ quan sinh sản. Tuy nhiên, trên thực tế, có nhiều nguyên do khác gây ra triệu chứng này. Dưới đây là một số nguyên nhân gây tới tháng đau bụng dưới nhưng không có kinh:

1. Mang thai

Ở giai đoạn sớm của thai kỳ, bạn có thể cảm thấy đau bụng dưới nhẹ giống như cơn đau bụng kinh. Điều đó xảy ra trong khoảng thời gian trứng đã thụ tinh bắt đầu làm tổ ở tử cung. Thông thường, bạn sẽ không có thêm triệu chứng nào khác vào lúc này ngoài việc không có kinh nguyệt hoặc ra máu nhẹ (máu báo thai).

Trường hợp mang thai ngoài tử cung (trứng đã thụ tinh làm tổ ở một vị trí bất thường bên ngoài tử cung, chẳng hạn như trong ống dẫn trứng) có thể gây ra các cơn đau nhói đột ngột, dữ dội ở bụng dưới, có khi lan ra sau lưng nếu thai bị vỡ. Trước khi trải qua cơn đau bụng đó, bạn có thể gặp phải những triệu chứng thường thấy ở thời kỳ đầu mang thai như chậm kinh, mệt mỏi, buồn nôn, đau vú hoặc vùng vú trở nên nhạy cảm hơn…

2. Sẩy thai

Dấu hiệu phổ biến nhất của sẩy thai là chảy máu và xuất huyết âm đạo. Tuy nhiên, tình trạng đau quặn bụng dưới, đau lưng hoặc giảm bớt các triệu chứng mang thai cũng có khả năng là biểu hiện của sẩy thai. 

Một số người bị sẩy thai ở giai đoạn sớm mà chưa hề biết mình đã mang thai. Điều này khiến họ không nghĩ đến việc tình trạng đau bụng dưới nhưng không có kinh nguyệt lại liên quan đến sẩy thai mà cho rằng đó là dấu hiệu của các vấn đề khác.  

Mỗi phụ nữ mang thai có khoảng 10 – 25% nguy cơ bị sẩy thai (tùy độ tuổi). Do đó, bạn cần chú ý theo dõi cơ thể trong suốt thai kỳ để kịp thời phát hiện vấn đề.

3. Căng thẳng và các yếu tố lối sống

Căng thẳng, lo âu có khả năng tác động tiêu cực đến sức khỏe, bao gồm cả việc làm gián đoạn chu kỳ kinh nguyệt. Tình trạng này gây ảnh hưởng đến sự cân bằng hormone trong cơ thể, bao gồm cả các hormone điều hòa quá trình rụng trứng, từ đó khiến bạn bị trễ kinh, mất kinh. Trong nhiều trường hợp, bạn vẫn có thể bị đau bụng dưới âm ỉ nhưng lại không ra máu kinh.

Tình trạng rối loạn kinh nguyệt cũng xảy ra do những yếu tố liên quan đến lối sống khác, bao gồm:

  • Rối loạn ăn uống
  • Giảm cân nhanh chóng
  • Bệnh tật
  • Tập thể dục quá nhiều
Căng thẳng, lo âu cũng có thể khiến bạn bị đau bụng dưới nhưng không có kinh nguyệt
Căng thẳng, lo âu cũng có thể khiến bạn bị đau bụng dưới nhưng không có kinh nguyệt.

4. Sử dụng biện pháp tránh thai

Việc bắt đầu hoặc ngừng uống thuốc tránh thai thường sẽ làm thay đổi chu kỳ kinh nguyệt. Bạn có thể có kinh không đều hoặc mất kinh đến 6 tháng sau khi đã ngừng uống thuốc tránh thai.

Các biện pháp ngừa thai khác như đặt vòng tránh thai nội tiết tố (IUS) hoặc dụng cụ tử cung không chứa nội tiết tố (IUD) cũng có khả năng khiến bạn bị đau bụng dưới giống như đau bụng kinh cùng với đau lưng. Điều này giải thích lý do tại sao nhiều phụ nữ bị đau bụng dưới và đau lưng nhưng không có kinh sau khi thực hiện các biện pháp ngừa thai này. 

