Ung thư
Ung thư

Những điều bạn cần biết về ung thư vòm họng giai đoạn cuối

Ung thư vòm họng giai đoạn cuối là giai đoạn tiến triển nhất của bệnh. Trong đó, các tế bào ung thư đã xâm lấn hoặc di căn đến nhiều vị trí trong cơ thể. Dù cơ hội chữa khỏi thường không còn nhưng việc điều trị ung thư vòm họng giai đoạn cuối sẽ giúp nâng cao chất lượng cuộc sống và kéo dài tuổi thọ cho bệnh nhân.
Biên tập bởi Bowtie Việt Nam
Tham vấn y khoa/chuyên môn bởi Bác sĩ CKI Trần Kiến Bình
Ngày đăng 2023-03-30
Cập nhật ngày 2023-05-12
Nội dung chính
Ung thư vòm họng giai đoạn cuối là gì?Bệnh nhân ung thư vòm họng giai đoạn cuối có biểu hiện ra sao?Chẩn đoán giai đoạn cuối của ung thư vòm họng bằng cách nào?Cách chữa ung thư vòm họng giai đoạn cuốiUng thư vòm họng giai đoạn cuối sống được bao lâu?Hướng dẫn người thân chăm sóc bệnh nhân ung thư vòm họng giai đoạn IV
Những điều bạn cần biết về ung thư vòm họng giai đoạn cuối

Vậy ung thư vòm họng giai đoạn cuối có đặc điểm gì? Biểu hiện, dấu hiệu và triệu chứng của ung thư vòm họng giai đoạn cuối ra sao? Người bệnh có thể sống được bao lâu? Mời bạn cùng Bảo hiểm Bowtie tìm hiểu thêm trong bài viết này nhé.

Ung thư vòm họng giai đoạn cuối là gì?

Ung thư vòm họng giai đoạn cuối (giai đoạn IV) xảy ra khi tế bào ác tính từ vòm họng đã lây lan ra các vị trí khác như hộp sọ, hạ hầu, tuyến nước bọt…, thậm chí di căn đến nhiều cơ quan xa trong cơ thể như gan, phổi, não, xương,… Cụ thể, ung thư vòm họng giai đoạn IV được chia thành 2 giai đoạn nhỏ với các đặc điểm như sau:

  • Giai đoạn IVA: Bệnh nhân được xác định mắc ung thư vòm họng giai đoạn IVA nếu thuộc một trong hai trường hợp sau:
    • Khối u đã phát triển vào hộp sọ và/hoặc dây thần kinh sọ, vùng hạ hầu, tuyến nước bọt chính, mắt hoặc một số mô lân cận. Tế bào ung thư cũng có thể lan đến các hạch bạch huyết ở cổ hoặc sau cổ họng nhưng không có hạch nào lớn hơn 6cm. Mặc khác, tế bào ác tính chưa di căn đến các cơ quan xa.
    • Tế bào ung thư đã lan đến các hạch bạch huyết với kích thước hạch lớn hơn 6cm hoặc nằm ở vùng vai ngay dưới xương đòn nhưng chưa di căn đến các cơ quan xa trong cơ thể. 
  • Giai đoạn IVB: Tế bào ung thư đã di căn đến các cơ quan xa trong cơ thể, thường là xương, phổi, não và gan.

Các giai đoạn của ung thư vòm họng:

Bệnh nhân ung thư vòm họng giai đoạn cuối có biểu hiện ra sao?

Dấu hiệu và những biểu hiện của ung thư vòm họng giai đoạn cuối thường rất rõ ràng. Bệnh nhân có thể gặp phải các vấn đề tại vùng họng và đầu cổ như:

  • Họng đau rát, sưng đỏ, từ đó gây khó khăn trong quá trình ăn uống, thậm chí cả khi thở
  • Khàn giọng, mất tiếng, nói chuyện khó khăn
  • Ho kéo dài, dai dẳng và có thể ho ra máu
  • Ù tai, nghe không rõ, nhiễm trùng tai kèm mủ và mùi hôi
  • Sưng hạch bạch huyết ở nhiều vị trí, đặc biệt là hạch cổ và góc hàm 
  • Nghẹt mũi, đau mũi, khó hít thở, chảy máu cam
  • Đau đầu, đau nửa đầu thường xuyên 

