Sản phụ khoa
Sản phụ khoa

Suy giáp và những điều bạn chưa biết

Suy giáp gây thiếu hụt hormone tuyến giáp và làm ảnh hưởng đến một loạt các chức năng trong cơ thể. Tuy nhiên, bệnh nhân hoàn toàn có thể điều trị và kiểm soát suy giáp hiệu quả bằng thuốc.
Biên tập bởi Bowtie Việt Nam
Ngày đăng 2023-02-16
Cập nhật ngày 2023-05-21
Nội dung chính
Suy giáp là bệnh gì?Triệu chứng suy giápNguyên nhân suy giápYếu tố làm tăng nguy cơ bị suy tuyến giápBệnh suy giáp có nguy hiểm không?Phương pháp chẩn đoán suy giápPhương pháp điều trị suy giápCâu hỏi thường gặp về bệnh suy tuyến giáp
Suy giáp và những điều bạn chưa biết

Tuyến giáp là một tuyến nội tiết có hình bướm nằm ở phía trước cổ, ngay dưới thanh quản. Tuyến giáp có vai trò sản xuất các hormone triiodothyronine (T3), thyroxine (T4) giúp kiểm soát quá trình trao đổi chất. 

Bình thường, tuyến giáp sẽ tiết ra hormone dựa theo nhu cầu hoạt động của cơ thể. Khi chức năng bị suy giảm, tuyến giáp không còn sản xuất đủ lượng hormone như bình thường, từ đó khiến nhiều chức năng trong cơ thể diễn ra chậm lại. Tình trạng này gọi là suy giáp. Vậy cụ thể suy giáp là bệnh gì? Nguyên nhân nào dẫn đến căn bệnh này? Cách nhận biết và điều trị ra sao? Mời bạn cùng Bowtie tìm hiểu qua bài viết sau đây nhé!

Suy giáp là bệnh gì?

Suy giáp là tình trạng suy giảm chức năng tuyến giáp khiến tuyến giáp không sản xuất đủ lượng hormone T3, T4 cần thiết. Ở giai đoạn đầu, sự suy giảm chức năng này có thể không gây ra triệu chứng đáng chú ý nào. Tuy nhiên, theo thời gian, suy giáp không được điều trị sẽ dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe khác, như tăng cholesterol, các vấn đề ở tim hoặc thậm chí nghiêm trọng hơn là hôn mê, tử vong.

Suy giáp có thể xảy ra ở cả hai giới nhưng tỷ lệ mắc bệnh ở nữ giới thường cao hơn. Trẻ em cũng có nguy cơ bị suy giáp, một số trường hợp còn bị bẩm sinh.

Triệu chứng suy giáp

Triệu chứng suy giáp ở mỗi người sẽ khác nhau, phụ thuộc vào mức độ suy giảm chức năng tuyến giáp. Các triệu chứng có xu hướng phát triển chậm, nặng dần theo thời gian, thường trong vài năm.

Thời gian đầu, người bệnh hầu như không nhận thấy các triệu chứng bất thường hoặc nghĩ đó không phải là vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Lâu dần, khi quá trình trao đổi chất diễn ra chậm lại do không có đủ hormone tuyến giáp, các dấu hiệu và triệu chứng suy giáp sẽ trở nên rõ ràng hơn, bao gồm:

  • Mệt mỏi
  • Tăng cân
  • Nhạy cảm với nhiệt độ thấp (trời lạnh)
  • Táo bón
  • Khô da
  • Sưng mặt, sụp mí, xuất hiện bọng mắt
  • Khàn giọng
  • Tóc và da trở nên khô, xơ
  • Đau nhức cơ thể, cứng cơ, yếu cơ
  • Chu kỳ kinh nguyệt không đều hoặc chảy máu kinh nhiều hơn bình thường
  • Rụng tóc
  • Nhịp tim chậm
  • Trầm cảm, lo âu
  • Giảm khả năng ghi nhớ, hay quên
  • Có cảm giác tê hoặc châm chích ở bàn tay
  • Giảm ham muốn tình dục
  • Giảm tiết mồ hôi

