Ung thư
Ung thư

Bác sĩ hướng dẫn cách chăm sóc bệnh nhân ung thư vú nhanh khỏe

Bên cạnh việc điều trị y tế tích cực, quá trình chăm sóc bệnh nhân ung thư vú tại nhà cũng góp phần cải thiện tình trạng bệnh và kéo dài tuổi thọ cho bệnh nhân. Vì vậy, người thân và gia đình cần lập một kế hoạch chăm sóc bệnh nhân ung thư vú phù hợp, hiệu quả để cùng người bệnh chiến đấu và vượt qua bệnh tật.
Biên tập bởi Bowtie Việt Nam
Tham vấn y khoa/chuyên môn bởi Bác sĩ CKI Trần Kiến Bình
Ngày đăng 2023-04-16
Cập nhật ngày 2023-05-12
Nội dung chính
Những khía cạnh người thân cần quan tâm khi chăm sóc bệnh nhân ung thư vúLập kế hoạch chăm sóc bệnh nhân ung thư vú khi thực hiện điều trị
Cách chăm sóc bệnh nhân ung thư vú nhanh khỏe

Vậy nên chăm sóc bệnh nhân ung thư vú như thế nào? Khi chăm sóc người bệnh ung thư vú cần lưu ý những khía cạnh gì? Nếu đang băn khoăn, tìm hiểu những vấn đề này, bạn hãy cùng Bảo hiểm Bowtie dành vài phút theo dõi thông tin trong bài viết bên dưới để biết rõ hơn nhé!

Những khía cạnh người thân cần quan tâm khi chăm sóc bệnh nhân ung thư vú

Người bệnh ung thư vú đang phải đương đầu với một căn bệnh vô cùng nguy hiểm. Bệnh không chỉ gây ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất mà còn tác động đến nhiều khía cạnh trong cuộc sống của người bệnh. Vì vậy, người thân không nên chỉ tập trung vào sức khỏe thể chất mà cần quan tâm thêm các khía cạnh khác khi chăm sóc bệnh nhân ung thư vú. Cụ thể như sau:

Theo dõi lịch thăm khám và điều trị của bệnh nhân

Chăm sóc y khoa là một trong những khía cạnh quan trọng bạn cần lưu ý khi chăm sóc người bệnh ung thư vú. Theo đó, người thân và gia đình cần đảm bảo:

  • Theo dõi chặt chẽ lịch thăm khám, điều trị của người bệnh và đưa họ đến bệnh viện theo đúng lịch
  • Theo dõi lịch uống thuốc (nếu được chỉ định) và nhắc nhở người bệnh uống đúng lịch, đúng liều lượng
  • Theo dõi các triệu chứng mà người bệnh gặp phải trong quá trình điều trị cũng như thực hiện các biện pháp giúp người bệnh giảm bớt các triệu chứng này
  • Hỏi bác sĩ những điều cần lưu ý về bệnh, về thuốc hoặc về các phương pháp điều trị đang được áp dụng để hỗ trợ người bệnh một cách tốt nhất

Chăm sóc dinh dưỡng, chế độ ăn uống

Một chế độ dinh dưỡng cân bằng, khoa học đóng vai trò rất quan trọng đối với người bệnh ung thư vú. Nếu người bệnh có chế độ ăn uống tốt, khoa học, họ sẽ được cung cấp đầy đủ dinh dưỡng, năng lượng để đương đầu với bệnh cũng như tác dụng phụ của các phương pháp điều trị. Ngoài ra, chế độ dinh dưỡng lành mạnh cũng góp phần ổn định cân nặng, tránh tình trạng sụt cân nhanh, đồng thời giúp người bệnh nâng cao hệ miễn dịch và cải thiện chất lượng cuộc sống.

Hiện không có một chế độ ăn cụ thể, riêng biệt nào cho người bệnh ung thư vú. Tuy nhiên, bạn sẽ cần lưu ý một số điều sau để đảm bảo dinh dưỡng cho người bệnh:

  • Ăn ít nhất năm khẩu phần trái cây và rau củ mỗi ngày
  • Lựa chọn ngũ cốc nguyên hạt và các thực phẩm được chế biến từ ngũ cốc nguyên hạt như bánh mì, mì ống…
  • Cho người bệnh dùng sữa hoặc các sản phẩm từ sữa. Tuy nhiên, cần chọn các sản phẩm chứa ít chất béo, ít đường và có chứa nhiều canxi
  • Thêm vào thực đơn của người bệnh các thực phẩm giàu protein như các loại đậu, cá, trứng, thịt nạc. Nên cho người bệnh ăn ít nhất hai phần cá mỗi tuần, đặc biệt là cá hồi hoặc cá thu
  • Hạn chế thực phẩm có nhiều đường như kẹo, bánh ngọt, các món tráng miệng…
  • Lựa chọn các loại dầu thực vật chứa chất béo không bão hòa như dầu oliu, dầu hạt lanh…
  • Tránh ăn thực phẩm nhiều muối hoặc chất béo quá thường xuyên
  • Hạn chế rượu bia hết mức có thể

Bài viết hữu ích:

Chăm sóc tâm trạng, tinh thần

Người bệnh ung thư vú có thể có cảm giác sợ hãi, bối rối, không chắc chắn, tức giận, tội lỗi, lo lắng… về nhiều vấn đề như tình trạng bệnh, tác dụng phụ của các phương pháp điều trị, sự thay đổi ngoại hình, tài chính gia đình, nỗi lo về tương lai, thời gian sống còn… Do đó, khi chăm sóc, bạn sẽ cần đặc biệt chú ý đến tâm trạng, tinh thần của người bệnh. 

Bạn có thể khuyến khích người bệnh chia sẻ, đồng thời lắng nghe những cảm xúc mà họ đang gặp phải. Ngoài ra, bạn cũng có thể khuyến khích người bệnh làm những điều mình thích như nghe nhạc, đọc sách, làm vườn, ra ngoài trò chuyện với bạn bè…. hoặc thực hiện các kỹ thuật giúp thư giãn như thiền, yoga… Người thân và gia đình cần lưu ý không nên để bệnh nhân cảm thấy mình đang bị bỏ rơi vì điều này rất có thể khiến họ suy sụp tinh thần, dẫn đến trầm cảm và suy nghĩ tiêu cực. 

Chú ý việc vận động, tập thể dục

Vận động, tập thể dục thường xuyên có thể giúp người bệnh cải thiện các triệu chứng mệt mỏi, giảm căng thẳng, cải thiện giấc ngủ, tâm trạng và có cái nhìn tích cực hơn về cơ thể. Theo nghiên cứu, tỷ lệ sống sót sau 10 năm ở người bệnh có tập thể dục thường xuyên sẽ cao hơn so với những bệnh nhân không tập. 

Do đó, bạn nên khuyến khích người bệnh vận động, tập thể dục vừa phải ít nhất 3 – 5 giờ mỗi tuần với các bộ môn như đi bộ, bơi lội, các bài tập có cường độ thấp… Ngoài ra, để giúp người bệnh có động lực tập luyện, bạn cũng có thể tập chung và khuyến khích những thành viên khác trong gia đình cùng tham gia.

Chăm sóc bệnh nhân ung thư vú về tinh thần
Người thân nên cố gắng dành nhiều thời gian ở bên cạnh bệnh nhân ung thư vú để đảm bảo họ không cô đơn.

Theo dõi triệu chứng và tác dụng phụ của phương pháp điều trị

Bất kỳ phương pháp điều trị ung thư vú nào cũng có khả năng gây ra tác dụng phụ. Chẳng hạn, tác dụng phụ sau phẫu thuật có thể kể đến như đau, mệt mỏi, chảy máu, nhiễm trùng… Trong khi đó, hóa trị liệu đôi khi dẫn đến giảm bạch cầu, thiếu máu, buồn nôn, nôn, rụng tóc… còn xạ trị lại thường gây ra các vấn đề trên da và tình trạng mệt mỏi.

Lúc này, người thân và gia đình cần chú ý theo dõi các triệu chứng mà người bệnh đang gặp phải. Nếu các triệu chứng quá nghiêm trọng hoặc ngày một tăng dần, tốt nhất bạn nên trao đổi với bác sĩ để có phương án can thiệp phù hợp.

Tham khảo thêm:

Lập kế hoạch chăm sóc bệnh nhân ung thư vú khi thực hiện điều trị

Phẫu thuật, xạ trị, hóa trị là các phương pháp thường được sử dụng để điều trị ung thư vú. Tuy nhiên, như đã đề cập, các phương pháp này có thể gây ra một số tác dụng phụ ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người bệnh. Vì vậy, trong quá trình điều trị, người thân và gia đình nên lập một kế hoạch chăm sóc bệnh nhân ung thư vú phù hợp để ngăn ngừa và giảm nhẹ các tác dụng phụ này.

