Ung thư
Ung thư

Nhận biết ung thư vòm họng giai đoạn đầu giúp tăng cơ hội điều trị

Tỷ lệ điều trị thành công ung thư vòm họng giai đoạn đầu là tương đối cao. Bởi ở giai đoạn sơ khai này, bác sĩ hoàn toàn có thể tiêu diệt sạch các tế bào ung thư khi chúng mới xuất hiện và chưa nhân lên quá nhiều trong cơ thể.
Biên tập bởi Bowtie Việt Nam
Tham vấn y khoa/chuyên môn bởi Bác sĩ CKI Trần Kiến Bình
Ngày đăng 2023-03-30
Cập nhật ngày 2023-05-12
Nội dung chính
Ung thư vòm họng giai đoạn đầu là gì?Nhận biết nhanh ung thư vòm họng giai đoạn đầu với 12 dấu hiệu cảnh báoCách chẩn đoán xác định ung thư vòm họng giai đoạn ILàm sao điều trị ung thư vòm họng giai đoạn đầu?Ung thư vòm họng giai đoạn I sống được bao lâu?
Nhận biết ung thư vòm họng giai đoạn đầu giúp tăng cơ hội điều trị

Vậy dấu hiệu, triệu chứng nào giúp nhận biết ung thư vòm họng giai đoạn đầu? Ung thư vòm họng giai đoạn đầu có gây đau không? Làm sao để chẩn đoán và điều trị bệnh ở giai đoạn này? Mời bạn cùng Công ty Bowtie tìm hiểu thêm trong bài viết này nhé!

Ung thư vòm họng giai đoạn đầu là gì?

Ung thư vòm họng giai đoạn đầu (giai đoạn I) được xác định khi các tế bào ác tính vừa mới hình thành trong các mô của vòm họng. Theo đó, sự phát triển của ung thư vòm họng được hệ thống TNM phân chia thành 4 giai đoạn dựa trên kích thước, số lượng khối u (T), mức độ lây lan đến hạch bạch huyết (N) và mức độ di căn đến các cơ quan xa trong cơ thể (M). 

Ung thư vòm họng giai đoạn đầu hay giai đoạn I thường có các đặc điểm cụ thể như sau: 

  • Khối u chỉ mới khu trú bên trong vòm họng. Các tế bào ung thư cũng có thể xuất hiện ở vùng hầu họng và/hoặc khoang mũi nhưng chưa phát triển xa hơn (T1)
  • Tế bào ung thư chưa lan đến các hạch bạch huyết lân cận (N0) cũng như chưa di căn đến các cơ quan xa trong cơ thể (M0)

Nhận biết nhanh ung thư vòm họng giai đoạn đầu với 12 dấu hiệu cảnh báo

Triệu chứng ung thư vòm họng giai đoạn đầu thường không rõ rệt, thậm chí trong một số trường hợp còn không có biểu hiện hoặc biểu hiện giống như các bệnh lý thông thường khác. Theo đó, các triệu chứng ung thư vòm họng giai đoạn đầu dễ bị nhầm lẫn với viêm amidan cấp mủ khiến nhiều người chủ quan. Tuy nhiên, giữa viêm amidan và ung thư vòm họng giai đoạn I (giai đoạn 1) vẫn có một số điểm khác biệt. 

Viêm amidan cấp mủ sẽ có các triệu chứng như xuất hiện ổ mủ quanh amidan, hơi thở có mùi hôi, khó nhai nuốt, đau khi nuốt, sốt, sưng hàm, tiết nhiều nước bọt… Trong khi đó, dấu hiệu ung thư vòm họng giai đoạn đầu thường là:

  • Xuất hiện hạch ở cổ
  • Có máu trong nước bọt
  • Nghẹt mũi kéo dài có thể ở một bên hoặc hai bên
  • Mất thính lực, ù tai, đau hoặc cảm giác đầy ở tai (đặc biệt chỉ ở một bên tai)
  • Nhiễm trùng tai tái phát nhiều lần
  • Đau họng kéo dài trên 1 tuần
  • Chảy máu cam không rõ nguyên nhân 
  • Nhức đầu thường xuyên ở hai bên thái dương
  • Đau hoặc tê mặt
  • Khó mở miệng khi nói, cười
  • Mắt nhìn mờ, nhìn đôi (nhìn một vật nhưng ra 2 hình ảnh)
  • Khó thở hoặc khó nói chuyện

Nhiều người thắc mắc ung thư vòm họng giai đoạn đầu có đau không? Như đã đề cập, bệnh ung thư vòm họng thường ít biểu hiện triệu chứng ở giai đoạn đầu. Tuy nhiên, một số bệnh nhân có thể bị đau họng, đau tai, đau đầu, đau mặt hoặc bị nổi hạch ở cổ gây đau khi nuốt. 