Nguyên nhân suy giáp

Suy giáp có thể xảy ra do ảnh hưởng từ các bệnh lý, vấn đề sức khỏe hoặc một số nguyên nhân sau:

  • Bệnh tự miễn: Một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây suy giáp là bệnh Hashimoto. Căn bệnh này khiến cho hệ miễn dịch tự tấn công vào các tế bào tuyến giáp khỏe mạnh, từ đó gây viêm và làm suy giảm chức năng của tuyến giáp.
  • Phẫu thuật tuyến giáp: Phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ hoặc một phần tuyến giáp có thể ảnh hưởng đến khả năng sản xuất hormone tuyến giáp.
  • Xạ trị: Tia bức xạ dùng trong điều trị ung thư ở vùng đầu và cổ có thể ảnh hưởng đến tuyến giáp và gây suy giáp.
  • Viêm tuyến giáp: Tuyến giáp có thể bị viêm do nhiễm trùng hoặc một bệnh lý khác. Tình trạng viêm tuyến giáp có khả năng kích thích tuyến giáp tiết ra tất cả lượng hormone được lưu trữ cùng một lúc và gây cường giáp. Sau đó, tuyến giáp trở nên kém hoạt động và dẫn đến suy giáp.
  • Tác dụng phụ của thuốc: Sử dụng một số loại thuốc như lithium có thể gây suy giáp.

Ngoài ra, một số nguyên nhân gây suy giáp khác ít gặp hơn là:

  • Bẩm sinh 
  • Rối loạn tuyến yên
  • Mang thai
  • Thiếu i-ốt
Nguyên nhân suy giáp
Bệnh tự miễn Hashimoto là một trong các nguyên nhân gây suy giáp thường gặp.

Yếu tố làm tăng nguy cơ bị suy tuyến giáp

Bất kỳ ai cũng có nguy cơ bị suy giáp. Tuy nhiên, một số yếu tố sau đây có thể làm tăng khả năng mắc bệnh:

  • Là nữ giới, đặc biệt là phụ nữ trên 60 tuổi
  • Đang mang thai hoặc vừa sinh con (dưới 6 tháng)
  • Có tiền sử gia đình mắc bệnh về tuyến giáp
  • Hiện mắc các bệnh tự miễn, chẳng hạn như đái tháo đường type 1 hoặc bệnh Celiac
  • Đã từng điều trị cường giáp trước đây
  • Đã từng xạ trị vùng đầu, cổ hoặc ngực
  • Từng làm phẫu thuật tuyến giáp hoặc thực hiện liệu pháp i-ốt phóng xạ

Bệnh suy giáp có nguy hiểm không?

Nếu không được điều trị, bệnh suy giáp có thể dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe khác, bao gồm:

  • Bướu cổ: Suy giáp có thể khiến cho tuyến giáp phình to lên, tạo thành bướu cổ. Bướu khi phát triển lớn sẽ gây ra các vấn đề về nuốt hoặc hô hấp.
  • Vấn đề tim mạch: Suy giáp làm tăng nồng độ LDL – cholesterol (cholesterol xấu), từ đó làm tăng nguy cơ phát triển suy tim và các bệnh lý ở tim khác.
  • Bệnh thần kinh ngoại biên: Nếu không được điều trị, suy giáp có thể làm tổn thương các dây thần kinh ngoại biên. Khi đó, người bệnh sẽ nhận thấy một số triệu chứng như đau, tê và ngứa ran ở cánh tay, chân.
  • Giảm khả năng sinh sản: Nồng độ hormone tuyến giáp thấp có thể cản trở quá trình rụng trứng và làm giảm khả năng sinh sản.
  • Dị tật bẩm sinh: Những người mẹ mắc bệnh tuyến giáp không được điều trị hiệu quả có khả năng sinh con bị dị tật bẩm sinh cao hơn bình thường. 
  • Phù niêm: Khi nồng độ hormone tuyến giáp giảm đến mức cực kỳ thấp, bệnh nhân có thể bị phù niêm, một tình trạng rất nguy hiểm có khả năng đe dọa đến tính mạng. Phù niêm dẫn đến nhiều vấn đề như hạ thân nhiệt, thiếu máu, suy tim, lú lẫn và hôn mê.

