Sản phụ khoa
Sản phụ khoa

Nhận biết 8 dấu hiệu mang thai giả khiến chị em dễ nhầm tưởng

Các dấu hiệu mang thai giả thường tương tự với biểu hiện mang thai thật. Vì vậy, nhiều chị em có thể nhầm tưởng rằng mình đã có thai để rồi dẫn đến tâm lý thất vọng khi nhận ra bản thân không thật sự mang thai.
Biên tập bởi Bowtie Việt Nam
Tham vấn y khoa/chuyên môn bởi Thạc sĩ - Bác sĩ Phan Nguyễn Quốc Thuận
Ngày đăng 2023-04-16
Cập nhật ngày 2023-07-31
Nội dung chính
Tổng quan về hiện tượng mang thai giả8 dấu hiệu mang thai giả khiến chị em dễ nhầm tưởngLàm sao phân biệt mang thai giả và mang thai thật?Làm gì khi phát hiện bản thân có các dấu hiệu mang thai giả?
Nhận biết 8 dấu hiệu mang thai giả khiến chị em dễ nhầm tưởng

Vậy dấu hiệu mang thai giả là gì? Trong bài viết này, Bowtie Việt Nam sẽ chia sẻ với bạn 8 dấu hiệu mang thai giả thường gặp cũng như cách phân biệt giữa mang thai giả và mang thai thật. Qua đó, bạn sẽ phần nào xác định được mình có mang thai hay không để tránh việc hụt hẫng, thất vọng khi đang mong ngóng “đậu thai” nhưng kết quả lại không như mong muốn.

Tổng quan về hiện tượng mang thai giả

Mang thai giả có thể được hiểu là khi một người nghĩ rằng mình mang thai, có các dấu hiệu mang thai điển hình nhưng thực tế kết quả của các kiểm tra, xét nghiệm lại cho thấy không có bào thai nào đang phát triển trong cơ thể. Theo thống kê, trong số 20.000 phụ nữ có dấu hiệu mang thai thì sẽ có khoảng 5 người rơi vào trường hợp mang thai giả.

Vậy tại sao lại có dấu hiệu mang thai giả? Về nguyên nhân, chuyên gia y tế cũng không hoàn toàn chắc chắn tại sao có dấu hiệu mang thai giả nhưng đa số đều cho rằng các yếu tố về tâm lý và nội tiết có thể là “thủ phạm”. Một số lý do khiến bạn gặp phải tình trạng này là:

  • Mong muốn có thai mãnh liệt, có thể xuất phát từ việc bị sảy thai nhiều lần, đã từng mất con hoặc đang điều trị vô sinh
  • Cực kỳ sợ mang thai
  • Lo âu, trầm cảm
  • Chấn thương tình cảm
  • Bị lạm dụng tình dục
  • Các vấn đề sức khỏe như khối u ở tử cung, tình trạng tiền mãn kinh… có thể làm thay đổi nồng độ hormone trong cơ thể và dẫn đến các triệu chứng giống với mang thai, chẳng hạn như trễ kinh, mệt mỏi hoặc tăng cân.

8 dấu hiệu mang thai giả khiến chị em dễ nhầm tưởng

Sau khi hiểu về định nghĩa cũng như nguyên nhân mang thai giả, nhiều chị em băn khoăn không biết dấu hiệu mang thai giả như thế nào. Dưới đây là những dấu hiệu mang thai giả mà chị em có thể gặp phải:

1. Chu kỳ kinh nguyệt bất thường

Trễ kinh là một dấu hiệu điển hình của việc mang thai. Thế nhưng, ngoài mang thai, tình trạng này cũng còn do rất nhiều nguyên nhân khác gây ra như căng thẳng, lo âu, rối loạn nội tiết…. Do đó, nếu bị “chậm kinh” trong thời gian mong ngóng có thai, tốt nhất bạn nên xem xét với các dấu hiệu mang thai khác cũng như kết hợp sử dụng que thử thai để xem mình có mang thai thật hay không nhé!

2. Bụng to lên

Bụng to lên cũng có thể là dấu hiệu mang thai giả mà chị em hay nhận thấy. Tình trạng này gặp phải ở 60 – 90% phụ nữ mang thai giả. Nhiều chị em tưởng bụng to lên là do thai nhi đang hình thành và tăng trưởng. Tuy nhiên, trên thực tế, bạn có thể gặp phải tình trạng này do sắp có kinh, đầy hơi, khó tiêu hoặc có thể liên quan đến các khối u trong ổ bụng…

3. Bầu ngực thay đổi

Một số chị em cảm thấy ngực mình bỗng nhiên to lên, thậm chí căng đau và nghĩ rằng mình mang thai, nhất là khi có các dấu hiệu khác như bụng to lên hay chậm kinh. Tuy nhiên, thực tế, tình trạng này cũng có thể là dấu hiệu cho thấy bạn sắp có kinh chứ không phải mang thai.

