Kiến thức sức khỏe
Kiến thức sức khỏe

Sáng ngủ dậy bị tê bàn tay? Tham khảo ngay 6 mẹo sau từ Bowtie

Ngủ dậy tê bàn tay là một hiện tượng khá phổ biến, xảy ra do nhiều vấn đề khác nhau. Trong đó, các nguyên nhân ít nghiêm trọng có thể được cải thiện dễ dàng bằng những biện pháp đơn giản tại nhà và thường không đáng lo ngại. Song, một số nguyên nhân khác có liên quan đến sự phát triển của các bệnh lý trong cơ thể, cần phải được chẩn đoán sớm và điều trị y tế để giảm nhẹ tình trạng.
Biên tập bởi Bowtie Việt Nam
Ngày đăng 2023-06-15
Cập nhật ngày 2023-07-07
Nội dung chính
Tại sao sáng ngủ dậy bạn lại bị tê tay? 11 nguyên nhân tiềm ẩnNhững mẹo giúp giảm tê tay khi ngủNhững trường hợp cần thăm khám khi ngủ dậy bị tê bàn tay
Sáng ngủ dậy bị tê bàn tay? Tham khảo ngay 6 mẹo sau từ Bowtie

Vậy tại sao sáng ngủ dậy hay bị tê tay, có cách nào giúp giảm tê tay hiệu quả không? Những thắc mắc này sẽ được làm rõ thông qua các nội dung được chia sẻ trong bài viết dưới đây, mời bạn hãy cùng Bảo hiểm trực tuyến Bowtie theo dõi ngay nhé!

Tại sao sáng ngủ dậy bạn lại bị tê tay? 11 nguyên nhân tiềm ẩn

Tê cứng hai bàn tay sau khi ngủ dậy được mô tả là cảm giác châm chích và ngứa ran ở toàn bộ bàn tay, gây ra sự khó chịu hoặc thậm chí là đau đớn. Tình trạng này có thể là hậu quả của việc kém lưu thông máu hoặc các dây thần kinh ở cánh tay bị chèn ép. 

Thỉnh thoảng, sáng ngủ dậy bị tê hai bàn tay trong vài phút rồi biến mất là điều bình thường và không đáng lo ngại. Ngược lại, việc thường xuyên ngủ dậy với 2 bàn tay bị tê cứng có thể tiềm ẩn nhiều vấn đề nghiêm trọng mà bạn cần quan tâm. Khi đó, cách điều trị cũng như khả năng phục hồi của mỗi người sẽ được quyết định dựa vào nguyên nhân cụ thể.

Một số nguyên nhân phổ biến có thể gây ra tình trạng tê cứng bàn tay sau khi ngủ dậy đó là:

1. Tư thế ngủ

Tư thế ngủ không phù hợp là nguyên nhân đầu tiên mà bạn có thể nghĩ đến nếu nhận thấy hai bàn tay bị tê sau khi ngủ dậy, đặc biệt là cảm giác tê đầu ngón tay. Trong đó, nằm đè lên cánh tay hoặc ngủ trong tư thế gập cổ tay là những nguyên nhân thường gặp nhất. Điều này có thể làm tăng áp lực tạm thời lên các dây thần kinh và/hoặc cản trở quá trình thông lưu máu ở cánh tay, từ đó dẫn đến tình trạng tê bàn tay khi ngủ dậy.

Ngủ sai cách có thể khiến một hoặc cả hai bàn tay bị tê khi ngủ dậy. Tuy nhiên, hiện tượng tê tay liên quan đến tư thế ngủ thường diễn ra tạm thời và có thể nhanh chóng cải thiện khi bạn thay đổi tư thế nằm ngủ hoặc cử động cánh tay. 

