Sản phụ khoa
Sản phụ khoa

Bà bầu bị đau họng: Nguyên nhân và mẹo chữa trị không ảnh hưởng thai nhi

Đau họng thường không phải là dấu hiệu của các bệnh lý nghiêm trọng nhưng có thể khiến mẹ bầu khó chịu, mệt mỏi trong thai kỳ. Tìm hiểu nguyên nhân khiến bà bầu bị đau họng cũng như cách giảm đau họng an toàn tại nhà sẽ giúp bạn khắc phục sớm tình trạng này mà không gây ảnh hưởng đến thai nhi.
Biên tập bởi Bowtie Việt Nam
Ngày đăng 2023-05-27
Cập nhật ngày 2023-06-01
Nội dung chính
Bà bầu bị đau họng là do đâu?Lúc nào cần lo lắng về tình trạng đau họng khi mang thai?Cách chữa đau rát họng cho bà bầu tại nhà, không ảnh hưởng thai nhi
Bà bầu bị đau họng: Nguyên nhân và mẹo chữa trị không ảnh hưởng thai nhi

Vậy bà bầu bị đau rát cổ họng do đâu? Làm cách nào để trị đau rát cổ họng cho bà bầu mà không ảnh hưởng đến thai nhi? Để tìm hiểu thêm các thông tin hữu ích, mời bạn hãy cùng Bảo hiểm trực tuyến Bowtie tham khảo bài viết sau nhé.

Bà bầu bị đau họng là do đâu?

Việc thay đổi nồng độ hormone trong quá trình mang thai có thể gây ra các vấn đề ở miệng, bao gồm khô miệng, khát nước hoặc đau họng. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, mẹ bầu có thể bị đau rát cổ họng do các nguyên nhân khác, từ nhiễm trùng, dị ứng cho đến trào ngược acid dạ dày. Dưới đây là các nguyên nhân thường gặp nhất gây đau họng khi mang thai: 

Hệ miễn dịch yếu hơn

Khi mang thai, hệ thống miễn dịch tự nhiên của phụ nữ trải qua những thay đổi phức tạp để không gây ảnh hưởng đến thai nhi. Mặc dù không bị ức chế hoàn toàn nhưng hệ miễn dịch sẽ yếu hơn, từ đó khiến bạn dễ bị nhiễm trùng cũng như làm tăng nguy cơ gặp phải các bệnh lý khác có khả năng gây đau họng. 

Nhiễm virus

Bà bầu có thể bị đau họng do nhiễm virus. Theo đó, virus là “thủ phạm” quen thuộc gây viêm họng, cảm lạnh và cúm. Đây đều là những bệnh lý rất thường gặp và có thể ảnh hưởng đến tất cả mọi người. Đặc biệt, phụ nữ có thai dễ bị nhiễm virus hơn do hệ miễn dịch yếu đi trong giai đoạn này. 

Khi nhiễm virus, mẹ bầu sẽ gặp phải nhiều triệu chứng như đau họng, ho, sổ mũi, mệt mỏi… tùy theo loại virus. Thông thường, các bệnh lý như viêm họng, cảm lạnh, cúm do virus có thể tự khỏi trong khoảng 5 – 7 ngày.

Nhiễm vi khuẩn

Nhiễm vi khuẩn cũng là một nguyên nhân có khả năng khiến mẹ bầu bị đau rát cổ họng. Trong đó, bệnh lý thường gặp nhất là viêm họng liên cầu khuẩn. Những dấu hiệu đặc trưng của bệnh bao gồm xuất hiện lớp phủ trắng hoặc đốm trắng ở phía sau cổ họng kèm theo sốt, đau họng, sưng amidan, sưng hạch bạch huyết ở cổ. 

Tiếp xúc với các tác nhân gây kích ứng

Một số tác nhân từ môi trường bên ngoài có khả năng làm kích ứng họng và đường thở của bạn, từ đó gây đau họng. Các tác nhân này thường là phấn hoa, vảy da thú cưng, nấm mốc, khói, bụi bẩn, không khí ô nhiễm…

Hội chứng chảy dịch mũi sau

Các tuyến ở mũi và họng liên tục tạo ra chất nhầy, trung bình khoảng 1 – 2 lít mỗi ngày. Tuy nhiên, vì một nguyên nhân nào đó, chẳng hạn như cảm lạnh, cúm, dị ứng…, cơ thể sẽ sản xuất ra nhiều chất nhầy hơn bình thường. Nếu không được tống xuất ra ngoài, lượng dịch nhầy dư thừa sẽ tích tụ và chảy xuống sau cổ họng, gây ra hội chứng chảy dịch mũi sau. 

Tình trạng này có thể khiến amidan và các mô khác trong cổ họng của bạn sưng lên, dẫn đến cảm giác khó chịu và đau nhức. Hội chứng chảy dịch mũi sau không chỉ khiến bà bầu bị đau họng mà còn gây hôi miệng, khàn giọng, buồn nôn hoặc nôn. 