Các giai đoạn của ung thư vòm họng:

Triệu chứng ung thư vòm họng giai đoạn đầu
Chảy máu cam không rõ nguyên nhân có thể là dấu hiệu cảnh báo ung thư vòm họng.

Cách chẩn đoán xác định ung thư vòm họng giai đoạn I

Vì ung thư vòm họng giai đoạn I ít biểu hiện triệu chứng nên thường chỉ được phát hiện khi kiểm tra sức khỏe định kỳ hoặc trong quá trình chẩn đoán các bệnh lý khác. Dưới đây là một số phương pháp thường được dùng để chẩn đoán và xác định giai đoạn của ung thư vòm họng:

  • Khai thác thông tin và khám lâm sàng: Bác sĩ thường bắt đầu từ việc thăm hỏi về bệnh sử, tiền sử của bệnh nhân và gia đình cũng như các triệu chứng mà họ gặp phải. Sau đó, bác sĩ sẽ tiến hành khám lâm sàng để kiểm tra các dấu hiệu bất thường, chẳng hạn như tình trạng sưng hạch bạch huyết ở cổ, khám họng để phát hiện có u hay không. 
  • Xét nghiệm máu: Xét nghiệm máu giúp phát hiện sự hiện diện của một số loại virus có thể làm tăng nguy cơ ung thư vòm họng như EBV, HPV… Đồng thời đánh giá được công thức máu có thay đổi hay không, chức năng gan, thận có bị ảnh hưởng gì hay không.
  • Nội soi tai mũi họng: Với phương pháp này, bác sĩ sẽ đưa một ống mỏng có gắn máy quay và đèn vào khu vực vòm họng của bệnh nhân để quan sát, tìm kiếm các dấu hiệu bất thường. Trong quá trình nội soi, bác sĩ có thể loại bỏ một ít mô ở vị trí nghi ngờ để tiến hành sinh thiết.
  • Tế bào học: Bác sĩ có thể dùng kim nhỏ để chọc hút hạch vùng cổ nhằm xác định xem đã có di căn hạch hay chưa.
  • Sinh thiết: Bác sĩ có thể loại bỏ một mẫu mô nhỏ ở vị trí nghi ngờ ung thư trong quá trình nội soi hoặc bằng các dụng cụ chuyên dụng khác, sau đó tiến hành kiểm tra dưới kính hiển vi để phát hiện tế bào ung thư.
  • Xét nghiệm hình ảnh: Các phương pháp như siêu âm, chụp X-quang ngực, chụp cắt lớp vi tính (CT), chụp cộng hưởng từ (MRI), chụp cắt lớp phát xạ positron (PET), xạ hình xương... có thể giúp bác sĩ quan sát rõ hơn hình ảnh của vòm họng để phát hiện các dấu hiệu bất thường.
  • Kiểm tra thính lực: Đôi khi, bác sĩ có thể chỉ định cho bệnh nhân kiểm tra thính lực.

Làm sao điều trị ung thư vòm họng giai đoạn đầu?

Xạ trị là phương pháp chính được sử dụng trong điều trị ung thư vòm họng giai đoạn đầu. Ở giai đoạn này, bệnh nhân sẽ được xạ trị vào khu vực có khối u cũng như các hạch ở cổ. Bên cạnh đó, bác sĩ có thể kết hợp thêm một số phương pháp khác để giúp nâng cao hiệu quả điều trị tùy từng trường hợp.

Về cơ bản, xạ trị sử dụng các chùm tia năng lượng cao (như tia X hoặc proton) để tiêu diệt tế bào ung thư. Bức xạ có thể được chiếu từ bên ngoài cơ thể (xạ trị ngoài) hoặc được đưa vào trong cơ thể, gần vị trí khối u (xạ trị trong). Theo đó, một số phương pháp xạ trị thường được sử dụng để điều trị ung thư vòm họng giai đoạn đầu là:

Xạ trị ngoài

Với phương pháp này, bác sĩ sẽ sử dụng máy chuyên dụng để chiếu các chùm tia năng lượng cao từ bên ngoài vào vị trí khối u cũng như các hạch ở cổ. Trong đó, hai phương pháp xạ trị ngoài phổ biến là:

  • Xạ trị điều biến cường độ chùm tia (Intensity Modulated Radiation Therapy – IMRT)
  • Xạ trị lập thể (Stereotactic radiation therapy)

Xạ trị trong (xạ trị áp sát)

Xạ trị trong được thực hiện bằng cách đưa các thanh, hạt hoặc dây có chứa chất phóng xạ trực tiếp vào vị trí khối u ở vòm họng hoặc khu vực gần đó. Phương pháp này thường được dùng để điều trị ung thư vòm họng tái phát nhưng cũng có thể được chỉ định trong điều trị các khối u ban đầu.