2. Thiếu vitamin B12

Vitamin B12 hay cobalamin là một loại vitamin rất quan trọng đối với hoạt động của não và hệ thần kinh trung ương, đồng thời cơ thể cũng cần vitamin B12 để tạo ra hồng cầu và hỗ trợ quá trình tổng hợp ADN. Sự thiếu hụt vitamin B12 có thể khiến các dây thần kinh bị tổn thương và gây ra một số bệnh thần kinh ngoại biên, từ đó làm phát triển các triệu chứng bao gồm yếu cơ, cảm giác tê rần ở ngón tay/bàn tay hoặc bàn chân.

Phần lớn mọi người thường bị thiếu hụt vitamin B12 do chế độ ăn uống kém hoặc lạm dụng bia rượu. Tuy nhiên, đôi khi nguyên nhân dẫn đến tình trạng này cũng có thể liên quan đến yếu tố di truyền và một số bệnh lý đang mắc phải, chẳng hạn như viêm dạ dày hoặc các bệnh tự miễn.

Bài viết liên quan:

Sáng ngủ dậy bị tê bàn tay do thiếu vitamin B12
Thiếu hụt vitamin B12 có thể là nguyên nhân khiến bạn khi ngủ dậy bị tê bàn tay.

3. Hội chứng ống cổ tay

Hội chứng ống cổ tay là một nguyên nhân khác có thể dẫn đến tình trạng sáng ngủ dậy bị tê bàn tay. Trong hội chứng ống cổ tay, dây thần kinh giữa dẫn đến bàn tay bị chèn ép, gây ra tình trạng sưng đau và tê yếu ở các ngón tay, cổ tay hoặc cả bàn tay. Các biểu hiện do hội chứng ống cổ tay thường xuất hiện vào ban đêm hoặc buổi sáng sau khi thức dậy. Khu vực bị ảnh hưởng chủ yếu là ngón cái, ngón trỏ, ngón giữa và một phần của ngón đeo nhẫn – nơi chịu sự chi phối của dây thần kinh giữa.

Bạn có nhiều nguy cơ mắc phải hội chứng ống cổ tay nếu đang bị viêm khớp dạng thấp, mang thai, béo phì, chấn thương cổ tay hoặc thực hiện các chuyển động lặp đi lặp lại ở bàn tay (đánh máy, chơi nhạc cụ…). Với trường hợp nhẹ, hội chứng ống cổ tay có thể tự khỏi hoặc điều trị được bằng các phương pháp không xâm lấn. Tuy nhiên, nếu nghiêm trọng hơn, bệnh nhân có thể cần phẫu thuật để giải phóng dây thần kinh bị chèn ép.

4. Hội chứng lối thoát lồng ngực

Mặc dù không quá quen thuộc nhưng bạn cũng có thể bị tê cứng bàn tay sau khi ngủ dậy nếu gặp phải hội chứng lối thoát lồng ngực. Đây là một dạng rối loạn liên quan đến việc các dây thần kinh và mạch máu bên trong lồng ngực bị chèn ép hoặc kích thích quá mức do một số thay đổi bất thường về mặt giải phẫu.

Hội chứng lối thoát lồng ngực có thể phát triển sau khi chấn thương vùng cổ. Bệnh thường gây ra hàng loạt các biểu hiện khác nhau. Trong đó, người bệnh sẽ dễ dàng nhận thấy cảm giác đau kèm theo tê cứng khó chịu ở vai, cánh tay hoặc bàn tay. 

5. Bệnh đái tháo đường

Đái tháo đường là bệnh lý mạn tính đặc trưng bởi tình trạng lượng đường trong máu tăng cao do cơ thể kém sản xuất insulin hoặc sử dụng insulin không hiệu quả. Nếu không được điều trị và kiểm soát tốt, bệnh có thể gây ra các biến chứng từ nhẹ đến nặng và có nguy cơ đe dọa tính mạng.

Theo nhiều nghiên cứu cho biết, khoảng một nửa các trường hợp được chẩn đoán mắc bệnh đái tháo đường gặp phải biến chứng tổn thương thần kinh, bao gồm các dây thần kinh ngoại biên. Từ đó, bệnh có thể dẫn đến các triệu chứng đau, yếu và cảm giác tê ngứa ở bàn tay hoặc chân. 