Trào ngược acid dạ dày

Trào ngược acid dạ dày khiến dịch dạ dày di chuyển ngược lên thực quản. Tình trạng này có thể gây kích ứng và làm tổn thương niêm mạc vùng họng, từ đó khiến mẹ bầu bị đau họng. 

Trên thực tế, tỷ lệ bà bầu bị đau họng do trào ngược acid không hề nhỏ. Sở dĩ như vậy là do nồng độ progesterone có xu hướng tăng lên trong thai kỳ. Loại hormone này đã được chứng minh là có khả năng thư giãn các cơ ở thực quản, giúp thức ăn dễ dàng đi từ miệng, thực quản xuống dạ dày. Tuy nhiên, điều đó cũng đồng nghĩa với việc acid dạ dày sẽ dễ trào ngược trở lại thực quản và vùng họng hơn, từ đó khiến các mẹ bầu dễ bị đau rát cổ họng. 

Bầu bầu có thể bị đau họng do trào ngược acid dạ dày
Bầu bầu có thể bị đau họng do trào ngược acid dạ dày.

Lúc nào cần lo lắng về tình trạng đau họng khi mang thai?

Mặc dù đau họng là triệu chứng của nhiều bệnh lý nhưng đa số chúng thường không quá nghiêm trọng và ít gây ra biến chứng. Tuy nhiên, vì xảy ra trong giai đoạn mang thai nên bạn vẫn cần đặc biệt chú ý đến tình trạng này và hãy đi khám bác sĩ nếu bị đau họng kèm theo các vấn đề sau:

  • Sốt: Bà bầu cần đến bệnh viện thăm khám ngay nếu bị đau họng kèm theo sốt cao từ 38°C trở lên. Tình trạng sốt cao kéo dài có thể gây ảnh hưởng đến thai nhi. 
  • Nghi ngờ cúm: Nếu bạn bị đau họng kèm sốt, ớn lạnh và mệt mỏi nhiều thì đó có thể là dấu hiệu của bệnh cúm. Cúm đặc biệt nguy hiểm đối với phụ nữ mang thai nhưng tin tốt là bệnh có thể được điều trị hiệu quả bằng một số loại thuốc kháng virus cho bà bầu. Nếu nghi ngờ mình bị cúm, bạn nên đi khám ngay.
  • Phát ban: Nếu bà bầu bị đau họng kèm theo phát ban da thì hãy liên hệ ngay với bác sĩ hoặc tới bệnh viện để được thăm khám. Tình trạng phát ban có thể là triệu chứng của nhiều vấn đề nghiêm trọng hơn cần được điều trị y tế. 
  • Nghi ngờ viêm họng liên cầu khuẩn: Nếu cơn đau họng của bạn xảy ra đột ngột, nghiêm trọng và kèm theo tình trạng xuất hiện lớp phủ trắng hoặc đốm trắng ở phía sau cổ họng, bạn có thể bị viêm họng liên cầu khuẩn. Trong trường hợp này, bạn cũng nên sắp xếp thời gian đến bệnh viện sớm. 

Cách chữa đau rát họng cho bà bầu tại nhà, không ảnh hưởng thai nhi

Cơn đau họng có thể khiến nhiều mẹ bầu thấy khó chịu. Tuy nhiên, vì sợ ảnh hưởng đến em bé trong bụng, một số mẹ bầu không muốn dùng quá nhiều thuốc tây. Hiểu được lo lắng đó, Bowtie đã tổng hợp một số cách có thể giúp mẹ bầu giảm nhanh tình trạng đau rát họng tại nhà mà không gây ảnh hưởng đến em bé.

Súc họng bằng nước muối

Súc họng bằng nước muối ấm từ lâu đã được biết đến là một cách có thể giúp giảm tình trạng đau họng. Muối sẽ kéo dịch ra khỏi các mô bị sưng và viêm ở cổ họng, từ đó làm dịu cảm giác khó chịu do đau họng gây ra. Bên cạnh đó, việc súc họng bằng nước muối cũng giúp loại bỏ virus, vi khuẩn và các tác nhân gây kích ứng ra khỏi niêm mạc cổ họng, từ đó giảm nhẹ tình trạng bệnh.

Bạn có thể pha một nửa muỗng cà phê muối vào một cốc nước ấm, sau đó tiến hành súc họng (không nuốt). Duy trì việc súc họng bằng nước muối nhiều lần trong ngày sẽ giúp mẹ bầu giảm đáng kể tình trạng đau họng. 

Bổ sung đủ nước

Nước có thể làm ẩm cổ họng và giảm nhẹ triệu chứng đau họng ở mẹ bầu, đồng thời giúp đảm bảo các hoạt động trao đổi chất của cơ thể diễn ra tốt hơn. Vì vậy, dù gây tiểu nhiều nhưng mẹ bầu vẫn nên bổ sung đủ nước mỗi ngày, đặc biệt khi bị đau họng. 

