Kiến thức sức khỏe
Kiến thức sức khỏe

Tại sao lái xe hay buồn ngủ? 9 cách giúp hết buồn ngủ khi lái xe

Việc bạn lái xe trong trạng thái mệt mỏi và buồn ngủ không chỉ gây nguy hiểm cho bản thân mà còn dễ dẫn đến tai nạn cho người khác. Khi gặp phải tình trạng này, bạn có thể thử một số cách đơn giản để lấy lại tỉnh táo và hết buồn ngủ khi lái xe.
Biên tập bởi Bowtie Việt Nam
Ngày đăng 2023-06-19
Cập nhật ngày 2023-07-07
Nội dung chính
Tại sao lái xe thường hay buồn ngủ?Bỏ túi ngay 9 cách hết buồn ngủ khi lái xeCách giúp hạn chế mệt mỏi, buồn ngủ trong những chuyến đi dài
Tại sao lái xe hay buồn ngủ? 9 cách giúp hết buồn ngủ khi lái xe

Vậy tại sao khi lái xe bạn hay buồn ngủ? Làm cách nào để chống buồn ngủ khi lái xe, cả xe máy lẫn xe ô tô? Bài viết này của Bowtie sẽ giới thiệu một số cách giúp bạn hết buồn ngủ khi lái xe cũng như biết làm thế nào để ngăn ngừa tình trạng này. Mời bạn cùng theo dõi nhé. 

Tại sao lái xe thường hay buồn ngủ?

Buồn ngủ khi lái xe là một tình trạng rất phổ biến, cả khi lái xe máy hay xe ô tô. Tình trạng này do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra. Trong đó, một số nguyên nhân phổ biến nhất có thể kể đến là:

  • Người lái xe không ngủ đủ giấc: Việc không ngủ đủ giấc sẽ khiến bạn dễ cảm thấy buồn ngủ khi lái xe. Tình trạng này có thể xảy ra do các rối loạn giấc ngủ hoặc do bạn phải làm việc quá sức, không có thời gian nghỉ ngơi.
  • Rượu bia: Việc uống rượu bia trước khi lái xe có thể gây buồn ngủ, đồng thời ảnh hưởng đến khả năng phán đoán của người lái khi lưu thông trên đường.
  • Tác dụng phụ của thuốc: Một số loại thuốc có thể gây ra tác dụng phụ là buồn ngủ.
  • Chạy xe đường dài: Việc phải chạy xe liên tục một quãng đường dài có thể khiến cơ thể mệt mỏi và dẫn đến tình trạng buồn ngủ.
  • Chạy xe vào buổi tối hoặc trưa: Bạn có xu hướng dễ buồn ngủ nhất vào 2 thời điểm trong ngày. Một là từ nửa đêm đến 6 giờ sáng, một là khoảng đầu giờ chiều. Vì vậy, lái xe trong khoảng thời gian này có thể gây buồn ngủ.

Theo đó, một người buồn ngủ khi lái xe sẽ có các biểu hiện như ngáp và chớp mắt thường xuyên, mỏi mắt, sụp mí mắt, lái xe sang làn đường khác, không thể chú ý đến các biển báo hoặc đường đi, khó kiểm soát tốc độ của mình… Khi gặp phải các tình trạng này, bạn cần có cách xử lý ngay để hết buồn ngủ nhằm đảm bảo an toàn cho bản thân và người khác. 

Bỏ túi ngay 9 cách hết buồn ngủ khi lái xe

Nếu nhận thấy các biểu hiện buồn ngủ khi lái xe (cả xe máy lẫn xe ô tô), bạn có thể thực hiện một số cách sau để hết buồn ngủ và tỉnh táo hơn:

1. Dừng lại và tranh thủ chợp mắt

Nếu bạn cảm thấy buồn ngủ, đừng bao giờ tự cho rằng việc tiếp tục lái xe sẽ không gây ra hậu quả gì. Thực tế, nhiều thống kê cho thấy, tình trạng buồn ngủ khi lái xe là “thủ phạm giấu mặt” sau rất nhiều tai nạn giao thông nghiêm trọng, không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới. 

Theo đó, cách tốt nhất để chữa buồn ngủ khi lái xe chính là chủ động dừng lại để nghỉ ngơi. Lúc này, bạn có thể tranh thủ thời gian để chợp mắt một chút hoặc thực hiện các động tác giãn cơ đơn giản nhằm giúp bản thân tỉnh táo. Theo nhiều người, chỉ cần một giấc ngủ ngắn khoảng 20 phút cũng có thể giúp bạn “đánh bay” cơn buồn ngủ và cảm thấy sảng khoái hơn.

Dừng lại chợp mắt là cách hết buồn ngủ khi lái xe
Khi buồn ngủ, bạn nên dừng lại để chợp mắt trong khoảng 20 - 30 phút.

2. Uống các thức uống chứa caffeine

Caffeine có trong cà phê và nước tăng lực là một chất kích thích có thể giúp bạn tỉnh táo và giảm bớt cảm giác buồn ngủ. Tuy nhiên, cách hết buồn ngủ khi lái xe này chỉ có tác dụng tạm thời trong vài tiếng. Sau đó, cơn buồn ngủ có thể quay trở lại. 