Điều trị ung thư vòm họng giai đoạn đầu
Xạ trị là phương pháp chính để điều trị ung thư vòm họng giai đoạn đầu.

Bên cạnh xạ trị, một số phương pháp khác cũng có thể được sử dụng bổ trợ để điều trị ung thư vòm họng trong một số trường hợp. Các phương pháp này bao gồm: 

  • Hóa trị: Các thuốc hóa trị sẽ ngăn chặn sự phân chia hoặc tiêu diệt tế bào ung thư. Thông thường, hóa trị sẽ được dùng cùng một lúc với xạ trị, gọi là hóa xạ đồng thời, để giúp nâng cao hiệu quả điều trị.
  • Liệu pháp miễn dịch: Bằng cách cải thiện sức mạnh của hệ miễn dịch, các thuốc này sẽ “tận dụng” khả năng phòng vệ tự nhiên của cơ thể để chống lại ung thư.
  • Phẫu thuật: Trên thực tế, phẫu thuật ít được sử dụng để điều trị ung thư vòm họng do khu vực này khó tiếp cận và nằm gần các dây thần kinh sọ cũng như mạch máu. Tuy nhiên, đôi khi, bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật để loại bỏ các hạch bạch huyết ở cổ.
  • Chăm sóc hỗ trợ: Ung thư và các phương pháp điều trị có thể gây ra nhiều tác động đối với thể chất và tinh thần của người bệnh. Theo đó, phương pháp chăm sóc hỗ trợ và giảm nhẹ sẽ giúp cải thiện các triệu chứng khó chịu cũng như nâng cao chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân. 

Ung thư vòm họng giai đoạn I sống được bao lâu?

Việc bệnh nhân ung thư vòm họng giai đoạn I sống được bao lâu còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như vị trí, kích thước khối u, sức khỏe tổng thể, khả năng đáp ứng điều trị của bệnh nhân… Tuy nhiên nhìn chung, tiên lượng sống của người bệnh ở giai đoạn này tương đối khả quan.

Để dự đoán tiên lượng sống, các bác sĩ thường sử dụng tỷ lệ sống sót tương đối sau 5 năm chẩn đoán bệnh làm giá trị tham khảo. Theo đó, với ung thư vòm họng giai đoạn đầu, tỷ lệ sống sót tương đối sau 5 năm của bệnh nhân có thể lên đến 82%. 

Hy vọng qua những thông tin trên, bạn đã hiểu hơn về ung thư vòm họng giai đoạn đầu cũng như biết cách nhận biết bệnh để giúp tăng cơ hội điều trị và kéo dài tuổi thọ. Trong trường hợp nghi ngờ mắc bệnh, bạn cần bình tĩnh và nên đến bệnh viện sớm để được bác sĩ kiểm tra, đưa ra kết luận chính xác nhất. 

Chia sẻ
Các thông tin trên được chia sẻ bởi Bowtie Việt Nam. Các nội dung này chỉ mang tính chất tham khảo. Trong mọi trường hợp, Bowtie không chịu trách nhiệm về bất kỳ tổn thất hoặc thiệt hại nào, dù là trực tiếp hay gián tiếp, liên quan đến việc truy cập và sử dụng nội dung của Bowtie.

Bài viết liên quan

Ung thư vú giai đoạn II (giai đoạn 2) có nguy hiểm không? Ung thư vú giai đoạn II (giai đoạn 2) có nguy hiểm không?
Ung thư

Ung thư vú giai đoạn II (giai đoạn 2) có nguy hiểm không?

Ung thư phổi giai đoạn cuối - mối nguy hiểm không thể xem nhẹ Ung thư phổi giai đoạn cuối - mối nguy hiểm không thể xem nhẹ
Ung thư

Ung thư phổi giai đoạn cuối - mối nguy hiểm không thể xem nhẹ

Bệnh ung thư vú có nguy hiểm không? Bệnh ung thư vú có nguy hiểm không?
Ung thư

Bệnh ung thư vú có nguy hiểm không?

Các chuyên mục khác

Email

Liên hệ chung
hello@bowtie.com.vn
Liên hệ về truyền thông
media@bowtie.com.vn
Liên hệ hợp tác
partners@bowtie.com.vn

© 2024 Bản quyền thuộc Bowtie Vietnam Company Limited.

Trình duyệt của bạn đã xảy ra lỗi. Để trải nghiệm tốt hơn, vui lòng nâng cấp hoặc thay đổi trình duyệt khác. OK