5. Vấn đề tuyến giáp

Tuyến giáp giúp điều hòa nhiều chức năng của cơ thể, bao gồm quá trình trao đổi chất và cả chu kỳ kinh nguyệt. Nếu tuyến giáp hoạt động không bình thường, bạn có thể bị rối loạn kinh nguyệt nhưng vẫn trải qua các triệu chứng giống như trong kỳ kinh. Vì vậy, nhiều phụ nữ gặp các vấn đề về tuyến giáp sẽ bị đau bụng dưới âm ỉ mà không có kinh nguyệt.

6. Tiền mãn kinh và mãn kinh

Tiền mãn kinh là khoảng thời gian trước khi thời kỳ mãn kinh chính thức diễn ra, khi đó nồng độ estrogen ở phụ nữ bắt đầu giảm xuống. Các triệu chứng phổ biến lúc này là kinh nguyệt không đều, bốc hỏa, đổ mồ hôi đêm.

Khi bước sang giai đoạn mãn kinh, buồng trứng sẽ không còn phóng thích trứng được nữa. Tuy nhiên, bạn vẫn có thể bị đau tức bụng dưới giống như cơn đau bụng kinh nhưng lại không có kinh nguyệt. Đó là những cơn co thắt tử cung và sẽ giảm dần sau vài tháng.

7. Lạc nội mạc tử cung

Lạc nội mạc tử cung là tình trạng các mô tương tự như lớp nội mạc tử cung lại phát triển ở bên ngoài cơ quan này, chẳng hạn như ở vùng xương chậu. Điều này có thể gây ra triệu chứng đau co thắt ở bụng nghiêm trọng.

Cơn đau bụng dưới do lạc nội mạc tử cung khác với đau tiền kinh nguyệt bình thường ở chỗ nó thường xuất hiện sớm hơn vài ngày hoặc vài tuần và có thể kéo dài nhiều ngày sau khi bạn đã hết kinh nguyệt. Đau co thắt ở bụng do lạc nội mạc tử cung cũng xảy ra mà không có các triệu chứng tiền kinh nguyệt khác.

Lạc nội mạc tử cung gây đau bụng dưới nhưng không có kinh
Đau bụng dưới do lạc nội mạc tử cung gây ra có thể xuất hiện trước hoặc kéo dài sau kỳ kinh nguyệt.

8. U xơ tử cung

U xơ tử cung là sự xuất hiện của các khối u nhỏ, không phải ung thư, phát triển bên trong hoặc trên bề mặt thành tử cung. Nhiều người có u xơ tử cung mà không biểu hiện bất kỳ triệu chứng nào. Tuy nhiên, một số người có thể bị đau bụng dưới trước hoặc gần chu kỳ kinh nguyệt.

9. U nang buồng trứng

U nang buồng trứng cũng có thể gây ra cơn đau bụng dưới tương tự như đau bụng kinh. U nang hình thành xung quanh buồng trứng gây cản trở trứng đi ra khi rụng trứng hoặc không đóng lại đúng cách sau khi phóng thích trứng. Cả hai trường hợp trên đều có khả năng gây ra triệu chứng đau bụng dưới mà không thấy có kinh nguyệt.

10. Hội chứng buồng trứng đa nang

Hội chứng buồng trứng đa nang có thể gây ra các chu kỳ không rụng trứng, từ đó dẫn đến tình trạng đau bụng dưới nhưng không ra máu kinh. Ngoài ra, nếu các u nang bị vỡ hoặc làm xoắn buồng trứng thì cũng có thể gây ra các cơn đau bụng dưới giống như đau bụng kinh.

Buồng trứng đa nang thường làm cho bạn bị rối loạn chu kỳ kinh nguyệt, có thể không có kinh trong 2 – 3 tháng nhưng vẫn gây ra các triệu chứng đau bụng dưới liên tục.

11. Viêm vùng chậu

Viêm vùng chậu xảy ra do vi khuẩn (có thể lây truyền qua đường tình dục hoặc không) xâm nhập vào âm đạo và tử cung, từ đó gây ra viêm nhiễm. Người bệnh có thể biểu hiện triệu chứng đau bụng dưới ở vùng chậu nhưng không có kinh hoặc kinh nguyệt không đều, đau co thắt, sốt, tiết dịch có mùi hôi.