4. Buồn nôn, nôn

Rối loạn tiêu hóa hoặc ngộ độc thực phẩm mức độ nhẹ đến vừa gây ra tình trạng buồn nôn hoặc nôn, tương tự như khi ốm nghén. Điều này sẽ khiến nhiều chị em nhầm tưởng mình mang thai. Thậm chí, nhiều người còn bị nhạy cảm với mùi thực phẩm nên khiến họ càng tin rằng mình đã có thai.

5. Dấu hiệu thai máy (cử động thai)

Đây cũng là một trong những dấu hiệu có thai giả thường được nhiều người chia sẻ. Thực tế, cảm giác “thai máy” này có thể do tình trạng tăng nhu động ruột, xảy ra khi bạn bị căng thẳng kéo dài, rối loạn tiêu hóa hoặc bị viêm ruột, hội chứng ruột kích thích. Tình trạng này khiến hoạt động co bóp của dạ dày và ruột tăng lên, đôi khi có đi kèm với âm thanh do nhu động ruột gây ra. Nếu nhận thấy dấu hiệu “thai máy” chỉ diễn ra sau khi ăn xong, bạn nên nghĩ đến nguyên nhân tăng nhu động ruột thay vì mang thai.

6. Đau bụng

Đau bụng cũng là một trong những dấu hiệu mang thai sớm rất thường gặp. Thế nhưng, đau bụng có thể do nhiều nguyên nhân, trong đó có cả việc bạn sắp đến ngày hành kinh. Vì vậy, nếu thấy triệu chứng đau bụng thì đừng vội vàng nghĩ rằng mình đã mang thai để tránh hụt hẫng nếu kết quả kiểm tra, xét nghiệm không đúng nhé!

Đau bụng là một dấu hiệu mang thai giả
Đau bụng có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra, không chỉ riêng mang thai.

7. Tăng cân

Tăng cân nhanh là một trong những dấu hiệu mang thai giả rất thường gặp. Thực tế, tăng cân có thể do rất nhiều nguyên nhân gây ra, từ chế độ ăn, thói quen ăn uống cho đến sự thay đổi của nội tiết tố trong cơ thể. Nếu nồng độ estrogen tăng, bạn có xu hướng thèm ăn và ăn nhiều hơn. Do đó, nếu bạn tăng cân, đau bụng, đi kèm với nhiều triệu chứng khác và nghi ngờ mang thai, tốt nhất vẫn nên dùng que thử thai để biết “thực hư” thế nào.

8. Đi tiểu thường xuyên

Một số chị em đi tiểu nhiều và cho rằng mình đã mang thai. Nếu bạn cũng giống như vậy, đừng vội kết luận vì đây cũng là dấu hiệu mang thai giả rất thường gặp. Ngoài ra, tình trạng đi tiểu thường xuyên cũng có thể do nhiều nguyên nhân khác như các bệnh lý về tiết niệu hoặc đơn giản chỉ là do bạn uống nhiều nước.

Bài viết liên quan: 

Làm sao phân biệt mang thai giả và mang thai thật?

Thực tế, sẽ rất khó để phân biệt mang thai giả và mang thai thật nếu chỉ căn cứ vào các dấu hiệu mang thai. Cách đơn giản nhất mà bạn có thể làm để xác nhận có thai đó là dùng que thử thai hoặc đến các cơ sở y tế để được kiểm tra. 

Khi đến khám, bác sĩ sẽ hỏi kỹ lưỡng bạn về các dấu hiệu, tình trạng sức khỏe cũng như tiền sử bệnh. Sau đó, bạn thường sẽ được chỉ định xét nghiệm máu, xét nghiệm nước tiểu cùng với siêu âm để xác nhận mang thai. Theo các bác sĩ, siêu âm là kiểm tra phổ biến có thể giúp bác bỏ hoặc chứng minh một người có mang thai hay không, đồng thời góp phần giúp bác sĩ tìm ra nguyên nhân gây mang thai giả nếu có. 

