Các bệnh lý khác
Các bệnh lý khác

Người bị cúm A uống thuốc gì? Lưu ý khi dùng thuốc điều trị cúm A

Người bị cúm A cần uống thuốc gì là vấn đề mà nhiều người quan tâm, đặc biệt trong thời kỳ mà dịch cúm có xu hướng bùng phát nhanh chóng như hiện nay.
Biên tập bởi Bowtie Việt Nam
Ngày đăng 2023-08-10
Cập nhật ngày 2023-08-10
Nội dung chính
Người bị cúm A uống thuốc gì để điều trị bệnh?Người bệnh cúm A cần uống thuốc trong bao lâu?Những lưu ý khi dùng thuốc điều trị cúm A
Người bị cúm A uống thuốc gì? Lưu ý khi dùng thuốc điều trị cúm A

Cúm A là một loại cúm mùa phổ biến có khả năng bùng phát thành dịch bệnh, thường xuất hiện nhiều vào mùa đông. Bệnh do virus gây ra và lây truyền qua các giọt bắn hô hấp khi người bệnh nói chuyện, ho hoặc hắt hơi. Bệnh thường tự khỏi và hồi phục khi theo dõi, chăm sóc tại nhà nhưng cũng có thể diễn tiến nghiêm trọng, thậm chí dẫn đến tử vong. Vậy người bị cúm A nên uống thuốc gì và cần lưu ý điều gì trong quá trình điều trị? Mời bạn cùng Bảo hiểm Bowtie tìm hiểu về các loại thuốc được dùng trong điều trị cúm A qua bài viết sau đây.

Người bị cúm A uống thuốc gì để điều trị bệnh?

Tùy theo mức độ của các triệu chứng cúm A mà người bệnh cần dùng những loại thuốc khác nhau. Khi nhận thấy dấu hiệu nghi ngờ bị cúm mùa, tốt nhất bạn nên đến bệnh viện để kiểm tra và chẩn đoán chính xác loại cúm mắc phải để có cách điều trị phù hợp, không nên tự ý dùng thuốc điều trị cúm A mà không có chỉ định hoặc ý kiến từ bác sĩ.

1. Thuốc kháng virus

Thuốc kháng virus là nhóm thuốc được sử dụng trong điều trị cúm A để giảm thiểu mức độ nghiêm trọng của bệnh và rút ngắn thời gian hồi phục. Tuy nhiên, các thuốc kháng virus chỉ được dùng khi có chỉ định của bác sĩ, thường trong một số trường hợp nhất định như sau:

  • Phát hiện có triệu chứng cúm trong vòng 48 giờ. Nếu sau 2 ngày thì thuốc kháng virus sẽ ít có hiệu quả hơn.
  • Bệnh nhân có bệnh nền hoặc thuộc nhóm đối tượng có nguy cơ diễn tiến bệnh nặng, gặp biến chứng nguy hiểm như phụ nữ có thai, trẻ em, người lớn tuổi, người bị suy giảm miễn dịch…
  • Người bệnh có các triệu chứng nghiêm trọng, ngay cả khi bạn đã bị nhiễm virus cúm A hơn 48 giờ.
  • Chung sống cùng hoặc chăm sóc những người có nguy cơ lây nhiễm cao và gặp biến chứng nghiêm trọng của cúm A.
  • Những người phải nhập viện để điều trị cúm A.

Vì cúm A do virus gây ra nên việc dùng thuốc kháng sinh sẽ không có tác dụng. Do đó, bạn hãy nhớ không tự ý mua thuốc kháng sinh uống để điều trị cúm mùa nói chung và cúm A nói riêng nhằm tránh gây thêm những ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.

Hiện nay, có 4 loại thuốc kháng virus được FDA phê duyệt dùng trong điều trị cúm là:

  • Oseltamivir
  • Zanamivir
  • Peramivir
  • Baloxavir marboxil

Trong đó, cơ chế tác động của oseltamivir, zanamivir và peramivir là ức chế neuraminidase – một glycoprotein được tìm thấy trong virus gây bệnh cúm có vai trò giúp giải phóng virus mới được nhân lên. Thời điểm virus nhân lên nhanh và nhiều nhất là khoảng 24 – 48 giờ sau khi phơi nhiễm. Do đó, để ngăn chặn quá trình giải phóng virus lây nhiễm đến nhiều tế bào hơn thì người bệnh cần được dùng thuốc kháng virus càng sớm càng tốt. Trong khi đó, baloxavir marboxil có cơ chế hoạt động khác là ức chế men endonuclease phụ thuộc CAP để cản trở quá trình phiên mã ARN của virus, khiến chúng không thể nhân lên bên trong tế bào chủ.

Đối với cúm A không biến chứng, thuốc kháng virus được sử dụng là oseltamivir. Còn khi bệnh xuất hiện biến chứng thì cần được điều trị kết hợp nhiều loại thuốc khác nhau tùy theo tình trạng.