6. Bệnh thần kinh ngoại biên

Nhiều trường hợp khi ngủ dậy bị tê bàn tay có thể là dấu hiệu cảnh báo các tình trạng bệnh lý do tổn thương ở hệ thống thần kinh ngoại biên. Bình thường, các dây thần kinh ngoại biên có nhiệm vụ dẫn truyền tín hiệu phát ra từ não bộ để giúp bạn duy trì cảm giác ở phần còn lại của cơ thể.

Bệnh thần kinh ngoại biên bao gồm nhiều loại khác nhau và nguyên nhân phổ biến dẫn đến tình trạng này thường có liên quan đến bệnh đái tháo đường, bệnh tự miễn, chấn thương, nhiễm trùng hoặc tiếp xúc với các chất độc hại. Trường hợp tổn thương các dây thần kinh ở tứ chi có thể gây ra hiện tượng nóng rát, châm chích, đau nhói và tê bàn tay hoặc bàn chân.

7. Dây thần kinh bị chèn ép

Hệ thống dây thần kinh đi qua cổ tay xuống đến bàn tay gồm có ba loại chính là dây thần kinh trụ (ulnar), dây thần kinh giữa và dây thần kinh quay (còn gọi là dây thần kinh xuyên tâm). Ngủ dậy bị tê bàn tay có thể là hậu quả do sự chèn ép lên các dây thần kinh này.

Theo đó, việc gia tăng áp lực đè nén lên một trong ba dây thần kinh kể trên vì bất kỳ nguyên nhân nào cũng có thể gây ra cảm giác đau và tê cứng ở bàn tay bị ảnh hưởng.

Sáng ngủ dậy bị tê bàn tay do dây thần kinh bị chèn ép
Dây thần kinh ở cổ tay bị chèn ép có thể gây ra tình trạng tê tay sau khi ngủ dậy.

8. Thoái hóa đốt sống cổ

Thoái hóa đốt sống cổ xảy ra khi các đĩa đệm ở cột sống cổ bị hao mòn theo sự lão hóa của cơ thể hoặc sau chấn thương. Người lớn tuổi thường có nhiều nguy cơ bị thoái hóa đốt sống cổ, từ đó gây ra một số ảnh hưởng đến cơ, gân và xương.

Theo thời gian, bệnh có thể làm hình thành gai xương và phồng đĩa đệm khiến không gian trong cột sống cổ bị thu hẹp. Điều này làm tăng áp lực lên các rễ thần kinh và gây ra triệu chứng đau cứng cổ, đau vai cũng như cảm giác tê bàn tay, cánh tay hoặc chân.

9. Lạm dụng rượu bia

Uống quá nhiều rượu bia trong thời gian dài có thể làm hỏng các mô thần kinh, từ đó dẫn đến trình trạng tê, đau và ngứa ran ở tay hoặc chân. 

Lạm dụng rượu thường đi kèm với chế độ ăn uống kém dẫn đến sự thiếu hụt các chất dinh dưỡng và vitamin cần thiết cho hoạt động của cơ thể. Do đó, ngoài việc ngủ dậy hay bị tê bàn tay, những người nghiện rượu nghiêm trọng cũng có thể gặp phải các vấn đề khác như yếu cơ, co thắt cơ bắp (chuột rút), rối loạn tình dục. 

10. Các vấn đề về thần kinh

Nguyên nhân khiến hai bàn tay bị tê cứng sau khi ngủ dậy còn bao gồm một số vấn đề khác ở hệ thần kinh. Chẳng hạn như bệnh đa xơ cứng (MS) là một trong những tình trạng có thể gây ra cảm giác tê ở cánh tay và/hoặc bàn tay.