Nếu xảy ra trường hợp mang thai giả, các xét nghiệm máu và nước tiểu sẽ cho kết quả âm tính. Đồng thời, kết quả siêu âm không cho thấy có phôi thai cũng như hoạt động của nhịp tim thai.  

Làm gì khi phát hiện bản thân có các dấu hiệu mang thai giả?

Việc đầu tiên bạn cần làm là xác nhận xem mình có thật sự mang thai hay không. Nếu mang thai giả, bạn nên nhìn thẳng vào sự thật và thuyết phục bản thân rằng mình không mang thai. Hãy cùng bác sĩ xem hình ảnh siêu âm để xác nhận rằng không có bào thai nào đang phát triển bên trong cơ thể. 

Nếu kết quả vẫn là “không”, đừng quá buồn hay thất vọng mà tự chỉ trích bản thân. Ngoài ra, cũng đừng cảm thấy xấu hổ khi đã tin rằng mình có thai vì không chỉ mỗi bạn gặp phải tình trạng này. Nếu bạn cảm thấy quá buồn, hãy chia sẻ với người thân, bạn bè để nhận được sự hỗ trợ. 

Bên cạnh đó, thay vì buồn bã, thất vọng, hãy áp dụng một số cách sau với hy vọng có thể gia tăng cơ hội mang thai:

  • Theo dõi và xác định ngày rụng trứng của bản thân
  • Quan hệ tình dục trong thời gian cửa sổ thụ thai
  • Duy trì lối sống lành mạnh như ít uống rượu bia, ăn uống đầy đủ, tập thể dục, giữ cân nặng ổn định
  • Giữ tâm lý thoải mái, tránh để căng thẳng vì có thể ảnh hưởng đến kết quả thụ thai

Nếu bạn đã cố gắng nhưng vẫn không thể mang thai dù đã hơn 1 năm, hãy thử đi khám để tìm hiểu lý do tại sao. Khi vợ chồng bạn khó thụ thai, bác sĩ có thể đề xuất một số phương pháp hỗ trợ sinh sản như thụ tinh trong ống nghiệm hoặc thụ tinh nhân tạo để giúp bạn mang thai.

Bất cứ ai cũng có khả năng gặp phải tình trạng mang thai giả, đặc biệt nếu có mong muốn mang thai mãnh liệt. Những dấu hiệu mang thai giả như tăng cân và ốm nghén có thể đánh lừa khiến bạn tin rằng việc thụ thai đã xảy ra. Với những tình huống này, đừng ngần ngại yêu cầu giúp đỡ hay thấy xấu hổ. Thay vào đó, hãy đi khám và chia sẻ với bác sĩ để xác định xem mình có thực sự mang thai hay không cũng như để loại trừ các tình trạng bệnh lý khác nhé!

Chia sẻ
Các thông tin trên được chia sẻ bởi Bowtie Việt Nam. Các nội dung này chỉ mang tính chất tham khảo. Trong mọi trường hợp, Bowtie không chịu trách nhiệm về bất kỳ tổn thất hoặc thiệt hại nào, dù là trực tiếp hay gián tiếp, liên quan đến việc truy cập và sử dụng nội dung của Bowtie.

Bài viết liên quan

Bà bầu bị đau họng: Nguyên nhân và mẹo chữa trị không ảnh hưởng thai nhi Bà bầu bị đau họng: Nguyên nhân và mẹo chữa trị không ảnh hưởng thai nhi
Sản phụ khoa

Bà bầu bị đau họng: Nguyên nhân và mẹo chữa trị không ảnh hưởng thai nhi

Bà bầu uống dầu cá omega-3 được không? 7 lợi ích cho mẹ và bé Bà bầu uống dầu cá omega-3 được không? 7 lợi ích cho mẹ và bé
Sản phụ khoa

Bà bầu uống dầu cá omega-3 được không? 7 lợi ích cho mẹ và bé

Nhận biết 25 dấu hiệu mang thai sớm và chuẩn nhất Nhận biết 25 dấu hiệu mang thai sớm và chuẩn nhất
Sản phụ khoa

Nhận biết 25 dấu hiệu mang thai sớm và chuẩn nhất

Các chuyên mục khác

Email

Liên hệ chung
hello@bowtie.com.vn
Liên hệ về truyền thông
media@bowtie.com.vn
Liên hệ hợp tác
partners@bowtie.com.vn

© 2024 Bản quyền thuộc Bowtie Vietnam Company Limited.

Trình duyệt của bạn đã xảy ra lỗi. Để trải nghiệm tốt hơn, vui lòng nâng cấp hoặc thay đổi trình duyệt khác. OK