Chăm sóc bệnh nhân sau mổ ung thư vú

Sau mổ ung thư vú, người bệnh có thể cần được đo sinh hiệu (đo thân nhiệt, mạch, huyết áp, nhịp thở và nồng độ bão hòa oxy trong máu) mỗi 3 giờ. Ngoài ra, người bệnh cần được:

  • Thay băng, theo dõi vết mổ hằng ngày bằng gói dụng cụ vô khuẩn. Khi chăm sóc, người thân cần chú ý xem bệnh nhân có bị chảy máu, bầm máu, sưng phồng hay hoại tử đen vạt da ở vị trí vết mổ hay không.
  • Theo dõi màu sắc và lượng dịch chảy qua ống dẫn lưu. Nếu có bất thường, bạn cần thông báo ngay cho nhân viên y tế
  • Vệ sinh răng miệng và thân thể hằng ngày cho bệnh nhân bằng nước ấm, thay quần áo sạch mỗi ngày

Sau khi mổ, bạn nên cho người bệnh ăn các món chứa nhiều protein (như trứng, các loại cá, thịt gia cầm…) và chất xơ (rau củ, trái cây…). Đồng thời, cần hạn chế đồ ăn chiên xào nhiều dầu mỡ, thức ăn chứa nhiều đường và các thực phẩm không hợp vệ sinh.

Đối với việc vận động, sau phẫu thuật, bạn nên khuyến khích người bệnh bắt đầu tập ngồi, sau đó tăng dần tần suất và cố gắng tập đi lại từ từ. Trong quá trình chăm sóc, bạn sẽ cần động viên, an ủi, khuyên người bệnh cố gắng chịu đau trong vài ngày đầu.

Chăm sóc bệnh nhân sau hóa trị

Hóa trị có thể gây ra nhiều tác dụng phụ khác nhau tùy thuộc vào loại thuốc, liều lượng, tình trạng bệnh cũng như cách cơ thể phản ứng với hóa chất. Hầu hết các tác dụng phụ sẽ biến mất theo thời gian sau khi kết thúc điều trị không lâu nhưng một số phản ứng có khả năng kéo dài hơn. Dưới đây là một số cách mà bạn có thể áp dụng để giúp người bệnh giảm nhẹ các tác dụng không mong muốn do hóa trị:

  • Mệt mỏi: Hóa trị thường gây nên tình trạng mệt mỏi cực độ, kéo dài hàng tuần hoặc hàng tháng sau khi kết thúc điều trị. Bạn có thể giúp người bệnh giảm tình trạng này bằng cách bổ sung dinh dưỡng, khuyến khích người bệnh ngủ đủ giấc và luyện tập thể dục nhẹ nhàng. 
  • Giảm số lượng các tế bào máu: Hóa trị có thể làm giảm số lượng các tế bào máu. Giảm hồng cầu sẽ gây mệt mỏi. Lúc này, bạn nên khuyến khích người bệnh nghỉ ngơi nhiều hơn. Trong khi đó, giảm bạch cầu làm tăng nguy cơ nhiễm trùng. Vì vậy, bạn cần nhắc nhở bệnh nhân rửa tay thường xuyên và không để họ ăn đồ sống. Khi chế biến thức ăn, bạn cũng cần lưu ý đến vấn đề vệ sinh. Cuối cùng, số lượng tiểu cầu thấp có thể gây bầm tím và chảy máu. Do đó, bạn nên tránh để người bệnh tiếp xúc với dao, kéo, vật sắc nhọn. Lưu ý nhập viện sớm khi không thể kiểm soát các triệu chứng và số lượng các tế bào máu giảm quá nhiều. 
  • Buồn nôn và ói mửa: Bạn hãy trao đổi với bác sĩ về việc cho người bệnh dùng thuốc giảm buồn nôn và nôn. Ngoài ra, bạn cũng có thể giúp người bệnh giảm các tác dụng phụ này bằng cách cho họ ăn nhiều bữa nhỏ trong ngày, ăn các món nhạt, ít gia vị…
  • Rụng tóc: Một số loại thuốc hóa trị sẽ gây rụng tóc. Để giúp người bệnh tự tin hơn, bạn có thể khuyến khích họ cắt tóc ngắn, dùng tóc giả hoặc mua khăn trùm đầu cho họ.
  • Các vấn đề ở miệng: Một số loại thuốc hóa trị có thể gây khô, lở loét trong miệng và cổ họng. Lúc này, bạn hãy cho người bệnh ăn thức ăn mềm để giúp bệnh nhân cảm thấy dễ chịu hơn.