Ngoài các dấu hiệu ở vùng họng và đầu cổ, một vài triệu chứng ung thư vòm họng giai đoạn cuối khác mà người bệnh có thể gặp ở các vị trí khối u di căn đến, chẳng hạn như:

  • Di căn xương: Đau nhức xương, yếu ở tay chân, giới hạn vận động, gãy xương bệnh lý,…
  • Di căn phổi: Ho dai dẳng, ho ra máu, khó thở, hụt hơi, đau tức ngực, tràn dịch màng phổi
  • Di căn gan: Đau ở vùng hạ sườn phải hoặc thượng vị, ăn mất ngon, sốt, ngứa da, vàng da, vàng củng mạc mắt, cổ trướng…
  • Di căn não: Đau đầu, nôn mửa, chóng mặt, yếu liệt nửa người, co giật, nhìn mờ…

Thêm vào đó, bệnh nhân cũng có thể gặp phải các triệu chứng toàn thân như mệt mỏi, suy nhược, sụt cân nhanh…

Biểu hiện ung thư vòm họng giai đoạn cuối
Bệnh nhân ung thư vòm họng giai đoạn cuối có thể cảm thấy mệt mỏi, suy nhược nghiêm trọng.

Chẩn đoán giai đoạn cuối của ung thư vòm họng bằng cách nào?

Trên thực tế, bệnh nhân bị ung thư vòm họng giai đoạn cuối di căn thường không khó để chẩn đoán bởi lúc này, các khối u đã phát triển với kích thước lớn và dễ dàng được quan sát thấy qua các kiểm tra, xét nghiệm. Theo đó, các phương pháp thường được sử dụng để chẩn đoán ung thư vòm họng nói chung và ung thư vòm họng giai đoạn IV nói riêng là:

  • Khám lâm sàng
  • Nội soi tai mũi họng hoặc nội soi đường tiêu hóa trên
  • Sinh thiết u hoặc hạch
  • Các phương pháp xét nghiệm hình ảnh như chụp cắt lớp vi tính (CT), chụp cộng hưởng từ (MRI), chụp cắt lớp phát xạ positron (PET), siêu âm, chụp X-quang ngực, xạ hình xương…
  • Xét nghiệm máu, kiểm tra chức năng gan, thận, xét nghiệm tìm kiếm EBV và HPV
  • Kiểm tra thính lực
  • Khám thần kinh

Cách chữa ung thư vòm họng giai đoạn cuối

Việc điều trị ung thư vòm họng giai đoạn cuối thường tập trung tiêu diệt các tế bào ung thư trong cơ thể để giúp người bệnh kéo dài tuổi thọ. Các phương pháp có thể được sử dụng trong điều trị ung thư vòm họng giai đoạn cuối là:

  • Xạ trị: Phương pháp điều trị này sử dụng các chùm tia năng lượng cao để làm chậm sự phát triển hoặc tiêu diệt tế bào ung thư. Theo các chuyên gia y tế, tế bào ung thư vòm họng đặc biệt nhạy cảm với bức xạ nên đây là phương pháp được sử dụng phổ biến trong điều trị ung thư vòm họng nói chung và ung thư vòm họng giai đoạn cuối nói riêng.  
  • Hóa trị: Với phương pháp này, bác sĩ sẽ sử dụng các loại thuốc độc tế bào  để tiêu diệt tế bào ung thư. Trong đa số các trường hợp, hóa trị được dùng kết hợp với xạ trị để tăng hiệu quả của xạ trị (hóa xạ trị đồng thời). 
  • Phẫu thuật: Trên thực tế, phẫu thuật không phải là lựa chọn điều trị chính cho ung thư vòm họng do đây là khu vực khó tiếp cận. Phẫu thuật đôi khi được chỉ định khi bệnh nhân không đáp ứng với xạ trị. Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể thực hiện phẫu thuật để loại bỏ các hạch bạch huyết mà tế bào ung thư đã xâm lấn đến. 
  • Liệu pháp nhắm mục tiêu: Một số loại thuốc nhắm mục tiêu cũng có thể được sử dụng để điều trị ung thư vòm họng giai đoạn cuối, thường gặp nhất là cetuximab. Điều trị bằng thuốc nhắm mục tiêu thường được kết hợp với hóa trị hoặc xạ trị.
  • Liệu pháp miễn dịch: Các thuốc miễn dịch sẽ tăng cường hoạt động của hệ miễn dịch để giúp hệ thống này tìm kiếm và tiêu diệt tế bào ung thư. Tuy nhiên hiện nay, phương pháp này vẫn chủ yếu là thử nghiệm.