Mặc dù một số vấn đề về thần kinh có thể không được chẩn đoán rõ ràng. Tuy nhiên, bệnh thường được nhận biết thông qua các triệu chứng phổ biến như đi lại khó khăn, thay đổi thị lực, tê hoặc đau ở nhiều nơi trên cơ thể.

11. Các bệnh lý khác

Sáng ngủ dậy tê bàn tay đôi khi cũng liên quan đến nhiều vấn đề sức khỏe khác, trong đó có thể kể đến các tình trạng như:

  • Các bệnh tự miễn như lupus, viêm khớp dạng thấp…
  • Suy giáp, cường giáp
  • Viêm não, khối u trong não hoặc cổ
  • U nang hạch ở tay
  • Bệnh giang mai
  • Bệnh zona thần kinh
  • Bệnh Lyme
  • Hội chứng AIDS/HIV
  • Hội chứng Sjogren
  • Hội chứng Raynaud
  • Hội chứng Guillain Barre
Sáng ngủ dậy bị tê bàn tay do các bệnh lý khác
Viêm khớp dạng thấp cũng có thể dẫn đến triệu chứng tê bàn tay.

Những mẹo giúp giảm tê tay khi ngủ

Ngủ dậy với cảm giác tê cứng hai bàn tay có thể khiến bạn vô cùng khó chịu, đồng thời cũng gây cản trở các sinh hoạt thường ngày. Theo đó, bạn hãy thử áp dụng ngay một số mẹo dưới đây để giảm nguy cơ bị tê tay trong lúc ngủ:

Thay đổi tư thế ngủ

Nếu thường xuyên bị tê tay sau khi ngủ dậy, bạn nên lựa chọn tư thế nằm ngủ khác giúp tay được giữ thẳng và thả lỏng. Bên cạnh đó, bạn cần hạn chế nằm sấp, nằm nghiêng một bên hoặc gối đầu lên cánh tay vì có thể gây áp lực lên các dây thần kinh. 

Thực hiện các bài tập giãn cơ tay trước khi ngủ

Massage cổ tay, ngón tay hoặc thực hiện các bài tập giãn cơ tay trước khi ngủ có thể giúp tay không bị tê cứng khi ngủ dậy. Điều này là nhờ tác dụng thúc đẩy lưu thông máu, kéo căng và tăng cường sức mạnh của các cơ ở tay. 

Bổ sung đủ vitamin B12

Bổ sung đủ lượng vitamin B12 cần thiết là một cách đơn giản để giúp bạn loại bỏ tình trạng ngủ dậy bị tê bàn tay cũng như phòng tránh các vấn đề khác do thiếu hụt vitamin B12. Theo đó, bạn có thể bổ sung vitamin B12 thông qua chế độ ăn uống, các sản phẩm hỗ trợ hoặc thuốc tiêm. 

Đeo nẹp cổ tay khi ngủ

Đeo nẹp cổ tay vào ban đêm trong khi ngủ có thể hỗ trợ cố định cổ tay, giúp các dây thần kinh không bị chèn ép. Lời khuyên là bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ về việc sử dụng nẹp cổ tay bởi vì đeo sai cách có thể gây ra các hậu quả nghiêm trọng.

Hạn chế sử dụng rượu bia

Như đã đề cập, việc lạm dụng rượu bia có thể là nguyên nhân khiến bạn ngủ dậy bị tê hai bàn tay. Vì vậy, để hạn chế tình trạng này, bạn cần tránh lạm dụng rượu bia. Thay vào đó, bạn hãy uống nhiều nước để thúc đẩy quá trình hydrat hóa trong cơ thể, từ đó giúp giảm tê tay. 

Điều trị các vấn đề sức khỏe gây tê tay

Trong nhiều trường hợp, tê bàn tay là biểu hiện của nhiều vấn đề sức khỏe cần được điều trị y tế. Lúc này, việc thăm khám để tìm ra nguyên nhân và điều trị hiệu quả là giải pháp an toàn nhất giúp bạn khắc phục triệu chứng tê bàn tay khi ngủ dậy.