Phương pháp chẩn đoán suy giáp

Việc chẩn đoán suy giáp thường không chỉ dựa vào triệu chứng bởi mỗi bệnh nhân sẽ có biểu hiện khác nhau, đồng thời triệu chứng của bệnh cũng không đặc hiệu và dễ bị nhầm lẫn với nhiều bệnh lý khác. 

Thay vào đó, việc chẩn đoán suy giáp thường dựa vào kết quả xét nghiệm máu. Thông qua kết quả của xét nghiệm này, bác sĩ sẽ đánh giá được nồng độ hormone kích thích tuyến giáp (TSH) và hormone tuyến giáp T4 trong máu của bệnh nhân. Nếu kết quả cho thấy nồng độ TSH cao và nồng độ T4 thấp thì bệnh nhân được chẩn đoán suy giáp. Trong một số trường hợp, bác sĩ cũng xem xét cả nồng độ hormone tuyến giáp T3.

Đôi khi, các phương pháp xét nghiệm hình ảnh như siêu âm, xạ hình tuyến giáp, đo độ hấp thu i-ốt phóng xạ… cũng có thể được thực hiện để chẩn đoán suy giáp.

Phương pháp chẩn đoán suy giáp
Việc chẩn đoán suy giáp thường dựa vào kết quả xét nghiệm máu.

Phương pháp điều trị suy giáp

Trong phần lớn các trường hợp suy giáp, người bệnh được điều trị bằng cách bổ sung lượng hormone tuyến giáp bị thiếu hụt bằng một số loại thuốc, phổ biến nhất là levothyroxine. Loại thuốc dùng đường uống này có tác dụng làm tăng lượng hormone tuyến giáp trong cơ thể và cải thiện các triệu chứng của bệnh suy giáp. Bệnh nhân thường cảm thấy tốt hơn sau 1 – 2 tuần điều trị. 

Bệnh suy giáp có thể được kiểm soát hiệu quả nhưng bệnh nhân thường phải sử dụng thuốc liên tục, đôi khi suốt đời để giữ lượng hormone tuyến giáp ở mức bình thường. Khi tuân thủ việc điều trị và tái khám đều đặn theo lời dặn của bác sĩ, người bệnh vẫn có thể tiếp tục cuộc sống bình thường và khỏe mạnh.

Câu hỏi thường gặp về bệnh suy tuyến giáp

Người bị suy giáp có mang thai được không?

Suy giáp có thể ảnh hưởng đến khả năng mang thai. Nồng độ hormone tuyến giáp thấp gây cản trở quá trình rụng trứng và làm giảm khả năng sinh sản ở phụ nữ. Hơn nữa, một số nguyên nhân gây suy giáp như rối loạn tự miễn hoặc rối loạn tuyến yên cũng có thể làm giảm khả năng sinh sản.

Người bệnh suy giáp vẫn có cơ hội mang thai nếu bệnh được kiểm soát hiệu quả. Khi bị suy giáp và mong muốn có con, bạn hãy trao đổi với bác sĩ để có những lựa chọn điều trị bổ sung nếu cần thiết. Ngoài ra, việc tìm kiếm sự hỗ trợ từ bác sĩ hiếm muộn cũng có thể giúp ích cho bạn.

Suy giáp khi mang thai có nguy hiểm không?

Suy giáp trong thời gian mang thai nếu không được điều trị có khả năng gây nguy hiểm cho cả mẹ và thai nhi. Phụ nữ mang thai bị suy giáp có nguy cơ bị thiếu máu, tiền sản giật hoặc sẩy thai. Đối với thai nhi, hormone tuyến giáp đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển não bộ từ trong bụng mẹ đến vài năm sau khi sinh. Trẻ bị suy giáp bẩm sinh có thể ảnh hưởng đến quá trình phát triển bình thường.

