Kiến thức sức khỏe
Kiến thức sức khỏe

Đau bụng, mắc cầu liên tục là bệnh gì? Xem ngay 12 lý do dưới đây!

Đau bụng, mắc cầu liên tục có thể do rất nhiều nguyên nhân gây ra, từ việc bạn ăn phải đồ ôi thiu, bạn bị nhiễm trùng cho đến tác dụng phụ của các loại thuốc đang sử dụng. Tình trạng này thường không quá nghiêm trọng trong đa số các trường hợp và bạn có thể khắc phục bằng các biện pháp chăm sóc tại nhà.
Biên tập bởi Bowtie Việt Nam
Ngày đăng 2023-05-19
Cập nhật ngày 2023-06-01
Nội dung chính
Thế nào là đau bụng, đi ngoài nhiều lần liên tục trong ngày?12 nguyên nhân gây đau bụng, đi ngoài liên tục nhiều lần trong ngàyKhi nào bạn nên đến gặp bác sĩ?Cách kiểm soát, chữa đau bụng đi ngoài nhiều lần tại nhà
Đau bụng, mắc cầu liên tục là bệnh gì? Xem ngay 12 lý do dưới đây!

Vậy đau bụng, đi ngoài liên tục nhiều lần là bệnh gì? Bị đau bụng, mắc cầu liên tục khi nào nên đi khám? Đâu là cách chữa đau bụng, đi đại tiện nhiều lần liên tục tại nhà? Bạn hãy cùng Website Bowtie dành vài phút xem qua những chia sẻ dưới đây để phần nào có lời giải đáp cho những băn khoăn này nhé! 

Thế nào là đau bụng, đi ngoài nhiều lần liên tục trong ngày?

Một người có thể bị đau bụng và đi ngoài với tần suất nhiều hơn bình thường. Đặc biệt, nếu những lần đi ngoài diễn ra sát nhau thì sẽ gây nên tình trạng đau bụng, mắc cầu liên tục nhiều lần trong ngày. Theo các chuyên gia y tế, số lần đi ngoài bình thường của một người sẽ dao động từ 3 lần/ngày cho đến 3 lần/tuần. 

Tuy nhiên, trên thực tế, số lần đi ngoài ở mỗi người sẽ có sự khác biệt. Vì vậy, hiện tượng đau bụng, đi ngoài nhiều lần trong ngày dùng để chỉ sự gia tăng số lần đi ngoài so với thói quen bình thường của một người, chứ không dựa trên bất cứ một con số cụ thể nào. 

12 nguyên nhân gây đau bụng, đi ngoài liên tục nhiều lần trong ngày

Bị đau bụng, đi cầu liên tục nhiều lần trong ngày có thể do nhiều nguyên nhân gây ra. Trong đó, 12 nguyên nhân thường gặp nhất là:

1. Rối loạn tiêu hóa

Một số người có thể gặp phải tình trạng đau bụng, mắc cầu liên tục trong thời gian ngắn. “Thủ phạm” của những trường hợp này thường là đau bụng rối loạn tiêu hóa do ăn phải thức ăn ôi thiu, thức ăn nhiều chất béo, thức ăn cay nóng. 

Một số trường hợp bị đau bụng, mắc cầu nhiều lần trong ngày có thể liên quan đến việc thay đổi chế độ ăn trong thời gian gần đây. Chẳng hạn, nếu chuyển sang ăn nhiều trái cây, rau củ, ngũ cốc nguyên hạt, bạn có thể thấy số lần đi ngoài mỗi ngày tăng lên so với trước. Nguyên nhân là do những thực phẩm này chứa nhiều chất xơ, một dưỡng chất có thể giúp kiểm soát lượng đường trong máu, ngăn ngừa bệnh tim và cải thiện sức khỏe đường ruột. Tuy nhiên, tác dụng phụ của chúng chính là sẽ khiến bạn đi ngoài thường xuyên hơn, đôi khi liên tục.

2. Uống nhiều cà phê, rượu bia

Caffeine có trong cà phê, trà hoạt động như một chất nhuận tràng, có khả năng kích thích nhu động ruột và làm phân di chuyển nhanh hơn, từ đó gây đau bụng và mắc cầu nhiều lần. Bạn càng uống nhiều cà phê thì càng dễ bị đau bụng, đi ngoài cũng như thời gian giữa các lần đi ngoài càng sát nhau. Nếu bạn đang uống nhiều cà phê và thường gặp phải tình trạng đau bụng, mắc cầu liên tục, vậy hãy thử giảm lượng cà phê tiêu thụ mỗi ngày để xem có cải thiện không nhé!