Thông thường, bác sĩ sẽ kết hợp nhiều phương pháp điều trị với nhau để xây dựng phác đồ phù hợp cho từng bệnh nhân. Theo đó, phác đồ điều trị ung thư vòm họng giai đoạn cuối có thể bao gồm:

  • Hóa trị trước (hóa trị cảm ứng), sau đó hóa xạ trị đồng thời
  • Hóa xạ trị đồng thời, sau đó hóa trị bổ sung nếu cần thiết
  • Xạ trị đơn thuần
  • Xạ trị, sau đó phẫu thuật để loại bỏ các hạch bạch huyết chứa tế bào ung thư ở cổ
  • Hóa trị đơn thuần
  • Hóa trị kết hợp với liệu pháp nhắm mục tiêu hoặc liệu pháp miễn dịch

Ung thư vòm họng giai đoạn cuối sống được bao lâu?

Việc bệnh nhân ung thư vòm họng giai đoạn cuối sống được bao lâu còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như phương pháp điều trị, khả năng đáp ứng của người bệnh, sức khỏe thể chất và tinh thần…. Tuy nhiên, theo Hiệp hội Ung thư Mỹ, tỷ lệ bệnh nhân ung thư vòm họng giai đoạn cuối sống sót sau 5 năm chẩn đoán bệnh là 49%.

Hướng dẫn người thân chăm sóc bệnh nhân ung thư vòm họng giai đoạn IV

Ung thư vòm họng giai đoạn IV và các phương pháp điều trị ung thư vòm họng có thể gây ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe thể chất cũng như tinh thần của người bệnh. Đặc biệt, khi bệnh đã tiến triển đến giai đoạn cuối, người bệnh dễ rơi vào trạng thái suy kiệt cũng như tinh thần suy sụp. Lúc này, người thân và gia đình cần biết cách chăm sóc cả về thể chất, tinh thần cũng như chế độ dinh dưỡng để giúp bệnh nhân khỏe mạnh và lạc quan nhằm chống chọi với bệnh.

Chăm sóc bệnh nhân ung thư vòm họng giai đoạn cuối
Gia đình cần chăm sóc cả về thể chất, tinh thần và dinh dưỡng cho người bệnh ung thư vòm họng giai đoạn cuối.

Chăm sóc về mặt thể chất

Người bệnh ung thư vòm họng giai đoạn cuối có thể gặp phải nhiều triệu chứng của bệnh cũng như tác dụng phụ của các phương pháp điều trị, đặc biệt là tình trạng đau. Để giảm đau cho bệnh nhân, người thân hãy trao đổi với bác sĩ về việc sử dụng thuốc. Ngoài ra, gia đình có thể thực hiện xoa bóp hoặc khuyến khích bệnh nhân tắm nước ấm để làm dịu cảm giác nhức mỏi, đau đớn. 

Trong quá trình điều trị, bệnh nhân còn gặp phải các tác dụng phụ khác như mệt mỏi, yếu cơ, lo âu. Để giảm bớt tình trạng này và giúp cơ thể khỏe mạnh hơn, người bệnh có thể thực hiện các bài tập vận động nhẹ nhàng như thiền, yoga… 

Ngoài ra, gia đình cũng nên giúp người bệnh tuân thủ hướng dẫn điều trị của bác sĩ như uống thuốc đúng liều, đi hóa trị, xạ trị đúng lịch… Đồng thời, hãy nhớ đưa bệnh nhân đi tái khám theo đúng hẹn với bác sĩ nhé.

Chăm sóc dinh dưỡng

Bệnh nhân ung thư vòm họng giai đoạn cuối có thể cảm thấy chán ăn, mệt mỏi, kiệt sức, từ đó dẫn đến suy kiệt nhanh chóng. Lúc này, người thân và gia đình cần bổ sung đầy đủ dinh dưỡng để giúp người bệnh có thêm sức khỏe chống chọi với bệnh tật. 