2. Thuốc giảm đau, hạ sốt

Với các triệu chứng đau nhức cơ thể, đau đầu, sốt khi bị cúm A thì bạn có thể uống thuốc giảm đau, hạ sốt không kê đơn như paracetamol. Tuy nhiên, bạn vẫn cần hỏi ý kiến bác sĩ để biết liều lượng dùng phù hợp, nhất là khi dùng cho một số đối tượng đặc biệt như trẻ em, người cao tuổi, phụ nữ mang thai… Bình thường, khoảng cách giữa các lần uống paracetamol là ít nhất 4 – 6 tiếng, liều lượng tối đa là 4g/ ngày.

Ngoài ra, một số thuốc giảm đau không steroid khác cũng có thể được sử dụng như ibuprofen, aspirin với liều dùng phù hợp. Bạn cần chú ý để không sử dụng thuốc quá liều. Nếu sau khi dùng thuốc mà các triệu chứng không thuyên giảm hoặc xuất hiện các biểu hiện bất thường thì hãy đến ngay cơ sở y tế gần nhất.

Người bị cúm A uống thuốc gì? Thuốc giảm đau, hạ sốt
Người bệnh cúm A có thể xoa dịu các triệu chứng bệnh bằng thuốc giảm đau, hạ sốt, thuốc giảm ho, sổ mũi…

3. Thuốc giảm đau họng

Các thuốc giúp giảm đau họng, viêm họng như thuốc xịt họng chứa tinh dầu bạc hà, viên ngậm đau họng cũng được sử dụng để điều trị triệu chứng cho người bệnh cúm A. Các thuốc giảm đau không kê đơn khác như paracetamol, ibuprofen cũng có thể giúp giảm đau họng nhẹ. Nếu bạn đang dùng các thuốc này và thấy triệu chứng giảm nhẹ thì không cần dùng thêm các thuốc giảm đau họng khác.

4. Thuốc giảm ho

Thuốc giảm ho là loại thuốc đôi khi cần dùng vì ho cũng là một trong các triệu chứng thường gặp ở người bệnh cúm A, có khả năng gây kích ứng cổ họng, làm gián đoạn giấc ngủ. Bác sĩ có thể chỉ định các thuốc chứa dextromethorphan hoặc codein cho người bệnh cúm A bị ho khan nhiều.

Trường hợp ho kèm theo các triệu chứng khác như sổ mũi, ngạt mũi thì thường dùng thuốc decolgen, rhumenol, atussin… Lưu ý, một số thuốc giảm ho có khả năng gây ra tác dụng phụ như buồn ngủ, chóng mặt, buồn nôn nên người bệnh cần tránh làm các công việc đòi hỏi sự tập trung sau khi uống thuốc hoặc trao đổi với bác sĩ để được thay đổi loại thuốc khác.

5. Thuốc giảm sổ mũi, chảy nước mũi

Người bệnh cúm A còn hay gặp phải tình trạng sổ mũi, chảy nước mũi khiến đường thở không được thông thoáng, gây nghẹt mũi, khó thở. Khi đó, bác sĩ có thể kê đơn một số thuốc có tác dụng làm co mạch, giảm lưu lượng máu đến các xoang để giảm phù nề và mở rộng đường thở. Thông thường, các thuốc được dùng ở dạng thuốc nhỏ mũi với hoạt chất xylometazolin, naphazolin…

Thuốc nhỏ mũi giảm sổ mũi, chảy nước mũi ở người bệnh cúm A thường dùng trong 3 – 5 ngày sau khi bị bệnh. Người bệnh không nên tự ý kéo dài thời gian sử dụng mà không có ý kiến bác sĩ vì có thể gây ra nhiều tác dụng phụ như giảm khứu giác, đau đầu, viêm mũi…

Người bệnh cúm A cần uống thuốc trong bao lâu?

Khi bị cúm A, phần lớn các trường hợp nhẹ sẽ tự khỏi trong khoảng 7 – 10 ngày với các biện pháp tự chăm sóc, điều trị tại nhà. Nếu bệnh tiến triển nặng hoặc xuất hiện biến chứng thì người bệnh cần đến ngay bệnh viện để được kiểm tra, chẩn đoán các vấn đề đang mắc phải và điều trị phù hợp.

Trung bình, người bị cúm A cần uống thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ trong khoảng 5 – 7 ngày. Sau 7 ngày, nếu các triệu chứng không thuyên giảm hoặc tái sốt, tiến triển nặng thì phải được đưa ngay đến bệnh viện để can thiệp xử lý kịp thời.

Người bị cúm A uống thuốc gì và uống trong bao lâu?
Cúm A thường khỏi sau khoảng 7 ngày, nếu sau 1 tuần bệnh không thuyên giảm thì bạn cần đến gặp bác sĩ để kiểm tra.