Uống trà chanh mật ong

Mật ong có đặc tính kháng khuẩn và giúp làm dịu cổ họng bị kích ứng. Trong khi đó, chanh rất giàu vitamin C có khả năng nâng cao đề kháng và giúp bạn chống lại tình trạng nhiễm trùng, một trong những nguyên nhân gây đau rát cổ họng khi mang thai. Theo đó, mẹ bầu nên chuẩn bị và uống trà chanh mật ong ấm để thu được hiệu quả tốt hơn. 

Bài viết liên quan:

Cách giảm tình trạng bà bầu bị đau họng
Thưởng thức 1 tách trà chanh mật ong ấm sẽ giúp mẹ bầu giảm đau họng hiệu quả.

Ngậm kẹo ngậm

Một số loại kẹo ngậm có thể giúp mẹ bầu giảm tình trạng đau họng khi mang thai. Tuy nhiên, bạn nên trao đổi với bác sĩ để lựa chọn được loại kẹo ngậm phù hợp. 

Dùng máy tạo độ ẩm

Tình trạng đau họng có thể nặng hơn nếu mẹ bầu để niêm mạc họng bị khô. Trong trường hợp này, bạn nên trang bị máy tạo độ ẩm để cung cấp thêm ẩm cho không khí. Không khí đủ ẩm sẽ giúp làm dịu cổ họng bị kích ứng và khô rát trong thai kỳ. 

Tránh nói nhiều

Bà bầu bị đau họng nên tránh nói nhiều. Bởi vì việc này sẽ khiến cổ họng phải hoạt động liên tục, từ đó có thể khiến tình trạng đau rát trở nên trầm trọng hơn. 

Dành thời gian nghỉ ngơi nhiều hơn

Đau họng có thể là dấu hiệu của một số bệnh lý phổ biến như viêm họng, cảm lạnh… Dù không quá nguy hiểm nhưng các bệnh lý này sẽ khiến mẹ bầu khó chịu và mệt mỏi. Khi đó, mẹ bầu nên dành nhiều thời gian để nghỉ ngơi nhằm giúp cơ thể và hệ miễn dịch có đủ sức để chống lại các tác nhân gây bệnh. Đồng thời, mẹ bầu cũng hãy cố gắng giữ tinh thần thoải mái, tránh căng thẳng, lo lắng quá mức.

Bà bầu bị đau họng có thể cảm thấy khó chịu hơn người bình thường vì đây là thời điểm vô cùng nhạy cảm. Tuy nhiên, với những mẹo đã được Bowtie chia sẻ ở trên, các mẹ bầu có thể tự giảm đau họng tại nhà một cách vô cùng đơn giản. Trường hợp bị đau họng kèm sốt cao, phát ban hoặc bất kỳ dấu hiệu bất thường nào khác, mẹ bầu nên đến bệnh viện để được bác sĩ thăm khám nhé. 

Chia sẻ
Các thông tin trên được chia sẻ bởi Bowtie Việt Nam. Các nội dung này chỉ mang tính chất tham khảo. Trong mọi trường hợp, Bowtie không chịu trách nhiệm về bất kỳ tổn thất hoặc thiệt hại nào, dù là trực tiếp hay gián tiếp, liên quan đến việc truy cập và sử dụng nội dung của Bowtie.

Bài viết liên quan

Nhận biết 8 dấu hiệu cảnh báo hội chứng  buồng trứng đa nang Nhận biết 8 dấu hiệu cảnh báo hội chứng  buồng trứng đa nang
Sản phụ khoa

Nhận biết 8 dấu hiệu cảnh báo hội chứng buồng trứng đa nang

Vô sinh là gì? Dấu hiệu, cách chẩn đoán và điều trị vô sinh Vô sinh là gì? Dấu hiệu, cách chẩn đoán và điều trị vô sinh
Sản phụ khoa

Vô sinh là gì? Dấu hiệu, cách chẩn đoán và điều trị vô sinh

Bà bầu uống dầu cá omega-3 được không? 7 lợi ích cho mẹ và bé Bà bầu uống dầu cá omega-3 được không? 7 lợi ích cho mẹ và bé
Sản phụ khoa

Bà bầu uống dầu cá omega-3 được không? 7 lợi ích cho mẹ và bé

Các chuyên mục khác

Email

Liên hệ chung
hello@bowtie.com.vn
Liên hệ về truyền thông
media@bowtie.com.vn
Liên hệ hợp tác
partners@bowtie.com.vn

© 2024 Bản quyền thuộc Bowtie Vietnam Company Limited.

Trình duyệt của bạn đã xảy ra lỗi. Để trải nghiệm tốt hơn, vui lòng nâng cấp hoặc thay đổi trình duyệt khác. OK