Vậy bệnh nhân ung thư vòm họng giai đoạn cuối nên ăn gì? Theo đó, người thân nên bổ sung thêm các loại thực phẩm giàu protein, thực phẩm chứa nhiều vitamin A, trái cây tươi và rau xanh vào chế độ ăn uống cho người bệnh. Đồng thời, hãy hạn chế đồ ăn nhanh, đồ ăn chứa nhiều dầu mỡ và gia vị, thịt đỏ, dưa muối, đồ nướng, đồ ngọt, rượu bia, chất kích thích…

Ngoài ra, người thân cũng hãy lưu ý một số vấn đề sau:

  • Nên nấu đồ ăn chín, mềm để giúp bệnh nhân dễ nuốt 
  • Thay đổi đa dạng các món ăn cho bệnh nhân
  • Chia nhỏ các bữa ăn trong ngày thay vì 3 bữa chính
  • Ưu tiên nấu ăn theo sở thích và khẩu vị của người bệnh để giúp họ cảm thấy ngon miệng hơn

Chăm sóc tinh thần

Tinh thần là một yếu tố rất quan trọng mà người thân và gia đình cần quan tâm trong quá trình chăm sóc bệnh nhân ung thư vòm họng giai đoạn cuối. Ở giai đoạn này, người bệnh có xu hướng suy nghĩ rất tiêu cực, lo lắng, sợ hãi hoặc đôi khi rơi vào trầm cảm. Nhiều người bệnh cũng dễ nổi nóng và không kiểm soát được cảm xúc, từ đó cáu gắt với những người xung quanh.

Lúc này, người thân cần cảm thông và thường xuyên trò chuyện với người bệnh. Đừng nên để người bệnh ở một mình bởi như vậy dễ dẫn đến bi quan, tuyệt vọng và nghĩ quẩn. Ngoài ra, gia đình cũng nên khuyến khích bệnh nhân tham gia vào các hội nhóm hoặc các hoạt động cộng đồng để có thêm người chia sẻ.   

Trên đây là những điều bạn cần biết về ung thư vòm họng giai đoạn cuối. Dù không còn cơ hội chữa khỏi nhưng việc điều trị sẽ giúp nâng cao chất lượng cuộc sống và kéo dài tuổi thọ cho bệnh nhân. Trong giai đoạn này, người thân và gia đình nên ở bên cạnh động viên cũng như chăm sóc về thể chất và dinh dưỡng để người bệnh có thêm sức khỏe, năng lượng chống chọi với bệnh tật. 

Chia sẻ
Các thông tin trên được chia sẻ bởi Bowtie Việt Nam. Các nội dung này chỉ mang tính chất tham khảo. Trong mọi trường hợp, Bowtie không chịu trách nhiệm về bất kỳ tổn thất hoặc thiệt hại nào, dù là trực tiếp hay gián tiếp, liên quan đến việc truy cập và sử dụng nội dung của Bowtie.

Bài viết liên quan

Ung thư gan: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị Ung thư gan: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
Ung thư

Ung thư gan: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Ung thư xương: Tìm hiểu loại ung thư có tốc độ di căn nhanh Ung thư xương: Tìm hiểu loại ung thư có tốc độ di căn nhanh
Ung thư

Ung thư xương: Tìm hiểu loại ung thư có tốc độ di căn nhanh

Mách bạn 9 cách phòng tránh ung thư vú đơn giản mà hiệu quả Mách bạn 9 cách phòng tránh ung thư vú đơn giản mà hiệu quả
Ung thư

Mách bạn 9 cách phòng tránh ung thư vú đơn giản mà hiệu quả

Các chuyên mục khác

Email

Liên hệ chung
hello@bowtie.com.vn
Liên hệ về truyền thông
media@bowtie.com.vn
Liên hệ hợp tác
partners@bowtie.com.vn

© 2024 Bản quyền thuộc Bowtie Vietnam Company Limited.

Trình duyệt của bạn đã xảy ra lỗi. Để trải nghiệm tốt hơn, vui lòng nâng cấp hoặc thay đổi trình duyệt khác. OK