Những lưu ý khi dùng thuốc điều trị cúm A

Cúm A cũng như cúm mùa nói chung đôi khi bị nhầm lẫn với tình trạng cảm lạnh thông thường khiến người bệnh chủ quan hoặc có những quan niệm sai lầm trong việc điều trị, từ đó làm tình trạng bệnh tệ hơn. Dưới đây là những điều mà bạn cần chú ý tránh phạm phải khi dùng thuốc điều trị bệnh cúm A:

  • Không tự ý dùng thuốc, đặc biệt là thuốc kháng virus và kháng sinh mà không có chỉ định của bác sĩ: Cúm A do virus gây ra nên việc uống kháng sinh sẽ không mang lại hiệu quả điều trị bệnh. Bạn chỉ dùng kháng sinh trong các trường hợp có khả năng bị bội nhiễm và phải được bác sĩ kê đơn. Với thuốc kháng virus như oseltamivir thì không phải trường hợp cúm A nào cũng cần thiết dùng đến. Phần lớn người bị cúm nhẹ có thể tự khỏi mà không cần uống thuốc kháng virus. Vì vậy, bạn chỉ dùng thuốc khi có chỉ định của bác sĩ thôi nhé.
  • Không kết hợp nhiều loại thuốc: Nhiều người bệnh thường có thói quen mua nhiều loại thuốc để điều trị các triệu chứng cúm A mà không để ý đến thành phần hoạt chất của từng thuốc. Đôi khi, một số thuốc đã phối hợp sẵn nhiều hoạt chất hoặc chứa những hoạt chất tương tự nhau nên nếu tự dùng nhiều thuốc cùng lúc có thể khiến bạn bị quá liều. Hoặc trong một số trường hợp khác, các thuốc có khả năng tương tác với nhau và gây ra tác dụng phụ.
  • Không tự ý ngừng dùng thuốc: Một quan niệm sai lầm thường thấy ở người bệnh cúm A là tự ngưng uống thuốc khi nhận thấy các triệu chứng cúm đã thuyên giảm. Tuy nhiên, không phải loại thuốc nào cũng có thể tự ý dừng uống, đặc biệt là thuốc kháng virus vì sẽ có nguy cơ gây ra tình trạng kháng thuốc và khiến bệnh tái phát nặng hơn. Do đó, bạn hãy tuân thủ đúng liệu trình điều trị cúm A của bác sĩ vì chưa chắc lượng virus đã được tiêu diệt hết cho dù các triệu chứng dần biến mất.
  • Không tự ý thay đổi liều lượng thuốc: Bác sĩ đã tính toán liều dùng phù hợp cho các loại thuốc điều trị cúm A khi kê đơn. Vì vậy, việc tự tăng, giảm liều lượng thuốc có thể gây ra nhiều hậu quả khó lường cho sức khỏe. 
  • Không dùng các bài thuốc hoặc mẹo dân gian: Việc nghe theo các bài thuốc hoặc mẹo dân gian truyền miệng, không có cơ sở khoa học để chữa cúm A có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng cho người bệnh. Ví dụ, nhiều người cho rằng cần xông hơi khi bị cúm để toát mồ hôi nhưng điều đó có khả năng gây mất nước, kiệt sức hoặc bỏng khi xông khiến việc điều trị bệnh gặp nhiều khó khăn hơn.

Với những thông tin trên, Bowtie hy vọng bạn đã biết được người bị cúm A có thể uống thuốc gì và cần tránh những gì trong quá trình điều trị. Cúm A có khả năng lây lan nhanh chóng và bùng phát thành dịch nên bạn hãy cẩn thận, thực hiện đầy đủ các biện pháp giữ gìn vệ sinh cá nhân và đến ngay cơ sở y tế thăm khám nếu nhận thấy có các triệu chứng cúm cũng như nguy cơ nhiễm bệnh.

Chia sẻ
Các thông tin trên được chia sẻ bởi Bowtie Việt Nam. Các nội dung này chỉ mang tính chất tham khảo. Trong mọi trường hợp, Bowtie không chịu trách nhiệm về bất kỳ tổn thất hoặc thiệt hại nào, dù là trực tiếp hay gián tiếp, liên quan đến việc truy cập và sử dụng nội dung của Bowtie.

Bài viết liên quan

Những điều cần biết về sỏi mật Những điều cần biết về sỏi mật
Các bệnh lý khác

Những điều cần biết về sỏi mật

Vì sao trào ngược dạ dày thực quản gây khó thở? Vì sao trào ngược dạ dày thực quản gây khó thở?
Các bệnh lý khác

Vì sao trào ngược dạ dày thực quản gây khó thở?

Nhận biết triệu chứng cảm lạnh thông thường Nhận biết triệu chứng cảm lạnh thông thường
Các bệnh lý khác

Nhận biết triệu chứng cảm lạnh thông thường

Các chuyên mục khác

Email

Liên hệ chung
hello@bowtie.com.vn
Liên hệ về truyền thông
media@bowtie.com.vn
Liên hệ hợp tác
partners@bowtie.com.vn

© 2024 Bản quyền thuộc Bowtie Vietnam Company Limited.

Trình duyệt của bạn đã xảy ra lỗi. Để trải nghiệm tốt hơn, vui lòng nâng cấp hoặc thay đổi trình duyệt khác. OK