Đây là một vấn đề nguy hiểm, nếu không được phát hiện sớm có thể gây tổn thương hệ thống sinh sản, dẫn đến vô sinh, hình thành mô sẹo xung quanh ống dẫn trứng và đau vùng chậu mạn tính.

12. Ung thư buồng trứng

Đau bụng dưới nhưng không có kinh nguyệt hoặc đau, căng tức vùng xương chậu có thể do ung thư buồng trứng gây ra. Tuy nhiên, nguyên nhân này hiếm gặp hơn.

Ung thư buồng trứng lúc đầu có khi không biểu hiện bất kỳ triệu chứng nào nhưng nếu khối u lớn hơn, bạn có thể bị:

  • Đau hoặc căng tức ở bụng/ lưng
  • Rối loạn chu kỳ kinh nguyệt, chậm kinh, rong kinh…
  • Cảm giác nặng nề hoặc đầy bụng
  • Đi tiểu thường xuyên, tiểu gấp
Ung thư buồng trứng gây đau bụng dưới nhưng không có kinh
Dù hiếm gặp, bạn có thể bị đau bụng dưới mà không có kinh nguyệt do ung thư buồng trứng.

Nguyên nhân gây đau bụng dưới dù chưa tới tháng

Các nguyên nhân kể trên phần nào có thể gây ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt cũng như gây ra các cơn đau ở bụng dưới, từ đó dẫn đến tình trạng đến tháng bị đau bụng dưới nhưng không có kinh nguyệt. Tuy nhiên, một số phụ nữ dù chưa đến kỳ kinh nhưng vẫn bị đau bụng dưới. Vậy nguyên nhân chưa tới tháng nhưng đau bụng dưới là do đâu? 

Theo đó, ngoài các nguyên nhân trên, một số tình trạng dưới đây có thể gây ra cơn đau bụng dưới giữa các kỳ kinh nguyệt: 

Rụng trứng

Khi trứng được phóng thích ra khỏi buồng trứng, bạn có thể nhận thấy cảm giác đau, co thắt ở bụng. Đây là nguyên nhân phổ biến nhất khiến bạn bị đau bụng dưới dù chưa tới tháng. Hiện tượng rụng trứng diễn ra theo tự nhiên trong khoảng 10 – 14 ngày sau khi hành kinh.

Các vấn đề ở đường tiêu hóa

Một số vấn đề ở đường tiêu hóa cũng có khả năng khiến bạn cảm thấy đau vùng bụng dưới mà không phải do tới kỳ kinh nguyệt. Các vấn đề này thường là:

  • Đầy bụng, khó tiêu
  • Chứng không dung nạp lactose
  • Viêm ruột (bệnh Crohn và viêm loét đại tràng)
  • Viêm ruột thừa
  • Hội chứng ruột kích thích
  • Tiêu chảy hoặc táo bón

Các vấn đề ở đường tiết niệu

Một trong những nguyên nhân có thể khiến phụ nữ không đến tháng nhưng bị đau bụng dưới là các vấn đề ở đường tiết niệu. Các vấn đề này phải kể đến viêm bàng quang kẽ, nhiễm trùng đường tiết niệu (nhiễm trùng tiểu)… 

Bạn cần làm gì khi bị đau bụng dưới mà không có kinh nguyệt?

Nếu bạn có quan hệ tình dục gần đây mà không dùng các biện pháp an toàn thì hãy thử thai tại nhà khi bị đau bụng dưới nhưng không có kinh nguyệt. Nếu que thử thai 2 vạch thì bạn nên sắp xếp thời gian đi khám thai sớm.