Bên cạnh caffeine, cồn có trong rượu, bia cũng có thể ảnh hưởng đến số lần đi ngoài của bạn. Tình trạng này thường sẽ biến mất sau khi cồn được “loại bỏ” khỏi cơ thể.

3. Tập thể dục quá mức

Một nghiên cứu được thực hiện năm 2017 cho thấy, tập thể dục cường độ thấp có thể làm giảm thời gian thức ăn di chuyển qua ruột. Điều này dẫn đến số lần đi ngoài trong ngày nhiều hơn. Do đó, nếu gần đây bạn vừa bắt đầu tập thể dục hoặc vừa điều chỉnh chế độ tập luyện, bạn có thể nhận thấy số lần đi ngoài của mình nhiều hơn so với bình thường, đôi khi còn bị đi ngoài liên tục.

4. Căng thẳng

Căng thẳng có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và chức năng của đường ruột. Tình trạng này làm tăng tốc độ di chuyển của thức ăn qua ruột già. Nếu bị căng thẳng kéo dài, bạn có thể bị tiêu chảy hoặc đau bụng, mắc cầu liên tục. 

Nhiều người cũng chia sẻ rằng, mỗi khi lo lắng, căng thẳng, họ lại có nhu cầu sử dụng nhà vệ sinh nhiều hơn. Nguyên nhân của tình trạng này thường có liên quan đến trục ruột – não (mạng lưới thần kinh liên kết 2 chiều giữa não bộ và đường tiêu hóa). Khi bạn lo lắng, trục ruột – não sẽ tạo cảm giác “nhộn nhạo” và gây ra các vấn đề ở đường tiêu hóa, chẳng hạn như đau bụng, mắc cầu.

5. Hành kinh

Đau bụng, đi ngoài ra nước nhiều lần liên tục (tiêu chảy) ở phụ nữ có thể liên quan đến các vấn đề về kinh nguyệt. Theo nghiên cứu năm 2014, phụ nữ có nhiều khả năng bị đau bụng, tiêu chảy nhiều lần trong những ngày trước khi hành kinh. 

Thủ phạm gây ra tình trạng này được cho là có liên quan đến hormone prostaglandin. Đây là hormone giúp tử cung co thắt để làm bong lớp niêm mạc khi hành kinh. Hormone này cũng có thể ảnh hưởng đến ruột già. Khi ruột già bị co thắt càng nhiều thì số lần đi ngoài của bạn sẽ càng tăng và càng sát nhau hơn.  

6. Hội chứng ruột kích thích

Hội chứng ruột kích thích là vấn đề về tiêu hóa có thể gây đau bụng và ảnh hưởng đến số lần đi ngoài. Khi bị hội chứng ruột kích thích, bạn sẽ gặp phải các triệu chứng như:

  • Đầy hơi
  • Đau bụng
  • Tiêu chảy
  • Táo bón

Vấn đề sức khỏe này có thể do rất nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra, chẳng hạn như các dây thần kinh trong ruột quá mẫn cảm, thức ăn đi qua ruột quá nhanh hoặc quá chậm, căng thẳng, các yếu tố liên quan đến gen hoặc do một số loại thực phẩm.

7. Không dung nạp thực phẩm

Không dung nạp thực phẩm là tình trạng một người không thể tiêu hóa được một số thực phẩm nhất định. Và do đó, nếu ăn phải các loại thực phẩm này, họ có thể đau bụng, mắc cầu liên tục, thậm chí đi cùng với cả buồn nôn, nôn. Một vài tình trạng không dung nạp thực phẩm thường gặp là không dung nạp lactose (thường thấy trong sữa và các sản phẩm từ sữa), không dung nạp fructose (một loại đường thường thấy trong trái cây)…

Không dung nạp thực phẩm là nguyên nhân gây đau bụng mắc cầu liên tục
Người mắc chứng không dung nạp lactose có thể bị đau bụng, mắc cầu nhiều lần khi uống sữa hoặc dùng các sản phẩm từ sữa.