Chăm sóc bệnh nhân sau xạ trị

Đối với xạ trị, tác dụng phụ phổ biến nhất mà người bệnh có thể gặp phải đó là tình trạng mệt mỏi và các vấn đề về da. Tình trạng mệt mỏi do xạ trị sẽ khác với mệt mỏi thông thường. Nhiều bệnh nhân cho biết, họ cảm thấy cả cơ thể và tâm trí đều suy kiệt. Ngoài ra, người bệnh cũng có thể thấy lo lắng, chán nản, sợ hãi, tức giận, thất vọng, cô đơn hoặc bất lực. 

Để hỗ trợ người bệnh vượt qua tình trạng này, bạn hãy cố gắng giúp họ lên kế hoạch vận động, nghỉ ngơi phù hợp trong ngày, đồng thời cho người bệnh ăn các món giàu dinh dưỡng. Bạn cũng nên dành thời gian chia sẻ, trò chuyện với người bệnh để giúp họ giải tỏa tinh thần.

Bức xạ cũng có thể khiến cho vùng da được điều trị trông giống như bị cháy nắng. Da sẽ bị đau, ngứa và bong tróc. Bạn hãy cố gắng giúp người bệnh tránh cọ xát hoặc làm trầy xước vùng da này. Một cách bạn nên thử là lựa chọn cho bệnh nhân các loại trang phục rộng rãi, tránh quần áo chật hoặc cứng vì có thể làm tổn thương da. 

Đối với các sản phẩm chăm sóc da như kem dưỡng, mỹ phẩm, bạn cần hỏi ý kiến bác sĩ trước khi bôi lên vùng da bị tổn thương. Bên cạnh đó, nếu người bệnh ra ngoài vào lúc trời nắng, hãy khuyến khích họ mặc quần áo dài tay, đeo kính râm, đội mũ rộng. Nếu bác sĩ cho phép dùng kem chống nắng, hãy lựa chọn kem chống nắng có chỉ số chống nắng (SPF) ít nhất là 30.

Trên đây là một số thông tin cần lưu ý khi chăm sóc bệnh nhân ung thư vú mà Bowtie muốn chia sẻ cùng bạn. Hy vọng bạn đã bỏ túi cho mình được một vài thông tin hữu ích để có thể đồng hành cùng người thân vượt qua chặng đường điều trị ung thư vú đầy thử thách phía trước.

Chia sẻ
Các thông tin trên được chia sẻ bởi Bowtie Việt Nam. Các nội dung này chỉ mang tính chất tham khảo. Trong mọi trường hợp, Bowtie không chịu trách nhiệm về bất kỳ tổn thất hoặc thiệt hại nào, dù là trực tiếp hay gián tiếp, liên quan đến việc truy cập và sử dụng nội dung của Bowtie.

Bài viết liên quan

Hướng dẫn cách tự kiểm tra ung thư phổi bằng ngón tay tại nhà Hướng dẫn cách tự kiểm tra ung thư phổi bằng ngón tay tại nhà
Ung thư

Hướng dẫn cách tự kiểm tra ung thư phổi bằng ngón tay tại nhà

Ung thư gan giai đoạn cuối có chữa được không? Ung thư gan giai đoạn cuối có chữa được không?
Ung thư

Ung thư gan giai đoạn cuối có chữa được không?

Ung thư vòm họng - Nguyên nhân và phương pháp điều trị hiệu quả Ung thư vòm họng - Nguyên nhân và phương pháp điều trị hiệu quả
Ung thư

Ung thư vòm họng - Nguyên nhân và phương pháp điều trị hiệu quả

Các chuyên mục khác

Email

Liên hệ chung
hello@bowtie.com.vn
Liên hệ về truyền thông
media@bowtie.com.vn
Liên hệ hợp tác
partners@bowtie.com.vn

© 2024 Bản quyền thuộc Bowtie Vietnam Company Limited.

Trình duyệt của bạn đã xảy ra lỗi. Để trải nghiệm tốt hơn, vui lòng nâng cấp hoặc thay đổi trình duyệt khác. OK