Khi đau bụng dưới kéo dài hoặc kèm theo các triệu chứng bất thường khác, bạn nên đến gặp bác sĩ ngay để được chẩn đoán, tìm nguyên nhân chính xác và có phương pháp điều trị kịp thời. Các kiểm tra, xét nghiệm thông thường có thể được sử dụng để xác định nguyên nhân gây đau bụng dưới mà không đến tháng là:

  • Khám vùng chậu
  • Xét nghiệm máu
  • Siêu âm và các phương pháp chẩn đoán hình ảnh khác
  • Nội soi ổ bụng

Bất kỳ ai thường xuyên bị đau bụng dưới nhưng chưa tới ngày có kinh thì tốt nhất nên đến cơ sở y tế để thăm khám. Một số bệnh nếu được phát hiện và điều trị sớm sẽ có khả năng hồi phục nhanh và không để lại biến chứng lâu dài, chẳng hạn như viêm vùng chậu.

Một số mẹo giúp giảm tình trạng đau bụng dưới âm ỉ

Đau bụng dưới dù trong hay ngoài chu kỳ kinh nguyệt đều rất khó chịu. Cơn đau có thể âm ỉ khiến bạn khó tập trung làm các công việc thường ngày. Để giảm bớt triệu chứng này, bạn có thể thử:

  • Chườm nóng bụng hoặc tắm nước ấm
  • Uống nước hoặc đồ uống ấm nóng để giúp giãn các cơ tử cung
  • Dùng thuốc giảm đau, kháng viêm không steroid (NSAID) giúp ngăn chặn tình trạng tăng prostaglandin khiến tử cung co bóp, từ đó giảm các cơn đau co thắt
  • Nếu bạn đang cân nhắc sử dụng biện pháp tránh thai, hãy thử dùng thuốc tránh thai nội tiết tố để ít bị đau co thắt ở bụng dưới hơn.
  • Vận động nhẹ nhàng, thực hiện các bài tập hít thở hoặc yoga để giảm đau
  • Điều chỉnh chế độ ăn uống, hạn chế các loại thực phẩm có thể gây kích thích hoặc làm trầm trọng thêm cảm giác đau như rượu bia, thức uống chứa caffeine, thực phẩm chứa nhiều dầu mỡ, cay nóng…

Đau bụng dưới nhưng không có kinh nguyệt hoặc bị trễ kinh có thể do nhiều nguyên nhân gây ra, đôi khi chỉ xuất hiện trong thời gian ngắn và không có gì nguy hiểm. Tuy nhiên, một số trường hợp đau bụng dưới dữ dội, kéo dài hoặc đi kèm với những triệu chứng khác có khả năng liên quan đến vấn đề sức khỏe nghiêm trọng cần được can thiệp điều trị sớm.

Chia sẻ
Các thông tin trên được chia sẻ bởi Bowtie Việt Nam. Các nội dung này chỉ mang tính chất tham khảo. Trong mọi trường hợp, Bowtie không chịu trách nhiệm về bất kỳ tổn thất hoặc thiệt hại nào, dù là trực tiếp hay gián tiếp, liên quan đến việc truy cập và sử dụng nội dung của Bowtie.

Bài viết liên quan

Đau họng và sổ mũi cùng lúc là bệnh gì? Cách xử lý và phòng tránh Đau họng và sổ mũi cùng lúc là bệnh gì? Cách xử lý và phòng tránh
Kiến thức sức khỏe

Đau họng và sổ mũi cùng lúc là bệnh gì? Cách xử lý và phòng tránh

Chuối sứ chứa bao nhiêu calo? 10 điểm Chuối sứ chứa bao nhiêu calo? 10 điểm
Kiến thức sức khỏe

Chuối sứ chứa bao nhiêu calo? 10 điểm "tốt" của chuối sứ

Tìm hiểu đôi nét về tỷ lệ nước ngoại bào (ECW/TBW) Tìm hiểu đôi nét về tỷ lệ nước ngoại bào (ECW/TBW)
Kiến thức sức khỏe

Tìm hiểu đôi nét về tỷ lệ nước ngoại bào (ECW/TBW)

Các chuyên mục khác

Email

Liên hệ chung
hello@bowtie.com.vn
Liên hệ về truyền thông
media@bowtie.com.vn
Liên hệ hợp tác
partners@bowtie.com.vn

© 2024 Bản quyền thuộc Bowtie Vietnam Company Limited.

Trình duyệt của bạn đã xảy ra lỗi. Để trải nghiệm tốt hơn, vui lòng nâng cấp hoặc thay đổi trình duyệt khác. OK