8. Bệnh Crohn

Một “thủ phạm” khác cũng có thể gây đau bụng, đi tiêu chảy nhiều lần liên tục là bệnh Crohn. Đây là một bệnh mạn tính đặc trưng bởi tình trạng viêm và khó chịu ở ống tiêu hóa, bao gồm các bộ phận từ miệng đến phần cuối của ruột già. Bạn có thể nghi ngờ mình mắc bệnh lý này nếu bị đau bụng, tiêu chảy nhiều lần liên tục hoặc nghiêm trọng, phân có máu, chán ăn, sút cân, mệt mỏi….

9. Bệnh Celiac

Bệnh Celiac là một rối loạn tự miễn khiến cơ thể “phản ứng” với gluten có trong thức ăn. Gluten là một loại protein được tìm thấy chủ yếu trong các thực phẩm làm từ lúa mì, lúa mạch. Trên thực tế, bệnh Celiac cũng được tính là một tình trạng không dung nạp thực phẩm.

Khi mắc bệnh Celiac, nếu lỡ ăn phải các thực phẩm có chứa gluten, bạn có thể bị đau bụng, đi ngoài nhiều lần liên tục. Ngoài ra, bạn còn có khả năng gặp phải một số triệu chứng khó chịu khác như đầy hơi, mệt mỏi, nhức đầu, loét miệng…

10. Nhiễm trùng đường tiêu hóa

Một “thủ phạm” khác gây đau bụng, mắc cầu liên tục bạn cũng có thể nghĩ đến là nhiễm trùng đường tiêu hóa. Đây là tình trạng hệ tiêu hóa của bạn bị viêm, nhiễm do virus hoặc vi khuẩn, khiến bạn bị đau bụng, đi tiêu chảy nhiều lần. Thông thường, tình trạng đau bụng, đi ngoài liên tục do nguyên nhân này khá thường gặp và không gây nguy hiểm nhưng nếu bạn đi ngoài ra máu hoặc có kèm theo sốt, hãy đi khám. 

11. Bệnh cường giáp

Cường giáp cũng có thể là nguyên nhân khiến bạn bị đau bụng, đi ngoài liên tục. Khi bị cường giáp, tuyến giáp của bạn sẽ sản xuất nhiều hormone thyroxine, dẫn đến sự trao đổi chất gia tăng. Bạn có thể nghi ngờ mình bị cường giáp nếu nhận thấy bản thân hay đau bụng, đi ngoài nhiều lần trong ngày kèm theo các triệu chứng như giảm cân, tóc dễ gãy, đổ mồ hôi nhiều, tim đập nhanh… 

12. Tác dụng phụ của thuốc

Nếu bạn mới bắt đầu dùng một số loại thuốc hoặc vừa dùng kháng sinh gần đây thì nguyên nhân gây đau bụng âm ỉ và đi ngoài nhiều lần liên tục có thể là do tác dụng phụ của các loại thuốc này. Theo đó, thuốc kháng sinh có khả năng làm “đảo lộn” sự cân bằng của hệ vi sinh đường ruột trong khi một số thuốc khác lại kích thích nhu động ruột, gây đau bụng, đi tiêu chảy nhiều lần. 

Nếu nguyên nhân là do tác dụng phụ của thuốc, đa phần tình trạng đau bụng, đi ngoài liên tục sẽ hết sau khi bạn ngừng sử dụng. Còn nếu tình trạng này vẫn không cải thiện hoặc đi kèm với một số triệu chứng khác như sốt, phân có máu…, bạn nên trao đổi với bác sĩ ngay.

Tác dụng phụ của thuốc là nguyên nhân gây đau bụng mắc cầu liên tục
Nếu bị đau bụng, đi ngoài liên tục kéo dài trong thời gian dùng thuốc, tốt nhất bạn nên trao đổi với bác sĩ.

Khi nào bạn nên đến gặp bác sĩ?

Đau bụng, đi ngoài nhiều lần liên tục là tình trạng không hiếm gặp. Nếu tình trạng này chưa quá nghiêm trọng, bạn có thể theo dõi tại nhà. Tuy nhiên, nếu tình trạng đau bụng, mắc cầu liên tục kéo dài hơn 2 ngày, bạn đi tiêu nhiều hơn 6 lần trong 24 giờ hoặc có bất cứ triệu chứng nào dưới đây, hãy liên hệ với bác sĩ ngay:

  • Phân có máu hoặc chảy máu từ trực tràng
  • Phân có mùi rất khó chịu
  • Giảm cân ngoài ý muốn
  • Tiêu chảy nặng hoặc mạn tính (dài hạn)
  • Tiêu chảy cấp nặng sau khi nhập viện hoặc sau khi dùng kháng sinh
  • Bụng đau, sưng hoặc đầy hơi
  • Đau quặn, co thắt bụng
  • Đi ngoài không tự chủ
  • Buồn nôn, nôn mửa
  • Sốt từ 38℃ trở lên
  • Ớn lạnh
  • Có dấu hiệu mất nước

Cách kiểm soát, chữa đau bụng đi ngoài nhiều lần tại nhà

Khi đi khám, nếu được chẩn đoán nguyên nhân gây ra tình trạng đau bụng, đi ngoài liên tục là do các bệnh lý, bạn cần điều trị các bệnh lý này theo đúng hướng dẫn của bác sĩ. Còn nếu nguyên nhân khiến bạn đau bụng, đi ngoài liên tục chỉ là do các vấn đề về lối sống và không liên quan đến bệnh lý, bạn có thể thực hiện một số biện pháp sau để khắc phục tình trạng này:

  • Bổ sung đủ nước cho cơ thể
  • Tránh các loại thực phẩm mà mình bị dị ứng
  • Hạn chế các loại thực phẩm dễ gây khó chịu cho dạ dày hoặc dễ khiến bạn đau bụng, đi ngoài như các món cay, nóng, nhiều dầu mỡ. Bạn nên ưu tiên dùng các món nhạt, dễ tiêu và thực phẩm tốt cho đường tiêu hóa, chẳng hạn như cháo, súp, chuối….
  • Tránh đồ uống có cồn
  • Ngừng hoặc giảm tiêu thụ các thức uống chứa caffeine
  • Điều chỉnh chế độ tập luyện phù hợp

Trên đây là một số nguyên nhân gây đau bụng, mắc cầu liên tục mà Bowtie muốn chia sẻ cùng bạn. Nhìn chung, nếu các triệu chứng này là do lối sống, do bạn sắp tới ngày hành kinh, do chế độ vận động thì bạn không cần quá lo lắng. Tuy nhiên, nếu tình trạng đau bụng, đi vệ sinh nhiều lần liên tục có kèm theo các biểu hiện bất thường thì tốt nhất bạn nên đi khám để được chẩn đoán chính xác nguyên nhân và có hướng điều trị phù hợp nếu cần thiết.

Chia sẻ
Các thông tin trên được chia sẻ bởi Bowtie Việt Nam. Các nội dung này chỉ mang tính chất tham khảo. Trong mọi trường hợp, Bowtie không chịu trách nhiệm về bất kỳ tổn thất hoặc thiệt hại nào, dù là trực tiếp hay gián tiếp, liên quan đến việc truy cập và sử dụng nội dung của Bowtie.

Bài viết liên quan

17 bài tập eo thon trước khi đi ngủ dễ thực hiện, hiệu quả ngay 17 bài tập eo thon trước khi đi ngủ dễ thực hiện, hiệu quả ngay
Kiến thức sức khỏe

17 bài tập eo thon trước khi đi ngủ dễ thực hiện, hiệu quả ngay

Đậu Hà Lan chứa bao nhiêu calo? 7 lợi ích sức khỏe của đậu Hà Lan Đậu Hà Lan chứa bao nhiêu calo? 7 lợi ích sức khỏe của đậu Hà Lan
Kiến thức sức khỏe

Đậu Hà Lan chứa bao nhiêu calo? 7 lợi ích sức khỏe của đậu Hà Lan

Đau bụng dưới rốn ở nam là bệnh gì? Cẩn trọng 18 bệnh lý tiềm ẩn Đau bụng dưới rốn ở nam là bệnh gì? Cẩn trọng 18 bệnh lý tiềm ẩn
Kiến thức sức khỏe

Đau bụng dưới rốn ở nam là bệnh gì? Cẩn trọng 18 bệnh lý tiềm ẩn

Các chuyên mục khác

Email

Liên hệ chung
hello@bowtie.com.vn
Liên hệ về truyền thông
media@bowtie.com.vn
Liên hệ hợp tác
partners@bowtie.com.vn

© 2024 Bản quyền thuộc Bowtie Vietnam Company Limited.

Trình duyệt của bạn đã xảy ra lỗi. Để trải nghiệm tốt hơn, vui lòng nâng cấp hoặc thay đổi trình duyệt khác. OK