Do đó, phụ nữ bị suy giáp khi mang thai phải được điều trị, theo dõi và làm xét nghiệm nồng độ hormone kích thích tuyến giáp (TSH) thường xuyên.

Người bệnh suy giáp nên ăn gì, kiêng gì?

Nếu bị suy giáp, bạn nên trao đổi với bác sĩ và chuyên gia dinh dưỡng về chế độ ăn uống phù hợp. Một số thực phẩm có thể mang lại lợi ích cho bệnh nhân suy giáp như:

  • Thực phẩm giàu i-ốt như hải sản, các loại rau xanh đậm
  • Nước ép rau củ và nước trái cây
  • Gia vị cay, nóng
  • Acid béo và protit

Ngoài ra, bệnh nhân cũng nên hạn chế một số loại thực phẩm có khả năng ảnh hưởng đến hoạt động của tuyến giáp hoặc làm giảm tác dụng của thuốc điều trị suy giáp như đậu nành, bắp cải, súp lơ, củ cải, thực phẩm béo, caffeine, rượu bia…

Việc bổ sung i-ốt vào chế độ ăn có thể giúp tăng lượng hormone tuyến giáp ở một số người bệnh. Tuy nhiên, nếu mắc bệnh Hashimoto hoặc các rối loạn tuyến giáp tự miễn khác, việc tiêu thụ nhiều thực phẩm chứa i-ốt sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng suy giáp. Vì vậy, nếu muốn thay đổi chế độ ăn uống, bạn vẫn nên trao đổi với bác sĩ. 

Suy giáp làm giảm nồng độ hormone tuyến giáp và ảnh hưởng đến nhiều chức năng trong cơ thể. Tuy nhiên, nhìn chung, bệnh có thể được điều trị hiệu quả bằng thuốc. Nếu chẳng may mắc bệnh, bạn đừng quá lo lắng mà hãy tuân thủ theo đúng hướng dẫn của bác sĩ để kiểm soát và sống khỏe cùng bệnh nhé.

Ngoài ra, bạn có thể xem thêm những bệnh về sản phụ khoa khác được Bowtie tổng hợp giúp nhận biết sớm những dấu hiệu bệnh để có kế hoạch khám và điều trị hợp lý nhất nhé.

Chia sẻ
Các thông tin trên được chia sẻ bởi Bowtie Việt Nam. Các nội dung này chỉ mang tính chất tham khảo. Trong mọi trường hợp, Bowtie không chịu trách nhiệm về bất kỳ tổn thất hoặc thiệt hại nào, dù là trực tiếp hay gián tiếp, liên quan đến việc truy cập và sử dụng nội dung của Bowtie.

Bài viết liên quan

Nhận biết sớm 12 dấu hiệu vô sinh ngay ở tuổi dậy thì của nam và nữ Nhận biết sớm 12 dấu hiệu vô sinh ngay ở tuổi dậy thì của nam và nữ
Sản phụ khoa

Nhận biết sớm 12 dấu hiệu vô sinh ngay ở tuổi dậy thì của nam và nữ

Nhận biết 8 dấu hiệu mang thai giả khiến chị em dễ nhầm tưởng Nhận biết 8 dấu hiệu mang thai giả khiến chị em dễ nhầm tưởng
Sản phụ khoa

Nhận biết 8 dấu hiệu mang thai giả khiến chị em dễ nhầm tưởng

Bà bầu uống dầu cá omega-3 được không? 7 lợi ích cho mẹ và bé Bà bầu uống dầu cá omega-3 được không? 7 lợi ích cho mẹ và bé
Sản phụ khoa

Bà bầu uống dầu cá omega-3 được không? 7 lợi ích cho mẹ và bé

Các chuyên mục khác

Email

Liên hệ chung
hello@bowtie.com.vn
Liên hệ về truyền thông
media@bowtie.com.vn
Liên hệ hợp tác
partners@bowtie.com.vn

© 2024 Bản quyền thuộc Bowtie Vietnam Company Limited.

Trình duyệt của bạn đã xảy ra lỗi. Để trải nghiệm tốt hơn, vui lòng nâng cấp hoặc thay đổi trình duyệt khác. OK