Những trường hợp cần thăm khám khi ngủ dậy bị tê bàn tay

Ngủ dậy bị tê bàn tay phải, tay trái hoặc cả hai tay không phải lúc nào cũng nghiêm trọng, đặc biệt là khi chúng biến mất hoàn toàn sau vài thao tác xoa bóp nhẹ nhàng và không gây ra bất kỳ ảnh hưởng gì khác. Tuy nhiên, bạn không nên “phớt lờ” tình trạng tê tay mà hãy nhanh chóng đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị kịp thời nếu xuất hiện các dấu hiệu sau đây:

  • Ngủ dậy bị tê bàn tay liên tục trong 2 tuần hoặc lâu hơn
  • Tê bàn tay hoặc cánh tay đến mức làm ảnh hưởng đến chất lượng của giấc ngủ
  • Tình trạng không thuyên giảm mà ngày càng trầm trọng hơn
  • Cảm giác tê tay có xu hướng lan rộng đến nhiều khu vực khác trên cơ thể
  • Đau cơ, yếu cơ ở cả tay và chân 
  • Chóng mặt, suy nhược
  • Nhức đầu dữ dội
  • Đột ngột bị lú lẫn, khó nói

Trên đây là những biểu hiện mà bạn cần phải lưu ý để thăm khám kịp thời, tránh các nguy cơ bị tổn thương thần kinh vĩnh viễn.

Như vậy, bài viết đã giúp bạn lý giải được vì sao khi ngủ dậy bị tê bàn tay. Qua đó, Bowtie cũng chia sẻ thêm một số biện pháp có thể mang đến hiệu quả đáng kể trong việc giảm tê tay khi ngủ. Trường hợp lo lắng về sự xuất hiện của các triệu chứng bất thường, bạn nên liên hệ với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn hướng xử lý phù hợp nhé!

Chia sẻ
Các thông tin trên được chia sẻ bởi Bowtie Việt Nam. Các nội dung này chỉ mang tính chất tham khảo. Trong mọi trường hợp, Bowtie không chịu trách nhiệm về bất kỳ tổn thất hoặc thiệt hại nào, dù là trực tiếp hay gián tiếp, liên quan đến việc truy cập và sử dụng nội dung của Bowtie.

Bài viết liên quan

Bị đau họng ngậm kẹo gì? 15 loại kẹo ngậm giảm đau họng tốt nhất Bị đau họng ngậm kẹo gì? 15 loại kẹo ngậm giảm đau họng tốt nhất
Kiến thức sức khỏe

Bị đau họng ngậm kẹo gì? 15 loại kẹo ngậm giảm đau họng tốt nhất

100g bí ngòi bao nhiêu calo? Bật mí 11 lợi ích bất ngờ của bí ngòi 100g bí ngòi bao nhiêu calo? Bật mí 11 lợi ích bất ngờ của bí ngòi
Kiến thức sức khỏe

100g bí ngòi bao nhiêu calo? Bật mí 11 lợi ích bất ngờ của bí ngòi

Quả nhãn chứa bao nhiêu calo? Ăn nhãn có tốt cho sức khỏe không? Quả nhãn chứa bao nhiêu calo? Ăn nhãn có tốt cho sức khỏe không?
Kiến thức sức khỏe

Quả nhãn chứa bao nhiêu calo? Ăn nhãn có tốt cho sức khỏe không?

Các chuyên mục khác

Email

Liên hệ chung
hello@bowtie.com.vn
Liên hệ về truyền thông
media@bowtie.com.vn
Liên hệ hợp tác
partners@bowtie.com.vn

© 2024 Bản quyền thuộc Bowtie Vietnam Company Limited.

Trình duyệt của bạn đã xảy ra lỗi. Để trải nghiệm tốt hơn, vui lòng nâng cấp hoặc thay đổi trình duyệt khác. OK