Ngoài ra, bạn không nên tiêu thụ quá nhiều caffeine. Bởi nếu lạm dụng, caffeine có thể khiến cơ thể mệt mỏi hơn và gây ra một số tác dụng phụ như lo âu, đau đầu, mất ngủ, nhịp tim nhanh…

3. Nhai kẹo cao su

Nếu cảm thấy buồn ngủ khi lái xe, bạn có thể thử nhai kẹo cao su để tỉnh táo hơn. Bởi khi nhai kẹo cao su, não bộ của bạn sẽ tập trung vào việc nhai mà quên đi cảm giác buồn ngủ.

Việc hoạt động cơ miệng trong quá trình nhai kẹo cũng hạn chế tình trạng ngáp và giúp đẩy lùi cơn buồn ngủ. Nếu áp dụng cách chống buồn ngủ khi lái xe máy, xe ô tô này, bạn nên ưu tiên lựa chọn các loại kẹo có vị bạc hà vì sẽ tạo cảm giác sảng khoái, the mát, giúp kích thích hệ thần kinh tỉnh táo hơn.

4. Ăn trái cây chua

Trái cây chua như chanh, cam, bưởi hay dứa chứa nhiều vitamin C có tác dụng kích thích thần kinh, giúp bạn tỉnh táo và tập trung hơn khi lái xe. Vì vậy, nếu cảm thấy buồn ngủ, bạn có thể nhấm nháp một vài miếng trái cây chua để đẩy lùi tình trạng này nhé.

5. Lau mặt bằng khăn lạnh

Một cách hết buồn ngủ khi lái xe được nhiều người chia sẻ chính là lau mặt bằng khăn lạnh. Cảm giác lạnh sẽ kích thích tuần hoàn máu đến vùng mặt và làm giảm sự mệt mỏi, từ đó giúp bạn tỉnh táo và đỡ buồn ngủ hơn. Vì vậy, nếu thường xuyên bị buồn ngủ khi lái xe, bạn nên chuẩn bị cho mình một chiếc khăn lạnh để sử dụng ngay khi cần nhé.

6. Cấu, véo hoặc thực hiện hành động làm đau mình

Thực hiện các hành động như cấu, véo, bóp tay hoặc tự làm đau bản thân sẽ giúp “kéo” bạn ra khỏi cảm giác mệt mỏi và buồn ngủ. Tuy nhiên, bạn hãy chú ý để tránh tác động đến cơ thể quá mức vì việc này có thể khiến bạn bị thương và ảnh hưởng đến sức khỏe. 

7. Hạ cửa sổ xe xuống

Hạ cửa sổ xe xuống là một trong những cách đơn giản nhất giúp giảm cảm giác buồn ngủ khi lái xe ô tô. Việc này cho phép không khí được lưu thông dễ dàng để đảm bảo lượng oxy trong cabin xe, từ đó giảm bớt cảm giác mệt mỏi. 

8. Mở nhạc hoặc radio để nghe

Một bài hát sôi động hoặc chương trình radio yêu thích có thể kích thích não bộ, tạo sự hưng phấn và giúp bạn quên đi cảm giác buồn ngủ khi lái xe. Vì vậy, nếu đang buồn ngủ, bạn hãy mở ngay một bài nhạc sôi động hoặc radio để nghe nhé. 

9. Trò chuyện với người xung quanh

Cách hết buồn ngủ khi lái xe cuối cùng mà Bowtie muốn giới thiệu cùng bạn chính là hãy tích cực trò chuyện với người xung quanh. Việc nói chuyện với ai đó sẽ giúp bạn tập trung và tỉnh táo hơn. Vì vậy, nếu cảm thấy buồn ngủ, bạn hãy kéo người đi cùng vào những cuộc trò chuyện ngắn để quên đi cảm giác buồn ngủ nhé.

Trò chuyện với người khác là cách hết buồn ngủ khi lái xe
Việc trò chuyện với người khác cũng giúp giảm cảm giác buồn ngủ khi lái xe.

Cách giúp hạn chế mệt mỏi, buồn ngủ trong những chuyến đi dài

Nếu chuẩn bị có những chuyến đi dài, đặc biệt là đi vào ban đêm hoặc đầu giờ chiều, bạn nên có sự chuẩn bị trước để hạn chế tình trạng mệt mỏi, buồn ngủ khi lái xe. Dưới đây là một số gợi ý của Bowtie để giúp bạn không gặp phải tình trạng này.

Lái xe cùng người khác

Việc lái xe một mình có thể khiến bạn dễ buồn ngủ hơn. Vì vậy, bạn nên lái xe cùng người khác để hạn chế tình trạng này. Ngoài ra, việc đi cùng người khác buộc bạn phải có thêm phần trách nhiệm để đảm bảo an toàn cho họ. Đồng thời, người đi cùng có khả năng nhận ra lúc nào bạn đang buồn ngủ. Khi đó, họ có thể lái xe thay bạn để bạn có thời gian chợp mắt, nghỉ ngơi.

Tránh lái xe vào ban đêm

Như Bowtie đã đề cập, ban đêm là thời điểm mà bạn dễ bị buồn ngủ nhất. Vì vậy nếu có thể, bạn nên hạn chế việc lái xe vào ban đêm, đặc biệt là lái xe đường dài để đảm bảo an toàn cho bản thân và người khác.

Thường dừng lại nghỉ ngơi

Nếu phải lái xe đường dài, bạn nên thường xuyên dừng lại ở các trạm dừng để nghỉ ngơi. Theo các chuyên gia, bạn không nên lái xe liên tục quá 4 tiếng vì lúc này, não bộ sẽ phải làm việc liên tục và có thể dẫn đến tình trạng mệt mỏi, buồn ngủ. 

Vì vậy, cứ sau 2 – 3 tiếng lái xe, bạn nên dừng lại nghỉ ngơi khoảng 15 – 20 phút. Lúc này, bạn có thể tranh thủ chợp mắt, đi lại 1 vòng hoặc uống nước, rửa mặt để tỉnh táo hơn.

Ngủ trước khi lái xe

Nếu chuẩn bị phải lái xe đường dài, bạn cần đảm bảo ngủ đủ giấc trước đó. Để hạn chế tình trạng buồn ngủ khi lái xe, tốt nhất bạn nên ngủ đủ 7 – 9 tiếng vào đêm hôm trước.

Cải thiện chất lượng giấc ngủ

Dù ngủ đủ giấc nhưng nếu chất lượng giấc ngủ không được đảm bảo thì bạn cũng rất dễ cảm thấy buồn ngủ khi lái xe. Để cải thiện chất lượng giấc ngủ, bạn hãy thử thực hiện một số cách sau đây:

  • Xây dựng lịch đi ngủ đồng bộ và nhất quán, tức là bạn hãy cố gắng đi ngủ và thức dậy vào những thời điểm giống nhau vào tất cả các ngày trong tuần
  • Đảm bảo không gian ngủ yên tĩnh, tối và mát mẻ
  • Hạn chế sử dụng các thiết bị điện tử trước giờ đi ngủ
  • Tránh uống các loại thức uống chứa caffeine và rượu bia trước khi đi ngủ
  • Thực hiện các bài tập thể dục trong ngày và duy trì chế độ ăn uống lành mạnh để cải thiện chất lượng giấc ngủ

Hạn chế các loại đồ uống có cồn

Như Bowtie đã đề cập, việc uống rượu bia và đồ uống có cồn dù gần hay xa thời gian lái xe cũng có khả năng khiến bạn cảm thấy buồn ngủ. Vì vậy, nếu có dự định lái xe đường dài, bạn cần hạn chế các loại đồ uống này nhé.

Trên đây là 9 cách hết buồn ngủ khi lái xe cũng như một số mẹo giúp bạn hạn chế tình trạng này. Nếu thấy buồn ngủ, tốt nhất bạn nên dừng lại và nghỉ ngơi để đảm bảo an toàn cho bản thân cũng như người xung quanh. Chúc bạn lái xe an toàn nhé!

Chia sẻ
Các thông tin trên được chia sẻ bởi Bowtie Việt Nam. Các nội dung này chỉ mang tính chất tham khảo. Trong mọi trường hợp, Bowtie không chịu trách nhiệm về bất kỳ tổn thất hoặc thiệt hại nào, dù là trực tiếp hay gián tiếp, liên quan đến việc truy cập và sử dụng nội dung của Bowtie.

Bài viết liên quan

17 bài tập eo thon trước khi đi ngủ dễ thực hiện, hiệu quả ngay 17 bài tập eo thon trước khi đi ngủ dễ thực hiện, hiệu quả ngay
Kiến thức sức khỏe

17 bài tập eo thon trước khi đi ngủ dễ thực hiện, hiệu quả ngay

Cẩn trọng với 8 nguyên nhân gây nghẹt mũi lâu ngày không khỏi Cẩn trọng với 8 nguyên nhân gây nghẹt mũi lâu ngày không khỏi
Kiến thức sức khỏe

Cẩn trọng với 8 nguyên nhân gây nghẹt mũi lâu ngày không khỏi

Nước cam chứa bao nhiêu calo? Uống nước cam khi nào để giảm cân? Nước cam chứa bao nhiêu calo? Uống nước cam khi nào để giảm cân?
Kiến thức sức khỏe

Nước cam chứa bao nhiêu calo? Uống nước cam khi nào để giảm cân?

Các chuyên mục khác

Email

Liên hệ chung
hello@bowtie.com.vn
Liên hệ về truyền thông
media@bowtie.com.vn
Liên hệ hợp tác
partners@bowtie.com.vn

© 2024 Bản quyền thuộc Bowtie Vietnam Company Limited.

Trình duyệt của bạn đã xảy ra lỗi. Để trải nghiệm tốt hơn, vui lòng nâng cấp hoặc thay đổi trình duyệt khác. OK